Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

9384 - Thủ đoạn sàng lọc đảng viên của ông Trọng


Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư đảng CSVN. Ảnh: CafeF
Trần Quốc Vượng, thường trực Ban bí thư (ảnh CafeF)
Trải qua nhiều kỳ hội nghị Trung ương, đảng CSVN đã thừa nhận và nhắc đi nhắc lại nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nhưng gần đây, tự diễn biến nội bộ không còn là nguy cơ mà trở thành chuyện đe dọa trực tiếp cho sự tồn vong của chế độ...
“Một số đảng viên có biểu hiện giao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.” Đó là những gì được đảng đề cập công khai và cũng là mối ưu tư của các lãnh đạo cộng sản hiện nay khi họ muốn duy trì địa vị độc tôn của đảng cộng sản trước những trào lưu đòi thay đổi hướng về dân chủ của người dân Việt.
Hiện nay không khó để nhìn thấy bộ máy cai trị của đảng ngày càng chìm sâu trong nạn tham nhũng, cửa quyền và sự xa lánh của quần chúng bị trị. Vì thế, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh luôn luôn là chuyện hàng đầu của nhóm lãnh đạo.
Qua chỉ thị số 28 của Ban Bí thư ban hành ngày 21/1/2019 về việc sàng lọc đảng viên cho thấy mục tiêu của họ là muốn nâng cao chất lượng đảng viên, lấy lại niềm tin… để có thể tiếp tục duy trì sự sống còn của đảng.
Thế nhưng trong thời buổi cả đảng đang suy thoái trầm trọng, đại đa số đảng viên chạy theo con đường làm giàu bất chính và mâu thuẫn đấu đá nhau vì ăn chia không đồng đều, nên việc Ban Bí thư muốn sàng lọc để giữ lại những viên ngọc quý “vừa hồng vừa chuyên” không khác chuyện mò kim đáy biển. Đây là chuyện mà đảng đã ra sức làm nhưng không làm nổi và thỉnh thoảng được nhắc đi nhắc lại như phương pháp chữa trị ngoài da cho một con bệnh đã lờn thuốc.
Nếu chỉ tính từ năm 1975 sau khi đảng nắm quyền trên cả nước, tình trạng số lượng đảng viên ngày càng tăng cao là điều dễ hiểu. Vì lúc ấy đảng đang trong tình trạng độc chiếm quyền lực, một mình một chợ, không chia xẻ với ai và không ai có khả năng tranh giành với mình. Như Nguyễn Phú Trọng đã từng tự hào “thực tế ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài đảng CSVN có đủ bản lĩnh…và khả năng lãnh đạo đất nước.”
Có đảng tịch là có quyền lợi đi theo và quyền lợi đảng viên tương xứng với chức vụ là điều thật quyến rũ, nên vào đảng là miếng mồi béo bở đối với nhiều người. Còn lý tưởng cộng sản ngày nay là chuyện chỉ còn trên lý thuyết.
Dắt tay nhau trên con đường làm giàu, đảng viên cộng sản chẳng những chia nhau quyền lực chính trị mà còn ăn chia quyền lợi vật chất để cùng tồn tại. Nhưng nguồn lợi do kinh tế thị trường mang lại ngày càng tập trung thành con số khổng lồ, làm nảy sinh ra tình trạng cạnh tranh do chia chác không đồng đều.
Nhìn vào thực tế, ngày nay động cơ vào đảng không phải để đi theo một lý tưởng cao siêu nào đó hay tạo ra môi trường đóng góp tài năng của mình để xây dựng đất nước. Nó hoàn toàn nhắm vào lợi nhuận sẽ kiếm được do chia chác lẫn nhau. Móc ngoặc ăn chia là hình thức thường thấy trong hệ thống cai trị độc quyền mang danh nghĩa xã hội chủ nghĩa này. Hiện tượng đấu đá, suy thoái tư tưởng cũng bắt đầu từ đây.
Với trên 4 triệu đảng viên các cấp, việc sàng lọc theo lệnh Ban Bí thư cũng có nghĩa là loại ra những thành phần không cùng phe nhóm đang cầm quyền và bị gán cho là suy thoái, tham nhũng, biến chất. Cuối cùng chỉ giữ lại những cục sạn lớn cũng là những tay tham nhũng gộc nhưng cùng phe nhóm.
Trước khi bước vào nhiệm kỳ 13 (2021-2026), vấn đề nhân sự được Nguyễn Phú Trọng và toàn ban ráo riết chuẩn bị. Mục đích để củng cố thế lực và giữ vững được vây cánh của mình, bảo đảm cho sự độc chiếm diễn đàn trung ương. Vì thế đích thân Nguyễn Phú Trọng nắm luôn 2 Tiểu ban văn kiện và Tiểu ban nhân sự là tiểu ban quan trọng nhất để điều động, giới thiệu cán bộ “chiến lược” vào bộ máy đảng.
Như vậy từ việc “dựng lò đốt tham nhũng” cho đến chỉ thị “sàng lọc đảng viên” gần đây, được coi như màn cuối cùng mà ông Trọng và phe cánh muốn loại hết đàn em Nguyễn Tấn Dũng còn rơi rớt sau đại hội 12.
Ngày 23/2 tức một tháng sau khi Trần Quốc Vượng ký ban hành chỉ thị 28, vụ bắt giữ Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son như phát pháo lệnh mở màn cho chiến dịch sàng lọc đảng viên. Cho dù được nói là cánh tay đắc lực của Nguyễn Phú Trọng trong đại hội 12, lần này Trọng không thể không hy sinh Trương Minh Tuấn để hoá giải những luồng chỉ trích bất lợi cho mình từ trong nội bộ.
Mặt khác cũng có thể coi đây như lời cảnh báo rõ ràng nhất trực tiếp gởi đến phe nhóm Lê Thanh Hải đang ngồi trên đống lửa trong vụ án Thủ Thiêm. Thông điệp mang ý nghĩa là đảng viên ở bất cứ cấp nào cũng không có thể đứng ngoài cuộc sàng lọc lần này.
Nói cách khác, sàng lọc đảng viên chỉ là một cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng mà thôi. Nhưng nếu làm không khéo chỉ e nó biến thành hai phe đấu đá một mất một còn, trong khi vận may của đảng chẳng còn bao nhiêu thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét