Các hộ dân gốc Việt trên sông Tonle Sap nói với BBC rằng không biết phải sống ra sao khi bị đưa lên bờ
Chúng tôi tới Campuchia sau tròn 40 năm quân đội Việt Nam đến đây chiếm đóng đất nước này (1979 - 2019) chỉ để chứng kiến hàng trăm gia đình ở khu vực Biển Hồ bị đưa lên bờ trong điều kiện tạm bợ. Hàng trăm hộ khác cũng sẽ sớm phải rời làng nổi. Đây là những gia đình thuộc cộng đồng gốc Việt sống trên khu vực Biển Hồ hoặc trên sông Tonle Sap. Họ phần lớn sinh ra tại Campuchia, vốn bị xếp vào những người 'vô chính phủ' do không được công nhận là công dân nước này. Nay họ đối mặt thêm khó khăn mới khi phải dời từ các làng chài đã sinh sống nhiều đời để lên bờ.
Cách thủ đô Phnom Penh hơn hai giờ chạy xe, chúng tôi tới ấp Chong Kok, tỉnh Kampong Chhnang, nằm ven hồ Tonle Sap - một trong những nơi đầu tiên thực hiện kế hoạch di dời của chính phủ Campuchia.
Trên một nền đất trống lơ thơ những bụi cây dại, những chái nhà gỗ nằm phơi dưới nắng tháng Bảy đổ lửa. Khu tạm cư là một vùng đất ngập nước. Nghĩa là tới tháng Mười sắp tới, toàn bộ khu nhà tạm này sẽ là biển nước.
Không điện, không nước sạch, không đường, không trường, không nhà vệ sinh... là điều kiện sống hiện nay của hơn 400 hộ mới lên bờ ở ấp Chong Kok.
Bắt đầu từ ngày 2/10/2018, hơn 400 hộ này bị buộc dọn lên bờ tức thì. "Hộ nào không chịu đi thì chính quyền cho người chặt dây neo, kéo lên bờ," ông Lê Văn Hiền, một người dân trong ấp, kể lại.
Hơn 400 hộ còn lại, hiện đang sống và nuôi cá trên sông, sẽ buộc phải chuyển lên bờ trong thời gian tới.
Tỉnh Kampong Chhnang có khoảng 2.400 gia đình gốc Việt, và là tỉnh có nhiều người Việt thứ hai tại Campuchia. Đa số bà con, dù sinh sống nhiều đời tại đây, vẫn chưa được chính quyền công nhận là công dân Campuchia, chưa được cấp quốc tịch Khmer.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ghép bằng những tấm ván mỏng kê trên các cọc gỗ đã cũ, đi phải nhón chân sợ sập, ông Huỳnh Văn Cầu nói những căn nhà gỗ họ đang ở chính là căn nhà nổi họ từng sống trên sông. Suốt nửa năm qua bị kéo lên cạn, các phao nổi làm bằng tre, gỗ và các thùng phuy nhựa đã nứt toác, hỏng cả.
"Trước đây ở dưới sông, nước rút đến đâu thì nhà nổi theo đến đó. Nhưng nay các đồ nổi như thanh tre, cọc nứa, thùng phuy… do đem lên bờ cả năm, nắng nóng đã nứt hỏng cả mà không ai có tiền mua đồ mới. Chúng tôi không biết mùa nước nổi năm nay tính sao. Mấy căn nhà này chắc sẽ chìm trong nước cả thôi," ông Cầu nói.
Theo người dân ở đây, họ không biết tương lai ra sao bởi chính quyền không cho họ ở nơi tạm cư này lâu. Lý do vì đây là đất ruộng của người Campuchia, chỉ được ở thuê ở tạm một thời gian ngắn. Nhưng đi đâu tiếp theo thì chưa ai được biết.
Nơi này, bà con cho hay, thực ra cũng do 'đấu tranh quyết liệt' mới được ở tạm. Ban đầu, chính quyền địa phương dự định đưa họ vào một khu 40 hectar nằm cách sông Mekong khoảng 5km. Nơi cũng không có một công trình dân sinh tối thiểu nào.
"Ở đây ít ra cũng gần sông, còn chạy lên chạy xuống được. Vẫn đánh bắt cá được. Nếu ở trong khu đất kia chúng tôi không biết lấy gì mà ăn. Đau ốm cũng không biết chạy đi đâu," ông Huỳnh Văn Cầu nói.
Đời sống bấp bênh, dường như phụ nữ là thiệt thòi hơn cả.
Bà Huỳnh Thị Dương, 45 tuổi, nói không có phòng tắm. Phụ nữ muốn tắm thì lấy nước kéo từ sông rồi đứng dội nước ở góc nhà. "Cũng không ai dám xây nhà vệ sinh. Vì nhỡ bỏ tiền xây xong rồi lại phại chuyển đi."
"Đi đâu cũng được, nhưng an cư mới lạc nghiệp. Chúng tôi không phản đối việc chuyển lên bờ. Nhưng chúng tôi mong chính phủ Campuchia nếu chuyển chúng tôi lên đây thì cho chúng tôi ở nguyên chỗ này để chúng tôi yên tâm làm ăn," ông Huỳnh Văn Cầu bày tỏ.
Nhiều gia đình, do không có kế sinh nhai gì trên cạn, đã bỏ nhà. Họ mua, hoặc thuê một cái ghe nhỏ làm nơi tá túc và chèo ra sông kiếm cá ăn hàng ngày, không quay lại bờ.
Chúng tôi vào những căn nhà bỏ hoang không có cửa trong ấp Chong Kok. Bên trong sơ sài chiếc bàn thờ phủ bụi. Vài chiếc xoong, nồi nằm trong xó nhà. Những dây quần áo treo ngoài hiên từ lâu không có người thu lại đã bạc màu, phủ đầy bụi. Dân ở đây nói trong số hơn 400 hộ lên bờ thì hơn một nửa trong số đó đã bỏ nhà.
Chèo thuyền đưa chúng tôi đi thăm làng chài trên dòng Tonle Sap, ông Trần Văn Tấn, 45 tuổi, chỉ cho chúng tôi chiếc ghe chở đầy rau củ là nơi bán hàng và sinh sống của vợ chồng ông. "Nhà nổi tôi bán rồi. Mua chiếc ghe này bán hàng và ở luôn. Lên bờ không biết sống bằng gì," ông Tấn nói.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với phóng viên BBC, đại sứ Việt Nam tại Campuchia, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh cho hay Kampong Chhnang là tỉnh đầu tiên chính quyền Campuchia thí điểm đưa người dân sống trong các làng nổi trên sông Mekong lên bờ.
"Tinh thần của nhà nước Việt Nam là ủng hộ chủ trương bảo vệ môi trường của Nhà nước Campuchia, và bà con gốc Việt cần tuân thủ mọi luật pháp, chính sách của chính quyền sở tại. Việc sinh sống xả thải trực tiếp trên sông nhiều năm qua đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, cuộc sống trên sông nước cũng khá bấp bênh, đặc biệt là điều kiện học tập của trẻ em. Nguồn thuỷ sản cũng dần cạn kiệt và thu nhập ngày càng giảm. Do đó việc ổn định cuộc sống cho bà con là hết sức cần thiết," đại sứ Vũ Quang Minh nói.
"Tuy nhiên chúng tôi mong muốn chính quyền Campuchia có kế hoạch thực hiện việc di dời theo lộ trình từng bước, đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng, nước sạch, xử lý chất thải, trường học, trạm xá, duy trì kế mưu sinh và chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con nếu cần thiết trước khi di dời."
Trong toàn tỉnh Kampong Chhnang có 6 nơi thực hiện chính sách này. Trong đó, đại sứ Vũ Quang Minh cho là có nơi có dấu hiệu lạc quan. Chẳng hạn khu tạm cư cho người Việt tại huyện Boribor, tỉnh Kampong Chhnang. Nơi này, chính quyền đã cho đào một con kênh nối với sông Mekong. Bà con người Việt sẽ được đưa lên sinh sống tại hai bờ con kênh này và vẫn có thể nuôi cá, chèo thuyền ra sông.
Tờ Phnom Penh Post hồi tháng 1/2019 cho hay đã có hơn 3.000 gia đình gốc Việt sống trên Biển Hồ đã tự nguyện tái định cư đến các khu vực cao hơn theo quy hoạch của chính quyền Campuchia. Còn 750 hộ khác đang nuôi cá bè được ở lại nhưng sẽ phải dọn lên bờ sau 6 tháng.
Ông Chhour Chandoeun, tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang, khi đó nói kế hoạch di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một bao gồm xây cơ sở hạ tầng phù hợp cho dân tái định cư. Trong giai đoạn hai, chính quyền Campuchia sẽ hợp tác với các công ty tư nhân chuẩn hóa các bè nuôi cá trên Biển Hồ trước khi biến chúng thành điểm tham quan du lịch có thu phí.
Dù vậy, đại sứ Vũ Quang Minh cho BBC hay rằng sau khi đi thăm bà con tại một số điểm tạm cư, ông có phần lo lắng về tình trạng bà con tại ấp Chong Kok.
"Tôi thấy mô hình đưa dân làng nổi lên bờ ở một số điểm di dời còn nhiều bất cập. Bởi lẽ họ bị đưa lên bờ trong khi trước đó không có dịch vụ an sinh tối thiểu được xây dựng, mặc dù gần đây chính quyền tỉnh có nỗ lực như cung cấp nước sạch, nhưng điểm di dời xa sông trong khi chưa có khả năng thay đổi nghề nghiệp mưu sinh... Đất ở hiện nay bà con tự thuê của tư nhân nhưng cũng chưa rõ có thể thuê lâu dài không và mức giá bao nhiêu."
'Mắc kẹt'
Việc đưa người gốc Việt sống trong các làng nổi trên sông Mekong lên bờ thực ra không phải là chính sách mới của chính quyền Campuchia.
Trong báo cáo của Đại diện Đặc biệt cho Tổng Thư ký LHQ (SRSG) về tình hình nhân quyền tại Campuchia, tác giả Thomas Hammarberg đề cập đến một sự kiện năm 1999 khi chính quyền Phnom Penh quyết định di dời khoảng 700 gia đình gốc Việt sống trên những ngôi nhà nổi trên sông Bassac đến tỉnh Kandal.
"Khi các gia đình Việt Nam bắt đầu đến nơi được chỉ định để tái định cư, chính quyền địa phương đã cố gắng ngăn họ ở lại. Hơn một trăm gia đình tiếp tục xuôi dòng về biên giới Việt Nam, nơi họ cho hay bị ngăn không cho ngược dòng hoặc qua biên giới. Ví dụ này nêu bật tình trạng bấp bênh của người gốc Việt ở Vương quốc Campuchia, khi họ mắc kẹt giữa Campuchia và Việt Nam."
Một nguồn tin giấu tên cho BBC hay việc can thiệp để cải thiện tình trạng của cộng đồng gốc Việt tại Campuchia rất phức tạp và nhạy cảm.
Ngoài sự không thích người Việt đã ăn sâu bám rễ vào tiềm thức dân Campuchia qua nhiều thế hệ, từ đó dẫn đến việc cộng đồng gốc Việt bị phân biệt đối xử, tới việc ngay cả chính phủ Việt Nam được cho là làm gì cũng phải thận trọng để tránh bị xem là "can thiệp vào vấn đề nội bộ" của Campuchia, cho tới việc dường như có sự thiếu đoàn kết ngay trong cộng đồng.
Trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, nhiều người dân ấp Chong Kok cho hay khu đất 40ha nằm cách sông Mekong 5km - nơi ban đầu họ bị 'ép' chuyển vào đó - là của một nhân vật đại diện cho cộng đồng gốc Việt trong tỉnh. Vị này được cho là 'bắt tay' với chức sắc địa phương để bán lô đất cho dân làng chài với giá vài ngàn đô la cho 100 mét vuông đất nền.
"Hiện đã có vài chục hộ có tiền, đã mua. Họ bị lừa. Vì vào trong đó rồi thì chả có gì ngoài những hứa hẹn," một người dân nói.
"Ông ấy trước cũng là một người trong số chúng tôi. Người dân tín nhiệm nên bầu ông ấy lên. Và giờ ông ấy như thế," một người khác nói.
BBC không có điều kiện để kiểm chứng các thông tin này một cách độc lập.
Trong email gửi BBC, Tiến sỹ Christoph Sperfield, một trong hai tác giả của nghiên cứu mang tên "A Boat Without Anchors" về tình trạng pháp lý của cộng đồng gốc Việt tại Campuchia xuất bản năm 2012, nhận định: "Nhìn chung, nhiều người trong các cộng đồng này gặp trở ngại khi nói lên các vấn đề của mình tới những người ra quyết định."
"Cư dân Việt Nam cư trú lâu dài ở Campuchia (tức là những người cư trú tại Campuchia trước năm 1975 và chỉ sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ nhờ họ bị trục xuất về Việt Nam) đã trải qua một loạt các cuộc đàn áp và phân biệt đối xử trong quá khứ.... Trong bối cảnh đó, có thể hiểu rằng nhiều cộng đồng Việt Nam sợ nói ra trước công chúng sự thiệt thòi của họ - và mức độ người dân được tham gia trong quá trình ra quyết định còn thấp."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét