Cuối tháng 4-1975, do hoàn cảnh gia đình, tôi đã không di tản. Ở lại Việt Nam, cũng như bao nhiêu người khác, tôi phải tiếp tục làm việc để sống sót trong chế độ mới. Tôi tiếp tục đảm nhận chức vụ Thư Viện Trưởng của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (nay đã bị đổi tên). Trong thời gian này, hai Trường Đại Học Sư Phạm (ĐHSP) của Hà Nội và Sài Gòn là hai trường kết nghĩa. Thư viện của hai trường thường xuyên trao đổi các tài liệu quý cho nhau. Thư Viện Trưởng của ĐHSP Hà Nội (cơ sở 1, ở Ô Cầu Giấy) lúc đó là anh Đ.Đ.H.
Mỗi lần anh H. vào Sài Gòn nhận sách hoặc biếu sách, tôi đều làm việc trực tiếp với anh, và mời anh về nhà tôi ăn cơm với vợ chồng tôi, và đưa anh đi chơi, mua sắm trong thành phố. Trong những lần đi chơi với nhau như vậy, tôi và anh H. đã nói chuyện, tâm tình với nhau rất nhiều về mọi vấn đề và chuyện không tránh được đã xảy ra: chúng tôi trở thành một đôi bạn thân. Tình bạn này đã tiếp tục cho mãi đến ngày hôm nay (2019). Năm 1979, Anh Tư của tôi từ Canada đã gởi giấy bảo lãnh về cho gia đình tôi và tôi đã nộp hồ sơ xin xuất cảnh đi Canada với Phòng Công Tác Người Nước Ngoài (văn phòng ở đường Nguyễn Du, ngay tai ngôi nhà đã từng là Tòa Đại Sứ của Canada trước năm 1975). Mọi việc còn đang trong tình trạng chờ cứu xét thì xảy ra một chuyện bất ngờ: tôi được Ban Giám Hiệu cử đi công tác tại Hà Nội, tham dự một hội nghị dành cho các Trưởng Phòng Thư Viện của các Trường ĐHSP trên toàn quốc vào đầu tháng 1-1980. Bài viết này sẽ hoàn toàn không đề cập đến nội dung của hội nghị mà đặt trọng tâm vào những chuyện mắt thấy tai nghe về khung cảnh và nếp sống của người dân Hà Nội tại thời điểm đó.
Mỗi lần anh H. vào Sài Gòn nhận sách hoặc biếu sách, tôi đều làm việc trực tiếp với anh, và mời anh về nhà tôi ăn cơm với vợ chồng tôi, và đưa anh đi chơi, mua sắm trong thành phố. Trong những lần đi chơi với nhau như vậy, tôi và anh H. đã nói chuyện, tâm tình với nhau rất nhiều về mọi vấn đề và chuyện không tránh được đã xảy ra: chúng tôi trở thành một đôi bạn thân. Tình bạn này đã tiếp tục cho mãi đến ngày hôm nay (2019). Năm 1979, Anh Tư của tôi từ Canada đã gởi giấy bảo lãnh về cho gia đình tôi và tôi đã nộp hồ sơ xin xuất cảnh đi Canada với Phòng Công Tác Người Nước Ngoài (văn phòng ở đường Nguyễn Du, ngay tai ngôi nhà đã từng là Tòa Đại Sứ của Canada trước năm 1975). Mọi việc còn đang trong tình trạng chờ cứu xét thì xảy ra một chuyện bất ngờ: tôi được Ban Giám Hiệu cử đi công tác tại Hà Nội, tham dự một hội nghị dành cho các Trưởng Phòng Thư Viện của các Trường ĐHSP trên toàn quốc vào đầu tháng 1-1980. Bài viết này sẽ hoàn toàn không đề cập đến nội dung của hội nghị mà đặt trọng tâm vào những chuyện mắt thấy tai nghe về khung cảnh và nếp sống của người dân Hà Nội tại thời điểm đó.
Chuẩn Bị Cho Chuyến Đi Hà Nội
Đây sẽ là lần đầu tiên trong đời tôi ra Hà Nội. Ngoài sự háo hức của một người dân Miền Nam bình thường lần đầu tiên được đi thăm Hà Nội, tôi còn có thêm cái kỳ vọng của một người được đào tạo trong ngành Sử lần đầu tiên được đi thăm kinh đô cũ trong hàng ngàn năm của đất nước. Ngoài ra, đây cũng là một dịp được gặp lại anh H., một người bạn tuy mới quen nhưng đã trở nên rất thân tình.
Trong lúc chuẩn bị cho chuyến đi thăm kinh đô cũ lần đầu tiên này, tôi lại nhận được thêm một nhiệm vụ phải thi hành trong thời gian ở Hà Nội. Đây không phải là chuyện công mà là một chuyện riêng tư. Nhạc phụ tôi, một đệ tử thuần thành của Đạo Mẫu, đã giao cho tôi nhiệm vụ phải tìm cho được ngôi đền Sùng tại Hà Nội để đến chiêm bái Đức Đệ Nhứt Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ông cụ tìm trong tủ sách báo xưa và đưa cho tôi đọc một bài báo mà cụ đã cắt dán vào một cuốn tập. Bài báo này được xuất bản từ những năm trước chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954), và vì vậy giấy in nay đã vàng ố. Bài báo cho biết tại Hà Nội có một ngôi đền thờ Đức Bà Liễu Hạnh, tại số 35 đường Hàng Bột, gọi là Đền Sùng (còn ngôi đền chánh thờ Đức Bà là ở trong Thanh Hóa được gọi là Đền Sòng). Tôi hứa với nhạc phụ là tôi sẽ tìm đến ngôi Đền Sùng này để lạy Đức Bà.
Phi Trường Nội Bài
Chiếc bán-phản-lực cơ thương mại (turboprop airliner) Ilyushin Il-18 của Hàng Không Việt Nam, mà nhà trường mua vé cho chuyến đi Hà Nội của tôi, không thể đáp tại phi trường Gia Lâm vì phi trường này không có phi đạo đủ dài để tiếp nhận loại phi cơ bán-phản-lực này. Nó đáp xuống phi trường Nội Bài vào lúc trưa một ngày đầu tháng 1-1980.
Phi trường Nội Bài lúc đó hãy còn là một khu dân sự rất nhỏ nằm trong phạm vi của phi trường quân sự Vĩnh Phúc Yên dành cho các phản-lực-cơ chiến đấu MIG 21 và MIG 23. Toàn bộ phi trường dân sư Nội Bài chỉ gồm một dãy nhà bằng gạch một tầng, rất ngắn gồm độ chừng ba căn, với sàn lót gạch bông, trong đó có một căn có bày bán một số hàng ngoại miễn thuế như thuốc lá, rượu mạnh, nhưng khách mua phải trả bằng ngoại tệ là đô la xanh của Mỹ, một chuyện hoàn toàn bất ngờ đối với tôi vì lúc đó giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn chưa có quan hệ ngoại giao. Tôi vẫn còn nhớ thái độ rất bất mãn của các phi công người Nga của chuyến bay vừa đến khi đồng Rúp của họ không được nhận. Ở cuối dãy nhà gạch đó là phòng nhận hành lý vẫn còn là một kiến trúc lợp mái tôn và nền xi măng. Sau khi lấy hành lý xong độ hơn 15 phút thì có một chiếc xe buýt đến. Mọi người chạy ào ra, tranh nhau lên xe trước để có chỗ ngồi. Tôi là người chậm chân, lên xe cuối cùng, nên cùng với một số hành khách đành phải chịu đứng với chiếc túi hành lý để trên sàn xe, giữa hai chân.
Từ Nội Bài Về Hà Nội
Đoạn đường từ Nội Bài về Hà Nội chỉ khoảng 40 km nhưng chiếc xe buýt nhỏ và cũ kỹ này đi mất gần hai giờ đồng hồ, vì đường rất xấu, nhiều ổ gà, và phải qua hai chiếc cầu là cầu Sông Đuống và cầu Long Biên. Trên đường đi, tôi nhìn ra hai bên đường thì chỉ thấy các cánh đồng đất khô, rất ít nhà cửa. Khá nhiều hành khách trên chuyến xe buýt, đứng cũng có, ngồi trên các hàng ghế gần chỗ tôi đứng cũng có, nhìn tôi với đôi mắt tò mò vì cách ăn mặc của tôi khác hẳn họ. Lúc đó phần đông họ vẫn còn ăn mặc như trước khi chiến tranh chấm dứt với các bộ đồ vải xanh giống nhau. Tôi thì mặc quần jean, bên ngoài là một chiếc áo blouson dày, màu xanh xám của các phi công Mỹ mà tôi đã mua ở chợ trời Khu Dân Sinh trước khi đi Hà Nội vì nghe nói ngoài đó lạnh lắm (tháng giêng mà). Có thể nói là tôi nổi bật trong cái đám đông đó. Một vài người bắt đầu nói chuyện làm quen với tôi. Tất cả đều nghĩ là tôi là một Việt Kiều mới về thăm quê hương. Tôi trả lời là tôi công tác tại Sài Gòn ra Hà Nội dự hội nghị. Họ rất ngạc nhiên. Trong câu chuyện với họ, tôi nhận ra họ rất dè dặt, và mọi người đều phát biểu giống nhau, ca ngợi chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà Nước. Vì thế tôi vô cùng ngạc nhiên khi xảy ra chuyện bất ngờ như sau. Lúc đó xe buýt đã đến trạm của Hàng Không Việt Nam, ngay bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện với toà nhà mới xây của Bưu Điện Hà Nội, tôi vừa bước xuống đường thì cái anh bộ đội đã đứng sau lưng tôi từ cả hơn hai tiếng đồng hồ vừa qua nhưng không hề nói với tôi một câu nào cả, chợt tiến đến sát ngay sau lưng tôi và nói nhỏ vào tai tôi: “Địt mẹ ! Chúng nó nói láo cả đấy, cậu đừng có tin.” Tôi chưa kịp có phản ứng gì thì anh ấy lách qua khỏi tôi và đi luôn, không quay đầu lại nhìn tôi. Tôi không bao giờ có dịp gặp lại anh bộ đội này nữa.
Trước Khi Dự Hội Nghị
Tôi kêu một chiếc xích lô và nhờ anh phu xe chở đến Khu Tập Thể Kim Liên. Đó là một khu nhà ở cho cán bộ trung cấp của Hà Nội gần Trường Đại Học Tổng Hợp. Tôi tìm đến căn hộ của anh P.K.C., làm phó cho tôi trong thư viện.
Sau năm 1977, Trường ĐHSP đã tiếp thu cơ cở của Viện Đại Học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng (lúc đó đã đổi tên thành đường Nguyễn Văn Trổi), và gọi đó là Cơ Sở 1. Khu trường cũ trên đường Cộng Hòa, kế bên Đại Học Khoa Học, được gọi là Cơ Sở 2. Toàn bộ Ban Giám Hiệu và các Phòng Ban đều dọn về Cơ Sở 1. Thư viện được cơ chế thành một phòng, giống như Phòng Hành chánh, Phòng Tài Vụ, Phòng Tổ Chức, Phòng Học Vụ, vv. Tôi trở thành Trưởng Phòng Thư Viện. Anh T.V.Q, trước làm phó cho tôi từ thời quân quản, đã rời thư viện, ra dạy học trong Khoa Kinh Tế Mác Lê-Nin, và anh P.K.C. được cử thay anh Q. làm Phó Phòng cho tôi. Cũng như anh Q., Anh C. là một đảng viên, cán bộ giảng dạy của Khoa Văn. Anh C. có vợ và một con đứa con gái. Vợ anh C. công tác ở Bộ Thương Nghiệp ở Hà Nội và đứa con gái còn đang học ĐHSP Hà Nội, Khoa Anh Ngữ. Anh vào Nam chỉ có một mình và ở ngay trong trường. Lúc đó anh đang nghỉ phép, về thăm gia đình. Quan hệ gữa tôi và anh C. khá đặc biệt. Anh C. là em trai kế của bà P.K.T., Tổng Giám Đốc của một công ty bảo hiểm lớn ở Sài Gòn trước 1975, lúc bấy giờ vẫn còn cư ngụ tại ngôi biệt thư rất lớn trên đường Hồng Thập Tự (đã bị đổi tên thành đường Xô Viết Nghệ Tỉnh). Bà T. đã dành cho anh C. một phòng lớn trong biệt thư nhưng anh C. từ chối, không ở mà vẫn tiếp tục ở trong một căn phòng nhỏ bé trong trường. Trước 1975, bà T. là một trong số các bà bạn của Chị Hai tôi. Anh C. lại có một người em trai út, anh P.K.T., là bạn học khá thân của tôi hồi Đệ Nhị Cấp tại Trường Trung Học Petrus Ký. Anh T. sau đó cũng thi đậu vào ĐHSP Sài Gòn như tôi, nhưng Ban Anh Văn. Chính vì những liên hệ này, anh C. đã coi tôi như đứa em. Đầu năm trước, 1979, anh cũng về Hà Nội nghỉ phép thăm gia đình. Một hôm tôi nhận được một điện tín của anh từ Hà Nội gởi vào. Mở ra xem, tôi bàng hoàng và thật cảm động vì câu anh viết trong điện tín, đại khái như sau: “nhà nước đã có chính sách cho đi đoàn tụ nước ngoài rồi, sẽ nói cho em nghe chi tiết sau.”Lần này khi được biết tôi sẽ ra Hà Nội dự hội nghị, anh đã dặn tôi đến ở nhà anh trong thời gian chờ hội nghị khai mạc. (Ban Giám Hiệu cho tôi đi hơn một tuần, trừ hai ngày đi và về, tôi sẽ ở Hà Nội tổng cộng 7 ngày gồm 2 ngày trước hội nghị, 3 ngày hội nghị và 2 ngày sau hội nghị.).
Khu Tập Thể Kim Liên là một tập hợp nhiều tòa nhà (building) cao độ bốn tầng, có lẽ đã được xây từ nhiều năm trước, lúc đó trông đã nhếch nhác lắm rồi. Khi bước chân vào căn hộ của anh C. tôi mới biết nó chỉ là một căn phòng rộng độ 16 mét vuông, mỗi cạnh 4 mét, sàn gạch, chỉ vừa đủ kê một cái giường có một tấm màn để ngăn chia với phần còn lại có để một cái bàn viết, vài cái ghế, một góc phòng làm chổ nấu nướng. Nhờ căn hộ của anh nằm ngoài cùng của tòa nhà, anh C. đã dựng thêm được một cái hóc nhỏ vừa đủ để một cái giường đơn cho đưa con gái nay đã lớn, không thể
ngủ chung giường với anh chị được nữa. Thời gian này nó đang ở trong ký túc xá của Trường ĐHSP Hà Nội nên cái hóc đó sẽ là chỗ ngủ của tôi trong lúc tôi tạm trú ở nhà anh. Chỗ ở của đêm đầu tiên tại Hà Nội của tôi là như thế. Bù lại, tôi đã được hưởng một đêm thật ấm cúng trong mối chân tình của anh chị C. Bữa cơm dọn ra, ba người chúng tôi ngồi trên chiếc chiếu ngay trên sàn căn phòng, ở giữa có đặt một cái mâm đồng to tròn. Thức ăn gồm có một con cá chuối (giống như cá lóc ở trong Nam) chiên giòn chấm nước mắm ớt, một đĩa thịt ba chỉ luộc để chung với rau muống cũng luộc, và một tô canh bí ngô có một ít tép nhỏ. Cơm thì toàn là cơm trắng, không có độn mì. Tôi rất cảm động vì biết rằng bữa cơm ngon và đầy đủ thức ăn như vầy là anh chị đặc biệt đãi tôi. Đặc biệt là anh C. còn lấy ra một bình rượu mơ do anh cất từ nửa năm trước, rót ra ly nhỏ cho tôi và anh uống. Thật là một bữa cơm ngon và đầy tình người. Chiều hôm sau, lúc về đến gần Khu Kim Liên, thấy có một đám đông tôi đến gần xem thì ra có một số người tập hợp lại thành một cái chợ chòm hỏm và có bán cá thịt, rau cải. Tôi mua được một cái đùi heo còn tươi rất ngon và mang về biếu anh chị C. Anh chị rất vui và tối hôm đó ba người chúng tôi lại có một bữa tiệc nhỏ nữa, và lần này thì thưởng thức món thịt nướng của chị C. làm cấp tốc., canh thì vẫn là canh bí ngô nhưng lần này được nấu với thịt heo xắt miếng. Sáng hôm sau, được anh chị C. chỉ dẫn, tôi đi xe điện lên khu Giảng Võ để đăng ký dự hội nghị.
Sáng ngày thứ hai ở Hà Nội, sau khi ăn sáng xong với anh chị C. (một gói xôi đậu đen do chị C. mua về và một tách cà phê với sữa đặc do chính anh C. pha cho tôi), tôi xin phép đi thăm và đưa thơ của một người bạn nhờ tôi trao lại cho một ông anh là một ông thượng tá trong quân đội. Khi tôi đưa cho anh C. xem cái địa chỉ ghi bên ngoài phong bì, một căn nhà ở phố Điện Biên Phủ, anh cho biết đó là trong khu phố Tây của Hà Nội, chớ không phải là trong khu phố Ta tức là khu 36 phố phường của Hà Nội. Khi đến khu phố Tây tôi thấy đường sá rất sạch sẽ, hai bên đường có nhiều cây to cho bóng mát, nhà thì phần lớn là những biệt thự, lớn có nhỏ có, sơn phết hực hở. Đến căn biệt thự có đúng số nhà ghi trên phòng bì, tôi nghĩ trong bụng ông Thượng Tá này được chỗ ở như vầy thì ngon lành quá. Đến khi gặp được ông ấy rồi mới được biết là có tất cả 8 hộ sống trong căn biệt thư này: 2 ông thiếu tướng, 2 ông đại tá, và 4 ông thượng tá. Ông thượng tá, anh của người bạn tôi, cùng với bà vợ sống trong một căn phòng cũng giống như căn hộ của anh chị C. mà thôi. Sau khi đọc xong bức thư tôi mang đến, ông thượng tá hỏi tôi đã có dự định làm gì, đi đâu trong ngày hôm đó không, tôi cho biết là không có. Ông rất vui và mời tôi ở chơi với ông suốt ngày hôm đó. Tôi nhận lời ngay vì cũng không biết đi đâu. Ông để tôi ngồi nói chuyện với bà vợ ông và đi sang căn hộ bên cạnh. Một lúc sau ông trở lại, có dẫn theo một chiếc xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc. Trong phòng ông lúc đó cũng có một chiếc như thế. Sau đó ông và tôi, mỗi người một chiếc xe đạp, bắt đầu cuộc du hành viếng thăm Hà Nội. Lúc đó cũng gần 12 giờ trưa rồi nên ông đề nghị đi lên phố Cổ Ngư ăn bánh tôm. Tại thời điểm này, đường Cổ Ngư đã được đổi tên thành đường Thanh Niên, vì do chính thanh niên Hà Nội góp công xây đắp vào cuối thập niên 1950. Đó là một con đường rất đẹp, chạy dài giữa hai hồ lớn của Hà Nội: Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Hai bên đường có khá nhiều cửa hàng bán món bánh tôm chiên. Ông thượng tá và tôi vào một quán để thưởng thức món ăn được thanh niên Hà Nội ưa chuộng này. Có lẽ cái khung cảnh nên thơ của con đường đã góp phần ít nhiều làm cho tôi ăn thấy rất ngon cái món ăn tương đối tầm thường này. Suốt buổi trưa hôm đó, ông thượng tá đã đóng vai trò hướng dẫn viên du lịch, đưa tôi đi thăm các thắng cảnh của Hà Nội: Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn, Chùa Trấn Quốc, Văn Miếu, vv. Chiều lại, sau khi trở về căn hộ để trả chiếc xe đạp lại cho người láng giềng, ông thượng tá bảo tôi: “bây giờ hai anh em mình đi ăn cơm Tây nha.” Ông đưa tôi ra nhà hàng Bodega ở phố Tràng Tiền, gần Hồ Hoàn Kiếm. Đây là nhà hàng gần như là duy nhứt còn lại ở Hà Nội bán cơm Tây tại thời điểm đó. Khách không đông lắm, và, cũng như các cửa hàng ăn uống quốc doanh khác trong nước lúc đó, phải trả tiền trước khi gọi món ăn, đến bàn ăn ngồi chờ để nhân viên mang thức ăn đến. Tối hôm đó, ông thượng tá và tôi mỗi người ăn một đĩa bít-tết với khoai chiên, một khúc bánh mì nướng dòn, và mỗi người uống một chai bia. Sau khi ăn xong, chúng tôi thả bộ ra Hồ Hoàn Kiếm, kiếm một cái băng ghế trống ở bờ hồ, ngồi nói chuyện đến hơn 10 giờ đêm mới chia tay. Tôi không bao giờ quên được cuộc nói chuyện đêm hôm đó. Nói cho đúng, đó gần như là một cuộc độc thoại, ông thượng tá là người nói và tôi là người nghe. Tôi gần như chắc chắn là người bạn em ông, trong bức thư gởi cho ông do chính tôi cầm tay mang ra cho ông, đã giới thiệu rất đầy đủ về tôi cũng như về mối thân tình và hoạt động chung của hai đứa chúng tôi. Vì thế ông ấy mới có thể yên tâm để tâm sự với tôi. Ông kể cho tôi nghe quá trình chiến đấu của ông trong thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp. Ông cũng nói rất nhiều về việc ông được đào tạo tại Trung Quốc đã đưa ông lên đến vị trí tư lệnh binh chủng như thế nào và cũng chính vì quá trình được đào tạo tại Trung Quốc này đã đưa ông đến chổ mất chức, ngồi chơi xơi nước hiện nay như thế nào. Ông tiết lộ cho tôi nghe vụ Tướng Chu Văn Tấn đã bị cách chức và bắt giam như thế nào. Sau cùng, ông khuyên tôi nên tìm cách đi nước ngoài sinh sống. Tôi nhớ mãi câu nói sau đây của ông: “chú sống không nổi trong chế độ này đâu, bọn anh thì đã quen rồi, anh cũng đã khuyên thằng O. [người bạn tôi, em của ông] như vậy từ lâu rồi, nhưng nó chậm chạp quá, chắc không xong rồi.” Khi chia tay ông tại bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi đứng tại chỗ nhìn ông đi xa dần, lòng tôi nặng chĩu, ngậm ngùi, thương cho ông suốt một thời trai trẻ hy sinh cho đất nước, và bây giờ, trở thành một nạn nhân của chế độ. Tôi không bao giờ có cơ hội gặp lại ông trước khi ông mất mấy năm sau đó vì tôi đã rời khỏi Việt Nam đi định cư tại Canada.
Dự Hội Nghị
Chiếc xe điện cũ kỹ, còn sót lại từ thời Pháp thuộc, chạy rất chậm, kêu leng keng, từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi lên phía Ô Cầu Giấy, đưa tôi đến khu Giảng Võ (trước là khu triển lãm của Hà Nội). Tại đây tôi nhìn thấy một khu building cao độ 5 tầng, trông rất giống Khu Thanh Đa ở Sài Gòn trước 1975, còn rất mới. Tôi vào văn phòng, trình công văn của Trường và được trao chìa khóa của một căn phòng. Vào phòng, việc đầu tiên tôi làm là đi vào toilet để xả “bầu tâm sự” vì 2 ngày qua tôi không thể nào đi cầu được trong khu nhà cầu của khu tập thể Kim Liên. Sau đó tôi xuống đăng ký để có phần ăn trong 3 ngày họp, và một bất ngờ đến với tôi. Cô cán bộ phụ trách đăng ký yêu cầu tôi nộp tem phiếu. Tôi nói trong T/P Hồ Chí Minh không có xài tem phiếu và tôi xin đóng tiền để thế vào nhưng cô nói không được, phải có tem phiếu, và bảo tôi ra Ga Hàng Cỏ mua. Nhờ cô ấy chỉ đường, sau cùng tôi cũng đi đến được Ga Hàng Cỏ và mua được đủ tem phiếu để mang về nộp. Một chuyện khôi hài đã diễn ra tại Ga Hàng Cỏ. Tôi bị một số thiếu niên cứ đi theo tôi và đòi mua cái quần jean tôi đang mặc: “Cậu, cậu, cậu bán cho cháu cái quần bò đi !.” Đó là lần đầu tiên tôi được biết là dân Hà Nội gọi quần jean là quần bò.
Nộp tem phiếu đầy đủ xong, tôi được phát một số phiếu để ăn cơm trong ba ngày hội nghị: mỗi ngày gồm một phiếu nhỏ màu xanh để ăn sáng và hai phiếu lớn hơn một tí màu đỏ để ăn trưa và ăn chiều. Trong thời gian hội nghị, cứ đến giờ ăn, mọi người vội vàng đi vào phòng ăn, phòng khá rộng, có đặt rất nhiều bàn, mỗi bàn 4 ghế, thức ăn đã dọn sẳn, cứ đủ 4 người, đặt đủ 4 phiếu đỏ xuống là ngồi vào ăn ngay, không có ai chờ ai cả. Thức ăn thì ngày nào cũng giống nhau: một đĩa cá kho (hay cá chiên), một đĩa nước mấm ớt, một đĩa rau muống luộc, và 1 tô canh rau gì đó chỉ có nước lỏng bỏng, không có thịt, tôm gì cả. Cơm thì độn với mì sợi (kỳ lạ là tôi ăn thấy ngon, có lẽ vì lạ miệng). Nước uống thì mỗi người một ly nước trà. Ngày cuối cùng, buổi sáng có ông Nguyễn Đình Tứ, BộTrưởng Bộ Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, đến dự. Trưa ông ở lại ăn trưa với mọi người. Nói như thế nhưng thật ra ông ngồi một bàn riêng, chỉ có một mình ông mà thôi. Tôi nhìn sang thì thấy thức ăn trên bàn ông hoàn toàn khác với thức ăn của bọn tôi: một con cá (không biết là cá gì, cỡ trung bình) chiên vàng, một đĩa giò chả cắt khoanh tròn từng miếng trông rất ngon, một đĩa thịt quay, một tô canh gì đó, cơm thì một đĩa to đầy và toàn là cơm trắng, không có độn mì sợi. Nước uống thì là một chai bia. Về sau khi nói chuyện với anh H. tôi mới biết sự khác biệt về ăn uống đó được dân Miền Bắc gọi là “đại táo và tiểu táo.” Đại táo là dành cho cán bộ cấp thấp, thức ăn nấu chung cho cả đám ăn nên hoàn toàn giống nhau. Tiểu táo là thức ăn dành cho cán bộ cao cấp (từ vụ trưởng trở lên) nên nấu riêng và thức ăn cũng ngon hơn nhiều. Anh H. còn cho biết thêm là lúc còn làm Hiệu Phó Trường Đại Học Tổng Hợp, ông Tứ cũng gầy như anh ấy, mà bây giờ (lúc hội nghị) ông mập mạp, hồng hào như vậy, đó là kết quả của mấy năm làm Bộ Trưởng và được ăn theo tiểu táo. Tôi bỗng nhớ lại hình Bác Hồ trước và sau năm 1954, và hiểu ra cái kết quả trông thấy của việc ăn uống theo tiêu chuẩn của Miền Bác.
Sau Khi Dự Hội Nghị
Sau khi hội nghị chấm dứt, tôi được anh H. đưa về tạm trú ở một căn hộ ở lầu hai của một căn phố lầu ba tầng trong khu Hà Nội 36 phố phường. Đó là một ngôi nhà rất cũ, và, cũng như tất cả nhà cửa trong khu nầy, đã không được sơn phết gì cả trong bao nhiêu năm qua (khác hẳn nhà cửa trong khu phố Tây, nơi ở của các cán bộ cao cấp cũng như các trụ sở của chính quyền và Đảng). Nhà cửa, đường sá trong khu Hà Nội 36 phố phường này đã bộc lộ cho thấy sự nghèo nàn của Miền Bắc, ngay cả lúc đó là đã 5 năm sau ngày Miền Bắc thôn tính được Miền Nam. Anh H. cho biết đây là nhà của gia đình anh trước 1954. Bố mẹ anh có một cửa hàng tạp hóa ở tầng trệt, và hai tầng trên là chỗ ở của đại gia đình. Về sau ngôi nhà đã bị nhà nước tịch thu sau vụ cải tạo công thương nghiệp trong thập niên 1950. Hiện gia đình của anh chỉ còn giữ lại được có một căn phòng trong ngôi nhà lầu ba tầng này và là căn hộ của hai vợ chồng người em trai kế anh với một đứa con. Anh đã nhờ người em cho tôi tạm trú hai đêm ở đó. Đêm hôm đó, người em của anh H. đã kể cho tôi nghe những khó khăn mà gia đình anh đã trải qua, nếu không nhờ có người chú ruột đã đi kháng chiến về và là đảng viên giúp đỡ thì chắc cũng không giữ được căn hộ này để ở cho đến bây giờ.
Sáng hôm sau, anh H. đến sớm và, với chiếc xe đạp Phượng Hoàng, anh chở tôi ngồi sau bọt-ba-ga đi ăn sáng. Trước tiên là đi ăn phở chui tại một căn nhà trên phố Hàng Mã. Tại đây cũng phải trả tiền trước (hình như 3 đồng một tô), vào bàn ngồi rồi sẽ có ngươi mang tô phở tới bàn. Anh H. là thổ công Hà Nội nên dĩ nhiên phở ở đây ăn rất ngon. Ăn xong, anh H. chở tôi sang Phố Thuốc Bắc để uống cà phê chui. Tại đây, anh H. kêu: “cho hai cái nâu và 4 điếu Tam Đảo,” tức là hai ly cà phê sữa và 4 điếu thuốc lá hiệu Tam Đảo (một hiệu thuốc lá rất phổ biến tại Hà Nội lúc bấy giờ). Tại tiệm cà phê chui này được cái là chỉ trả tiền sau khi người làm mang cà phê đến bàn cho khách. Cà phê này uống cũng khá ngon nhưng dĩ nhiên không thể “phê” bằng cà phê Năm Dưỡng hay Gió Bắc của Sài Gòn. Sau khi rời tiệm cà phê, tôi nhờ Anh H. chở đi tìm ngôi đền Sùng, như tôi đã hứa với nhạc phụ tôi trước khi đi Hà Nội.
Chúng tôi bắt đầu từ Văn Miếu, đi đường Hàng Bột về phía Ô Chợ Dừa. Anh H. đạp xe chầm chậm, tôi ngồi sau bọt-ba-ga, luôn luôn nhìn sang bên trái đường để tìm số nhà 35. Đọc đường, chúng tôi thỉnh thoảng ngừng xe lại để hỏi thăm các người đi đường, phần nhiều là những người lớn tuổi, vì chúng tôi nghĩ là những người trẻ tuổi trẻ chắc không biết về ngôi Đền. Không một người nào biết cả. Lúc đó chúng tôi đã đi khá xa trên đường Hàng Bột, gần đến Ô Chợ Dừa rồi. Tôi vái thầm trong bụng như sau: “Đệ tử cầu xin Đức Bà linh thiêng phù hộ cho đệ tử tìm được ngôi Đền để đệ tử có thể vào lạy Đức Bà.” Tôi vừa vái xong thì ngay lúc đó anh H. dừng xe đạp lại một lần nữa. Bên vệ đường là một ông cụ đang ngồi với đồ nghề vá xe đạp. Cũng như những lần trước, anh H. hỏi thăm cụ già về ngôi Đền. Lần nầy, thật là linh diệu, ông cụ nói ngay như sau: “các cậu đi quá rồi, vòng lại đi, ngôi Đền ở ngay phía sau cái nhà trẻ đấy, lối đi vào Đền là ở bên cạnh nhà trẻ đấy.” Chúng tôi cám ơn ông cụ và vòng xe lại, đi trở ngược lại hướng Văn Miếu. Khi đến trước nhà trẻ, tôi nhìn kỹ hai cây cột gỗ phía trên có bảng hiệu của nhà trẻ thì mới nhận ra là cái cột bên phía tay mặt được đặt lên trên một cái cột đá cũ kỹ. Nhìn kỹ cái cột đá đó thì rõ ràng có một vài chữ Hán khắc theo chiều dọc. Vậy đây rõ ràng là một trong hai cái cột bằng đá của một cái cổng của một kiến trúc cổ nào đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là địa điểm của Đền Sùng ngày xưa như bài báo đã mô tả. Theo lời chỉ dẫn của ông cụ lúc nãy, tôi và anh H. dẫn xe đạp theo lối đi bên cạnh phía tay mặt của nhà trẻ để vào bên trong. Sau độ hơn 20 mét, nhìn sang bên tay trái chúng ta thấy ngay cái sân nhỏ và ngắn ở trước một ngôi nhà nhỏ. Bước vào nhà, tôi và anh H. thật sửng sốt khi nhìn thấy cảnh tượng bên trong. Trước mắt chúng tôi là một khoảng dùng làm nơi lễ bái, rộng 6 x 3 mét, lót gạch bông đã được lau chùi bóng loáng, bên trong là ba gian điện thờ sơn son thếp vàng thật nguy nga. Trong đền lúc đó có sự hiện diện của ba cụ, hai bà một ông, tóc bạc phơ, chắc đã trên dưới 70. Các cụ đang ngồi ăn trầu, nói chuyện trên một cái sạp gụ bóng loáng. Thấy chúng tôi vào, các cụ đứng dậy, đi ra tiếp chúng tôi. Khi được anh H. nói cho biết tôi là một người từ Miền Nam ra và nhờ anh đưa đi tìm ngôi Đền để đến lễ bái Đức Bà, các cụ vô cùng ngạc nhiên và vui mừng. Ông cụ vội vã đến các gian điện thờ bật đèn lên, đốt ba cây nhang và đưa cho tôi. Anh H. bước sang một bên, không tham gia vào việc lễ bái. Sau đó ông cụ đi đến gian điện thờ chính giữa, nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, và đánh mấy tiếng chuông. Tôi lễ đủ tất cả ba bàn thờ, và, xin phép các cụ, tôi gởi một ít tiền góp vào việc mua nhang đèn. Mười tám năm sau, 1998, khi trở lại Hà Nội lần thứ nhì, lần này là do Trường Đại Học Saskatchewan của Canada cử đi dự một hội nghị quốc tế về công nghệ thông tin (NIT ’98: 10th International Conference on New Information Technology, March 24-26, 1998, Hanoi, Vietnam), tôi lại cùng với anh H. đi thăm ngôi Đền này, và lần này, tôi rất vui mừng được thấy ngôi Đền đã được trùng tu với cái cổng mới như trong hình bên dưới đây:
Hình cổng chính Đền Sùng Hà Nội hiện nay (Vọng Sùng Sơn Tự) |
Sáng hôm sau, anh H. lại đến rước tôi đi ăn sáng, rồi chở tôi đi thăm thêm một số thắng cảnh của Hà Nội, Ô Quan Chường, Đền Voi Phục, Đền Quán Thánh, Chợ Đồng Xuân. Khi đi ngang các phố Hàng Ngang, Hàng Đào nổi tiếng ngày xưa với các cửa hàng tơ lụa sang trọng, tôi không khỏi bùi ngùi trước cảnh phế hưng. Trên các phố này nay thỉnh thoảng chỉ thấy vài bà cụ ngồi bán bên vỉa hè, với cái mẹt trên để mấy lon sữa Thống Nhứt (tức là sữa Foremost ở nhà máy trên khu kỹ nghệ Thủ Đức ngày xưa, bây giờ bị đổi tên), mấy gói thuốc Tam Đảo, Điện Biên, thỉnh thoàng có vài bao thuốc lá ngoại như Pall Mall, Ba Số 5 (555). Trưa hôm đó, anh H. đưa tôi về căn hộ của hai vợ chồng anh trong khu tập thể của Trường ĐHSP Hà Nội I ở Ô Cầu Giấy. Bà xã anh làm món bún chả Hà Nội để đãi tôi hôm đó. Đúng là bún chả Hà Nội do một người dân Hà Nội chính cống làm nên dĩ nhiên là rất ngon. Cũng giống như anh chị C., anh chị H. cũng bày thức ăn trên một cái mâm đồng to. Về sau, mãi về sau, khi gặp lại anh H. năm 1998, tôi mới biết là hôm đó, anh chị đã phải sử dụng tem phiếu của cả hai vợ chồng (chị H. cũng là cán bộ giảng dạy của ĐHSP Hà Nội I, khoa Sinh) trong tháng đó mới mua được 1 kg thịt heo để làm món bún chả đó để đãi tôi. Trong buổi chiều, anh H. đưa tôi vào thư viện trường để tham quan, và có dịp chuyện trò với nhân viên của anh. Tối hôm đó, tôi mời anh chị H. và hai đứa con (một trai, một gái) cùng đi ăn tối với tôi tại một nhà hàng chim quay ở phố Hàng Buồm. Anh H. cho biết hồi trước 1954, phố này có rất nhiều cửa hàng bán chim quay của người Hoa. Sau năm 1954 vẫn còn khá nhiều tiệm, nhưng từ khi có vụ Chiến Tranh Biên giới với Trung Quốc (đầu năm 1979), người Hoa đã bỏ đi rất nhiều nên khu này không còn như ngày xưa nữa. Sau bữa ăn, chị H. đưa các cháu về, anh H. đưa tôi về nhà người em trai và ở lại với tôi đêm đó. Chúng tôi nằm nói chuyện tới khuya và anh H. đã kể cho tôi nghe câu chuyện của hai vợ chồng người em gái của bà xã anh. Cả hai người đều là kỹ sư hóa học, tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, và cùng làm việc cho Tổng Cục Hóa Chất tại Hà Nội. Sau vụ Trung Quốc đánh Việt Nam đầu năm 1979, cũng như rất nhiều trường hợp tương tự, cả hai vợ chồng đều bị buộc phải thôi việc, lý do là vì người chồng là người gốc Hoa. Vợ chồng người em gái đã xuống Hải Phòng và lên tàu rời Việt Nam (không phải trả nhiều lượng vàng như ở trong Miền Nam, mà rất dễ dàng lúc đó, chỉ gần chung cho Công An một số tiền nhỏ, có khi chỉ là một cái đồng hồ, hay một cái radio, là được cho lên tàu). Rất may mắn, thuyền của họ được một chiếc tàu buôn của Đức cứu được và nhờ vậy họ được đi định cư tại Tây Đức. Sáng hôm sau, anh H. chở tôi ra trạm Hàng Không Việt Nam ở bờ Hồ Hoàn Kiếm để chờ xe buýt đưa lên Nội Bài để lên chuyến bay trở về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi Hà Nội lần đầu tiên trong đời tôi với rất nhiều kỷ niệm khó quên.
Thay Lời Kết
Hà Nội của năm 1980, gần 5 năm sau ngày Miền Bắc thôn tính được Miền Nam, trong chế độ bao cấp, vẫn còn quá sức nghèo nàn, lạc hậu so với Sài Gòn năm 1975. Người dân Hà Nội, rõ ràng bên ngoài là thần phục chế độ, nhưng bên trong đã có sẵn những mầm mống chống đối. Những người bạn chân tình của tôi, tuy sống ở Miền Bắc, ngay cả đã là đảng viên, vẫn còn giữ được bản chất thuần hậu của một người Việt Nam, không nề hà, hết lòng giúp đỡ bạn bè trong khả năng của mình. Việc đi tìm Đền Sùng cho thấy rất rõ, bất chấp những áp lực, gây khó khăn của nhà nước Cộng sản, người dân Miền Bắc vẫn giữ được trọn vẹn niềm tin tôn giáo của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét