Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Sức sống của Dù vàng: Nhà tù không thể nhốt tư duy tự do






Ba thủ lĩnh sinh viên hiện đang bị tù vì Phong trào Dù vàng 2014. Ảnh: Demosistō


Sau ba năm kể từ ngày Phong trào Dù vàng (Umbrella Movement) bùng nổ vào tháng 9/2014, sức sống của phong trào sinh viên này vẫn vươn lên ở Hong Kong. Mặc dù chính quyền Trung Quốc ngày càng gia tăng đàn áp lên các quyền tự do của người dân nơi đây.

Hơn thế, những người lãnh đạo của phong trào – những bạn trẻ đứng nơi đầu của tiền tuyến – đã mở rộng phạm vi hoạt động, cũng như tìm thấy sự đồng cảm và ủng hộ của những nhà hoạt động trẻ khác trong khu vực. Trong đó, có cả các nhà hoạt động đến từ Việt Nam.

Tuy vậy, trong ba năm qua, thành viên của Phong trào Dù vàng đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì các cuộc biểu tình năm 2014, và bởi vì cả những hoạt động của họ sau đó.

Từ việc Joshua Wong và Nathan Law tuyên bố thành lập đảng chính trị Demosistō và ra tranh cử, cho đến lời kêu gọi độc lập cho Hong Kong đang lan tỏa ở các trường đại học. Đặc biệt gây tranh cãi là những tranh luận xung quanh phương thức tuyên thệ của các nhà lập pháp trẻ tuổi tại Hội đồng Lập pháp (Legislative Council) năm ngoái.

Quang cảnh biểu tình với hàng nghìn người năm 2014. Ảnh: Reuters/Tyrone Siu


Liệu Phong trào Dù vàng có thật như một số người cho rằng, chỉ là nỗi bức xúc nhất thời của những kẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” hay không?

Quan trọng hơn, bỏ qua tất cả tranh luận và chính kiến, chúng ta lại biết gì về những người bạn trẻ tuổi ở Hong Kong? Những con người đứng sau cuộc vận động lịch sử tại Hong Kong năm nào, lại có suy nghĩ và hành động gì ở thời điểm hiện tại và cả cho tương lai? Họ đã đầu hàng hay vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh của mình?

Bạn tôi trong tù, nhưng tôi sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh chung

Cuối tháng 8/2017, ba thủ lĩnh sinh viên năm xưa, Joshua Wong, Nathan Law, và Alex Chow bị phán tù trong một nhóm 13 nhà hoạt động, với tội danh “gây rối trật tự công cộng” khi tham gia Phong trào Dù vàng (Umbrella Movement).

Những người phản đối phong trào hoặc những kẻ ủng hộ chính quyền Xi Jinping có lẽ cho rằng, công cuộc đấu tranh của những người trẻ ở Hong Kong thế là hết.

Nhưng, chính những người trẻ tuổi ấy lại dõng dạc tuyên bố: Không, chúng tôi vẫn ở đây và vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở Hong Kong. Và họ đã làm điều này qua những người bạn cùng chung chí hướng, vẫn đang tiếp tục công việc dở dang ở ngoài.

Một tổ chức xã hội dân sự mới của người trẻ Hong Kong, có sự tham gia của một số cựu sinh viên trong Phong trào Dù vàng, cùng các luật sư và những nhà hoạt động xã hội, đã được thành lập với tên gọi Stories of the Frontiers – Câu chuyện từ tiền tuyến, viết tắt là SOFT.

Stories from the Frontiers – SOFT tại một buổi biểu tình cuối tháng 8/2017 ở Hong Kong. Ảnh: SOFT Facebook.

SOFT mang đến một khuôn mặt mới, chân thật và gần gũi hơn từ các nhà hoạt động, để chia sẻ với công chúng. Những câu chuyện được kể từ người thân, bạn bè, và cả chính tự sự của những người đang ở trong tù, đã đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác về họ.

Họ không phải là những kẻ giận dữ, chỉ biết kêu gào hay gây rối trong xã hội. Mà họ là những người đang đấu tranh để gìn giữ những giá trị dân chủ và tự do đã làm nên Hong Kong ngày hôm nay.

Họ là những người trẻ có lý tưởng, và họ không bỏ cuộc.

Ngay trước khi bắt đầu thi hành án, Alex Chow đã chia sẻ qua trang Facebook của SOFT:

“Tôi không xem (việc ở tù) là một cái giá phải trả. Tôi vốn sẵn sàng hi sinh cho công cuộc đấu tranh. Chúng ta phải tiếp tục tiến bước trên cuộc hành trình bắt đầu từ những ngày (biểu tình) năm ấy. Không ai có thể thay thế chúng ta để hoàn thành nó, ngoài chính bản thân chúng ta.”

Alex Chow khiến chúng ta nhớ lại lời tuyên bố của Joshua Wong khi Phong trào Dù vàng bùng nổ:

“Tôi muốn biết là những người trưởng thành đang ở đâu trong lúc này. Nhưng cho dù phải trả bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng không thể vứt bỏ (gánh nặng) này lên những thế hệ tiếp theo. Sứ mệnh này phải được hoàn thành trong thế hệ của chúng ta!”

Và sứ mệnh của họ, giữ gìn nền dân chủ và nhà nước pháp quyền cho Hong Kong đang được tiếp tục bằng những hành động từ các tổ chức như SOFT.

Cuối tuần trước, vào Chủ nhật ngày 23/9/2017, SOFT đã tổ chức một buổi nhạc hội để bày tỏ tinh thần ủng hộ những nhà hoạt động Hong Kong đang bị giam giữ. Các nghệ sĩ Hong Kong tham gia gồm có Interzone Collective, Anthony Wong, Denise Ho, Edmund Leung, Wong Hin-yan, và Adrian Chow. Từ Russia, thành viên nhóm nhạc đấu tranh cho nữ quyền, Pussy Riot, cũng gửi thông điệp ủng hộ những nhà hoạt động trẻ của Hong Kong.

Ca sĩ Denise Ho – một người ủng hộ PT Dù vàng từ những ngày đầu – tại buổi nhạc hội ủng hộ những nhà hoạt động Hong Kong đang ở trong tù ngày 24/9/2017. Ảnh: In-Media.

Ngoài ra, những nhà hoạt động trẻ tuổi khác từ Phong trào Dù vàng vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và gìn giữ nhà nước pháp quyền cho Hong Kong, mặc cho sức ép từ chính quyền Xi Jinping

Quan trọng hơn, công cuộc đấu tranh của họ không chỉ giới hạn trong phạm vi Hong Kong, mà nó còn được sự ủng hộ của những người mang cùng lý tưởng tự do dân chủ trong khu vực và trên thế giới.

Dân chủ, tự do và hòa bình là lý tưởng chung của thế hệ trẻ


Tháng 4/2016, Nathan Law và Alex Chow đã cùng các nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi trong khu vực, từ Đài Loan, Burma (Miến Điện), Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Tây Tạng, Thái Lan và Việt Nam, thành lập Mạng lưới các nhà hoạt động dân chủ trẻ Châu Á (Network of Young Democratic Asians – NOYDA).

Tháng 9/2017, các thành viên của NOYDA đã có cuộc họp mặt lần thứ hai tại Taiwan (Đài Loan) để bắt đầu kế hoạch hành động trong hai năm sắp tới. Đại diện cho Hong Kong tại kỳ họp này là những người đã cùng sát cánh bên bộ ba Joshua Wong, Alex Chow, và Nathan Law trong Phong trào Dù vàng năm 2014. Trong đó có Agnes Chow Ting, Johnson Yeung, và Jacky Chan Man-Hei.

Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, anh Johnson Yeung – một nhà hoạt động đến từ Phong trào Dù vàng và hiện đang tiếp tục cuộc đấu tranh của những người bạn đang ở trong tù – nhấn mạnh:


“Con đường đấu tranh để thay đổi xã hội không bao giờ dễ dàng. Nhưng không nhà tù nào có thể nhốt được một tư duy tự do, không dùi cui nào có thể đập vỡ một tinh thần kiên định.



Những gì thật sự có ý nghĩa đó là: chúng ta phải tin vào sức mạnh của bản thân, rằng chính chúng ta sẽ kiến lập được một xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta đấu tranh đâu phải chỉ cho riêng mình, mà còn cho bạn bè, gia đình, và tất cả mọi người. Kể cả những người vẫn chưa thể chia sẻ cùng một viễn cảnh xã hội với chúng ta.”



– Johnson Yeung-

Sau khi Nathan Law và Alex Chow cùng Joshua Wong bị tuyên án, mạng lưới NOYDA đã đưa ra tuyên bố phản đối các bản án, cũng như khẳng định họ ủng hộ cuộc đấu tranh cho dân chủ của những nhà hoạt động Hong Kong.

Anh Tsai Kun-Ru, một nhà hoạt động trẻ ở Đài Loan và là thành viên của NOYDA chia sẻ với Luật Khoa tạp chí, “Chúng tôi ủng hộ công cuộc đấu tranh của các bạn Hong Kong vì tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với các thể chế độc tài ở khắp nơi. Mà đối thủ của chúng ta thì rất mạnh và có đầy quyền lực. Đặc biệt là Hong Kong và Đài Loan còn phải đối diện nhiều vấn đề chung, nếu nhìn từ một vài khía cạnh. Chỉ có bằng cách ủng hộ công cuộc đấu tranh của nhau thì chúng ta mới có thể cùng thực hiện lý tưởng của mình.”

Vậy thì lý tưởng của nhóm bạn trẻ ở châu Á này là gì?

Họ muốn dùng hai năm thời gian để làm việc về những vấn đề sau: thúc đẩy và thực thi quyền con người, giám sát các khoản đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tính đa dạng của xã hội, và kêu gọi hòa bình trong khu vực.

Phong trào Dù vàng năm 2014 không phải là một sự kiện chỉ có tính chất thời vụ, mà nó đã góp phần ươm mầm cho những hạt giống cho việc thúc đẩy tự do, dân chủ trong khu vực và trên toàn thế giới.

Mạng lưới NOYDA đưa ra tuyên bố ủng hộ những nhà hoạt động bị bỏ tù ở Hong Kong cuối tháng 8/2017. Ảnh: NOYDA.

Anh Shih I-Lun, một thành viên khác của NOYDA từ Đài Loan cho rằng, “khi bối cảnh chính trị ở Hong Kong ngày càng trở nên đen tối, thì việc những nhà hoạt động trẻ ở khắp nơi cùng nắm tay đồng hành với những người bạn Hong Kong là rất cần thiết. Chúng ta cần chia sẻ và ủng hộ nhau trong khi cùng chờ đợi bình minh cho ngày mới.”

Hằng ngày, những người trẻ tuổi mang đầy lý tưởng ở khắp nơi vẫn bất chấp an nguy của bản thân để tiếp tục công việc của mình. Họ có thể bị một số người trong xã hội xem là những kẻ mơ mộng viễn vông, hoặc thậm chí tệ hơn, như là những kẻ gây rối.

Nhưng, công bằng mà nói, những gì họ muốn thực hiện – đấu tranh đòi hỏi một mô hình xã hội tự do, công bằng, hòa bình và dân chủ cho tất cả mọi người – thì lại có gì sai?

Và, khi người ta còn trẻ, liệu có gì đáng quý hơn hành động dám dùng những năm tháng tươi đẹp nhất của đời mình để đấu tranh cho lý tưởng, cho viễn cảnh xã hội tốt đẹp ở tương lai?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét