Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

12923 - Các nhà chính trị nên dự Tour de France



Egan Bernal của Colombia vô địch Tour de France 2019. (Hình: AP Photo/Michel Euler)


Hiện nay, khi dạy dỗ con cái sống xứng đáng làm người, chắc không mấy ai bảo con hãy nhìn các nhà chính trị mà noi gương. Ít thấy những người lãnh đạo biểu lộ các đức tính mà loài người vẫn coi là đáng vun trồng trong tâm hồn trẻ em: Thành thật, bao dung, nhân từ, trung tín, đặt công ích trên tư lợi, hòa hợp với người chung quanh, kính trọng người khác mình hay chống lại mình, hy sinh cá nhân cho tập thể, vân vân.
Nhìn khắp thế giới, chúng ta khó thấy một vị tổng thống, thủ tướng hay một lãnh tụ đối lập nào biểu lộ các đức tính đó. Trong một phạm vi nhỏ, có thấy một ông, bà dân biểu, nghị sĩ, thống đốc tiểu bang hay thị trưởng, nghị viên nào đáng làm gương cho các thiếu nhi hay không? Rất khó kiếm ra.
Nhiều người nghĩ rằng chính trị là một cuộc tranh đua rất gay gắt, không thể nào theo các quy tắc và tục lệ thông thường. Khi tranh đua thì mạnh được, yếu thua, “cá lớn nuốt cá bé.” Không thể nghe lời dạy “chị ngã em nâng” hay “lá lành đùm lá rách.” Các nhà chính trị mạt sát nhau không tiếc lời. Vu cáo nhau nếu ích lợi cho mình. Thấy người té thì không nâng lên mà phải nhân cơ hội đạp thêm cho nó một cái. Chính trị là một thế giới mà bước vào đó là phải chấp nhận sẽ không thể sống theo các quy tắc bình thường.
Nhưng thật ra loài người bây giờ vẫn còn rất nhiều người đang sống với các đức tính được cha mẹ dạy, được các trường học, các tôn giáo dạy bảo. Ra ngoài đường, mình vẫn thấy những người lạ mỉm cười chào nhau, có người lái xe nhường đường cho người khác.
Quý vị đậu xe bên đường trường, mở thùng xe ra loay hoay, thế nào cũng nhiều người dừng lại hỏi có cần giúp chi không. Các thầy, cô giáo vẫn dạy trẻ em nói năng nhã nhặn, khi tranh đua với nhau vẫn giữ tình bạn bè và tinh thần tương kính, dù tranh điểm học hay tranh giải thể thao. Nếu không bảo vệ được các đức tính đó, thì loài người chắc khó sống được với nhau.
Cho nên hôm nay xin kể chuyện những người vẫn cố sống tử tế. Trong Tour de France, cuộc chạy đua xe đạp ở nước Pháp mới kết thúc ngày Chủ Nhật vừa qua. Bởi vì thấy các tay đua này vẫn sống với rất nhiều đức tính mà tôi vẫn mong con, cháu mình tập lấy.

George Bennett, người đóng vai “thằng hầu” trong đội New Zealand tại Tour de France. (Hình: Getty Images)

Chắc nhiều người chưa nghe nói đến Tour de France, người Pháp còn gọi là “Vòng Lớn, La Grande Boucle.” Đó là cuộc tranh đua thể thao hàng năm lớn nhất thế giới, không như thế vận hội hay giải bóng tròn toàn cầu bốn năm mới có một lần. Người Pháp bắt đầu tổ chức cuộc chạy đua xe đạp này từ năm 1903, do tờ báo Auto đứng cái, để cho nhiều người biết và mua báo!
Năm nay, là cuộc đua thứ 106 (nhiều năm không tổ chức vì chiến tranh), có 22 đội tham dự, nước Pháp đóng góp ba đội, còn lại là từ các nước khác. Mỗi đội có tám tay đua. Lúc đầu có 176 người, khi kết thúc chỉ còn 155. Các tay đua khởi hành ngày 6 Tháng Bảy từ Bruxelles, nước Bỉ (đã nhiều lần bắt đầu từ các nước khác ở Châu Âu) và kết thúc ở Champs-Élysées, Paris ngày 28 sau khi vượt qua 3,480 km, chia ra 21 “chặng,” mỗi chặng thường chạy đua trong một ngày.
Người Pháp đặt hy vọng vào tay đua 27 tuổi, Julian Alaphilippe, khi anh ta dẫn đầu từ chặng thứ 8 và tiếp tục giữ “áo vàng” nhiều chặng trong vùng Alsace-Lorraine, Massif Central cho đến miền núi Pyrenée. Đến chặng thứ 19 khi quay lại vùng Alpes thì Alaphilippe thua Egan Bernal, 21 tuổi, người Colombia, Nam Mỹ. Bernal thắng liên tiếp hai chặng chót và đoạt áo vàng vô địch nhờ số thời gian đạp xe tổng cộng ngắn nhất.
Không cần nói cũng biết cuộc đua này gay go như thế nào. Không khác gì cuộc chạy đua vào quốc hội hay dinh tổng thống ở các nước. Chắc chắn là cực nhọc hơn, lại thêm ông Trời đổ xuống nước Pháp một cơn nóng dữ dội!
Nhưng trong 23 ngày đạp xe giành nhau từng phút, từng giây, người ta vẫn giữ được các thói quen đối xử với nhau “rất người!” Tất nhiên các tay đua phải tôn trọng những luật lệ của ban tổ chức. Nhưng từ ngày xửa ngày xưa, các thế hệ tự đặt ra các “tập tục bất thành văn” để giữ hòa khí và bày tỏ lòng kính trọng lẫn nhau.
Chẳng hạn, các tay đua không tìm cách vượt lên hàng đầu khi đạp xe qua các con đường hầm. Không có luật nào bắt như vậy nhưng người ta vẫn tôn trọng (gần đây cũng có người phá rào). Một tập tục khác là khi đoàn xe chạy qua ngôi làng của một tay đua thì tất cả nhường cho đứa con của làng chạy dẫn đầu, sau đó lại tìm cách bứt phá!
Có những tập tục khác mà không cần ai ra lệnh, các tay đua vẫn kính trọng.
Thí dụ, một tay đua đang mặc áo vàng và dẫn đầu trong một chặng đường, bỗng anh ta cần phải dừng lại để đi tiểu. Các tay đua khác cũng dừng lại, đi làm việc vệ sinh hoặc nhẩn nha vừa đạp vừa nghỉ; chờ khi mọi người làm xong việc tối cần thì chạy đua tiếp, theo thứ tự cũ. (Ngoại lệ: nếu nhu cầu vệ sinh được phát hiện ở quãng chót trước khi tới đích thì đương sự phải tự lo lấy).
Những người mặc áo vàng, với tổng số thời gian tích lũy ngắn nhất tới chặng đó, thường được coi như người lãnh đạo. Không có luật lệ nào bắt các tay đua phải tôn trọng anh ta, nhưng ai cũng hiểu ngầm.
Tay đua Pháp Alaphilippe đã mặc áo vàng trong 11 chặng. Đến một chặng ở Pont du Gard, miền Provence, có hai tay đua khác đang giành nhau bứt lên hàng đầu, họ cãi cọ. Trước đó mọi người đều thấy hai người này rất tử tế, dễ thương, nhưng trong cuộc đua dưới sức nóng khốc liệt hơn 40 độ (105 độ F) họ đã nặng lời với nhau. Alaphilippe bèn đạp nhanh lên phía trước, bảo hai người im lặng. Hai tay đua vâng lời, Alaphilippe cũng báo trước sẽ không qua mặt để giành chỗ hàng đầu của họ. Sau đó, ban tổ chức đã mời hai tay đua này rời cuộc đua.
Trong những năm đầu, Tour de France là cuộc thi giữa các cá nhân đạp xe. Có khi họ còn bị cấm kết bè với nhau. Thời đó, có nhiều người thắng giải bỏ xa người đứng thứ nhì, có khi hàng tiếng đồng hồ. Nhưng bây giờ, các tay đua đến dự trong các đội, và họ có thể giúp đỡ lẫn nhau, năm 1989 người vô địch chỉ chạy nhanh hơn người thứ nhì có 8 giây đồng hồ. Từ đó, tinh thần đồng đội được thể hiện.
Trong một đội bảy, tám người, có những tay đua chấp nhận đóng vai hỗ trợ để giúp người cùng đội mình thắng. Những người tự hy sinh đó, người Pháp gọi là “domestique,” người giúp việc trong nhà; hay vắn tắt, “thằng ở,” “thằng hầu.”
Trong số 22 đội chạy đua năm nay mỗi đội có vài ba “hảo thủ,” được anh em đặt hy vọng sẽ chiếm giải. Những người còn lại đóng vai “domestique, thằng hầu.” Họ dẹp bỏ quyền lợi và tham vọng cá nhân, miễn sao cho người của đội mình thắng. Họ có thể chạy trước mặt hảo thủ một đoạn đường dài để chắn gió, giúp người đạp xe phía sau đỡ mất sức, dành dụm năng lượng để có thể bứt lên trên khi về gần tới đích.
“Thằng hầu” cũng lo đi lấy nước uống từ các chiếc xe hơi tháp tùng, đem tới cho các hảo thủ đội mình. Nếu chiếc xe đạp của một hảo thủ bị hư, sẽ tháo bộ phận trong xe mình ra thế vào, nếu cần thì nhường chiếc xe còn tốt. Các “thằng hầu” này hy sinh cho đồng đội. Họ biết rằng nếu ai cũng nhất quyết mình phải thắng, bỏ mặc đồng đội tự lo lấy, thì cuối cùng không hy vọng có người nào thắng hết!
Trong cuộc đua năm nay, một tay hảo thủ trong đội Jumbo-Visma, từ New Zealand, với rất nhiều hy vọng thắng giải là George Bennett. Năm nay 29 tuổi, anh đã chiếm nhiều giải đua xe đạp quốc tế.
Nhưng năm nay Bennett gặp nhiều chuyện không may ngay trong những chặng đầu. Khi đoàn xe chạy tới vùng chân núi Pyrenées thì Bennett quyết định: Tôi sẽ làm một domestique, một “thằng hầu.”
Từ lúc đó, Bennett lo chạy trước làm bình phong chắn gió cho các tay hảo thủ còn lại và tiếp tế nước cho họ; khi cuộc đua tiến vào vùng núi Alpes gian nan. “Tôi chấp nhận mình không may mắn, và bây giờ chỉ cố gắng hỗ trợ các bạn đồng đội,” Bennett nói.
Năm nay nước Pháp lại lỡ một cơ hội chiếm giải, Alaphilippe về hạng 5 trong bảng sắp hạng. Nhưng dân Pháp vẫn “thắng!” Họ vui gần một tháng trời, hào hứng chờ kết quả từng ngày. Họ hãnh diện vì một cuộc chơi họ bày ra được thế giới đến dự. Họ có dịp nhìn lại trên ti vi phong cảnh đất nước mình qua các chặng đường đẹp nhất! Suốt 35 năm qua, chưa tay đua Pháp nào đoạt áo vàng vô địch. Nhưng chơi thể thao đâu cứ phải thành vô địch?
Không biết đến bao giờ các nhà chính trị mới học được tinh thần mã thượng của các tay đua xe đạp trong Tour de France? Quý vị sắp tranh cử tổng thống, dân biểu, nghị sĩ tiểu bang cho đến nghị viên thành phố, có thấy điều nào đáng học hay không? Làm cách nào để người dân nước Mỹ, dân quận hạt Orange, dân thành phố Westminster hay Garden Grove chứng kiến cảnh quý vị tranh cử mà cảm thấy ai cũng giữ tinh thần thượng võ? Có cách nào để người dân đi bàu mà hãnh diện, phấn khởi, thêm tin tưởng vào thể chế dân chủ, tự do?
Nhưng các phụ huynh có thể cứ tiếp tục dạy con em những đức tính mà ông bà mình đã dạy. Sống một đời tử tế, biết kính trọng mọi người, đặt công ích trên tư lợi, tất cả những thứ làm cho loài người có giá trị, thì chính mình cũng có giá trị. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét