Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Quyền Lập hội, Quyền Biểu tình: Món nợ chưa được trả

Cát Linh, RFA



 Công an ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 7 năm 2016
Công an ngăn cản người dân biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào ngày 17 tháng 7 năm 2016 - AFP

 
‘Một di sản của miền Nam’


Các tổ chức xã hội dân sự và người Việt sinh sống trong và ngoài nước vào ngày 28 tháng 9 đưa ra văn bản Tuyên bố về Quyền Tự do Lập hội và Quyền tự do Biểu tình và công bố với truyền thông vào ngày 1 tháng 10 năm 2017.

Ông Hạ Đình Nguyên, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Phối hợp Hành động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn có cách nhìn về quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình như một “di sản để lại cho người miền Nam từ thời Việt Nam Cộng hoà.”

“Họ để lại cho nhân dân miền Nam ba điểm rất quan trọng, đó là họ để lại bước đầu trong việc xây dựng Tam quyền phân lập. Trong Tam quyền phân lập đó có vấn đề biểu tình, có vấn đề lập hội.”

Nhà báo Lê Phú Khải, cũng là thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng, từ Sài Gòn nhận xét quyền tự do lập hội, tự do biểu tình là những quyền căn bản đã tồn tại trong thể chế dưới thời Việt Nam Cộng Hoà.

“Chế độ Sài Gòn cũ về mặt thể chế là một chế độ tiến bộ vì quốc hội có phe đối lập, có quyền biểu tình có quyền báo tư nhân.”

Theo ông Hạ Đình Nguyên, quyền lập hội và quyền biểu tình là những quyền rất cơ bản giúp cho người dân sống trong xã hội hiểu được rõ hơn về các quyền tự do bất khả xâm phạm của mỗi công dân, và góp phần làm cho nhà nước biết tôn trọng họ.

Thế nhưng, trong nhà nước hiện tại, ông Hạ Đình Nguyên nói rằng quyền biểu tình và quyền lập hội chưa từng xảy ra.

Lời nhắc nhở với chính phủ

Nhà báo Lê Phú Khải cho biết bản tuyên bố là một lời nhắc nhở của những người quan tâm đến sự an lành của xã hội Việt Nam gửi đến chính phủ.

“Nó có từ trong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ năm 1946. Những người cầm quyền họ không chịu thực hiện điều đó. Đây là tuyên ngôn chúng tôi nhắc nhở họ phải làm đúng cái gì mà họ đã hứa, còn nợ với nhân dân. Đấy là quyền lợi tối thiểu của công dân mà chúng ta phải có từ nhà cầm quyền này. Khi nhà nước cố tình lờ đi là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tối thượng của con người.”

Là một nhà báo, đặc biệt là nhà báo nhiều lần từ chối lời mời vào Đảng với lý do nói rằng chế độ mà ông đang sống là “một chế độ độc tài”, những quyền tự do tối thượng ấy được nhà báo Lê Phú Khải kể ra như quyền được biểu đạt ý kiến, quyền lên tiếng, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Với ông, những quyền ấy đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc mang lại an lành cho xã hội.

“Trong tuyên ngôn nhân quyền thế giới cũng nói rất rõ quyền của người dân được biểu đạt ý kiến của mình, được chia sẽ thông tin của mình, được truyền đạt tư tưởng của mình.

Có như thế thì xã hội mới lành mạnh được.

Có phản biện thì nhà nước, những người cai trị đất nước mới biết những gì nhân dân cần, những gì nhân dân mong muốn để chỉnh sửa cách điều hành, cai trị đất nước.”

Theo nhà báo Lê Phú Khải, nhà cầm quyền phải biết ơn những nhà tri thức đã biểu lộ tư tưởng, làm cho xã hội trở nên ôn hoà. Ông ví von với hình ảnh hai quả cầu khi va vào nhau sẽ tạo ra sự tương tác.

“Hai quả cầu nó va vào nhau thì nó phải toé lửa bật ra, đó là qui luật. Người ta tưởng nó là xung đột nhưng chính cái đó làm cho năng lượng được giải toả.

Nếu hai quả cầu va vào nhau mà không bật ra, thì trông bề ngoài tưởng như không có chuyện gì, người ta tưởng rằng sự đời nó êm ả, không có sóng gió nhưng thật ra ở trong nó méo rồi, biến dạng rồi, thì đến 1 ngày nào đó, nó biến dạng hoàn toàn, đất nước sẽ sụp đổ.”

Mâu thuẫn từ trong nội bộ

Một cách trực khởi hơn khi nói về khía cạnh này, ông Hạ Đình Nguyên cho rằng xã hội nào cũng có sự mâu thuẫn. Thế nhưng ở thể chế của nhà nước Việt Nam hiện tại, chính phủ không cho người dân giải quyết những mâu thuẫn ấy bằng tiếng nói của người công dân. Chính vì thế, những mâu thuẫn đó sẽ được dồn hết vào trong nội bộ.

“Họ không dám cho cái quyền này vì họ quá lộn xộn với nhau rồi. Trong nội bộ hiện tại không ai biết ra làm sao, bao nhiêu phe nhóm? Họ lo đấu với nhau đã không xong thì đâu quan tâm gì đến quyền của người dân. Nếu không giải quyết bằng tam quyền phân lập, trong đó có tiếng nói của người dân thì những mâu thuẫn đó quay vào, trở lại trong nội bộ của Đảng, và khi đó thì họ chơi dao găm, ám khí với nhau.”

Những sự việc đã và đang diễn ra trong xã hội Việt Nam hiện tại có thể chứng minh được lời nói của ông Hạ Đình Nguyên. Mặc dù cũng như nhiều quyền cơ bản khác của công dân được qui định trong Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, kể từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp gần đây nhất 2013, nhưng dự án luật Biểu tình đã nhiều lần bị Quốc hội và chính phủ trì hoãn với lý do cần chuẩn bị kỹ hơn.

Vào tháng 4 năm 2017, Luật Biểu tình không có mặt trong tờ trình của Chính phủ lên Thường vụ Quốc hội, đồng nghĩa với quyền hiến định của người dân tiếp tục bị đưa vào giai đoạn chờ đợi.

Ngày 23 tháng 5, 2017, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 3, quốc Hội khóa XIV, một số đại biểu Quốc hôi đã có ý kiến về việc chính phủ Hà Nội trì hoãn trình Luật Biểu tình. Chính đại biểu Dương Trung Quốc cũng đã có ý kiến về vấn đề này.

Thêm vào đó, hàng loạt các vụ bắt bớ người tham gia những cuộc tưởng niệm như chiến tranh biên giới 17-2, tưởng niệm trận chiến Gạc Ma, biểu tình đòi minh bạch cho thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra…và quy kết tội gây rối trật tự công cộng.

Đối với nhà báo Lê Phú Khải, việc bắt bớ, cấm đoán, kết tội những người bày tỏ phản ứng bằng cách biểu tình là hoàn toàn vô lý.

“Những người đi biểu tình, những người biểu đạt ý kiến không có nghĩa là họ lật đổ chế độ. Họ biểu lộ tình cảm, biểu lộ phản ứng.

Những vấn đề cụ thể như môi trường. Họ bảo vệ môi trường chứ có làm gì đâu? Bảo vệ môi trường không phải chỉ có những người đấu tranh dân chủ. Ngay cả những người Cộng sản cũng cần môi trường”

“Là một người quan tâm đến vận mệnh của đất nước”, theo như cách nhà báo Lê Phú Khải nói về mình, ông khẳng định “Nếu cứ gói nó lại để cho cái ung nhọt đó tích tụ lại, đàn áp nó, không cho nó phát biểu, thì đến 1 ngày nào đó nó vỡ ra, thì lúc ấy xã hội sẽ không cứu vãn được nữa.”

Còn đối với ông Hạ Đình Nguyên, một lần nữa ông khẳng định quyền tự do lập hội và tự do biểu tình là những quyền cơ bản làm cho xã hội ngày càng lành mạnh hơn.

Đó cũng chính là thông điệp của 5 tổ chức xã hội dân sự và hơn 70 cá nhân đặt vào bản Tuyên bố ngày 1 tháng 10 năm 2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét