“Xử lý hình sự hành
vi bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước” là đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị
Xuân – Đắk Lắk tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật
Hình sự năm 2015.
Thiết nghĩ, theo pháp luật hiện hành thì đề nghị của đại biểu
Quốc hội Nguyễn Thị Xuân chẳng khác nào “lo Bò trắng răng”. Bởi lẽ tội vu khống
đã được xử phạt theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN.
Và khi mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật thì tại sao lại “đề nghị
bổ sung quy định tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam” ?
Một thực tế là trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt
là trên trang mạng xã hội, ngày càng có nhiều những bài viết, những nhận định bất
lợi cho giới lãnh đạo, nhà nước Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, thông tin xấu
không có nghĩa là thông tin không có thật, mà nếu đó là sự thật thì không thể gọi
là bôi nhọ.
Nếu nội dung các bài viết không đặt điều vu khống nhưng là
phê bình đạo đức, phẩm chất kể cả là sự bất tài dốt nát hay ngông cuồng của
lãnh đạo, nhà nước trong việc điều hành, quản trị đất nước thì đó là chuyện rất
bình thường trong một xã hội, đất nước có tự do, dân chủ.
Dù là một tổng thống của một cường quốc trên thế giới nhưng
người dân vẫn tổ chức biểu tình hàng loạt trên khắp nước Mỹ để phản đối sắc lệnh
di trú mới của tân Tổng thống Donald Trump ký vào ngày 27/01. Dù là người quyền
lực nhất nước, công luận Mỹ vẫn gắn liền tên tuổi ông Donald Trump với các vụ
tai tiếng tình dục. Gần đây, Người dân Mỹ biểu tình đòi chính phủ điều tra tổng
thống Donald Trump về thông tin ông Trump đã tiết lộ tin mật và liên hệ với Nga
khi tranh cử. Nghĩa là tổng thống Trump đang vướng vào những rắc rối về
chính trị, và điều này có thể đẩy ông đứng trước nguy cơ bị luận tội.
Bà Park Geun-hye – người từng là Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc bốn
nhiệm kỳ, cựu chủ tịch đảng chính trị lớn, là “công chúa” của cựu tổng thống
Park Chung-hee và sau cùng là người kế vị ngai vàng. Dù vậy, bà vẫn bị truất phế
khỏi “ngai vàng” do những vụ bê bối liên quan đến bạn thân.
Gần đây nhất lại xảy ra một vụ xung đột giữa chính phủ và
Giáo Hội Công Giáo tại Philippines, khi mà chính quyền nước này cấm treo tràng
chuỗi Mân Côi và các biểu tượng tôn giáo khác ở trong xe. Người dân không đồng
ý việc chính phủ mà đứng đầu là Tổng Thống Duterte đã “can dự vào niềm tin
Thiên Chúa của các tài xế”.
Trong “Tự bạch” của mình, Marx cho biết câu cách ngôn yêu
thích nhất của ông là : “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi”, những
điều cao đẹp cũng như tầm thường. Lãnh đạo hay lãnh tụ cũng là những con người,
ắt sẽ có những sai lầm nhất định và đây cũng là điều rất bình thường. Thế nhưng
trong các chế độ độc tài, người ta thần thánh hóa lãnh tụ và mặc nhiên chấp nhận
các vị ấy như được miễn nhiễm với mọi sai phạm trong đạo đức cũng như bất khả
ngộ trong đường lối lãnh đạo. Lúc nào họ cũng “tài tình và sáng suốt”. Do vậy,
mọi sự phê bình chỉ trích của người dân đối với lãnh đạo thường được xem là
hành vi bôi nhọ cần phải bị xử lý.
Đây là điều rất nguy hại vì nó làm những lãnh tụ trót được
người dân xưng tụng là “vĩ đại” khi còn sống thì phải gồng lên, mang một mặt nạ
không phải là mình, sống giả dối thiếu chân thật, khi chết thì di sản tinh thần
của người ấy vẫn phải “sống mãi” cho dù thế giới này phải thay đổi và tiến hóa
không ngừng. Và cuối cùng sẽ là ảo tưởng nếu con người muốn che đậy hay lấp liếm
những khiếm khuyết, lỗi lầm của nhau trong hoàn cảnh phát triển ngày càng cao của
các phương tiện truyền thông đại chúng.
Một lý do khác khiến đại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Xuân muốn
“đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi bôi nhọ lãnh đạo Đảng,
Nhà nước” đó là vì “ dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của nhân
dân, không chỉ đối với cá nhân các lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện
các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trong cuộc chạy đua khốc liệt để
vào Nhà Trắng giữa Donal Trump và bà Hillary Clinton, mặc dù những vụ bê bối
trong đời sống được trưng bày ra giữa bàn dân thiên hạ, thế nhưng ông Trump vẫn
được bầu chọn làm tổng thống nước Mỹ. Bởi lẽ người dân Mỹ cần sự thay đổi và dĩ
nhiên sự thay đổi đó phải mang lại cho người dân Mỹ những giá trị sống tốt hơn,
và họ tin rằng Donal Trump sẽ làm được điều ấy.
Nhắc như thế để thấy một lần nữa bà Xuân lại “ lo Bò trắng
răng” !
Một người lãnh đạo có lòng tự trọng phải có đủ can đảm và
khiêm tốn mà đón nhận việc công luận có thể đưa những khối ung nhọt trong xã hội
hay những biểu hiện tiêu cực của cá nhân lên bàn mổ của các phương tiện truyền
thông đại chúng để thực hiện những cuộc phẩu thuật. Nhờ đó mà xã hội được tiến
bộ và phát triển. Ngược lại, “nếu anh bịt miệng sự thật và chôn nó xuống đất,
nó sẽ lớn và ngưng tụ sức mạnh bùng nổ tới mức vào cái ngày mà nó mọc lên, nó sẽ
thổi bay mọi thứ.” (Emile Zola)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét