Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Lãnh tụ Kim Jong Un không màng tới ngoại giao



                                                       Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.


Các nhà phân tích nói rằng lãnh tụ Kim Jong Un không ngừng tham vọng đưa Bắc Triều Tiên lên thành cường quốc hạt nhân. Triển vọng thông qua ngoại giao để giải quyết mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên vẫn rất mong manh vì lãnh tụ Kim Jong Un dường như không màng tới thỏa hiệp với các đối thủ ở Washington hoặc thậm chí với đồng minh ở Bắc Kinh.

Nhà phân tích chính trị Choi Kang thuộc Viện Asan Institute cho biết: "Ông ấy là người tin tưởng vào chính sách cứng rắn, bởi vì việc hoàn thành chương trình hạt nhân, tên lửa là một trong những yếu tố mạnh nhất để hợp pháp hóa quyền lực, kiểm soát chế độ của ông."

Vào cuối năm 2011, ông Kim Jong Un lên nắm quyền, sau khi cha ông là Kim Jong Il qua đời. Khi ấy xuất hiện những nghi vấn liệu lãnh tụ Bắc Triều Tiên, người được tiếp nhận nền giáo dục phương tây, có thể tự do hóa chế độ chuyên quyền kéo dài ở Bắc Hàn và liệu ông có thể củng cố quyền lực được hay không.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng ông Kim Jong Un đã nâng cao hình ảnh của mình lên như là một lãnh tụ mạnh mẽ bằng cách nối bước cha ông là Kim Jong Il và ông nội của ông là Kim Il Sung, nhà sáng lập chế độ Bắc Triều Tiên và là người chủ xướng chính sách "byongjin," được giải thích là chính sách quân sự và kinh tế tĩnh hành tiến triển để tăng cường chương trình hạt nhân nhằm chống lại Mỹ, đồng thời cải thiện nền kinh tế.

Giáo sư nghiên cứu Suh Bo-hyuk thuộc Viện nghiên cứu Hoà bình và Thống nhất của Đại học Quốc gia Seoul nói: "Tôi nghĩ rằng chế độ của ông Kim vẫn ổn định, và ông ấy tuyên bố sẽ theo đuổi một chính sách song hành về kinh tế và hạt nhân, và đồng thời thúc đẩy phát triển tên lửa đạn đạo. Mặc dù kinh tế vẫn chưa cải thiện đủ, tôi nghĩ ông Kim được người dân Bắc Hàn ủng hộ."

Chính quyền của ông Trump đang tìm cách tăng áp lực lên Trung Quốc đòi Bắc Kinh kiểm soát Bắc Triều Tiên, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết ảnh hưởng của họ có giới hạn.

Vị lãnh đạo thế hệ thứ ba của Bắc Triều Tiên không có quan hệ thân thiết với Trung Quốc và đã nhiều lần phớt lờ các yêu cầu liên tiếp của Bắc Kinh gửi đến Bình Nhưỡng đòi Bắc Hàn ngưng nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân và quay trở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân quốc tế.

Mặc dù về mặc ngoại giao và 90% hoạt động kinh tế, Bắc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc, nhưng ông Kim Jong Un vẫn không gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái ngược với cha ông, người đã nhiều lần thăm Bắc Kinh.

Ông Kim Jong Un, vào năm 2013, đã ra lệnh hành quyết người chú của mình, ông Jang Song Thaek, vì đã bị nhiều người cho rằng ông Jang ủng hộ cải cách và có quan điểm thân Trung Quốc. Năm nay chính phủ của ông bị cáo buộc là đã tổ chức ám sát người anh trai cùng cha khác mẹ của ông là ông Kim Jong Nam ở Malaysia. Có tin nói rằng ông Kim Jong Nam được Trung Quốc bảo hộ.

Giáo sư Andrei Lankov, một nhà phân tích về Bắc Triều Tiên thuộc Đại học Kookmin ở Seoul cho biết: “Ông ấy không xem Trung Quốc là một đồng minh. Đối với ông ấy, Trung Quốc là một mối đe dọa, là quốc gia duy nhất có thể can thiệp có hiệu quả vào các vấn đề nội bộ của Bắc Triều Tiên và thậm chí có thể bí mật sắp đặt người thay thế cho ông Kim Jong Un.”

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên dường như cũng toan tính rằng Bắc Kinh đánh giá cao sự ổn định của vấn đề phi hạt nhân hoá và sẽ không áp đặt các điều kiện quá khắc nghiệt vì sợ gây ra một dòng người tị nạn ở biên giới hoặc sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un sẽ dẫn tới việc Mỹ và Hàn Quốc sẽ chiếm toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét