Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ vừa truy tố 80 người liên quan đến chuyện giả danh “lính Mỹ” lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt ít nhất 46 triệu Mỹ kim. Chưa rõ có nạn nhân nào của tổ chức tội phạm xuyên biên giới vừa bị FBI tống giam hoặc đang tìm cách dẫn độ tới Mỹ là người Việt hay không nhưng thời gian vừa qua và sắp tới, nếu thiếu thông tin, chắc chắn sẽ còn nhiều người Việt bị những kẻ giả danh lính Mỹ, “lừa tình, gạt tiền” cho dù kiểu lừa đảo này hoàn toàn không mới và có rất nhiều điểm đáng ngờ.
Tháng 3 năm 2016, qua Internet, F.K - một phụ nữ Nhật vừa ly hôn, kết bạn với Terry Garcia – một “đại úy” của quân đội Mỹ. Tuy họ không hề gặp mặt, cũng chưa bao giờ trò chuyện trực tiếp nhưng quan hệ giữa F.K và Garcia càng lúc càng thắm thiết. Sau đó, Garcia tiết lộ với F.K là y đang đóng tại Syria và vì tính chất công việc, Garcia đã thu thập được một túi kim cương, y đang tìm cách đưa túi kim cương này ra khỏi Syria...
Bởi đó là chuyện không dễ làm, Garcia đề nghị F.K hỗ trợ tài chính và cô sẽ được chia lời. F.K đã dốc hết tiền tiết kiệm, vay mượn của cả thân nhân trong nhà lẫn chồng cũ để chuyển tiền cho những người mà Garcia giới thiệu là bạn bè và cùng tham gia kế hoạch này, có người ở Mỹ, có người ở Anh, có cả những người ở Thổ Nhĩ Kỳ,…
Thậm chí khi F.K đến Mỹ du lịch, bạn bè của Garcia còn bảo với F.K rằng, cô cần chuyển thêm tiền vì một trong những thành viên của nhóm đã lấy 33.000 Mỹ kim của ngân hàng nơi y làm việc để góp cho việc thực hiện kế hoạch buôn lậu kim cương. Nếu không có tiền bù vào, chuyện biển thủ đổ bể, cả nhóm không chỉ mất sạch vốn đầu tư mà F.K cũng sẽ bị bắt giữ vì có liên quan…
Tính ra, F.K đã chuyển cho Garcia 200 ngàn Mỹ kim trước khi Garcia biến mất. Cô không chỉ mất sạch tài sản mà còn nợ rất nhiều người…
F.K chỉ khác những nạn nhân khác là liên lạc với FBI. Tất nhiên Garcia là “đại úy” ma, chuyển kim cương khỏi Syria là ảo nhưng dù sao cũng có một số dấu vết. Cuộc điều tra được khởi động cách nay ba năm và đến tuần trước, Văn phòng FBI ở Los Angeles tiến hành bắt giữ 14 người, đồng thời đang đề nghị chính phủ một số quốc gia hỗ trợ bắt giữ hơn 60 người khác, dẫn độ tới Mỹ.
Nick Hanna – Công tố viên giám sát cuộc điều tra vừa kể – bảo rằng, đây không phải lần đầu tiên hệ thống tư pháp Mỹ tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội phạm loại này nhưng từ trước tới nay, đây là vụ mà tổng giá trị tài sản bị nhóm tội phạm mà hệ thống tư pháp Mỹ đang xử lý, lừa đảo – chiếm đoạt ở mức cao nhất: Tối thiểu là 46 triệu Mỹ kim và F.K chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân ở nhiều nơi trên thế giới (1).
***
Tại Việt Nam trong vài năm gần đây cũng đã có khá nhiều phụ nữ người Việt ở TP.HCM, Tiền Giang, Lâm Đồng (2), Quảng Ninh (3), Hưng Yên (4),… bị những kẻ giả danh “lính Mỹ” lừa gạt. Thậm chí có một số nơi (Thừa Thiên – Huế), nạn nhân không chỉ một mà là nhiều người (5). Công an Việt Nam đã bắt vài thủ phạm là người trong nước (6) nhưng bó tay khi thủ phạm cư trú bên ngoài Việt Nam.
Hệ thống tư pháp Mỹ gọi chuyện dùng Internet “lừa tình” rồi gạt tiền là “Online Romance Scam”. Bởi tình trạng giả danh “lính Mỹ” lừa đảo trên Internet càng ngày càng phổ biến, Cục Điều tra Hình sự Lục quân Mỹ (US Army Criminal Investigation Commmand – CID) dành hẳn một trang trên website của họ để hướng dẫn nhận diện và đề nghị hỗ trợ nếu trở thành nạn nhân (7).
Theo đó, hãy chú ý đến cách đương sự sử dụng tiếng Anh - có đúng là của một người sinh ra, lớn lên tại Mỹ hay không (?). Hướng dẫn này khó khả thi vì nhiều nạn nhân không đủ khả năng để thẩm định. Chẳng riêng những nạn nhân tại Việt Nam, ngay cả F.K cũng không có khả năng này. Phần lớn nạn nhân giao tiếp với những kẻ giả danh “lính Mỹ” trên Internet qua Google Translate (công cụ hỗ trợ dịch thuật của Google).
Tuy nhiên những hướng dẫn khác của CID rất đáng lưu ý: Chẳng quân nhân nào của Mỹ cần hỗ trợ tiền bạc để lấy phép và nghỉ phép. Không ai có thể thay mặt một quân nhân Mỹ để xin cho quân nhân đó nghỉ phép. Không quân nhân Mỹ nào cần tiền để làm thủ tục đăng ký kết hôn hay có thể trả tiền để được xem xét cho nghỉ hưu non. Quân nhân Mỹ và thân nhân của họ luôn được hỗ trợ để khám – chữa bệnh trên toàn thế giới, không ai cần hỗ trợ tài chính để trả các chi phí y tế. Không có quân nhân nào của Mỹ cần quyên góp để chăm sóc thân nhân của họ tại hậu phương khi họ được điều động đến chiến trường. Không quân nhân Mỹ nào ở chiến trường được phát một khoản tiền lớn và cần người giúp chuyển số tiền ấy đi đâu đó. Sẽ chẳng có ông tướng nào của quân đội Mỹ tham gia hẹn hò trên các trang web dành để hẹn hò. Tương tự, sẽ không có hàng không mẫu hạm nào vận chuyển bất kỳ phương tiện giao thông của cá nhân nào. Quân đội Mỹ không cần quân nhân hỗ trợ mua hoặc bán bất kỳ thứ gì.
Nếu có “lính Mỹ” nào đó làm quen với bạn qua Internet và nại ra những lý do mâu thuẫn với những điều vừa kể để tìm kiếm sự giúp đỡ, hãy cảnh giác. Nếu có “lính Mỹ” nào đó chỉ muốn trò chuyện qua email và mạng xã hội, né tránh trò chuyện trực tiếp qua điện thoại, từ chối dùng webcame vì “lý do an ninh”, hãy cảnh giác. Nếu có “lính Mỹ” nào đó ngần ngại trong việc gửi nhận thư từ, hãy cảnh giác và hãy cảnh giác nếu thư được gửi đi từ châu Phi hoặc cần gửi đến các địa chỉ ở châu Phi. Địa chỉ liên lạc của một quân nhân Mỹ thực thụ ở bên ngoài Mỹ luôn là các hộp thư, có “APO” nếu thuộc lục quân hay không quân, FPO nếu thuộc hải quân, thủy quân lục chiến hay tuần duyên. Đừng bao giờ gửi tiền theo đề nghị của “lính Mỹ” mà bạn quen biết qua Internet cho bất kỳ ai, đến bất kỳ nơi nào, kể cả tiền hỗ trợ chi phí liên lạc hay chi phí vận chuyển gì đó. Trong trường hợp cần trợ giúp, bạn có thể liên lạc với Internet Crime Complaint Center của FBI (8) hay Federal Trade Commission (9).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét