Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Đâu mới thực sự là nỗi đau?

Bạch Hoàn
 

 
 Nguyễn Phú Trọng và Võ Kim Cự


Vậy là Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã có một lãnh đạo mới. Điều này đồng nghĩa, chức danh Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của ông Võ Kim Cự.

Với tất cả những gì đã làm, sau tất cả những gì đã xảy ra, có lẽ Võ Kim Cự là một người may mắn khi chỉ bị cách các chức vụ trong quá khứ, còn chức danh hiện tại vẫn được giữ nguyên để chờ ngày về hưu, một cách để hạ cánh an toàn.

Nhưng, khi một quan chức đã có sai phạm bị kết luận ở mức nghiêm trọng lại gặp may mắn trong sự nghiệp chính trị còn lại của mình, thì đó thực sự là nỗi bất hạnh của nhân dân.

Những người có trách nhiệm nói đại ý rằng, cách các chức vụ trong quá khứ là một biện pháp rất đau đối với kẻ đã làm điều sai trái. Nhưng, tôi đang tự hỏi, họ có thực sự biết đau không? Họ có còn biết đến liêm sỉ không? Họ có còn biết đến đạo đức của một con người không? Họ có còn coi trọng đạo làm quan không?...

Nếu còn thì tại sao có thể làm những việc ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của nhân dân và làm suy kiệt tiềm lực của đất nước?

Nếu không thì làm sao cảm nhận được thế nào là nhục, thế nào là đau?

Cách một chức vụ trong quá khứ xa lắc xa lơ chẳng ảnh hưởng gì đến mũ cao áo dài hiện tại mà gọi là đau ư? Nỗi đau ấy là cái gì nếu so với nỗi đau khi một vùng biển mênh mông của đất nước bị đầu độc, khi sinh kế của hàng trăm ngàn người dân bị ảnh hưởng, khi những chiếc thuyền nằm yên trên cát và ngư dân buộc phải rời bỏ chiếc lưới đánh cá của mình?

Cách một chức vụ trong quá khứ mà gọi là đau ư? Có nỗi đau nào hơn khi nhìn vào một nền kinh tế bệ rạc, khi nhân dân mất đi mồ hôi xương máu của mình? Có nỗi đau nào hơn khi hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng và thậm chí còn hơn thế nữa bị mất đi theo những dự án vĩ cuồng, những dự án với các tính toán phi thực tế, phi quy luật, để lại hậu quả từ thất thoát đến thua lỗ và phá sản?

Có nỗi đau nào hơn khi người dân cứ miệt mài làm lụng, thắt lưng buộc bụng, cun cút đóng góp vào ngân khố quốc gia, để rồi kẻ cắp biến thành của mình? Để rồi tiền thuế của dân bị bòn rút, môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ? Và cuối cùng là nguồn lực quốc gia ngày càng cạn kiệt.

Trong bất kỳ một thể chế chính trị nào, khi quan tham có thể cười thì nhân dân sẽ luôn phải khóc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét