Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

12913 - Nhuộm đỏ năm châu – Kỳ 3: Mỹ – vào hang cọp bắt cọp


Quảng cáo của Tân Hoa Xã tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ. Ảnh: untappedcities.com. Đồ hoạ: Luật Khoa.


Vào năm 2011, khi Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency) thuê một slot quảng cáo lớn ở Quảng trường Thời đại (Times Square) tại New York, một trong những khu vực đặt quảng cáo đắt nhất hành tinh, và ký hợp đồng thuê 20 năm cho tầng trên cùng của một tòa nhà chọc trời ở Broadway để làm trụ sở mới của họ tại Mỹ, nhiều người đã nghĩ, “cuối cùng người Trung Quốc cũng xuất hiện”.
Nếu chỉ nhìn trên bề mặt, đúng là thời điểm đó bộ máy truyền thông khổng lồ, hay “đại ngoại tuyên” (大外宣) như cách gọi của chính quyền TQ, mới xuất hiện ở nơi được xem là trung tâm, biểu tượng của thế giới tự do.
Giống như một trận đấu cờ tướng, cuối cùng họ cũng kéo quân sang bên kia sông.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh không chơi cờ tướng. Họ chơi cờ vây.
Đa phần các học giả nghiên cứu đều khẳng định cờ tướng, dù có tên gọi là “Chinese chess” (cờ Trung Quốc), giống như cờ vua, đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. 
Cờ vây (Go) mới được xem là có nguồn gốc từ TQ.
Trong cờ tướng (và cờ vua), việc bày binh bố trận khá trực diện, chỉ sau vài nước là có thể bắt đầu tấn công quân tướng (vua) để định thắng thua. Trên bàn cờ vây, chỉ có một loại quân cờ, và mục đích cuối cùng không phải là tấn công tiêu diệt đối thủ. 
Các quân cờ vây được đặt để thâm nhập và chiếm giữ.
Chỉ nhìn vào một góc trên bàn cờ vây, người ta sẽ không biết được dụng ý của quân cờ. Chỉ khi nhìn toàn bộ bàn cờ rộng lớn mới thấy được các bước đi, từng quân cờ tại từng vị trí với ý nghĩa của nó. Và một khi các quân cờ đã được bố trí đúng lúc đúng chỗ, trận chiến thực sự mới bắt đầu.
Các ván cờ vây vì vậy thường dài hơn nhiều những ván cờ tướng, cờ vua.
Ván cờ thâm nhập của TQ cũng là câu chuyện (sẽ còn) trường kỳ.
Vào cuối tháng 10/2018, một báo cáo dày công từ các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về TQ tại Viện Hoover đã vẽ ra một bức tranh, vừa chi tiết vừa tổng thể, về các hoạt động thâm nhập và gây ảnh hưởng của TQ tại Mỹ trong suốt nhiều thập niên qua.
Các dấu chân, hay quân cờ, của TQ xuất hiện ở khắp ngóc ngách tại đất nước (được nhiều người xem là) tự do nhất thế giới. 
Họ có các mối quan hệ mật thiết và kín đáo với những quan chức liên bang, với các nghị sĩ quốc hội. Họ thiết lập quan hệ và thỏa thuận riêng với nhiều bang, nhiều thành phố. Họ dùng các tổ chức “mặt trận” tìm cách kiểm soát cộng đồng người gốc Hoa. Họ giám sát nhất cử nhất động của các sinh viên TQ. Họ dùng tiền thu phục những nhóm nghiên cứu (think tank) để tạo ảnh hưởng đến cộng đồng. Họ bước vào trận chiến thông tin từ khắp ngả, vỗ thẳng mặt, đánh từ bên hông, và âm thầm úp từ phía sau. Họ gây áp lực, biến các doanh nghiệp thành đồng minh, thậm chí là công cụ. Và họ đánh cắp tất cả những phát minh sáng tạo nào mà không thể mua được bằng tiền.

Thấy Hoa, bắt quàng một rọ

Mỹ là nước nằm ngoài châu Á có cộng đồng người gốc Hoa đông nhất.
Có khoảng năm triệu người gốc Hoa ở Mỹ, bao gồm những người di cư từ TQ, Đài Loan, Hong Kong, và cả những người sinh ra tại Mỹ. 
Bất kể nguồn gốc của họ từ đâu, sinh ra ở chỗ nào, có phải là công dân nước khác hay không, đối với chính quyền Bắc Kinh, họ đều là “đồng bào”, đều gắn bó với “Tổ quốc”, đều là “Viêm Hoàng tử tôn” (tương đương với cách nói “con Rồng cháu Tiên” của Việt Nam).
Đặc biệt trong thời kỳ của Chủ tịch TQ hiện tại Tập Cận Bình, tất cả họ đều phải có nghĩa vụ biến “giấc mơ Trung Hoa” trở thành hiện thực.
Để tập hợp được lực lượng những “đồng bào máu mủ” này, chính quyền Bắc Kinh lập ra ma trận các loại “mặt trận” khác nhau.
Chịu trách nhiệm chính là “Văn phòng Kiều vụ Trung Quốc” (OCAO) cùng những tổ chức dưới vỏ bọc NGO (phi chính phủ) như “Hội Xúc tiến Thống nhất Hòa bình Trung Quốc”, “Hiệp hội Giao lưu Hải ngoại Trung Quốc”, “Hiệp hội Hữu nghị Hải ngoại Trung Quốc”, các “hiệp hội thương nghiệp”, “phòng xúc tiến thương mại” … tất cả đều nằm dưới sự chỉ đạo của “Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất” (United Front Work Department) cùng các cơ quan khác, và thuộc sự quản lý của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ. 

Một buổi lễ hữu nghị hoành tráng của các tổ chức, hội đoàn Trung Hoa ở Úc. Ảnh: Queensland Chinese Association of Scientists and Engineers
Những người đứng đầu các mặt trận dưới vỏ bọc NGO này đều là các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản TQ.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả các tổ chức này là huy động sự ủng hộ của những người gốc Hoa hải ngoại, khiến họ chấp nhận tính chính danh, chấp thuận vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản đối với đất nước TQ và toàn bộ những người gốc Hoa.
Các tổ chức này thực hiện những hoạt động theo dõi, kiểm soát, khống chế, thậm chí đe dọa những cá nhân tổ chức chống lại sự thống trị của đảng CS. 
Chính quyền Bắc Kinh lập những chiến dịch bắt buộc những người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng ở nước ngoài phải đăng ký khai báo thông tin để có thể dễ dàng kiểm soát theo dõi hoạt động của họ. Những người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng ở trong nước bị đe dọa buộc phải cung cấp thông tin người thân của mình ở nước ngoài nếu không muốn gặp rắc rối với nhà cầm quyền. Những cán bộ an ninh TQ còn thân chinh tới Mỹ (bằng visa du lịch) để trực tiếp gây áp lực với những người bất đồng chính kiến gốc Hoa.
Đối với những “đồng bào” ngoan ngoãn hơn, chính quyền Bắc Kinh dùng các củ cà rốt khác nhau để thu phục.
Nhiều người Mỹ gốc Hoa, đặc biệt những người tương đối thành đạt và có tiếng tăm trong cộng đồng hải ngoại, được mời ngồi vào những vị trí quan trọng trong các tổ chức mặt trận, thường xuyên được bảo trợ các chuyến đi về TQ gặp mặt các quan chức cấp cao của chính quyền, được trao những nhiệm vụ “vinh dự” đóng góp cho “Tổ quốc”.
Một số người có đóng góp đặc biệt còn được thu nạp vào “Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc” (CPPCC), hay còn được gọi là Chính Hiệp, tổ chức mặt trận lớn nhất, cánh tay nối dài của đảng Cộng sản. 
Việc được/ bị lôi kéo vào trong các tổ chức “ma trận” mà nhiều lúc không biết rõ bản chất của những “NGO” này là gì, khiến cho nhiều người gốc Hoa hải ngoại (không ít người là công dân Mỹ) bị đặt trong tình thế đu dây, luôn có khả năng trở thành kẻ phạm tội khi (bị lợi dụng) cấu kết với một chính phủ nước ngoài có thừa tham vọng, tiềm lực lẫn thủ đoạn.
Đó là “món quà” mà chính quyền cộng sản TQ dành tặng cho những “đồng bào” của mình.

Học tại Mỹ, nhưng không được học Mỹ

“Tôi thấy bầu trời nơi đây trong xanh, và không khí thật trong lành. Tại đây, tôi còn được thở một thứ không khí sạch khác, mà cả đời này tôi sẽ mãi mãi biết ơn nó: thứ không khí trong lành của tự do ngôn luận.
Trước khi đến đây, tôi đã được học về “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ, nhưng những ngôn từ trong đó, về “cuộc sống”, về “tự do”, về “mưu cầu hạnh phúc”, đối với tôi vừa xa lạ vừa khó hiểu. Cho đến khi tôi có mặt ở đây.
Tôi đã được học rằng ở nơi này, quyền tự do biểu đạt của mỗi người là một điều thiêng liêng. 
Mỗi ngày tôi đều được khuyến khích nói lên quan điểm của mình về những vấn đề gây tranh cãi. Tôi có thể tranh luận phản bác lại quan điểm của giảng viên. Tôi thậm chí còn có thể chấm điểm giảng viên của mình qua mạng.
Nhưng tôi đã không thể lường trước được mình sẽ sốc thế nào khi xem một vở kịch do các sinh viên ở đây trình diễn. 
Trong vở kịch, các bạn sinh viên thoải mái nói về sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, và các vấn đề chính trị. 
Tôi đã sốc.
Tôi không biết rằng hóa ra ở đây những chủ đề như thế hoàn toàn có thể được bình luận công khai.
Đó là lần đầu tiên tôi được xem một vở diễn có đề tài chính trị. Nó khiến tôi phải phản tỉnh và suy nghĩ rất nhiều. 
Tôi đã luôn có khát khao cháy bỏng được tham gia, được kể những câu chuyện như vậy. Nhưng tôi đã được dạy từ trước, rằng chỉ có chính quyền mới được lên tiếng, chỉ có chính quyền mới biết thế nào là chân lý. 
[…] 
Chúng ta không nên xem dân chủ và tự do ngôn luận là những thứ từ trên trời rớt xuống.
Dân chủ và Tự do là thứ không khí trong sạch mà chúng ta phải đấu tranh để giữ lấy, và chúng xứng đáng để chúng ta đấu tranh cho nó.
Tự do là oxy. Tự do là đam mê. Tự do là tình yêu. Và như triết gia Pháp Jean-Paul Sartre từng nói, “Tự do là một lựa chọn”.
Tương lai của chúng ta tùy thuộc vào lựa chọn của chúng ta, hôm nay và ngày mai. Chúng ta đều là những người viết kịch bản cho chương tiếp theo của cuộc đời mình. 
Cùng nhau, chúng ta viết nên lịch sử của nhân loại.
Những người bạn của tôi, hãy trân trọng thứ không khí trong lành này, và đừng bao giờ để nó mất đi.”
Đó là những lời trong bài diễn văn tốt nghiệp của Yang Shuping tại Đại học Maryland vào tháng 5/2017.

Yang Shuping trong buổi lễ tốt nghiệp tại University of Maryland với bài phát biểu gây tranh cãi của cô. Ảnh: The Washington Times
Diễn văn của Shuping liên tục bị ngắt quãng vì các tràng pháo tay.
Nhưng ở quê nhà, khi thông tin được đăng tải trên một tờ báo TQ, đủ loại búa liềm đã được quăng ra ném thẳng về phía cô.
Những bình luận của cư dân mạng chỉ trích từ việc cô “nói xấu/ nói quá chất lượng không khí ở quê nhà” cho đến chuyện cô là “nỗi nhục của Trung Quốc”, là “kẻ phản quốc” vì dám “công kích đất nước mình”.
Các tờ báo loa kèn của chính quyền như Thời báo Hoàn cầu gọi bình luận của cô là “ấu trĩ và bẩn tính”, Nhân dân Nhật báo thì cáo buộc Shuping “thêm mắm thêm muối vào thiên kiến tiêu cực về Trung Quốc”.
Dù sau đó phải đăng đàn xin lỗi để làm dịu dư luận, nhưng bất kỳ ai cũng thấy rõ chính những phản ứng “trưởng thành, hiểu biết và đầy bao dung” này từ các “đồng bào” là minh họa không thể sinh động hơn cho những điều cô sinh viên đã dũng cảm chia sẻ.
Chính quyền TQ, và một số lượng không nhỏ những người gắn bó cộng sinh với họ, không cho phép người dân của mình học được và trân trọng những giá trị dân chủ tự do của phương Tây, ngay cả khi đang học tập sinh sống ở những đất nước tự do đó.

Các cộng-sinh-viên

Trong sự kiện của Yang Shuping, Hiệp hội Sinh viên Trung Quốc (CSSA) tại Đại học Maryland đóng một vai trò điển hình của một loại “mặt trận” phục vụ chính quyền.
Chỉ một ngày sau khi Shuping phát biểu, CSSA tại Maryland đã đăng tải video tập hợp các tự sự của nhiều sinh viên TQ, vừa bày tỏ tình yêu và lòng tự hào về tổ quốc, vừa phản đối những quan điểm “sai trái” và “không thể dung thứ” của cô.
“Thành tích” này của CSSA Maryland đã được một quan chức Đại sứ quán TQ khen ngợi và biểu dương trong buổi họp mặt với các hiệp hội sinh viên từ 14 trường đại học ở Washington. Vị quan chức này khuyến khích các hiệp hội khác học tập theo, và khi có những sự kiện tương tự xảy ra, cần liên lạc ngay với đại sứ quán, cung cấp báo cáo chi tiết, ra thông cáo công khai, tuân thủ luật pháp Hoa Kỳ, tránh công kích cá nhân hay các hành vi tấn công bạo lực.
Giống như CSSA tại Úc, các hiệp hội sinh viên TQ tại Mỹ trên danh nghĩa là những tổ chức độc lập, phi chính phủ; trên thực tế, họ đều có liên hệ mật thiết và trong nhiều trường hợp, phụ thuộc vào sự chỉ đạo cũng như nguồn tài trợ của đại sứ quán và các lãnh sự quán, cộng sinh với các cơ quan của chính quyền.
Điều tra của tờ Foreign Policy cho thấy các CSSA Mỹ nhận chỉ đạo trực tiếp từ các cán bộ đại sứ quán và lãnh sự quán thông qua các nhóm Wechat. 
Những khoản tiền tài trợ cho các CSSA đa phần đều được các quan chức chuyển vào tài khoản cá nhân của người đứng đầu CSSA, thay vì chuyển thẳng vào tài khoản công khai của CSSA, một động tác nhằm đối phó với sự kiểm soát của các trường. Nhiều trường đại học không hay biết việc CSSA tại khu vực của mình nhận tiền trực tiếp từ một chính phủ nước ngoài.
Vào năm 2015, CSSA tại Đại học Columbia đã bị cấm cửa một năm vì vi phạm các chính sách tài chính và tổ chức.

Sinh viên Trung Quốc giương cờ trong buổi lễ tốt nghiệp của trường Đại học Columbia . Ảnh: Xinhua
Các hiệp hội sinh viên này rất tích cực chủ động trong việc phát hiện những hoạt động “chống lại” các quan điểm của chính quyền TQ, như những buổi hội thảo, thảo luận về các chủ đề Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương, nhân quyền hay chính trị tại đại lục. 
Năm 2017, khi trường Đại học California San Diego (UCSD) mời Dalai Lama, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, một trong những “kẻ thù quốc dân” của Bắc Kinh, về diễn thuyết cho lễ khai giảng, CSSA tại đây đã phối hợp với lãnh sự quán ở Los Angeles huy động nhân lực tìm cách phản đối.
Nhà trường không bị run chân trước áp lực, Dalai Lama vẫn về diễn thuyết. Chính quyền TQ sau đó “trả đũa” bằng việc cấm các sinh viên nhận học bổng chính phủ đến học tại UCSD.
Riêng CSSA của trường thì được quan chức ngoại giao TQ trao phần thưởng cho “thành tích” của mình.
CSSA còn được dùng làm kênh huy động sinh viên đi diễu hành chào mừng đón tiếp các lãnh đạo cấp cao TQ trong những chuyến công du tại Mỹ.
Tờ Foreign Policy tiếp cận được những bằng chứng cho thấy các sinh viên được trả tiền để đi diễu hành đón lãnh đạo.
Như vào tháng 9/2015, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình công du đến Washington, các sinh viên tại Đại học Washington tham gia chào mừng lãnh tụ được trả mỗi người 20 USD, chuyển qua CSSA vài tháng sau sự kiện.
(Có lẽ đây là một trong những niềm cảm hứng của truyền thuyết Việt Tân trả 300 ngàn cho người biểu tình ở Việt Nam.)
Các sinh viên TQ tại Chicago tham gia đón tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào năm 2011 cũng được trả công, và chủ tịch CSSA đã cẩn thận dặn các bạn học không được tiết lộ cho truyền thông về việc được trả tiền đó.
Đại sứ quán Mỹ và các CSSA được nhắc đến trong bài điều tra của Foreign Policy, khi được liên lạc để phản hồi ý kiến của mình về các nội dung nêu lên, tất cả đều ngậm tăm.

Mượn thuyền qua sông

Tháng 8/2015, khi các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của TQ ở biển Đông được lôi ra ánh sáng, ngoại trưởng của 10 nước đã đồng thanh lên tiếng phản đối nước này.
Một đài phát thanh đặt tại ngoại ô Washington D.C có tên là WCRW khi đưa tin về sự kiện này đã không nhắc gì đến các hành vi việc làm của TQ. 
Thay vào đó, trong chương trình bình luận phân tích, một “chuyên gia” đã giải thích cho thính giả những căng thẳng ở biển Đông đều được tạo ra do “thế lực bên ngoài” tìm mọi cách “nhúng chân vào khu vực này với những luận điệu dối trá”.
Nếu có thính giả nào từng nghe những phát ngôn từ chính quyền Bắc Kinh qua nhiều năm, hẳn sẽ thấy ngay “déjà vu” – quen quá vậy.
WCRW đích thị là một chiếc loa của chính quyền TQ, phát sóng ngay trong lòng thủ đô của nước Mỹ.
Nhưng TQ tìm mọi cách để không ai biết điều đó.
Điều tra của Reuters cho thấy công thức họ dùng để che giấu từng quân cờ, từng đường đi nước bước của mình. Và họ không chỉ đặt một quân cờ.
Năm 1958, tại Loudoun County, cách Washington D.C một giờ xe chạy, một đài phát thanhcó tên là WAGE chính thức lên sóng. 
Trong nửa thế kỷ sau đó, WAGE là trạm radio duy nhất và là kênh thông tin quen thuộc của cư dân tại đây.
Cho đến năm 2005, một công ty có tên là Potomac Radio LLC do Alan Pendleton đứng đầu mua lại đài.
Hai năm sau, format chương trình của WAGE thay đổi hoàn toàn, cùng toàn bộ dàn nhân sự của đài, từ tổng giám đốc, giám đốc tin tức đến người dẫn chương trình bị sa thải, và các bản tin về địa phương suốt nhiều thập niên bị dẹp bỏ.
Vào năm 2009, WAGE phát sóng tiết mục cuối cùng. 
Pendleton bảo đó là “trải nghiệm vô cùng đau đớn”, khi “chúng tôi lỗ hàng triệu USD mỗi năm”.
Nhiều người địa phương tiếc nuối một đài phát thanh gắn bó với cả một thế hệ.
Bất ngờ vài tháng sau, Potomac liên hệ chính quyền Loudoun County, xin phép được cất lên ba tháp phát sóng mới trên đất của chính quyền.
Ba tòa tháp mới này sẽ nâng công suất của đài từ 5.000 watts lên gấp 10 lần, 50.000 watts, vươn tới Washington.
Trong bản kiến nghị cấp phép, Potomac nói đây là “hy vọng cuối cùng để vực dậy đài”, đồng thời viện dẫn vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thêm những tòa tháp phát sóng, giúp giảm tải mạng lưới di động trong trường hợp an ninh khẩn cấp.
Năm 2011, Potomac xin phép đổi tên thành WCRW (một cái tên cực kỳ khó đọc khó nhớ so với với WAGE).
Vài ngày sau khi bắt đầu phát sóng lại, WAGE, giờ đây dưới cái tên mới là WCRW, cũng hoàn toàn đổi luôn phần xác lẫn phần hồn.
Gần như toàn bộ sóng của WCRW được một công ty tên G&E Studio Inc tại Los Angeles, California thuê lại với giá 720.000 USD/ năm.
CEO của G&E là một người Mỹ gốc Hoa có tên James Su.
Cấu trúc sở hữu của G&E chỉ được nhắc đến trong một dòng ghi chú cuối trang (footnote) trong hồ sơ dài do một công ty khác của James Su nộp cho Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC).
Dòng ghi chú này ghi nhận 60% cổ phần của G&E thuộc sở hữu của một công ty có tên là Guoguang Century.
Guoguang Century là một doanh nghiệp ở Bắc Kinh thuộc 100% quyền sở hữu của CRI, hay tên đầy đủ là China Radio International – Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc.
Ma trận loằng ngoằng này có thể giải thích vì sao sau khi WAGE được hồi sinh dưới tên WCRW, người dân Loudoun County và các vùng lân cận, đến tận Washington bỗng nhiên được nghe các nội dung hoàn toàn lạ lẫm trên kênh quen thuộc của mình. (Trong cái tên mới khó đọc khó nhớ của đài, ba ký tự cuối là viết tắt của “China Radio Washington”)
Toàn bộ nội dung của WCRW đều là của CRI, Đài phát thanh Quốc tế TQ.
G&E chỉ là một trong ba công ty được chỉ mặt trong điều tra của Reuters. Hai công ty còn lại là GBTimes, đăng ký tại Phần Lan và Global CAMG Media Group đăng ký tại Úc.
Ba công ty này sở hữu và thuê lại hàng chục đài phát thanh trên khắp thế giới, và đều có chung công thức: 60% thuộc quyền sở hữu của Guoguang Century, tức CRI.

Biểu đồ ghi nhận các trụ sở phát thanh thân Trung theo điều tra của Reuters. Ảnh: Reuters.
Những nội dung phát sóng trên các đài này đều toàn bộ do CRI sản xuất, nhưng đều được trình bày sao cho người nghe không biết được mình đang theo dõi một kênh tin tức của nước ngoài.
Những đài này đều không có hoặc có rất ít nội dung quảng cáo, và những CEO của các công ty trung gian như James Su đều không giải thích được làm thế nào có thể tạo doanh thu khi mất đến hàng triệu USD mỗi năm tiền thuê các đài địa phương.
Doanh thu có lẽ là thứ họ không (cần) quan tâm.
Như lời của James Su, “chúng tôi chỉ muốn kể cho các thính giả của mình những tin tức nguyên bản đúng sự thật”.
Loại “sự thật” mà các đài CRI mượn danh này kể cho thính giả ở Mỹ đều thuộc cùng một mô tuýp.
Như tin tức về cuộc gặp giữa các quan chức hải quân cấp cao Mỹ và TQ, sau khi tàu hải quân Mỹ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà TQ bồi đắp ở biển Đông.
WCRW đưa bản tin mà không nói gì về lý do các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và đồng minh, vốn nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền của TQ tại đây.
Tin tức nguyên bản của WCRW chỉ vỏn vẹn thông báo các đô đốc hai nước đang hội đàm, “giữa những căng thẳng mà Mỹ đã gây ra trong tuần”.

Đổi màu truyền thông

Những người Hoa đầu tiên đã có mặt tại Mỹ từ đầu thế kỷ 19, hơn 100 năm trước khi đảng Cộng sản TQ ra đời.
Lịch sử cộng đồng gốc Hoa tại Mỹ vì vậy cũng đa dạng, phong phú và sâu sắc gấp nhiều lần so với loại “lịch sử nhân tạo” mà chính quyền Bắc Kinh cố vẽ ra.
Một trong những minh chứng cho tính đa dạng đó là các tờ báo độc lập phục vụ cộng đồng cư dân nơi đây.
Các tờ báo này đều có truyền thống, uy tín lâu đời và có một lượng lớn độc giả trung thành.
Để “thu phục” những công dân Mỹ gốc Hoa này, chính quyền TQ hiểu rõ họ không thể chỉ dựa vào đạo quân loa kèn hùng hậu như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, CRI lẫn CGTN (China Global Television Network – tiền thân là kênh nước ngoài CCTV-9 của Đài truyền hình Trung ương TQ, được đổi tên vào năm 2017). Họ cũng không thể chỉ dựa vào các tờ báo dành cho hải ngoại của chính mình lập ra, như Kiều Báo (Qiaobao) hay Mỹ châu Thời báo (Sino American Times).
Họ phải nhuộm đỏ giới truyền thông độc lập của cộng đồng nơi đây, như cái cách họ đã làm với Đài Loan.
Tờ “Tinh Đảo” (Sing Tao), thành lập vào năm 1938, là một trong những tờ báo nổi tiếng nhất của Hong Kong và cộng đồng người Hoa hải ngoại.
Đến giữa thập niên 1990, tờ báo này được một doanh nhân Hong Kong có mối quan hệ gắn bó với Bắc Kinh mua lại.
Kể từ đó, nội dung đưa tin của Tinh Đảo đều “cùng chung chí hướng” với các tờ báo ở đại lục, vốn chịu sự quản lý chi phối của đảng Cộng sản TQ.
Chủ mới của tờ báo còn hợp tác với Tân Hoa Xã để mở một công ty truyền thông có tên Xinhua Online.
“Thế giới Nhật báo” (World Journal) trong nhiều thập niên là một trong những tờ báo quan trọng hàng đầu phục vụ cộng đồng người Đài Loan ở hải ngoại.
Giống như các kênh truyền thông độc lập ở Đài Loan trước kia, tin tức về TQ trên Thế giới Nhật báo chưa bao giờ bị kiểm duyệt.


Trụ sở của tờ Thế Giới Nhật Báo lớn và khang trang tại College Point, New York, Hoa Kỳ. Đây là tờ nhật báo tiếng Hoa lớn nhất Bắc Mỹ với ước tính 350.000 bản được tiêu thụ mỗi ngày. 
Ảnh: Jim Henderson 
Nhưng cũng giống như xu hướng của nhiều kênh truyền thông Đài Loan thập niên gần đây, khi các ông chủ của họ càng ngày mở rộng việc làm ăn đến đại lục và phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, những tin tức “nhạy cảm” ngày càng thưa thớt, cũng như thông tin tiêu cực về chính quyền TQ cũng dần dần bị tự kiểm duyệt. Chính tờ Kiều Báo, đứa con do đích thân quan chức chính quyền Bắc Kinh đỡ đẻ, cũng nhận định về đối thủ, “Thế giới Nhật báo bây giờ không còn chỉ đưa tin tiêu cực về đại lục nữa”.
“Minh Báo” (Ming Pao) là một cái tên không chỉ nổi tiếng với cộng đồng gốc Hoa mà có lẽ cũng không xa lạ với nhiều người Việt Nam. 
Đây là tờ báo do nhà văn kiếm hiệp Kim Dung và bạn của mình sáng lập nên vào năm 1959, thời kỳ đầu do chính Kim Dung phụ trách nội dung với những truyện kiếm hiệp nhiều kỳ của mình.
Trong nhiều thập niên, Minh Báo nổi tiếng là tờ báo độc lập, và là cái gai trong mắt chính quyền cộng sản TQ.
Cho tới năm 1995, một doanh nhân Malaysia gốc Hoa, có nhiều mối làm ăn sâu rộng tại TQ, mua lại tờ báo.
Theo lời những nhân viên làm việc tại Minh Báo, và cả Tinh Đảo, kể từ khi đổi chủ, tại đây có một “quy tắc ngầm” rằng không được điều tra hoặc tự nghiên cứu về các hoạt động đấu tranh dân chủ ở TQ. Để thể hiện mình vẫn còn có “tính độc lập” của một tờ báo, họ thường đăng lại các tin tức trên từ những nguồn khác.
Giống như cách thức đã làm với Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh không cần phải đích thân chụp vòng kim cô lên đầu giới truyền thông độc lập hải ngoại.
Họ chỉ cần tạo ra một thứ văn hóa “bất thành văn”, không cần nói ra nhưng ai cũng tự biết điều.
Còn người đọc, các khán giả, các thính giả, qua những cặp kính đã bị nhuộm bởi những kênh truyền thông biết điều này, không mấy ai nhận ra bầu trời xanh của họ đang bị nhuộm rất đỏ.

“Bạn” ở khắp nơi

Các quân cờ của chính quyền TQ đặt ở mọi ngóc ngách trong các thể chế của Mỹ. 
Nếu ai chơi cờ vây sẽ biết được một khi quân cờ của bạn đặt đủ nhiều ở một khu vực, các quân cờ bị bao vây của đối phương sẽ chuyển màu, trở thành “tù nhân”, hoặc trong trường hợp này, biến thành “bạn”.
TQ có rất nhiều “bạn” kiểu như vậy.
Từ những công ty truyền thông hàng đầu như Bloomberg, Forbes, Reuters đến những doanh nghiệp công nghệ số 1 thế giới như Apple, Facebook, Twitter và thậm chí cả những cái tên tưởng chừng “không đội trời chung” với họ như Google.
Google đã rút khỏi thị trường TQ từ năm 2003 sau khi tuyên bố không chấp nhận những yêu cầu kiểm duyệt đi ngược lại các giá trị tự do dân chủ của mình. Rất nhiều lời khen và ánh mắt ngưỡng mộ dành cho quyết định cương trực của Google.
Ánh mắt ấy bị vẩn đục khi vào tháng 8/2018, tờ The Intercept tiết lộ Google đã bí mật cộng tác với chính quyền Bắc Kinh từ hơn một năm trước để tạo ra một công cụ tìm kiếm có thể tự lọc những nội dung mà chính quyền không muốn người dân mình tò mò tìm hiểu.
Tuy chính thức tuyên bố dẹp dự án này, với tên mã là Dragonfly (con chuồn chuồn), nhưng nhiều nguồn tin cho biết Google vẫn đang âm thầm phát triển những con chuồn chuồn mới để làm bạn với Bắc Kinh.
Diễn biến mới nhất vào phiên điều trần trước Tiểu ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 16/7 vừa qua, Karan Bhatia, phó chủ tịch phụ trách chính sách công của Google đã một lần nữa khẳng định chấm dứt hoàn toàn dự án này, nhưng từ chối xác nhận trong tương lai sẽ không hợp tác với chính phủ TQ trong bất kỳ dự án kiểm duyệt thông tin nào.
Có một điều cần lưu ý là trong khi dự án hợp tác (ngầm) của Google với Bắc Kinh bị soi rất chặt thì trang web tìm kiếm Bing của ông lớn Microsoft vẫn đang được công khai hoạt động ở TQ khi đồng ý chịu sự kiểm duyệt theo ý của chính quyền nơi đây.
Hay như Apple, một công ty cũng nổi tiếng với các giá trị nhân văn của mình, đã lẳng lặng xóa đi tất cả những ứng dụng VPN (Virtual Private Network – Mạng riêng ảo, chuyên dùng để bảo mật truy cập và vượt tường lửa) trên Appstore của họ cho các thiết bị bán ra tại TQ.
Danh sách Apple cấm người dùng ở TQ truy cập còn có những ứng dụng của New York Times, Radio Free Asia, Tibetan News, Voice of Tibet … cả những công cụ vượt tường lửa như Tor và Psiphon, các dịch vụ của Google, và bất kỳ thông tin nào trái với “tôn chỉ” của nhà cầm quyền TQ.
Hoặc như Facebook và Twitter, những mạng xã hội bị cấm truy cập tại TQ, nhưng vẫn có doanh thu quảng cáo lớn từ các doanh nghiệp TQ muốn dùng những kênh này để tiếp cận khách hàng nước ngoài. Các nguồn thu này, cùng với ý định nung nấu, giống như Google, phải thâm nhập bằng được thị trường béo bở 1,4 tỷ người, khiến Facebook lẫn Twitter đều hạn chế các hoạt động có thể chọc giận Bắc Kinh, như hợp tác với những nhà hoạt động đấu tranh dân chủ TQ ở nước ngoài.

Mark, ông trùm của Facebook, trong bức ảnh nổi tiếng ghi nhận một buổi chạy bộ của ông này tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 2016. Đây được xem là một trong những nỗ lực truyền thông của Mark để tìm kiếm cảm tình của giới cầm quyền Bắc Kinh. Ảnh: Từ Facebook của Mark Zuckerberg

Những kênh truyền thông lớn như Bloomberg, Forbes và cả Reuters, bằng cách này hay cách khác, đều có những dự án với doanh thu lớn ở TQ, và họ thường mắt nhắm mắt mở dè chừng với những đề tài có thể khiến túi tiền của mình ở TQ bị chọc thủng.
Như việc Bloomberg cắt bài điều tra về mối quan hệ giữa một tài phiệt TQ và các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản TQ, hay Forbes, sau khi được một nhóm đầu tư Hong Kong mua lại vào năm 2014, lần lượt cắt hợp đồng với các tác giả thường xuyên có quan điểm bất đồng với chính quyền Bắc Kinh.
“Bạn” của TQ còn xuất hiện ở các trường đại học, nơi tiếp nhận các khoản đóng góp hậu hĩnh từ những phụ huynh giàu có ở đại lục, và đặc biệt là các dự án Viện Khổng tử (Confucius Institute), kèm với những khoản tài trợ hàng trăm đến hàng triệu USD, đặt trong khuôn viên của các trường đại học nhưng hoạt động theo luật pháp TQ (cùng điều khoản bảo mật không được tiết lộ nội dung hợp đồng).
“Bạn” của đảng Cộng sản TQ còn là những nhóm nghiên cứu (think tank) nhận tài trợ từ các tổ chức “NGO” như CUSEF (Hiệp hội Giao lưu Mỹ – Trung) để thực hiện các nghiên cứu và báo cáo đúng “tinh thần” mà Bắc Kinh mong muốn.
Và cũng giống nhiều nước khác, TQ còn biết làm “bạn” với những nhóm vận động hành lang (lobby), những nghị sĩ quốc hội có tầm ảnh hưởng đến các đạo luật có thể quyết định quan hệ giữa hai nước.
Có thể thấy Bắc Kinh có “bạn” ở mọi nơi, nhưng người ta không thể biết được có bao nhiêu trong đó là bạn của họ – những người thật sự quý mến và muốn ở cạnh họ.
Khái niệm “bạn bè”, giống như “quyền lực mềm”, là loại quan hệ rất tự nhiên. 
Người ta nhìn vào một người, thấy thích những việc họ làm, quý những giá trị tốt đẹp mà họ mang lại, và muốn được kết thân.
Các kiểu “bạn bè” mà Bắc Kinh đã và đang tạo dựng, phần nhiều đều đến từ công thức 3Đ (Đội lốt, Đe nạt, Đút lót) của họ.
Đó là lý do nhiều người không xem những thứ chính quyền TQ đang làm là trình diễn “sức mạnh mềm” (soft power).
Họ gọi thứ Bắc Kinh đang phô diễn là “sức mạnh mòn” (sharp power), một thứ sức mạnh khi lan truyền chỉ làm xói mòn các giá trị tốt đẹp mà người khác muốn gìn giữ.
Những ai phải dùng đến “sức mạnh mòn” để mua quan hệ, mua bạn bè, có lẽ là những người cô độc nhất thế giới.
Thật bi kịch khi nhiều người chỉ nhận ra điều đó trước khi họ lìa đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét