Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Tại sao người Nga “nghiện” Putin?


Biên dịch: Đào Tuấn Ninh

 participants-rally-support-vladimir


Dõi theo quỹ đạo đáng lo ngại của nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin, nhiều nhà quan sát quốc tế thắc mắc làm thế nào một vị lãnh đạo rõ ràng đang đưa đất nước đến bờ vực thẳm lại vẫn được ái mộ đến vậy. Câu trả lời đơn giản là: những người ủng hộ ông Putin – một lượng đa số người Nga – không thấy được mối nguy trước mắt.

Theo một cuộc điều tra độc lập của Trung tâm Levada, tỉ lệ ủng hộ ông Putin tăng từ 65% vào tháng 1 lên 80% vào tháng 3, ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tỉ lệ này đạt mức cao nhất vào đầu tháng 8, lên tới 87%, khi nhiều người tin rằng Nga và Ukraine đang bên bờ vực của một cuộc chiến tranh tổng lực. Mặc dù tỉ lệ sau đó đã giảm xuống còn 84% vào đầu tháng 9, nhưng sự giảm đi đó vẫn nằm trong phạm vi sai số. Nói cách khác, không hề có cơ sở để nói rằng tỉ lệ ủng hộ ông Putin đang giảm xuống.

Sự ái mộ ông Putin ở mức đáng giật mình như vậy chắc chắc không phải là do cái nhìn tích cực của người dân đối với cơ cấu nhà nước nói chung. Như hầu hết người dân ở các nơi khác, người Nga nhìn chung không tin tưởng bộ máy nhà nước. Họ xếp hạng thấp cho các cơ quan chuyên trách, xem hầu hết các quan chức là có tham nhũng; và nói nhẹ nhàng nhất thì họ cũng đánh giá hoạt động chính phủ ở mức trung bình mà thôi.

Thay vào đó, sự ủng hộ của người Nga dành cho ông Putin bắt nguồn từ thực tế: không còn lựa chọn nào khác. Nền chính trị Nga đã thanh lọc một cách cẩn thận tất cả các phe phái chống đối. Tỉ lệ ủng hộ trong trường hợp này không phải là công cụ để so sánh thành tích của các chính khách và khả năng thành công của họ, điều vốn buộc các chính khách phải làm tốt hơn nữa nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thất cử trong cuộc bầu cử tiếp theo. Thay vào đó, tỉ lệ ủng hộ này thể hiện những hi vọng cũng như nỗi sợ hãi của dân chúng.

Trong suốt hai nhiệm kì đầu tiên của mình, Putin là một nguồn hi vọng mạnh mẽ, chủ yếu là do thu nhập của người Nga tăng lên nhanh chóng. Vào năm 2012, sự tăng trưởng này bắt đầu chậm lại, và sự ái mộ Putin cũng vậy. Tỉ lệ ủng hộ 63-65% trước khi sáp nhập Crimea có vẻ là cao so với các tiêu chuẩn của phương Tây; nhưng là thấp so với kết quả trước đó, và cận kề mức nguy hiểm có thể đe dọa tới vị trí lãnh đạo của Putin. Xét cho cùng, một chế độ độc đoán được thiết lập xoay quanh một vị lãnh đạo thu hút phải giành được sự ủng hộ lớn hơn mức trung bình của công chúng nếu nó muốn tránh được bất ổn và bạo lực.

Trong một nỗ lực nhằm giành lại sự ái mộ trước đây, Putin đã thi hành việc tăng lương cho giáo viên, bác sĩ, cảnh sát, qua đó gây căng thẳng cho ngân sách địa phương. Nhưng thu nhập cao hơn không chuyển ngay thành sự cải thiện trong tiêu chuẩn sống của người dân hay chất lượng dịch vụ công, khiến tỉ lệ ủng hộ Putin dậm chân tại chỗ. Thậm chí, một số đối thủ còn xuống đường phản đối sự lãnh đạo của ông. Thêm nữa, trái với những kì vọng của bộ máy chính quyền, Olympic mùa đông tại Sochi cũng không vực dậy được mức độ ủng hộ dành cho Putin.

Với việc nền kinh tế không cho thấy dấu hiệu phục hồi tăng trưởng mạnh – yếu tố đã từng củng cố lòng tin dành cho Putin trong quá khứ – thì việc giành lại sự ủng hộ đòi hỏi phải thực hiện một công việc khó khăn là đáp ứng các nhu cầu của dân chúng về một nền giáo dục tốt hơn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cải thiện, và nhiều nhà ở giá rẻ hơn nữa. Đối với Putin, thời điểm nổ ra sự kiện ở Ukraine – với việc những người biểu tình gây sức ép buộc vị Tổng thống được Kremlin hậu thuẫn Viktor Yanukivych phải chạy trốn ra nước ngoài – thật sự đáng lo ngại.

Việc dập tắt nhận thức về Putin như một “kẻ thua cuộc” ở Ukraine trở thành ưu tiên hàng đầu của Matxcơva. Chiến lược được đề ra bắt đầu với việc sáp nhập Crimea đã đem lại những kết quả gần như ngay lập tức. Dư luận Nga đã chuyển sang “chế độ tình trạng khẩn cấp” với tỉ lệ ủng hộ Putin tăng vọt lên trên 80%.

Trong một bối cảnh chính trị như thế, nhà xã hội học Boris Dubin đánh giá, những hành động có tính biểu tượng mang tính thuyết phục hơn những cân nhắc kinh tế. Thực tế, những lời phàn nàn về thu nhập giảm sút và dịch vụ công còn kém bị thay thế bởi sự ủng hộ tuyệt đối cho chính phủ, với việc các công dân tuyên bố họ sẵn sàng gánh vác gánh nặng của việc đương đầu với phương Tây.

Tại sao dân chúng Nga lại chấp nhận sự đối đầu một cách dễ dàng như vậy? Luận điệu gây chia rẽ sâu sắc của chính quyền và việc gợi lên hình ảnh chiến tranh bởi truyền thông nhà nước chắc chắn là một lí do. Một yếu tố khác, ít rõ ràng hơn: đó là việc người Nga ít mắc nợ. Thật dễ để bị lôi cuốn đi (đến thế đối đầu) khi bạn không có nhiều sự ràng buộc .

Theo công ty dịch vụ tư vấn Deloitte, mức nợ thế chấp ở Nga đang thấp hơn 20 lần mức trung bình ở Liên minh châu Âu. Và Cơ quan Quốc gia về Nghiên cứu Tài chính thông báo chỉ 2% người Nga sẵn sàng vay thế chấp, chủ yếu vì tình trạng không chắc chắn vốn tràn ngập thị trường.

Với các xã hội phương Tây nơi người dân gánh nhiều khoản nợ, hợp đồng và các nghĩa vụ khác, xung đột là cực kì tốn kém, nên họ có xu hướng phản đối, và thậm chí chống lại nhà lãnh đạo nào muốn gây ra xung đột. Ngược lại, những người dân Nga lại sẵn sàng gắn niềm hi vọng của họ vào một vị lãnh đạo cuốn hút, không chỉ vì họ có ít lựa chọn khả dĩ hơn, mà còn vì họ sẽ đối mặt với ít áp lực hơn khi làm như vậy. Theo nghĩa đó, người Nga đã phụ thuộc vào niềm tin dành cho Putin nhiều như chính Putin phụ thuộc vào sự ủng hộ của họ.

Thay vì đóng vai trò cho sự ổn định đã từng có trước đây, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này (giữa Putin và người dân) lại đang dẫn nước Nga tới chỗ bị cô lập về chính trị và kinh tế, với những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của những người dân Nga. Sớm hay muộn thì tỉ lệ ủng hộ Putin cũng sẽ tụt dốc. Thách thức cho người Nga đó là phải đảm bảo rằng khi điều đó xảy ra, họ phải đã phá bỏ được sự phụ thuộc tiêu cực vào niềm tin dành cho Putin. (Tương tự, các nhà quan sát nước ngoài cũng nên từ bỏ thói quen tập trung tất cả sự chú ý của mình vào chỉ người đứng đầu).

Trong khi chờ đợi, không ai có thể dự đoán được Putin sẽ đi đến những giới hạn nào trong việc chèo chống cho nhiệm kì tổng thống của mình.
*
Maxim Trudolyubov là biên tập viên tại tờ báo độc lập Vedomosti, và là giám đốc Trung tâm Truyền thông mới và Xã hội tại Trường Kinh tế Mới Matxcơva.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét