Nguồn: Viet Thanh Nguyen, “The
Great Vietnam War Novel Was Not Written by an American,” The New York Times,
02/05/2017.
Năm 1967, Le Ly Hayslip, khi đó mang tên Phùng Thị Lệ Lý, còn là một thiếu nữ sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Là một cô gái nông thôn đã sống sót qua chiến tranh và nạn cưỡng hiếp ở làng quê của mình, bà chuyển tới Đà Nẵng để trốn chạy sự áp bức của cả phía Cộng sản lẫn phía người Việt chống Cộng. Năm 1972, bà kết hôn với một người Mỹ và chuyển tới Hoa Kỳ, và năm 1989 bà xuất bản cuốn tự truyện chấn động về tình trạng bị mắc kẹt giữa hai phía, When Heaven and Earth Changed Places (“Khi đất trời đảo lộn”). Tới năm 2017, đây có lẽ vẫn là cuốn tự sự ngôi thứ nhất duy nhất bằng tiếng Anh về trải nghiệm của những người dân quê Việt Nam mắc kẹt giữa hai chiến tuyến trong Chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc đời và tác phẩm của mình, bà Hayslip là hiện thân cho định nghĩa rộng của tôi về ý nghĩa của việc là người Việt Nam, một bản sắc bao trùm cả những người Việt ở Việt Nam lẫn ở hải ngoại, cũng như cả những người viết bằng tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác, mà trong trường hợp này là tiếng Anh.
Tôi tình cờ đọc cuốn sách của bà
hồi còn là sinh viên trường Berkeley đầu những năm 1990. Cuốn sách khiến tôi vô
cùng xúc động, không chỉ bởi đây là một cuốn hồi ký đầy lôi cuốn, mà còn bởi nó
là một trong số ít sách của tác giả người Việt viết bằng tiếng Anh. (Bà viết cuốn
sách cùng với Jay Wurts.) Khi tìm kiếm lịch sử của chính mình, một người Việt tị
nạn được đưa tới Mỹ bởi một cuộc chiến của Mỹ ngay tại quê hương mình, tôi
không tìm thấy nhiều thông tin bằng tiếng Anh, dù là bản gốc hay bản dịch. Số
lượng tràn ngập các tác phẩm ở Mỹ về cuộc chiến ấy đều là do người Mỹ viết, và
không ngạc nhiên khi chúng đều viết về người Mỹ.
Có một vài ngoại lệ. Trần Văn
Dĩnh là một cựu viên chức ngoại giao của miền Nam, Việt Nam Cộng hòa, người ở lại
Mỹ và viết hai cuốn tiểu thuyết về Chiến tranh Việt Nam, No Passenger on the
River (“Sông không lữ khách,” 1965) và Blue Dragon, White Tiger (“Lam long, bạch
hổ,” 1983). Là một đứa trẻ biết nhận thức sớm và đọc mọi thứ có thể về cuộc chiến,
tôi gặp cuốn thứ hai trong thư viện cộng đồng ở quê nhà San Jose, California,
và cảm thấy bối rối trước sự dị thường của cuốn sách. Từ khi đó tôi đã biết thật
hiếm mà tìm thấy được các cây bút Việt Nam ở Hoa Kỳ nói về cuộc chiến này, hay
nghe thấy tiếng nói của người Việt trong dòng chính ở Mỹ.
Đắm chìm trong các câu chuyện, cảm
xúc, và ký ức của cộng đồng tị nạn người Việt nơi tôi lớn lên, tôi đã quyết tâm
kể lại một vài câu chuyện, bởi tôi biết người Mỹ nhìn chung biết rất ít về những
câu chuyện này. Chỉ có một nhóm nhỏ người Mỹ tin rằng việc hiểu thêm về tiếng
nói và trải nghiệm của người Việt là cần thiết và cấp bách, mà nếu không có
chúng thì người Mỹ sẽ không bao giờ có hiểu biết trọn vẹn về Chiến tranh Việt
Nam. Sự thiếu hiểu biết của người Mỹ về lịch sử, văn hóa, và chính trị Việt Nam
đã góp phần kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến và một đất nước mà họ không hiểu. Sự
thiếu hiểu biết này có lẽ còn tiếp diễn đến ngày hôm nay, xét cả về những điều
người Mỹ tiếp tục thờ ơ về Việt Nam và những điều người Mỹ từ chối tìm hiểu về
Trung Đông. Văn chương đóng vai trò quan trọng như một cách sửa chữa sự thiếu
hiểu biết này.
Nghĩ lại về Trần Văn Dĩnh, tôi tự
hỏi ông có cô đơn không khi là tiểu thuyết gia người Việt duy nhất ở Mỹ vào thời
của ông. Ngày nay chúng ta không thiếu người Mỹ gốc Việt viết bằng tiếng Anh,
cũng như các bản dịch tiếng Anh của văn chương tiếng Việt. Nhưng nhận thức về sự
tồn tại của nền văn chương này vẫn còn hạn chế. Đối với phần lớn người Mỹ và thế
giới, “Việt Nam” có nghĩa là “Chiến tranh Việt Nam,” và Chiến tranh Việt Nam có
nghĩa là chiến tranh của Mỹ, với những cuốn tiểu thuyết của đàn ông Mỹ viết về
lính Mỹ. Mặc dù trải nghiệm của họ cũng quan trọng, họ khó mà đại diện được cho
Chiến tranh Việt Nam, chứ chưa nói đến Việt Nam.
Như nhà văn Lê Thị Diễm Thúy và
nhiều người khác đã nhắc đi nhắc lại, Việt Nam là một đất nước, chứ không phải
là một cuộc chiến. Chỉ cần đọc tập truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp là hiểu được điều này. Các truyện ngắn của ông đã hé lộ những điều phức
tạp trong cuộc sống thời hậu chiến ở một đất nước Việt Nam vỡ mộng, vốn đang đấu
tranh để tái thiết chính mình và điều hòa giữa một bên là những thói đạo đức giả
và thất bại của người Việt Nam cũng như nhà nước Việt Nam, với một bên là những
lời ca ngợi thời chiến hào hùng của Đảng Cộng sản. Đồng thời, chiến tranh cũng
định hình nên một thế hệ, và những hệ quả của nó lại định hình thế hệ tiếp
theo, như bà Thúy đã thể hiện trong cuốn The Gangster We are All Looking For
(“Gã du đãng mà chúng ta đều đang tìm kiếm”).
Cuốn tiểu thuyết trữ tình này kể
về câu chuyện của một cô gái trẻ tị nạn ở San Diego, người có gia đình phải chịu
nỗi ám ảnh bởi chấn thương tâm lý của người cha từng đi lính và cái chết của
người anh trai, vốn bị lạc trong chuyến đi tị nạn. Giống như đa số tác phẩm văn
chương của người Việt và người Mỹ gốc Việt viết về cuộc chiến, tiểu thuyết của
bà cho thấy chiến tranh tác động đến nhiều người hơn chứ không chỉ những người
lính hay những người đàn ông. Chiến tranh Việt Nam đã không được chú ý nhiều ở
khía cạnh số lượng dân thường bị sát hại nhiều hơn binh lính, và ở khía cạnh
hàng triệu người dân bị biến thành người tị nạn mà trải nghiệm của họ còn đau
thương hơn nhiều so với nghiệm của nhiều lính Mỹ chưa bao giờ thực sự thấy cảnh
chiến trường. Văn chương của người Mỹ gốc Việt buộc độc giả phải thừa nhận rằng
định nghĩa hẹp về chiến tranh chỉ phác họa người lính là thiếu chính xác.
Hết lần này đến lần khác, văn
chương của người Mỹ gốc Việt cho thấy tác động tổn thương tâm lý của chiến
tranh lên dân thường và người tị nạn (như cuốn tiểu thuyết thể loại noir về
băng đảng của Vu Tran, Dragonfish (“Cá rồng”); hay tập truyện We Should Never
Meet (“Chúng ta không nên gặp nhau”) của Aimee Phan, viết về những đứa trẻ mồ
côi người Việt và con lai Mỹ Á; hay cuốn The Lotus and the Storm (“Hoa sen và
bão tố”) của Lan Cao, kết nối giữa Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh Iraq;
hay cuốn Where the Ashes Are (“Ở nơi tro tàn”) của Nguyen Qui Duc, viết về việc
người cha của chính tác giả, một quan chức của chính quyền Nam Việt Nam, bị bỏ
tù); sự tái định hình đầy tàn khốc của chiến tranh lên cuộc sống người Việt thời
hậu chiến (như hồi ký của Andrew X. Pham về chuyến đạp xe xuyên Việt, Catfish
and Mandala (“Cá da trơn và Mạn đà la”); hay tác phẩm châm biếm thô ráp về nạn
tham nhũng kinh tế ở Sài Gòn của Linh Dinh, Love Like Hate (“Yêu như ghét”);
hay cuốn She Weeps Each Time You’re Born (“Bà khóc mỗi lần bạn sinh ra”) của
Quan Barry, viết về tài năng đáng chú ý của một nhà ngoại cảm cảm nhận được nỗi
đau của những người sống sót); sự hiện diện ám ảnh của cuộc chiến trong thế hệ
thứ hai của những người tha hương (như cuốn hồi ký bằng tranh đầy mạnh mẽ của
Thi BuI, The Best We Could Do (“Điều tốt nhất chúng ta làm được”); hay cuốn tiểu
thuyết Grass Roof, Tin Roof (“Mái cỏ, mái tôn”) của Dao Strom, viết về một người
phụ nữ Việt Nam kết hôn với một người Mỹ và ảnh hưởng của cuộc hôn nhân lên những
đứa con của họ; hay cuốn hồi ký của Bich Minh Nguyen về việc lớn lên ở vùng
Midwest, Stealing Buddha’s Dinner (“Trộm đồ cúng Phật”); hay cuốn Perfume
Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora (“Những giấc mơ hương: Chiêm niệm
về người Việt tha hương”) của Andrew Lam); hay dấu hiệu của cuộc chiến trong
quá khứ người Việt (như cuốn The Book of Salt (“Sách muối”) của Monique Truong,
viết về đầu bếp người Việt của Gertrude Stein và cuộc gặp của anh ta với Hồ Chí
Minh; hay cuốn The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese
Family (“Cây liễu thiêng: Bốn thế hệ trong cuộc sống của một gia đình Việt”) của
Duong Van Mai Elliott).
Danh sách vẫn còn dài. Văn chương
của người Việt và người Mỹ gốc Việt đang ở ngoài kia chờ đón bất cứ ai biết sử
dụng Google. Thế nhưng rất nhiều người ở Mỹ và các nước khác thà không muốn biết
đến, hay khi một tác giả người Việt mới được xuất bản, họ sẽ nói “Cuối cùng
cũng có một tiếng nói cho người Việt Nam!” Trên thực tế, đã có rất nhiều tiếng
nói, vì người Việt thì rất ồn ào. Chỉ là tiếng nói của họ thường không được lắng
nghe bởi những người không hiểu người Việt, hay những người chỉ muốn nghĩ đến
người Mỹ khi nghe thấy từ “Việt Nam,” hay những người chỉ dành chỗ cho một cuốn
sách duy nhất của người Việt trong đề cương khóa học mà họ dạy, như một thực tế
trong vô cùng nhiều lớp đại học về Chiến tranh Việt Nam, cho dù cuốn sách đó có
đáng đọc như cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Cuốn sách này
không chỉ là một tác phẩm kinh điển về chiến tranh của Bắc Việt – nó còn là cuốn
tiểu thuyết kinh điển về chiến tranh của bất cứ thời đại nào và ở bất cứ đâu.
Về phần Đảng Cộng sản Việt Nam, họ
cũng thà không nghe thấy những tiếng nói nhất định. Ngay cả Bảo Ninh giờ cũng bị
bắt im lặng, cũng giống như người đồng hương của ông, Dương Thu Hương, một cựu
thanh niên xung phong miền Bắc vỡ mộng bị lưu đày vì những tiểu thuyết chống Cộng
gây lo ngại thời hậu chiến, những cuốn như Tiểu thuyết vô đề và Những thiên đường
mù. Về phần những tiếng nói người Mỹ gốc Việt, dù đôi khi chúng tôi vẫn được lắng
nghe ở đây – và rồi thường bị quên lãng – chúng tôi hiếm khi được lắng nghe ở
Việt Nam. Chúng tôi là những kẻ thua cuộc, những kẻ phản bội, những kẻ bất đồng
chính kiến, hay chỉ đơn giản là những kẻ ngoài cuộc thấy được cái hư không đằng
sau một đảng ca ngợi chủ nghĩa cộng sản trong khi đang điều hành đất nước như một
chế độ độc tài tư bản chủ nghĩa.
Giống như Le Ly Hayslip, chúng
tôi bị mắc kẹt giữa hai bên, Việt Nam và Mỹ, tiếng Việt và tiếng Anh, chủ nghĩa
cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Một tình cảnh khó khăn như vậy lại có ích cho các
nhà văn. Sự bất an khiến chúng tôi viết ra những câu chuyện của mình, lặp đi lặp
lại, với hy vọng có thể thay đổi những điều mà người ta vẫn nghĩ đến khi nghe
thấy hai chữ “Việt Nam.”
*
Viet Thanh Nguyen là tác giả của
cuốn Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War và gần đây nhất là tập
truyện ngắn mang tên The Refugees.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét