Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Giá trị của một nền tư pháp độc lập với Việt Nam



Người viết rất thích một cảnh sau đây trong bộ phim “Harry Potter – Chiếc Cốc Lửa”, chuyển thể từ phần 4 của bộ tiểu thuyết Harry Potter của nhà văn J.K. Rowling. Trong cảnh này, nhân vật thầy hiệu trưởng Dumbledore của học viện pháp thuật Hogwarts ân cần dặn dò nhân vật chính phù thủy trẻ Harry Potter:
“Những thời khắc đen tối và khó khăn sắp đến, sẽ sớm tới lúc chúng ta phải đối mặt với lựa chọn giữa cái đúng và cái dễ dàng”. (“Dark and difficult times are ahead, soon we must all face the choice between what is right and what is easy.”)

Ngụ ý của thầy Dumbledore khá rõ: cái đúng thường không phải là những lựa chọn dễ dàng thoải mái cho người chọn, và những lựa chọn dễ dàng thường không phải là những điều đúng đắn.

Và việc phải chọn lựa một trong hai, giữa những thời khắc đen tối và khó khăn nhất, chính là thử thách của đời người.

Người viết liên tưởng rằng giá trị lớn nhất của một nền tư pháp độc lập chính là ở chỗ nó giúp cho con người nói riêng và cho xã hội nói chung luôn lựa chọn cái đúng, lẽ phải, sự công bằng, sự liêm chính, thay vì cái dễ dàng, sai trái, bất công, lưu manh, trong những thời khắc đen tối và khó khăn nhất.

Một nền tư pháp độc lập đảm bảo cho sự tồn tại của một nhà nước và một xã hội pháp quyền, nơi mà “tất cả mọi cá nhân, mọi cơ quan trong đất nước, bất kể là công quyền hay tư nhân, đều bị ràng buộc bởi luật pháp, và được hưởng những lợi ích có được từ những luật lệ được tạo lập một cách công khai, có hiệu lực và được sự quản lý công khai bởi hệ thống tòa án”.[1]

Một nền tư pháp độc lập là nơi hệ thống tòa án và các định chế pháp lý không chịu bất kỳ một hình thức kiểm soát về chính trị và tư tưởng nào, được vận hành bởi một lực lượng quan tòa, luật sư và chuyên gia pháp lý được đào tạo bài bản và có tinh thần thượng tôn pháp luật: pháp luật là trên hết.

Cho dù là một kiểm sát viên đại diện nhà nước, hay một luật sư đại diện người nghèo, một thành viên trong một nền tư pháp độc lập thực thụ sẽ luôn cương quyết bảo vệ cho bên mà cô ta đại diện bằng cách vận dụng tư duy phân tích luật pháp hiện có, để đưa ra những lý lẽ hợp lý, có cơ sở và có tính thuyết phục dựa trên bằng chứng và dữ kiện của vụ việc, chứ không phải bằng cách trông cậy vào một thế lực lớn hơn nào đó chống lưng cho cô ta, hay bằng cách trông cậy vào việc những vị cầm cân nảy mực đã được ‘dặn dò’, ‘thu xếp’ hay ‘phong bì’ êm thắm để quyết định có lợi nhất cho bên mà cô ta đại diện.

Không có một nền tư pháp độc lập cương quyết chống lại cường quyền bạo ngược, sẽ khó mà thách thức hành vi của các cơ quan công quyền hay tư nhân trong xã hội khi những cơ quan này có những hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân. Nền tư pháp độc lập kiểm soát và bắt ép các cơ quan công quyền và tư nhân trong xã hội phải hành xử một cách đúng đắn và phù hợp với luật pháp đã ban hành chứ không tùy tiện theo luật rừng, dễ dàng cho họ nhưng gây ra mất mát và đau khổ cho những cá nhân có lợi ích bị đe dọa.

Không có một nền tư pháp độc lập sẵn sàng góp tiếng nói vào quá trình lập pháp, sẽ khó mà đảm bảo là công việc tạo lập luật lệ trong xã hội sẽ đưa ra những kết quả tốt nhất, là những luật lệ thật sự có tính thực tiễn và công bằng, bảo vệ và cân bằng được lợi ích thực tế của các nhóm đa số thành viên trong xã hội mà không chèn ép, đẩy những nhóm thiểu số trong xã hội đó ra rìa.

Không có một nền tư pháp độc lập suy tôn luật pháp lên trên mọi đấu đá và tranh chấp chính trị, sẽ khó mà đảm bảo là những luật lệ đưa ra thật sự được xem trọng và được tuân thủ một cách đúng đắn và nghiêm minh, đồng thời không bao giờ bị lợi dụng vào những lợi ích cá nhân, phe nhóm hẹp hòi.

Không có một nển tư pháp độc lập thì sẽ không bao giờ có một nhà nước hay một xã hội pháp quyền thực thụ.

Chọn lựa việc xây dựng và bảo vệ một nền tư pháp Việt Nam độc lập chính là chọn ‘cái đúng’ cho lợi ích tốt nhất của mọi người Việt Nam và cho xã hội Việt Nam, cho dù lựa chọn đó không hề dễ dàng.

Đòi tư pháp độc lập là ăn theo, học đòi ‘trò mèo’ phương Tây?

Một trong những luận điểm có thể được đưa ra chống lại đề nghị xây dựng một nền tư pháp độc lập ở Việt Nam đó là lập luận rằng thật sự trên đời này làm gì có tư pháp độc lập, rằng là luật pháp và hệ thống tòa án ở đâu mà chả bảo vệ những kẻ có tiền và quyền trong xã hội, rằng là  “hệ thống tòa án bên Mỹ” chúng nó cũng suốt ngày xử bất công cho người da màu, rằng là “hệ thống tòa án bên Anh” chúng nó cũng đang bao che cho những kẻ quyền thế xâm phạm tình dục trẻ em đấy thôi, hay những ví dụ chung chung giống vậy.

Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội. Ảnh: Báo Công Lý

Người viết cho rằng một nền tư pháp độc lập là một định chế cần thiết phải được xây dựng dựa trên bối cảnh và nhu cầu xã hội Việt Nam, thay vì là một sản phẩm nhập khẩu một cách máy móc từ các nền luật pháp Tây phương.

Bản thân mô hình định chế tư pháp độc lập theo kiểu phương Tây là một hình mẫu lý tưởng để hướng đến mà bản thân các nước phương Tây đã có truyền thống pháp quyền lâu đời như Mỹ và Anh cũng còn trầy trật mới duy trì được trong thực tế.

Tư pháp độc lập trong thực tế là một tập hợp những chuẩn mực đáng trân trọng vì lợi ích xã hội nhưng luôn luôn bị đe dọa bởi các quyền lực chính trị hay các nhu cầu hành pháp bức thiết như giữ gìn an ninh trật tự xã hội, bất kể là ở một đất nước văn minh kinh tế phát triển hay một đất nước toàn trị kém phát triển.

Điều quan trọng là những quốc gia phát triển có truyền thống pháp quyền thường có những nền tảng nhất định để bảo vệ và duy trì tư pháp độc lập một cách tương đối trong thực tế.

Những biểu hiện xâm phạm tư pháp độc lập tại các quốc gia này không phải là dễ dàng mà qua mắt được giới luật sư và luật gia đông đảo dày dặn kinh nghiệm của những quốc gia này.

Nền học thuật tự do cũng cho phép việc đưa ra mổ xẻ những vấn đề đe dọa tư pháp độc lập và theo đó tìm phương hướng giải quyết. Và dĩ nhiên, những xã hội dân sự trưởng thành với giới báo chí tự do có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ ở các nước này cũng góp phần bảo vệ và duy trì tư pháp độc lập như một chuẩn mực trong các xã hội đó.

Dùng lối tranh luận khuyển nho rằng thật sự trên đời này làm gì có tư pháp độc lập để phản đối việc xây dựng tư pháp độc lập thể hiện một lối tư duy phản tiến bộ không thực tiễn và vô ích lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét