Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

12906 - Tư duy chính trị của người phương Tây vs người Việt

Tham gia các diễn đàn ‘phản động’ trong nước và ngoài nước một thời gian dài, tôi thấy có vài điểm khác biệt trong tư duy chính trị của người Phương Tây và Việt Nam. Đây là một điều ít ai để ý hoặc nhắc đến. Nó giúp giải thích vì sao Phương Tây lại sinh ra các nền dân chủ tự do, còn Việt Nam và những nước Khổng Giáo thì lại có xu hướng độc tài.
Sau đây là những sự khác biệt:
1. Người Phương Tây tập trung vào chính sách. Người Việt Nam sùng bái lãnh tụ.
2. Người Phương Tây coi chính trị là công việc. Người Việt Nam coi chính trị là một điều cao thượng và đạo đức.
3. Người Phương Tây chuyên nghiệp hoá hoạt động. Người Việt Nam ghét ai kiếm tiền từ chính trị.
4. Người Phương Tây coi chính trị là trò chơi marketing, tài chính và luật pháp. Người Việt Nam coi nó là hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
5. Người Phương Tây tôn trọng sự khác biệt, vì hai bên đều cùng chí hướng chỉ khác quan điểm. Người Việt Nam tung hô những ai đồng ý với, còn những ai bất đồng quan điểm thì sẽ chửi và chửi.
Nhưng tôi xin phân tích hai điểm lớn và quan trọng nhất.
1 - NGƯỜI PHƯƠNG TÂY TẬP TRUNG VÀO CHÍNH SÁCH, NGƯỜI VIỆT NAM TRÔNG CHỜ LÃNH TỤ - Khi người Phương Tây bàn về chính trị thì chủ yếu họ quan tâm về đường lối, chính sách và tư tưởng để làm sao sử dụng nó trong đời sống. Chính trị là một dụng cụ để thay đổi xã hội theo phương hướng nào đó. Khi đã có chính sách thì họ ‘cử’ một người đại diện để thực hiện nguyện vọng đó. Các chính trị gia và những nhà hoạt động chỉ những người đáp ứng nhu cầu của cử tri. Mục đích là thiết lập một nền tảng, dùng nó đó để phát triển. Cá nhân chỉ là người thay mặt mọi người làm. Nếu sau này có ai đó thay thế thì mọi thứ vẫn hoạt động như thường.
Người Việt Nam thì khác rất nhiều, họ thường tập trung vào một cá nhân và coi người đó là lãnh tụ để giải cứu họ. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích vì sao, nhưng có ba yếu tố chính tác động đến tư duy này: [1] Khổng Giáo, vốn dạy dân trung thành với vua và vua phải thương dân. [2] Việt Nam đó giờ là một nước phong kiến, người dân bị nhà vua và quan chức cai trị. Cho nên quan điểm của họ là hãy tìm cho bằng được một vị vua có tâm và có tầm. Và [3] Tư duy nô lệ CNXH đã mang lại. 44 năm sống dưới chế độ độc tài, đa số người dân chưa bao giờ biết dân chủ là gì và mình có thể tác động được gì đến tầng lớp lãnh đạo. Vì không thể bầu chọn cho nên họ trông chờ.
2 - NGƯỜI PHƯƠNG TÂY COI CHÍNH TRỊ LÀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP, NGƯỜI VIỆT COI CHÍNH TRỊ LÀ VIỆC CAO THƯỢNG - Ở các nước Phương Tây, chính trị được coi là một cái nghề và cao hơn là một lĩnh vực công nghiệp trí tuệ. Vì để thực hiện một chiến dịch ở đỉnh cao thì một cá nhân không thể nào làm được. Nó cần một cỗ máy nhân sự từ marketing, tài chính, truyền thông cho đến luật. Nếu không chuyên nghiệp hoá nghề chính trị thì sẽ khó mà thu hút được người tài giỏi nhất.
Các vị trí tuyển dụng cho các think tank, đảng phái hay tổ chức vận động được đăng công khai. Lương trả ở mức thị trường hoặc cao hơn để thu hút chất xám. Đó là vì sao chất lượng hoạt động chính trị ở Phương Tây rất cao và chuyên nghiệp. Nhìn xa hơn thì người ta khuyến khích chuyên nghiệp hoá, tức nghĩ ra cách để kiếm tiền. Nếu bạn là một nhà văn hay nhà báo, thay vì viết không thì hãy lập một kênh truyền thông để kiếm tiền. Vừa duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm và thực hiện chiến dịch lâu dài. Giàu từ công nghiệp chính trị không có gì xấu, nó cũng như bạn đi làm marketing hay truyền thông thôi.
Người Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, họ rất dị ứng với những ai kiếm được tiền từ các hoạt động chính trị của mình. Chính trị trong mắt họ là một cái gì đó quý phái, cao thượng và đạo đức cho nên tuyệt đối không được làm vì tiền. Nếu bạn là một nhà hoạt động dân sự muốn huy động vốn để thực hiện chiến dịch thì ngay lập tức bạn sẽ bị chửi là ‘con buôn chính trị’ hoặc ‘dân chủ giả cầy’. Họ không tôn trọng bạn, cũng không hiểu vì sao bạn lại cần tiền và cũng không bao giờ chấp nhận sự chuyên nghiệp hoá.
Cho nên các hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam rất kém, yếu và chỉ mang tính chất phong trào. Đơn giản vì môi trường và con người không chấp nhận điều nào khác. Vì không chuyên nghiệp hoá nên không có tiền. Không tiền thì không thể nào thực hiện lâu và dài được. Hơn nữa, không coi nó là một ngành công nghiệp thì không thể nào thu hút người tài dấn thân được.
KẾT LUẬN - Đến tận bây giờ, người Việt Nam vẫn trông chờ một lãnh tụ nào đó đến cứu họ. Rồi khi cá nhân đó không thực hiện đúng nguyện vọng, họ thất vọng rồi từ bỏ. Lần này đến lần khác, năm này qua năm nọ, cá nhân này được thay thế bởi cá nhân khác. Vấn đề không nằm ở cá nhân mà với chính sách.
Nhiều người cứ nghĩ chính trị là một cái gì đó xa vời và cao quý, nhưng nó chỉ là một công việc như bao công việc khác. Không ai làm miễn phí đâu, nếu có thì chỉ là kiểu phong trào nhất thời chứ không bao giờ bền vũng được. Đằng sau một nhà lãnh đạo là một cổ máy tài chính và marketing. Đằng sau một đảng phái là hàng loạt tổ chức think tank cạnh tranh với nhau để quảng bá chính sách. Đằng sau cỗ máy chính trị là những con người bình thường. Nếu không chuyên nghiệp hoá thì còn lâu mới làm gì được. Đó là sự khác biệt trong tư duy chính trị của người Phương Tây và Việt Nam.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét