Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 325, Công đồng Nicaea, công đồng đầu tiên được tổ
chức bởi nhà thờ Cơ Đốc giáo nguyên thủy, đã kết thúc với việc thành lập
học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi. Được triệu tập bởi Hoàng đế La Mã
Constantine I vào tháng 05, công đồng cũng lên án niềm tin của phe
Arian, cho rằng Chúa Jesus ở địa vị thấp hơn Đức Chúa Trời, là dị giáo,
từ đó giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng ở nhà thờ trong giai đoạn
đầu.
Tranh cãi bắt đầu khi Arius, một linh mục ở Alexandria, đã đặt ra
nghi vấn về bản tính Thiên Chúa của Chúa Jesus bởi vì, không giống như
Đức Chúa Trời, Chúa Jesus đã được sinh ra và có khởi đầu (khác với Đức
Chúa Trời là Đấng Hằng Hữu).
Từ một cuộc tranh luận thần học, nó đã lan rộng đến các giáo đoàn
khắp đế chế, đe dọa gây ra phân ly trong nhà thờ Cơ Đốc giáo nguyên
thủy. Hoàng đế La Mã Constantine I, người đã cải đạo sang Cơ đốc giáo
vào năm 312, đã cho triệu tập các giám mục trên toàn đế chế để giải
quyết cuộc khủng hoảng và thúc giục việc thông qua một thuyết mới để
giải quyết những mơ hồ giữa Chúa Jesus và Đức Chúa Trời.
Nhóm họp tại Nicaea, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, công đồng đã thiết lập
sự bình đẳng giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong Ba Ngôi
Thiên Chúa và khẳng định rằng chỉ có Chúa Con mới nhập thể làm người.
Các nhà lãnh đạo Arian sau đó đã bị trục xuất khỏi các nhà thờ của họ vì
lý do dị giáo. Hoàng đế Constantine đã chủ tọa buổi khai mạc công đồng
và tham gia thảo luận.
Nguồn: Council of Nicaea concludes, History.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét