TT:
Cái gọi là " chính sách cân bằng nước lớn" chẳng qua là "chính sách đu
dây" mà Việt Nam áp dụng để hưởng lợi từ Mỹ và chế độ sống còn từ Trung
Quốc. Nhưng liệu Việt Nam còn có thể đu dây đến bao giờ khi cuộc diện
thế giới thay đổi?
*
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 5 năm 2017. Chuyến thăm là cơ hội quan trọng để Việt Nam tăng cường hơn nữa mối quan hệ với Hoa Kỳ và cho thấy Việt Nam tiếp tục nỗ lực để giữ cân bằng quan hệ giữa Hoa Kỳ Và Trung Quốc. Quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển nở rộ trong thập niên qua, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, với việc Hoa Kỳ hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tám.
Quan hệ an ninh và quốc phòng cũng đã chứng kiến một số tiến triển quan trọng trong những năm gần đây. Chẳng hạn, chỉ vài ngày trước chuyến thăm của ông Phúc, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam sáu xuồng tuần tra Metal Shark và một tàu tuần tra từ lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ để giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Chắc chắn hợp tác về kinh tế và an ninh sẽ là những vấn đề
quan trọng trong chương trình nghị sự chuyến thăm của ông Phúc khi hai bên mong
muốn làm thực chất hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước thiết lập
vào năm 2013. Chuyến thăm của ông Phuc cũng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tìm hiểu
rõ hơn về các ý định kinh tế và chiến lược của Washington đối với Việt Nam. Ví
dụ, Việt Nam sẽ muốn tìm hiểu liệu Hoa Kỳ có quan tâm đến việc đàm phán một hiệp
định thương mại tự do song phương hay không, hoặc có hay không khả năng Mỹ sẽ
áp đặt các hạn chế nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại với Việt Nam vốn lên
tới 32 tỷ USD vào năm ngoái.
Tương tự, ông Phúc và đoàn của ông sẽ có cơ hội lắng nghe và
tìm hiểu thêm thông tin từ các chủ nhà về chính sách của Hoa Kỳ đối với Biển Đông.
Mặc dù Washington đã nối lại hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng khả năng chính
quyền Trump thỏa hiệp với chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc nhằm đổi
lại sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn là một mối
quan ngại trong suy nghĩ của một số nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội.
Gần đây, Việt Nam đã làm ấm mối quan hệ với Bắc Kinh khi các
lãnh đạo Việt Nam giảm chỉ trích công khai các hành động của Trung Quốc trên Biển
Đông. Chỉ hai tuần trước chuyến thăm của ông Phúc, Chủ tịch nước Việt Nam Trần
Đại Quang đã đến thăm chính thức Trung Quốc và tham dự hội nghị thượng đỉnh về
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và bản thân Thủ tướng Phúc cũng đã thăm Trung Quốc lần lượt vào tháng 1 năm
2017 và tháng 9 năm 2016. Những diễn biến này đã khiến một số nhà quan sát khu
vực lo ngại rằng Việt Nam đang rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Tuy nhiên, với việc các tranh chấp Biển Đông vẫn là điểm nghẽn
quan trọng trong quan hệ song phương và sức mạnh cứng gia tăng của Trung Quốc
tiếp tục đặt ra cho Việt Nam một mối đe dọa an ninh đáng kể, những nỗ lực gần
đây của Việt Nam nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc không nên được xem như
là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đã “đầu hàng” dưới áp lực từ Trung Quốc. Thay
vào đó, do hầu hết các quốc gia trong khu vực đang hướng về Bắc Kinh, Việt Nam
không muốn đứng một mình trong tư thế thù địch với Trung Quốc và đánh mất các lợi
ích thương mại và đầu tư rất thiết yếu mà Trung Quốc có thể cung cấp. Quan trọng
hơn, trong bối cảnh chính sách của Tổng thống Trump đối với khu vực vẫn còn mơ
hồ, cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng là một cách giúp Hà Nội đề phòng trường
hợp xấu nhất mà trong đó Hoa Kỳ có thể không còn quan tâm nhiều tới Việt Nam.
Chuyến đi của Thủ tướng Phúc tới Washington có thể được xem
như là một bằng chứng khác cho thấy mong muốn của Hà Nội trong việc duy trì sự
cân bằng chiến lược giữa hai siêu cường. Quả thực, mặc dù đang ngày càng trở
nên khó thực hiện hơn nhưng chính sách cân bằng này vẫn là lựa chọn khả dĩ nhất
để Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi các lợi ích quốc gia của mình trong thời
gian tới.
*
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu
Đông Nam Á, (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét