Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

9392 - Đàn áp và vi phạm dưới bề mặt hòa bình


Báo mạng Asia Times vào ngày 28 tháng 2 đăng bài viết của tác giả David Hutt bàn về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đang được che đậy bởi hình ảnh một đất nước hòa bình tổ chức thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn.
Mở đầu bài viết, tác giả David Hutt kể lại cuộc họp giữa ông và nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến trong dịp diễn ra thượng đỉnh Trump- Kim ở Hà Nội. Lúc đầu cuộc hẹn được thống nhất tại một quán bar ở trung tâm thủ đô, nhưng việc an ninh theo dõi anh Nguyễn Chí Tuyến đã khiến họ phải thay đổi nơi gặp gỡ. Vẫn theo lời kể của tác giả David Hutt, anh Tuyến cho biết cơ quan an ninh đã tăng cường giám sát các nhà hoạt động và nhà vận động nhân quyền ở Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Kim-Trump.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho biết từ năm 2011 tới nay, khi có sự kiện lớn nào ở Việt Nam bản thân ông cùng nhiều nhà hoạt động khác đều bị ngăn chặn. Đối với biện pháp này ông có đánh giá:
“Việc họ không cho các nhà bất đồng chính kiến ra khỏi nhà đã phản ánh bộ mặt phía sau ánh hào quang của họ, là thành phố vì hòa bình. Thì tôi muốn hỏi hòa bình cho ai? Và hòa bình như thế nào?”
Trong những ngày qua, các nhà hoạt động nhân quyền trên cả nước đã đăng ảnh và video lên Facebook cho thấy có nhiều nhân viên canh gác tại khu vực nhà của họ.
Không chỉ đối với những nhà hoạt động đang ở Hà Nội, nơi diễn ra Thượng đỉnh, mà ngay cả những người thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở các tỉnh thành phía Nam cũng bị an ninh ngăn chặn ra khỏi nhà, như lời nhà cựu tù chính trị Bùi Hằng ở Vũng Tàu chia sẻ vào ngày 27 tháng 2 như sau:
Khắp trong Nam, ngoài Bắc, các nhà bất đồng chính kiến bị khủng bố, bắt bớ, giam lỏng, giam giữ, bắt cóc… Thậm chí bị bắt giam khi họ ra đường. Ngày hôm qua họ khóa cửa nhốt tôi, không cho tôi ra đường, họ còn đổ keo vô ổ khóa.”
Cảnh sát Việt Nam tại Hà Nội trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai. Ảnh chụp ngày 27/2/2019.
Cảnh sát Việt Nam tại Hà Nội trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai. Ảnh chụp ngày 27/2/2019. AFP
Theo nhà báo David Hutt, có tới 3.000 nhà báo quốc tế đến tại Việt Nam tác nghiệp nhân thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn lần thứ hai diễn ra ở thủ đô Việt Nam trong hai ngày 27 và 28 tháng 2, nhưng hầu hết đều bỏ qua việc chính phủ Hà Nội đang đàn áp phong trào dân chủ. Nhà báo này cho biết những người nhận được thẻ báo chí từ phía Việt Nam bị cấm tuyệt đối đưa tin những vấn đề không liên quan đến thượng đỉnh. Mặc dù trong thực tế có những nhà báo quốc tế chỉ quan sát tình hình Triều Tiên và không mấy quan tâm đến chuyện nội bộ Việt Nam.
Trước nhận xét này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng:
“Có lẽ cũng là chuyện thường thôi, bởi vì chuyện đàn áp nhân quyền, bắt bớ thì thường xuyên ở Việt Nam rồi. Trong khi Tổng thống Trump sang Hà Nội, an ninh canh gác, chặn một số nhà những người hay tham gia các hoạt động xã hội, dân sự. Nhưng mà chuyện canh gác đó thường xuyên rồi, nên người ta cũng không quan tâm, người ta chỉ tập trung vào cuộc họp giữa ông Trump và ông Kim thôi.”
Cho đến nay, kể cả Tổng thống Trump hoặc các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đều không đề cập đến các điều kiện nhân quyền tại Việt Nam. Gặp gỡ với Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thứ Tư, ông Trump chỉ dành những lời khen ngợi cho chủ nhà.
Tuy nhiên, các blogger Việt Nam nhấn mạnh rằng các phóng viên đến thăm không nên quên rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia độc đảng và là một trong những nước đàn áp nhân quyền tồi tệ nhất ở Châu Á.
Trong tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ cho phép Việt Nam chứng minh với toàn thế giới rằng Việt Nam là một nước hòa bình, thân thiện và trật tự.
Nhận xét về phát biểu này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho rằng:
“Dịp này Việt Nam được quảng cáo không mất tiền. Đặc biệt ông Trump khen ông Trọng, khen ông Phúc, khen Việt Nam. Đối với chính quyền Việt Nam mà được ai khen thì sướng lắm, họ phải tuyên truyền ghê gớm lắm. Được Tổng thống Trump khen Việt Nam phát triển, người Việt Nam thân thiện, đồ ăn Việt Nam ngon… các nhà báo cũng khen nên tất cả báo chí, truyền thông (trong nước) suốt ngày nói Việt Nam được khen ngợi, truyền hình ra quốc tế.
Đối với Việt Nam bao giờ cũng thế, cái tốt thì khoe, cái xấu thì che đậy. Chuyện vi phạm nhân quyền đan áp người bất đồng chính kiến, cưỡng đoạt… thì nhiều lắm, thường xuyên. Nên nhiều khi dân quen với cái đó rồi.”
Dẫn lời từ một trang báo mạng trực tuyến, tác giả David Hutt cho rằng cái giá phải trả cho một hình ảnh Việt Nam hòa bình như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất có thể là quyền tự do của những người dám thực thi quyền hiến định của họ, như 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù khắp dải đất chữ S hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét