Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Nợ công đẩy Chính phủ về phía Formosa?

Và như đề cập ở trên, đầu tàu kinh tế buộc phải giữ, Formosa vô tình trở thành cứu cánh cho Chính phủ Việt Nam - đơn giản vì Formosa ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như Samsung.


Một thông tin đáng chú ý trong vấn đề nợ công liên quan đến các dự án thua lỗ và tăng trưởng GDP.

Trong phiên thảo luận ở Tổ sáng 24/10 khi thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết hai thông tin quan trọng: dự án thua lỗ liên quan đến yếu tố DNNN là 40 chứ không dừng ở 12 và GDP tăng trưởng hiện nay dựa hoàn toàn vào các doanh nghiệp FDI.

Sở dĩ những thông tin này quan trọng vì nó cho thấy 2 vấn đề mang tính cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Đó là nợ công Việt Nam sẽ giảm hay là không?

Tăng trưởng kinh tế không đổi lấy ô nhiễm môi trường của Chính phủ có làm được không?

Cả hai câu trả lời là khó!

Khó vì động lực của nền kinh tế Việt Nam hiện giờ như ông Tổng kiểm toán nhà nước cho biết là dựa hoàn toàn vào FDI, và hai đầu tàu quan trọng nhất lại là hai doanh nghiệp dễ dàng bị tổn thương nhất tại Việt Nam là Samsung và Fomosa.

Samsung là đứa con cưng không chỉ đối với Bắc Ninh, Thái Nguyên mà cả đối với Chính phủ Việt Nam. Nhưng đứa con cưng này lại phụ thuộc vào diễn biến chính trị bên ngoài, mà ở đây là xu hướng gây chiến của Bắc Triều Tiên. Nếu vấn đề Triều Tiên được đẩy đi quá xa, thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải “sụp” một cách thê thảm. Đó cũng là lý do giải thích vì sao, Việt Nam dù xa biên giới với chế độ Bắc Hàn nhưng lại là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chế độ này có biến.

Trong khi đó, Formosa lại là một doanh nghiệp liên quan đến thảm hoạ môi trường vào năm 2016. Dù doanh nghiệp này bồi thường thiệt hại, nhưng những di chấn về môi trường, xã hội và cả chính trị vẫn còn âm ỉ cho đến cả hiện nay.

Vấn đề hài hước là, với Formosa - cái tên đáng nguyền rủa với người dân Việt Nam lúc này sẽ vừa đóng vai trò là một thủ phạm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, nhưng lại là ân nhân của nền kinh tế Việt Nam hiện thời. Và một trong những yếu tố khiến cho các DN FDI kiểu này tìm đến Việt Nam chính là tận dụng những tiêu cực thể chế và lợi thế về mặt xã hội, trong đó bao gồm: nạn tham nhũng, lao động trẻ - dồi dào, và sự chấp nhận hy sinh vấn đề môi trường.

Chẳng phải ngẫu nhiên Formosa đặt dưới sự kiểm soát tưởng chừng như nghiêm của chính quyền cấp cơ sở lẫn T.Ư mà vẫn gây ra thảm hoạ 2016. Thực chất nếu hiểu theo cách “ưu đãi tuyệt đối”, thì đấy chính là điều mà mà Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận nếu như muốn nhận được đồng tiền mà tập đoàn này đầu tư.

Lúc này lại trở về với quan điểm của Chính phủ kiến tạo – đứng đầu là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Thủ tướng từng khẳng định chắc chắn rằng, nếu Formosa còn để xảy ra thảm hoạ thì sẽ đóng cửa.

Nhưng câu nói của ông Thủ tướng thì nên đặt trong bối cảnh dư luận xã hội đang sôi sục về cụm từ Formosa, và một xu hướng chống Formosa đang mạnh lên ngay tại tâm điểm Nghệ An – Hà Tĩnh.

Còn hiện nay, vấn đề đó đã nguội lạnh, trong khi nợ công và tăng trưởng GDP cần phải đạt cho bằng được, thì đầu tàu Formosa cần phải được giữ trong trạng thái “nuông chiều”.

Câu hỏi đặt ra là: có phải sự bắt bớ gần đây chính là nhằm bứt gốc những tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động của Formosa? Tức nhà nước đang triệt tiêu những yếu tố làm “ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư” ll mang tên Formosa.

Chưa có một câu trả lời chính thức nào, nhưng trong những diễn biến gần đây, thì có vẻ mọi thứ có xu hướng đi theo hướng đó.

Một là, Bộ trưởng Bộ TN&MT – ông Trần Hồng Hà thông cáo Formosa đã hoàn toàn kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, an toàn môi trường và đã đầu tư bổ sung nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống xả thải ngầm ra biển – tác nhân góp phần làm nên thảm hoạ môi trường đến nay lại chưa bị xoá bỏ. Trong khi đó, xả thải bề mặt sẽ góp phần tăng sự giám sát của người dân. Tuy nhiên, nếu đi xa hơn, thì việc đưa hệ thống xả thải bề mặt nếu có cũng chỉ là một phương án nhượng bộ với Formosa, bởi nếu đúng lý về mặt “đầu tư gắn với bảo vệ môi trường bền vững”, thì Formosa phải sử dụng hồ chứa để xử lý chất thải hơn là với phương án lưng chừng như hiện nay.

Hai là, ông Nguyễn Xuân Phúc trong kỳ họp Quốc Hội khoá XIV vào sáng ngày 23/10 đã hào hứng cho biết, , nợ công vẫn trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.

Đây là cách nói khéo léo của ông Thủ tướng, thực chất là nợ công vẫn không giảm, nhưng nếu Chính phủ duy trì được tốc độ tăng trưởng như đề ra trước đó (6.7% cả năm 2017), thì sẽ làm giãn nợ công ra bằng sự tăng trưởng khả năng huy động nguồn thu từ nền kinh tế vào Ngân sách nhà nước (tỷ lệ bội chi giảm đi, giúp giảm tỷ lệ nợ công).

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh thiên tai hiện nay, hay câu chuyện giảm biên chế nhưng lại góp phần phình to ra, hay thậm chí 12 đại án kinh tế thua lỗ trước đó giờ lộ ra là 40 đại án thua lỗ thì bội chi vẫn hiện hữu. Càng hiện hữu thì nó càng đe doạ tốc độ tăng trưởng, và tăng trưởng GDP lại càng trở thành cứu cánh để gánh vấn đề nợ công cho cả nền kinh tế trong tương lai.

Và như đề cập ở trên, đầu tàu kinh tế buộc phải giữ, Formosa vô tình trở thành cứu cánh cho Chính phủ Việt Nam - đơn giản vì Formosa ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như Samsung.

Vỡ nợ hay đánh đổi môi trường để giữ cứu cánh, lúc này trở thành một lựa chọn một trong hai.

Và lời hứa đóng cửa Formosa nếu như xảy ra sự cố lần nữa có vẻ sẽ trở thành một lời hứa ảo.

Cả nền kinh tế phụ thuộc vào 1 doanh nghiệp FDI - đó là hệ quả tất yếu của quá trình "ăn nên" nhưng làm không ra của những lãnh đạo cộng sản thừa lý luận nhưng thiếu thực tiễn về quản lý, và phát triển một quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét