Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

12901 - Bắc Kinh không thể đi quá xa trong việc trấn áp Hồng Kông


Người biểu tình Hồng Kông đụng độ với cảnh sát tại Nguyên Lãng (Yuen Long) ngày 27/07/2019. REUTERS/Edgar Su

Đã hai tháng đầy biến động ở Hồng Kông kể từ khi dự luật dẫn độ được đề xuất, dù sau đó đã được chính quyền đặc khu rút lại. Làn sóng phản kháng chưa từng có của phong trào dân chủ ở đặc khu bán tự trị ngày càng sôi sục cùng với bạo lực gia tăng. Bắc Kinh nhận thấy cần phải mạnh tay chấm dứt nhanh chóng cuộc khủng hoảng Hồng Kông, nhưng với khuôn khổ hành động nào để can thiệp trấn áp người biểu tình dân chủ ?
Chính quyền đặc khu bán tự trị, theo quy chế “một đất nước hai chế độ”, ở Hồng Kông đang bị đặt dưới sức ép lớn của Bắc Kinh. Từ trước tới nay, bề ngoài Bắc Kinh vẫn để cho chính quyền Hồng Kông tự xử lý các vụ việc liên quan đến phong trào phản kháng, đòi dân chủ ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh này theo nguyên tắc đặc thù và cam kết khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc. Chính quyền Hồng Kông, dù do Bắc Kinh dựng lên và đứng sau giật dây, cho đến giờ vẫn chưa dám thẳng tay dùng vũ lực trấn áp các phong trào biểu tình.
Trong buổi họp báo tại Bắc Kinh hôm qua, phát ngôn viên Văn phòng Liên lạc Trung Quốc, cơ quan đại diện cho chính quyền Trung Quốc tại đặc khu, bà Từ Lộ Dĩnh (Xu Luying) tuyên bố : "Chúng tôi cho rằng, hiện tại, nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền Hồng Kông là trừng phạt các hành động bạo lực và bất hợp pháp, theo pháp luật, nhanh chóng tái lập trật tự và duy trì môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh".
Tuyên bố trên được hiểu như là chỉ thị đối với chính quyền đặc khu hành chính, cụ thể là lãnh đạo Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, dường như bị cho là bất lực trước làn sóng phản kháng. Đồng thời đó cũng là một cảnh cáo với người biểu tình rằng Bắc Kinh có thể sẽ vào cuộc. Điều này khiến giới quan sát lo ngại Bắc Kinh sẽ can thiệp để lập lại trật tự, nhất là khi cách đây không lâu, Hoa Lục đã đánh tiếng, cũng qua văn phòng liên lạc, rằng họ sẵn sàng đưa quân đội để dập tắt biểu tình nếu chính quyền Hồng Kông yêu cầu.
Một khi Bắc Kinh ra tay trấn áp phong trào phản kháng, thì đó chỉ có thể là những biện pháp rất mạnh tay, nếu không muốn nói là khốc liệt, như họ vẫn áp dụng ở Tân Cương, Tây Tạng hay đâu đó ở Hoa Lục mỗi khi nhen nhóm có phong trào đấu tranh ly khai, đòi dân chủ hay phản kháng chế đố. Câu hỏi được đặt ra là phạm vi hành động của Bắc Kinh sẽ thế nào ở vùng đất vốn đã có 155 năm sống dưới thể chế dân chủ với người Anh này ?
Trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Les Echos, ông Jean François Huchet, chủ tịch Viện Ngôn Ngữ Phương Đông của Pháp (INALCO), cho rằng quyết tâm của Bắc Kinh muốn tái lập trật tự nhanh chóng ở Hồng Kông có những mâu thuẫn trong phạm vi hành động. Theo ông Huchet, "Một mặt chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể tỏ ra quá yếu. Mặt khác ông cũng không thể đi quá xa trong việc trấn áp khiến có thể làm tổn hại đến hình ảnh của chế độ Bắc Kinh, cũng như chế độ ở Hồng Kông".
Bốn mươi năm sau, hình ảnh một chế độ độc tài tàn ác sẵn sàng điều chiến xa vào quảng trường Thiên An Môn dìm người biểu tình ôn hòa trong bể máu vẫn còn chưa phai trong tâm trí người dân Trung Quốc, cũng như cả thế giới.
Việc đưa quân đội vào làm nhiệm vụ trấn áp biểu tình là một hạ sách chỉ có thể coi như là một giả thiết, dù Hiến Pháp của đặc khu bán tự trị này cho phép làm điều đó. Theo chuyên gia Jean-François Huchet, "điều chiến xa vào Hồng Kông để đè bẹp phong trào phản kháng sẽ dẫn đến một thảm họa kinh khủng. Bắc Kinh chỉ có thể dùng để răn đe".
Hăm dọa không thôi thì chưa chắc gì làm phong trào lùi bước. Cứ nhìn quyết tâm của những người biểu tình họ trước vũ lực của cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua thì thấy. Còn một khả năng khác, theo ông Huchet, đó là can thiệp trong hậu trường, trấn áp từ trong trứng nước, tức là xác định những người tổ chức rồi cho bắt bớ hàng loạt...Nhưng điều này chỉ có thể làm được với hệ thống luật pháp mù mờ không rõ rằng ở Hoa Lục, chứ khó có thể áp dụng với Hồng Kông, nơi ít nhiều vẫn còn có tự do ngôn luận và truyền thông cũng như hệ thống tư pháp tương đối độc lập.
Còn hai tháng nữa đến ngày 1/10, Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Thật khó có thể tưởng tượng được Bắc Kinh có thể tổ chức linh đình ngày lễ trọng đại của chế độ Cộng sản, trong khi mà ở Hồng Kông, người dân vẫn đấu tranh đòi dân chủ. Đó có thể là lý do giải thích vì sao mà Bắc Kinh nôn nóng muốn giải quyết sớm khủng hoảng Hồng Kông qua những thông điệp cứng rắn. Nhưng dùng vũ lực thái quá để trấn áp biểu tình sẽ chỉ càng làm cho người Hồng Kông cảm thấy bị áp bức từ Bắc Kinh và càng có thêm thiện cảm với phong trào dân chủ ở vùng đất thuộc địa cũ của Anh này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét