Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2019

13389 - Nhật Bản đã khơi mào cuộc chiến mà nước này chưa sẵn sàng với Hàn Quốc

 Ngọc Diệp (giới thiệu)

Tokyo đã khơi mào tranh chấp thương mại với Seoul, song Nhật Bản lại có vẻ chưa thực sự chuẩn bị kỹ càng cho những hệ lụy nghiêm trọng mà hành động này gây ra. Thủ tướng Abe đang rơi vào tình hình khá phức tạp khi phải đối mặt cùng lúc với nhiều vấn đề đến từ nhiều quốc gia. 

Tokyo đã khơi mào tranh chấp thương mại với Seoul - song vẫn chưa sẵn sàng cho những phản ứng tiêu cực ở mức cao hơn.
Cuộc xung đột kinh tế ngày càng gia tăng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ cho thấy một trong những thách thức đối với tăng trưởng đang bấp bênh của thế giới, mà còn báo hiệu sự thay đổi trong cách Nhật Bản thực hiện chính sách đối ngoại của mình. Trong suốt thời kỳ hậu chiến, Nhật Bản được coi là một nước mềm mỏng về địa chính trị, được biết đến với chiến lược vượt trội: tìm cách làm dịu tranh cãi bằng việc không ngừng hối thúc thỏa hiệp và đặt các lợi ích kinh tế và kinh doanh lên hàng đầu. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giờ đây dường như sẵn sàng thay đổi điều đó - mặc dù những nỗ lực ban đầu của ông trong việc thực hiện chiến lược này cho thấy chính phủ của ông cần luyện tập thêm.
Tranh chấp này - chí ít là bề ngoài - có liên quan tới 2 quyết định tương đối mang tính kỹ thuật của Nhật Bản. Ngày 1/7/2019, Nhật Bản cho biết sẽ đòi hỏi phải có giấy phép xuất khẩu riêng rẽ đối với 3 loại hóa chất được sử dụng trong ngành sản xuất chất bán dẫn mà Nhật Bản là nước cung cấp chủ đạo và hai gã khổng lồ công nghệ của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK Hynix nằm trong số các bên mua lớn nhất.
Ngay cả khi Hàn Quốc phản bác rằng động thái này có nguy cơ gây biến động chuỗi cung ứng hàng điện tử, Nhật Bản gần đây đã có bước đi lớn hơn là loại bỏ Hàn Quốc khỏi cái được gọi là “danh sách trắng” gồm 27 quốc gia được cho là có năng lực kiểm soát thích hợp đối với các mặt hàng nhạy cảm có thể được sử dụng trong quân sự.
Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định rằng họ có bằng chứng cho thấy Hàn Quốc đã không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để ngăn chặn việc xuất khẩu các sản phẩm này tới các nước thứ ba. Mặc dù một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng việc này có liên quan tới Triều Tiên, song các nguồn tin khác cho biết các quốc gia có liên quan nằm ở Trung Đông.Nhật Bản cũng giận dữ nói rằng chí ít họ đã tìm cách kêu gọi Hàn Quốc thảo luận về chủ đề này trong nhiều tháng nhưng đều bị từ chối.
Hàn Quốc phủ nhận điều này và lên án mạnh mẽ các biện pháp của Nhật Bản. Họ muốn đệ trình vấn đề này lên Liên hợp quốc, vốn giám sát các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, và đã vận động hành lang đối với Tổ chức thương mại thế giới, gọi động thái này là sự vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu. Đồng thời, người dân Hàn Quốc cũng lên tiếng bằng cách tẩy chay trên diện rộng hàng tiêu dùng Nhật Bản và hủy các chuyến đi đến Nhật Bản.
Đằng sau tất cả những điều này là mong muốn rõ ràng của Nhật Bản gây sức ép đối với Seoul trong tranh chấp đang tiếp diễn về vấn đề cưỡng bức lao động thời chiến khi Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên cho đến năm 1945. Nhật Bản bối rối trước việc Hàn Quốc cho phép các lao động trước đây khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tokyo cho rằng thỏa thuận năm 1965 khôi phục quan hệ giữa hai nước không cho phép có hành động dân sự như vậy và cho rằng 500 triệu USD mà nước này đã bồi thường vào thời điểm đó là để dành cho những trường hợp như vậy. Hàn Quốc cũng từ chối tổ chức các cuộc đàm phán mà Nhật Bản cho rằng đã được quy định trong thỏa thuận năm 1965 nhằm giải quyết những tranh chấp như vậy.
Theo những nhân vật gần gũi với chính phủ, Abe rất thất vọng trước tình hình này và đang tìm kiếm một vũ khí có thể sử dụng được. Ông đã lựa chọn vấn đề xuất khẩu, vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Thương mại và là lĩnh vực đã được quan tâm trong một thời gian. Đó là lúc Văn phòng Nội các đầy quyền lực tiếp quản vấn đề này. Nhiều sự tương đồng đã được rút ra giữa những hành động của Abe với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump lấy thương mại làm vũ khí, và theo cách tương tự, thông báo vào tháng 7/2019 đã chứng kiến một sự pha trộn theo phong cách Trump gồm các tuyên bố, tái tuyên bố và những sự thay đổi về chiến lược trong nội bộ chính phủ.
Theo những hiểu biết cơ bản về quan hệ quốc tế, những thông báo kiểu này chí ít cần đi kèm với một số bằng chứng về các lý do được đưa ra, các bản thông báo tình hình gửi tới các đại diện ngoại giao và truyền thông chuyên trách để đưa ra lý lẽ, và quan trọng nhất là đường lối rõ ràng và nhất quán về những gì đang diễn ra. Mọi thông tin được công bố cần được chuyển qua một văn phòng để đảm bảo tính nhất quán, và cần có một người đưa ra bình luận trước công chúng. Cuối cùng, nên chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch dự phòng để xử lý những diễn biến bất ngờ (việc tẩy chay hàng hóa sẽ nằm ở vị trí ưu tiên trong danh sách).
Thay vào đó, chúng ta lại chứng kiến một loạt tuyên bố thường mâu thuẫn và những sự ám chỉ mơ hồ từ phía các quan chức Nhật Bản.
Giải thích cho hành động này là những lý lẽ cơ bản tương đối tầm thường. Nhật Bản có thể nói rằng hành động của họ nằm trong phạm vi quyền hạn của bất kỳ quốc gia xuất khẩu nào khi yêu cầu các nhà cung cấp phải có giấy phép riêng cho mỗi lô hàng nguyên liệu. Các quan chức có thể chỉ ra rằng Nhật Bản đã áp dụng hệ thống tương tự với Trung Quốc, nước mà cùng với Mỹ đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, mà không gây ra ảnh hưởng xấu nào rõ ràng. Cả Trung Quốc lẫn Đài Loan, nơi sản xuất vi mạch, đều không nằm trong danh sách trắng của Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản lẽ ra cũng nên chuẩn bị sẵn sàng cho khá nhiều phản ứng tiêu cực. Samsung chiếm khoảng 15% tổng GDP của Hàn Quốc; bất kỳ chính phủ nào cũng sẽ không chấp nhận phục tùng khi phải đối mặt với mối đe dọa nhằm vào các doanh nghiệp chủ chốt của mình. Đối mặt với phản ứng của Seoul, Chính phủ Nhật Bản tỏ thái độ lên xuống thất thường. Trong khi Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko nhấn mạnh các phương diện kỹ thuật khi cho rằng việc này chỉ có liên quan tới các vấn đề an ninh quốc gia, thì các thủ trưởng của ông lại làm gia tăng mối nghi ngờ rằng ông đang tìm cách giảm nhẹ vấn đề.
Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, nói rằng trong khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được đưa ra “vì lý do an ninh quốc gia”, ông cũng tỏ ý rằng Hàn Quốc “không đưa ra giải pháp thỏa đáng về vấn đề các lao động trước đây trên bán đảo Triều Tiên trước Hội nghị thượng đỉnh G20 và chúng tôi không thể không nói rằng mối quan hệ tin cậy này đã bị tổn hại nghiêm trọng”.
Sau khi chính phủ bắt đầu thúc đẩy các mối quan ngại về an ninh quốc gia, Abe đã chuyển hướng khi quay trở lại các vấn đề thời chiến. Ông nói trong một chương trình thảo luận trên truyền hình: “Với việc xử lý vấn đề lao động thời chiến trước đây trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc rõ ràng đã chứng tỏ rằng họ là một quốc gia không giữ lời hứa. Đương nhiên, chúng ta phải giả định rằng họ cũng sẽ không tôn trọng những hứa hẹn về kiểm soát xuất khẩu”.
Không rõ liệu Abe và Suga có đoán trước được mức độ nghiêm trọng của các ảnh hưởng kinh tế tiềm tàng hay không. Chuỗi cửa hàng quần áo Uniqlo của Nhật Bản, mà Hàn Quốc là một thị trường quan trọng đối với họ, đã chứng kiến doanh số sụt giảm gần 30% tại hơn 180 cửa hàng ở Hàn Quốc. Các nhà sản xuất bia lớn như Asahi đã chứng kiến sự sụt giảm tương tự khi nhiều cửa hàng Hàn Quốc từ chối xếp bia của Nhật Bản lên các kệ hàng. Trước đây, bia Nhật Bản là thương hiệu nước ngoài phổ biến nhất trên thị trường Hàn Quốc. Theo các đại lý du lịch Hàn Quốc, du lịch từ Hàn Quốc tới Nhật Bản đã giảm khoảng 50% trong những tuần gần đây. Với 7,5 triệu du khách trong năm 2018, Hàn Quốc đóng góp số lượng du khách nước ngoài lớn nhất cho du lịch Nhật Bản - lĩnh vực đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng đối với nước này.
Nhìn chung, Hàn Quốc là quốc gia thặng dư thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản sau Mỹ, với thặng dư năm 2018 đạt khoảng 20 tỷ USD. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã làm rõ rằng những chiến tuyến kinh tế giờ đây đã được vạch ra. Phát biểu trước nội các trong một cuộc họp được phát trên sóng truyền hình quốc gia gần đây, Moon Jae-in nói: “Chúng ta sẽ không bị Nhật Bản đánh bại một lần nữa”.
Các bên khác cho rằng hai nước chỉ phải chịu tác động tối thiểu về kinh tế. Goldman Sachs lưu ý rằng hầu hết hàng xuất khẩu không chịu tác động của các biện pháp của Nhật Bản, chí ít là nếu các khách hàng doanh nghiệp của Hàn Quốc vẫn sẵn sàng mua hàng. Ngoài ra, dù có mối quan hệ thương mại gần gũi, song các công ty Nhật Bản không phải là các nhà đầu tư lớn ở Hàn Quốc, do đó, rủi ro trong dài hạn đối với họ là tương đối nhỏ. Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Nhật Bản trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3, Hàn Quốc chiếm 2,3% tổng đầu tư ra nước ngoài trên toàn cầu và khoảng 1/10 dòng vốn chảy vào Mỹ. Trong khi đó, giới lãnh đạo doanh nghiệp ở Nhật Bản tỏ ra thờ ơ đối với cuộc tranh chấp và nhìn chung tỏ ra ủng hộ những hành động của Abe bất chấp các phí tổn tiềm tàng. Kengo Sakurada, người đứng đầu Hiệp hội điều hành doanh nghiệp Nhật Bản, nói rằng ngành kinh doanh tại Nhật Bản muốn quan hệ “trở lại bình thường” sớm nhất có thể. Trong một cuộc trò chuyện riêng, một giám đốc điều hành cấp cao nói rằng Abe không phải là người có đường lối quyết liệt. Ông nói: “Chính Hàn Quốc đã cường điệu hóa những gì đang diễn ra và đưa ra những bình luận không chính xác về tác động đối với nền kinh tế thế giới”.
Điều có khả năng gây lo ngại hơn đối với Nhật Bản trong dài hạn là việc liệu Samsung và các công ty khác có thực hiện đến cùng những mối đe dọa chuyển nguồn cung từ Nhật Bản sang các nguồn “đáng tin cậy” hơn hay không. Gần đây, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rằng họ đang thiết lập một quỹ trị giá 6,4 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc của họ vào hàng xuất khẩu Nhật Bản. Điều đó có thể phụ thuộc vào việc liệu Nhật Bản có thực sự dừng xuất khẩu sau khi mọi việc đã lắng xuống hay không, vì theo các chuyên gia, một khoản đầu tư như vậy sẽ tiêu tốn đáng kể thời gian và tiền bạc.
Bất chấp những rủi ro, Abe dường như không sẵn sàng thỏa hiệp. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã công khai khiển trách Đại sứ Hàn Quốc Nam Gwan-pyo, khi ông này nhắc lại ý tưởng của Seoul về một quỹ chung để xử lý vấn đề lao động thời chiến trước đây - ý tưởng mà Tokyo đã bác bỏ. Khi máy quay truyền hình vẫn đang chạy, ông nói: “Việc ông đề xuất lại điều đó như thể không biết gì về nó là cực kỳ thô lỗ”.
Điều này góp phần khiến Tokyo càng có vẻ như đang đi theo đường lối cực đoan. Vị đại sứ này là một đồng minh thân cận của Moon Jae-in, và khi nhậm chức vào tháng trước, ông đã có một cuộc phỏng vấn với tờ Asahi trên tinh thần hòa giải, trong đó ông bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ và nói thêm rằng “các nhà ngoại giao cần cố gắng hết mình để tránh làm nguội lạnh toàn bộ mối quan hệ này”.
Trớ trêu thay, việc tìm cách gỡ rối tình hình giờ đây lại rơi vào tay Chính quyền Trump. Tuy nhiên, ngay cả John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, khi tới khu vực này lại từ chối đưa hai bên lại với nhau. Còn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại không thể lay chuyển Ngoại trưởng Nhật Bản Kono và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trong một cuộc họp ba bên bên lề một diễn đàn an ninh châu Á ở Bangkok. Mỹ nói rằng họ muốn hai bên tìm cách hợp tác, song lại từ chối đóng vai trò hòa giải, mặc dù màn tiếp theo trong vở kịch này sẽ có ý nghĩa quan trọng nhất theo quan điểm của Washington: quyết định của Hàn Quốc về việc hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo năm 2016.
Đối với Abe, vốn vừa giành được chiến thắng trong bầu cử và chứng kiến đảng của ông giữ vững vị thế ở Thượng viện, tình hình giờ đây khá phức tạp. Ông hầu như đã bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán về Triều Tiên và bị từ chối trong nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngay lúc này, ông cần Mỹ trong mối quan hệ với cả hai miền Triều Tiên, nhưng lại đang phải đối mặt với những lời kêu gọi trợ giúp tuần tra eo biển Hormuz và những đòi hỏi gắt gao từ phía Washington về một thỏa thuận thương mại chóng vánh. Ông cần chuẩn bị sẵn sàng cho một thách thức mới từ phía Trung-Nga. Sau khi hai nước này xâm phạm vùng trời khu vực quần đảo Dokdo, do Hàn Quốc kiểm soát nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền với tên gọi Takeshima, liệu tiếp theo đó máy bay của họ có bay qua quần đảo xa xôi Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư hay không? Có thể Abe sẽ sớm hiểu rõ hơn giá trị của vị thế khiêm tốn và câu nói đã có từ lâu rằng “chính trị không có lợi cho kinh doanh”.
William Sposato là một nhà báo ở Tokyo chuyên viết về tình hình kinh tế và tài chính ở Nhật Bản. Bài viết được đăng trên trang Foreign Policy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét