Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Cực lực phản đối việc kỷ luật chủ tịch tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng

Ngô Phương Trạch



Tôi là Hồ Chí Phèo, bà con với ông Hồ Chí Minh. Không phải tôi “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Nhưng theo cách nói của ông Nông Đức Mạnh, cựu TBT ĐCSVN, thì “Tại Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ cả”. Vì lẽ đó, tôi có thể tự hào và tuyên bố rằng, tôi có họ hàng bà con với ông Hồ.

Vừa qua, tôi có “ngâm cứu” bản “Kết luận tại phiên họp kỳ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ĐCSVN, đã nêu lên những khuyết điểm của ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016”. Trong đó có nêu những khuyết điểm của ông Phạm Thế Dũng như sau: “Ông Dũng phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016”.

Nói cụ thể ra, Theo UBKTTƯ, ông Phạm Thế Dũng vi phạm 3 tội sau đây:

1. Mở thêm 5 cửa khẩu biên giới để nhập khẩu gỗ từ Campuchia:

“Vào năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai quyết định mở 5 cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia để nhập khẩu gỗ (không rõ nguồn gôc) từ Campuchia”

Về việc này, theo Chí Phèo tôi, UBKTTƯ kết luận như vậy là sai. Vì nói rằng số gỗ nhập khẩu về “không rõ nguồn gốc” là hoàn toàn phi lý. Cây nào mà chẳng mọc dưới đất lên? Cây nào mà không có “gốc”? Chẳng lẽ những cây này mọc từ trên trời xuống sao? Ai muốn biết gốc của những cây này ở chỗ nào thì xin mời qua Campuchia mà tìm hiểu. Chẳng lẽ những người mua gỗ phải mang những gốc của cây này đi theo hay sao? Nếu vậy xin lưu ý những người buôn gỗ rằng, từ nay về sau, nếu mua gỗ thì bảo người bán phải “để nguyên gốc” mang theo. Như vậy là hợp lệ chứ? Mà hàng ngày, tôi thấy biết bao nhiêu xe chở gỗ đi hết nơi này qua nơi khác trên đất nước Việt Nam, mà chẳng thấy có xe nào mang theo gốc đâu. Vậy tại sao những xe gỗ này không bị làm khó?

Còn việc mở thêm 5 cửa khẩu qua biên giới để nhập gỗ ư? Thì tại vì Việt Nam rừng hết, cây hết. Mở đường là để chở gỗ về Việt Nam thôi. Lấy tài nguyên từ nước khác đem về làm giàu cho nhân dân nước mình cũng có tội sao? Dân giàu thì nước mạnh. Cha ông ta bảo thế.

Khi được hỏi: “Việc mở cửa khẩu phụ cần phải thống nhất với địa phương phía bên kia biên giới, nhưng tỉnh Gia Lai lại không bàn”. Ông Phạm Thế Dũng nói:


    "Tỉnh có gửi văn bản, nhưng phía bạn trả lời họ không có thẩm quyền. Cho nên hai bên chỉ bàn và thống nhất với nhau bằng miệng để giúp các doanh nghiệp khai thác gỗ, chứ không quy thành văn bản.



    Còn về tập thể thường vụ Gia Lai thì lúc đó quy định là không cần lấy ý kiến nên UBND tỉnh không báo cáo.



    Vì luật quy định nếu muốn nhập khẩu gỗ thì các doanh nghiệp hai bên chỉ cần ký hợp đồng với nhau, không cần thêm bất cứ một cái gì nữa”.

2. Cái tội thứ 2 của ông Phạm Thế Dũng là: “thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện". Theo đó,

    “Ông Dũng có người em gái là bà Trần Thị Lý. Bà Lý xuất thân từ lao động dân doanh, được tuyển dụng vào công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai.

    Từ vị trí kế toán, bà Lý được cất nhắc và thăng tiến dần, được bổ nhiệm làm phó Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai.

    Chồng bà Lý - ông Phạm Đức Mạnh - cũng có quá trình thăng tiến bất ngờ. Từ nhân viên lái xe, ông Mạnh được tuyển dụng, được bổ nhiệm làm cán bộ rồi lên lãnh đạo cấp đội.

    Mới đây, ông Mạnh được bổ nhiệm làm phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai”.

Về tội này, ông Phạm Thế Dũng trả lời như sau:

    “Việc bổ nhiệm đều làm theo đúng quy trình. Tôi không có chỉ đạo hay can thiệp gì. Riêng chị Trần Thị Lý - hiện là phó Ban Dân tộc (em cùng cha khác mẹ của ông Dũng - PV) thì lúc hồ sơ trình lên có thiếu một tiêu chí.

    Nhưng tôi cũng không biết việc này, sau đó hồ sơ qua và được thường vụ Tỉnh ủy thẩm định, đồng ý bổ nhiệm. Tôi cũng đã kỹ đến mức là tờ quyết định bổ nhiệm tôi không ký, mà giao cho cấp dưới ký."

Về việc này, Hồ Chí Pheo tôi có ý kiến như sau:

Việc UBND tỉnh Gia Lai bổ nhiệm ba người thân của ông Dũng là em gái, em rể và con trai, là hoàn toàn đúng quy trình. Mà đã “đúng quy trình” thì có nghĩa là không sai.

Hơn nữa nếu nói về việc bổ nhiệm người thân, thì trước hết phải hỏi ông "răng chắc” đầu tiên. Khi ông ấy còn làm TBT ĐCSVN, thì con trai ông ta là Nông Quốc Tuấn (có cô bồ là bà cựu Đại biểu QH Đỗ Thị Huyền Tâm, cô này sau trở thành “thứ phi” của cụ Mượt đấy), ông ta đã bổ nhiệm con trai mình làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Tại sao UBKTTƯ không hỏi tội ông “răng chắc” trước đi?

Tại huyện Chư Prông (Gia Lai) đang xôn xao chuyện hai con gái của ông Bí thư Huyện ủy được tuyển dụng, điều chuyển giữ các chức vụ quan trọng trong cơ quan huyện, nhanh đến chóng mặt.

Tại huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương, gia đình của bí thư và phó bí thư huyện ủy cùng có anh em, con cháu nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền huyện.

Người thân của ông Y Vong Nhi Ksor – Bí thư huyện Buôn Đôn được cho là đang đảm nhiệm nhiều chức vụ như phó chủ tịch, trưởng phòng dân tộc… tại huyện này.

Tóm lại, hiện nay việc lãnh đạo bổ nhiệm người thân vào bộ máy nhà nước làm việc thì có mà đầy. “Là việc làm thường ngày ở huyện”. Có người nói số người này có chém ba ngày cũng không hết.

Nhưng tắt một câu cho vuông, như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM nói: “Con em các vị lãnh đạo giờ làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc, không có gì phải nghi ngại”.

Như vậy, việc mấy người em và con ông Phạm Thế Dũng được bổ nhiệm mấy chức cỏn con ấy, cũng tạm gọi là niềm hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam nhé.

3. Việc giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá?

Việc tổ chức đấu giá là rất phiền hà phức tạp. Ở đây ông Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã biết linh hoạt, vận dụng sáng tạo trong công tác. Thứ hỏi hiện nay trên cả nước có hàng trăm trạm thu phí BOT, mà theo Thanh tra Chính phủ kết luận, thì chẳng có trạm nào thực hiện thủ tục đấu giá cả. Tất cả 100% đều là chỉ định thầu. Vậy mà những xếp to xếp vừa xếp bé của ngành Giao thông Vận tải, có anh nào bị kỷ luật hay kiểm điểm gì đâu. Đã vậy, việc đặt trạm thu phí không đúng chỗ. Làm một nơi, thu một nơi. Vậy mà tại sao cho đến nay họ vẫn yên lành? Hay là mấy ông này có gốc bự quá, nên không dám sờ tới. Nếu vậy thì UBKTTƯ làm theo kiểu “mềm nắn rắn buông” ư?

Như vụ Formosa Hà Tĩnh do Võ Kim Cự rước vào, giờ đây đã gây ra đại họa cho nhân dân miền Trung ấy. Theo các Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, thì cấp tỉnh chỉ có quyền cho doanh nghiệp thuê đất 50 năm.

Vậy mà Võ Kim Cự cho Formosa thuê thời hạn 70 năm. Đã thế, với diện tích cho thuê là 3.300ha, cho thuê với giá 96 tỷ VNĐ. Tính ra tiền thuê mỗi héc ta đất mỗi năm là khoảng 415.000đ (đủ mua được 10 tô phở bình dân).

Ngoài ra, Formosa còn được miễn tiền thuê đất 15 năm, như vậy là Formosa chỉ trả tiền thuê đất trong thời hạn 55 năm. Họ còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thuế (thông thường là 25%), 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Vậy mà Võ Kim Cự chẳng những không bị kỷ luật, lại còn được thăng chức trước khi về nghỉ hưu. Thế mới biết đảng ta sáng suốt và tài tình cỡ nào.

So sánh với những tội lỗi tày trời của Võ Kim Cự, Hô Chí Phèo tôi thấy mấy khuyết điểm của ông Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng chỉ là như “cái móng tay”.

Hơn nữa, khi hỏi ông Phạm Thế Dũng rằng, ông có ý kiến gì về việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị xử lý kỷ luật mình? Thì ông ấy trả lời thẳng băng: “Tôi nghỉ hưu hai năm rồi, giờ họ muốn xử sao thì xử”.

Có nghĩa là trước đây khi ông ấy còn quyền còn chức, thì không ai dám làm gì. Bây giờ ông ấy không còn chức vụ quyền hành gì nữa, thì bày đặt “cách” cái nọ, “cách” cái kia. Đúng là trò hề.

Tuyên bố trên của ông Phạm Thế Dũng ra đời trong bối cảnh chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra rất sôi nổi. Và đang đe dọa một số người “tay đã nhúng chàm” đang nằm lo ngay ngáy, ăn không ngon, ngủ không yên.

Tuyên bố ấy không còn là tuyên bố, mà là sự thách thức – thích xử sao thì xử.

Mà suy cho cùng, những nhân vật cộm cán nhất đang “làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân” như Đinh La Thăng, Nguyễn Thị Kim Tiến, Trịnh Văn Chiến, Võ Kim Cự, và các Tập đoàn BOT..vv.. là những con chuột bự, hàng ngày đang hút biết bao nhiêu xương máu của nhân dân, sao không thấy ông Trọng dám mò đến?

Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã bình luận:

“Hổ báo thì chẳng dám sờ
Mấy con chuột nhắt đòi quơ cả đàn!
Lửa rơm chưa nhóm đã tàn
Lò gạch chẳng thấy, thấy toàn lò tôn”.

Với những lý do trên, Chí Phèo tôi nghĩ rằng, việc UBKTTƯ ra quyết định kỷ luật ông Phạm Thế Dũng là bất công.

Vì vậy, Chí phèo tôi viết tâm thư này để bày tỏ sự ủng hộ nhiệt liệt đối với khí phách kiên cường của ông Phạm Thế Dũng. Đồng thời CỰC LỰC PHẢN ĐỐI VIỆC UBKTTƯ QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH KỶ LUẬT ĐỐI VỚI ÔNG PHẠM THẾ DŨNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét