Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

13408 - Thách thức trong quan hệ Campuchia - Trung Quốc

Ngọc Diệp (giới thiệu)


Mối quan hệ song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đã trải qua một quá trình biến đổi đáng kể trong hai thập kỷ qua. Quan hệ ban đầu đầy ngờ vực do Trung Quốc dính líu đến cuộc nội chiến và xung đột xã hội ở Campuchia, đặc biệt là việc Bắc Kinh ủng hộ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng trong những thập kỷ 1970 và 1980. Quan hệ giữa hai nước dần được củng cố kể từ năm 1997, khi Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Hai nước đã có nhiều cơ hội trong việc vun đắp các mối quan hệ vào lúc đó.
Để tiếp tục tạo điều kiện phát triển các lợi ích chung, cả hai bên quyết định quên đi những đối nghịch chính trị trong quá khứ; để tập trung vào phát triển quan hệ đã được cải thiện. Trước năm 1996, Trung Quốc đã từng hỗ trợ cho đối thủ chính trị của Hun Sen, Hoàng tử Norodom Ranariddh, lúc đó là đồng Thủ tướng của Campuchia; Bắc Kinh coi chính phủ Phnom Penh là đồng minh của Việt Nam. Trước đây, Hun Sen gọi Trung Quốc là “nguồn gốc của mọi thứ hiểm độc”. Bây giờ thì Hun Sen miêu tả Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia. Bước ngoặt này diễn ra bất chấp việc Bắc Kinh từng hỗ trợ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, đã giết chết khoảng 1,7 triệu người từ năm 1975-79; và tiếp tục hỗ trợ cho Pol Pot trong thập kỷ 1980.
Trong thập kỷ vừa qua, Campuchia đã trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc ở hầu hết mọi khía cạnh, khiến một số học giả và nhà phân tích coi quan hệ Campuchia - Trung Quốc là mối quan hệ bên phụ thuộc, bên bảo trợ. Mối quan hệ này được coi là dựa trên các lợi ích hội tụ và sự “có qua có lại”. Trung Quốc coi Campuchia là một địa điểm chiến lược quan trọng để thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình, và Campuchia cũng coi sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Trung Quốc là cơ hội để giành được sự phát triển kinh tế và hỗ trợ chính trị cần thiết. Kể từ năm 1997, quan hệ song phương giữa hai nước đã được củng cố đáng kể và mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới. Tháng 12/2010, Campuchia và Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ song phương thành “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hợp tác song phương. Gần đây, Campuchia coi Trung Quốc là đối tác phát triển đáng tin cậy nhất. Đặc biệt là Campuchia ngày càng bị thu hút bởi hỗ trợ phát triển “không kèm ràng buộc” của Trung Quốc.
Rõ ràng là Campuchia đã bị Trung Quốc thu hút, vì Bắc Kinh đã hỗ trợ đáng kể về đầu tư cơ sở hạ tầng và viện trợ phát triển. Quan hệ giữa hai bên càng trở nên gần gũi hơn khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm đầu tiên với tư cách là chủ tịch nước đến Campuchia vào tháng 10/2016. Chuyến thăm của ông cho thấy lợi ích kinh tế đáng kể đối với Campuchia thông qua một loạt thỏa thuận song phương. Bao gồm trong số này là 240 triệu USD vốn vay, việc hủy bỏ khoản nợ gần 90 triệu USD, 14 triệu USD viện trợ quân sự và một số thỏa thuận khác.
Tập Cận Bình nói với người đồng cấp Hun Sen rằng: “Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Campuchia và sẵn sàng tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện và đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực”. Ông đánh giá cao mối quan hệ đối tác giữa hai nước là “tình bạn thép”. Đáp lại, Hun Sen đã mô tả Trung Quốc là “người bạn thân thiết nhất” của Campuchia. Trong một bài phát biểu năm 2017, Hun Sen đã mô tả Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy nhất”.
Campuchia được coi là một trong những người bạn và đồng minh tốt nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ là nguồn hỗ trợ phát triển khổng lồ, mà còn thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực phát triển then chốt như năng lượng, giao thông, dệt may, nông nghiệp và du lịch. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, một đối tác thương mại lớn và là nhà viện trợ hàng đầu của Campuchia. Campuchia cũng đã nhận được viện trợ hợp tác quân sự đáng kể, cũng như hậu thuẫn chính trị từ Bắc Kinh.
Mối quan hệ ngày càng vững mạnh của Campuchia với Trung Quốc đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các phương tiện truyền thông, nhà bình luận chính trị và giới học giả. Campuchia đã bị dán nhãn là một nước chư hầu của Trung Quốc. Với sự hợp tác và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu rộng, hai nước tin rằng một mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn phù hợp với lợi ích chung của họ. Bắc Kinh khẳng định quan hệ đối tác với Campuchia dựa trên nguyên tắc chính là cùng có lợi và đối tác bình đẳng.
Campuchia và Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực phát triển và liên tục củng cố mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Quan hệ song phương giữa hai bên dự kiến còn phát triển mạnh và sâu sắc hơn thông qua dự án tham vọng nhất của Bắc Kinh, sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Cả hai nước dường như có thể được lợi lớn từ mối quan hệ độc nhất và cộng sinh của họ. Tuy nhiên, tầm quan trọng ngày càng tăng của quan hệ hai nước đã đặt ra một câu hỏi: Tại sao một quốc gia hùng mạnh tầm thế giới lại trở thành người bạn thân nhất của một quốc gia nhỏ và nghèo như Campuchia?
Ở Campuchia, người ra cho rằng các lợi ích của Bắc Kinh chủ yếu là để tìm kiếm ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực. Hơn nữa, các cân nhắc chính trị và lợi ích quốc gia cốt lõi như hỗ trợ chương trình nghị sự quốc tế của Trung Quốc, chính sách Đài Loan/Một Trung Quốc và các vấn đề biển trên Biển Đông cũng là những yếu tố thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia.
Bối cảnh địa lý và kinh tế của Campuchia đã cho phép quan hệ song phương Campuchia-Trung Quốc có được vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Trong mắt Bắc Kinh, Campuchia quan trọng về mặt địa chính trị vì quốc gia này có vị trí chiến lược trọng yếu ở Đông Nam Á lục địa, cũng như là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Như nhà phân tích David Koh chỉ ra, “có Campuchia làm đồng minh mạnh có nghĩa là Trung Quốc chiếm được vị trí trung tâm ở Đông Dương”.
Về tầm quan trọng chiến lược, Campuchia đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á và bảo vệ các lợi ích thương mại và kinh doanh ngày càng lớn của mình. Campuchia rất quan trọng đối với người khổng lồ Trung Quốc vì nước này có đường hàng không, đường bộ và đường biển vào phía Đông vịnh Thái Lan. Do đó, việc có mặt ở Campuchia mang đến cho Trung Quốc nhiều lựa chọn để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đôngvới Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Malaysia, đặc biệt là để đảm bảo được sự chiếm đóng đối với quần đảo Trường Sa và khai thác tài nguyên thiên nhiên khu vực này. Ví dụ, trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể cần Campuchia làm địa điểm chiến lược, có thể tiếp cận từ biển để từ đó đưa ra phản ứng kịp thời.
Do đó, Trung Quốc đã hỗ trợ tiềm lực hải quân của Campuchia bằng việc cung cấp một số tàu tuần tra và tàu chiến. Kể từ năm 2005, Bắc Kinh đã cung cấp 9 tàu tuần tra và 5 tàu chiến, và Campuchia hy vọng sẽ nhận được thêm tàu trong tương lai. Mặc dù Trung Quốc lập luận rằng mục đích của việc hỗ trợ hải quân này là tăng cường tiềm lực hàng hải của Campuchia để chống lại cướp biển và buôn lậu ma túy, và lý do này cũng có phần đúng; nhưng sự hỗ trợ này cũng có thể được coi là nỗ lực công khai nhằm thiết lập một điểm tiếp cận quân sự để chống lại các mối đe dọa hiện tại và tương lai có thể phát sinh trong khu vực. Hỗ trợ quân sự của Trung Quốc cho Hải quân Campuchia cũng có thể được coi là để nâng cao năng lực và khả năng của họ nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Campuchia, đặc biệt là các cảng xuất nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc; và bảo vệ các lợi ích như là đường, khách du lịch và các ngành công nghiệp tại tỉnh Koh Kong.
Các tin tức chưa được chứng minh gần đây về một thỏa thuận bí mật được ký cho phép quân đội và khí tài quân sự Trung Quốc được đặt tại căn cứ hải quân Campuchia, có thể sẽ là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh nhìn nhận tầm quan trọng địa chính trị của Campuchia như thế nào. Theo tờ Wall Street Journal, Campuchia và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ký một hiệp ước để PLA tiếp cận một số khu vực của Căn cứ hải quân Ream tại vịnh Thái Lan. Vị trí này gần với một sân bay lớn mà một công ty nhà nước Trung Quốc đang xây dựng. Theo các chuyên gia Trung Quốc, cảng này có “khả năng sử dụng cho mục đích quân sự”, chỉ ra rằng có “mô hình [Trung Quốc] phát triển cảng lưỡng dụng tại Djibouti, Sri Lanka, Pakistan và Myanmar”. Tuy nhiên, các quan chức Campuchia đã bác bỏ cáo buộc này, tuyên bố đó là “tin tức giả” và “có ý định chống lại Campuchia”. Tuy nhiên, nếu việc này trở thành hiện thực, một căn cứ hải quân của Trung Quốc tại Campuchia sẽ giúp Bắc Kinh nâng cao khả năng và năng lực bảo vệ các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế ở Biển Đông, cũng như chống lại lợi ích của Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.
Ngoài tầm quan trọng chiến lược của mình, Campuchia còn hỗ trợ chính trị tích cực cho Trung Quốc trong các vấn đề cụ thể liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của người khổng lồ này, như vấn đề Đài Loan và tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại Phnom Penh khi Campuchia là chủ tịch ASEAN vào năm 2012 để định hình hiệu quả các cuộc thảo luận của ASEAN về Biển Đông. Đây là một ví dụ điển hình về lợi ích của Bắc Kinh trong việc quan hệ chặt chẽ với Campuchia để đẩy mạnh chính sách đối ngoại của mình.
Và kết quả của sự hợp tác song phương hiệu quả là ảnh hưởng của Trung Quốc trong chính trường Campuchia ngày càng tăng. Trung Quốc bắt đầu gây áp lực chính trị khá hiệu quả đối với Campuchia để đẩy mạnh một số chính sách của Bắc Kinh. Điều này thể hiện rõ khi vào năm 2001, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động Quốc hội Campuchia ngăn chặn việc thông qua đạo luật thành lập tòa án xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ. Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, chính phủ Phnom Penh cuối cùng đã chấp nhận khuôn khổ thành lập Tòa án xét xử Khmer Đỏ. Mặc dù các nỗ lực vận động hành lang của Trung Quốc đã không thành công, Campuchia đã dùng sách lược trì hoãn do ảnh hưởng của Trung Quốc.
Campuchia cũng đã đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng khác đối với Bắc Kinh. Ví dụ, Campuchia đã ủng hộ lập trường chính trị của Trung Quốc trong vụ máy bay E-P3 ngoài khơi đảo Hải Nam năm 2001. Tương tự như vậy, việc Campuchia từ chối cấp thị thực cho Đạt Lai Lạt Ma để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới thứ 3 tại Phnom Penh, rút lại sự ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào năm 2005, chỉ là một số ví dụ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Campuchia.
Một ví dụ điển hình khác thể hiện ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại của Campuchia đã xảy ra vào tháng 12/2009. Dù phải chịu áp lực đáng kể từ cộng đồng quốc tế và các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Campuchia đã trục xuất 20 người tị nạn Duy Ngô Nhĩ sang Trung Quốc. Động thái của chính quyền Phnom Penh đã khiến Mỹ cắt giảm phần nào viện trợ quân sự cho Campuchia. Đổi lại, trong chuyến thăm của mình, khi đó là Phó Chủ tịch, Tập Cận Bình đã cảm ơn Campuchia vì hành động này và đã cam kết gói viện trợ 1,2 tỷ USD cho Campuchia. Quyết định này chứng minh rõ ràng rằng Campuchia chịu áp lực của Trung Quốc để đổi lấy viện trợ và các khoản vay.
Khi Trung Quốc có được ảnh hưởng chính trị và kinh tế đáng kể đối với Campuchia nhỏ bé nhưng quan trọng về mặt chiến lược, Bắc Kinh sẽ có thể đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ và các nước phương Tây khác tại Campuchia. Cách tiếp cận cứng rắn hiện tại của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Campuchia đã đẩy Campuchia lại gần Trung Quốc hơn.
Quan hệ song phương gần gũi giữa Trung Quốc và Campuchia cũng đã gặp phải những thách thức lớn. Đối với Trung Quốc, các can dự chính trị và kinh tế của họ ở Campuchia được coi là chỉ phục vụ lợi ích chiến lược của riêng họ và giới chóp bu Campuchia, với cái giá mà phần lớn người dân Campuchia phải trả. Điều này đã làm tổn hại nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của Bắc Kinh ở Campuchia. Đối với Campuchia, mối quan hệ này đã mang lại những thách thức đáng kể cho chính sách đối ngoại và phát triển dân chủ.
Trung Quốc được xem là đang theo đuổi chính sách thắng-thắng-thua ở Campuchia, theo đó giới chóp bu Trung Quốc và Campuchia là bên thắng cuộc, còn người Campuchia nói chung là người thua. Để cả hai nước có được lợi ích từ các mối quan hệ này, Trung Quốc và Campuchia nên thay đổi quan hệ hiện tại của họ và tập trung nhiều hơn vào tính minh bạch, trách nhiệm và người dân Campuchia. Chỉ khi làm như vậy họ mới có thể đạt được một giải pháp thắng-thắng-thắng.
Trung Quốc không nên can thiệp vào các vấn đề chính trị của Campuchia, vì điều này sẽ gây tổn hại đến uy tín của Trung Quốc và có thể dẫn đến phong trào chính trị ủng hộ dân chủ chống lại Trung Quốc. Sự tham gia của Đại sứ Trung Quốc trong cuộc tuần hành bầu cử của Đảng Nhân dân Campuchia trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018 là một ví dụ rõ ràng về sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề trong nước của Campuchia, và nó đi ngược lại với tuyên bố của Trung Quốc rằng họ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác. Trung Quốc bị nhìn nhận rộng rãi ở Campuchia là đang đóng vai trò hậu trường trong sự đàn áp ngày càng tăng của chính phủ Campuchia.
Hợp tác cùng cộng đồng quốc tế để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Campuchia sẽ có lợi cho Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ mất các lợi ích kinh tế đáng kể ở Campuchia nếu khủng hoảng chính trị của nước này tiếp tục bế tắc và nếu các biện pháp trừng phạt, nhất là EU đe dọa rút lại các đặc quyền thuế quan “Tất cả ngoại trừ vũ khí”, được thực thi.
Sẽ rất khó, thậm chí bất khả thi, để Trung Quốc giành được trái tim và tâm trí của người dân Campuchia và thuyết phục thế giới rằng Trung Quốc sẽ trỗi dậy hòa bình, trừ khi Trung Quốc giải quyết hai vấn đề: (1) sự minh bạch, tính trách nhiệm và (2) sự hiệu quả của hỗ trợ phát triển từ Trung Quốc trong việc thúc đẩy phúc lợi của người dân và môi trường tự nhiên Campuchia./.

Veasna Var nghiên cứu sinh tại trường đại học New South Wales, Canberra. Bài viết được đăng trên trang IPP Review.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét