Mô hình Robot Philæ được trưng bày tại Thành phố không gian ở Toulouse.
AFP PHOTO / REMY GABALDA
Trong khi các báo ra hôm nay đều
tập trung vào các đề tài chính trị Pháp, với công cuộc tái thiết đảng cánh hữu
Những Người Cộng Hòa, chuyến công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến
châu Phi, hay sự kiện Liên hiệp Châu Âu quyết định cho phép sử dụng thêm 5 năm
nữa thuốc diệt cỏ trong nông nghiệp Glysophate, đang gây tranh cãi vì gây độc hại
cho môi trường, trang Ý kiến và Tranh luận của nhật báo Les Echos (28/11/2017)
có bài về cuộc chinh phục không gian với câu hỏi hình ảnh thú vị : « Liệu robot
có đuổi con người ra khỏi không gian ? »
Trong khi tiến bộ khoa học công
nghệ tiến nhanh đến chóng mặt như ngày nay, các robot ngày càng trở nên tinh xảo,
tự chủ, liệu con người có còn vai trò gì trong cuộc chinh phục vũ trụ ? Đây
cũng là vấn đề được đặt ra tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu Khoa học Quốc
gia Pháp (CNRS) hôm Chủ Nhật 26/11 vừa rồi với chủ đề « Còn gì để khám phá ? ».
Theo Les Echos, trong cuộc chinh
phục vũ trụ, « con người hay robot » không phải là một câu hỏi mới. Nó vẫn luôn
được đặt ra, nhưng ngày càng được quan tâm. Theo nhà vật lý thiên văn Sylvestre
Maurice, phụ trách phần trang bị cho tàu đổ bộ nghiên cứu sao Hỏa nổi tiếng
Curiosity của NASA, thì « cả hai yếu tố bổ trợ cho nhau, chúng ta vẫn cần cả
con người và robot ».
Les Echos viết: "Những bước
đi đầu tiên của Neil Armstrong trên mặt trăng là một minh họa rõ nét. Trước
Armstrong và 11 người khác lui tới mặt trăng từ 1969 đến 1972, Mỹ và Nga đã mở
đường bằng hàng loạt các chuyến bay không người lên cung trăng. Không có các
máy thăm dò Lunar Orbiter hay Surveyor thu thập dữ liệu thông tin về mặt trăng,
thì chuyến đáp xuống mặt Trăng của tàu Appollo chắc chắn sẽ không có."
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra
là làm các thực nghiệm khoa học qua máy móc từ những nơi xa xôi như sao Hỏa
cũng có giới hạn nhất định. Ở khía cạnh này, con người mới là công cụ tốt nhất.
Nhà khoa học Sylvestre Maurice lý
giải: « Các mẫu đất trên mặt Trăng được các các máy thăm dò Luna của Liên Xô
mang về một cách máy móc. Không phải ngẫu nhiên mà các mẫu tốt nhất mà chúng ta
có được chính lại là do bàn tay con người lựa chọn… đó là những mẫu của nhà địa
chất học Harrison Schmitt trên con tàu Apollo 17 ».
Mặt khác, Les Echos lý giải vai
trò của con người trong công cuộc chinh phục vũ trụ còn mang ý nghĩa chính trị.
Những chuyến bay hỗn hợp các phi hành gia nhiều nước, Trạm Không gian Quốc tế
ISS đã góp phần làm hòa dịu quan hệ đông-tây.
Bài viết cho rằng, đúng là đưa
người vào vũ trụ rất tốn kém. Một chuyến bay có người đắt tiền và phức tạp hơn
rất nhiều chuyến bay không người. Nhưng trái lại các chuyến bay có người thu
hút sự quan tâm và phấn khích của công chúng nhiều hơn chuyến bay đơn thuần của
máy móc. Tuy nhiên, với những cuộc chinh phục nơi xa thẳm như sao Hỏa thì một
chuyến bay có người là chưa thể có được. Trước mắt vẫn robot vẫn đóng vai trò
chính để giúp con người khám phá những vô số những trở ngại trên con đường rất
dài đó.
Con người khó lặp lại được kỳ tích đầu tiên
Les Echos còn đặt ra vấn đề khá
thú vị khác: Máy tính dùng cho con tàu Apollo chạy chậm hơn so với chiếc máy
tính xách tay của chúng ta hiện nay 100 nghìn lần. Một câu hỏi được đặt ra là với
thiết bị thô sơ mà người Mỹ đã làm thành công năm 1969, liệu chúng ta sẽ có khả
năng làm lại trong năm 2017 hay không ? Đáng ngạc nhiên câu trả lời là không,
theo ông Sylvestre Maurice. Vị chuyên gia này cho rằng việc đưa người lên mặt
trăng hay sao Hỏa cần phải hội đủ những yếu tố thuận lợi như : Kiến thức chuyên
môn của con người, nhà máy, quyết tâm chính trị, ngân sách. Các yếu tố này giờ
đây không hội đủ.
Trung Quốc kéo dài « con đường tơ lụa » đến Đông Âu
Một thời sự kinh tế được báo Pháp
chú ý nhiều là cuộc họp giữa thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với 16 nước
Đông Âu diễn ra ngày hôm qua (27/11) tại Hungary, một thành viên ngang bướng của
Liên Hiệp Châu Âu.
Diễn đàn kinh tế tại Budapest thể
hiện rõ tham vọng bành trướng sang châu Âu của Bắc Kinh. Le Figaro nhận định
khái quát qua hàng tựa : « Bắc Kinh trải dài những « con đường tơ lụa mới của
mình » qua Đông Âu. Việc thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được đón tiếp long
trọng trong một diễn đàn kinh tế quy tụ lãnh đạo chính phủ và các bộ trưởng của
16 nước Đông Âu, trong đó nhiều nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu cho thấy
Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đang đi từng bước, có phương pháp để « củng cố
vị thế và ảnh hưởng tại Trung và Đông Âu ».
Một lần nữa Trung Quốc lại chơi
bài vung tiền để lôi kéo. Hôm qua, thủ tướng Lý Kkhắc Cường thông báo dành 3 tỷ
euro đầu tư vào các quốc gia Đông Âu. Một chi tiết khác cũng được le Figaro chú
ý: Việc chọn thủ đô Hungary là nơi diễn ra cuộc họp cũng không hề ngẫu nhiên
chút nào.
Hungary của thủ tướng Viktor
Orban là nước châu Âu cởi mở nhất với đầu tư Trung Quốc và cũng là thành viên
hay chống đối lại những chủ trương của Bruxelles nhất. Ngoại trưởng Hungary
Peter Szijjarto được Le Figaro trích dẫn đã khẳng định : « Trong vùng này,
chúng tôi nhìn thấy vai trò lớn của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới như
là một cơ hội chứ không phải là một đe dọa ».
Còn thủ tướng Hy Lạp, Alexis
Tsipras, trong bài phỏng vấn của Le Figaro hôm 24/11 thì lý giải sự hấp dẫn
Trung Quốc: « Châu Âu vẫn chỉ ưu tiên phạt Hy Lạp bằng áp đặt chính sách kham
khổ mà chẳng đầu tư gì. Với các nước khác thì Hy Lạp rất cuốn hút, vì thế người
Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để đầu tư ».
Theo le Figaro, năm 2016, tập
đoàn hàng hải Cosco của Trung Quốc đã kiểm soát cảng Pirée chiến lược của Hy Lạp.
Để chuyển được đống của cải « made in China » đến tận trung tâm châu Âu, Bắc
Kinh chuyển cấp vốn để hiện đại hóa trục đường sắt nối cảng Pirée-Budapest.
Tờ báo nhận định, « các đầu tư
Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở ( sân bay, cảng biển, đường sắt) ở châu Âu nằm
trong chiến lược « Một con đường, một vành đai » hay còn được gọi bằng một cái
tên mỹ miều hơn là "con đường tơ lụa mới" ».
Để thực thi ý đồ lớn này, Trung
Quốc đang dệt lên tấm vải của họ không chỉ bằng tiền tỷ mà cả bằng các điểm
chuyển tiếp ảnh hưởng mà các nhà ngoại giao ngày nay vẫn thường gọi là
"quyền lực mềm". Một thí dụ là tuần trước, Trung Quốc và Bulgari đã kết
hợp thành lập trung tâm nghiên cứu về cơ sở hạ tầng giao thông tại Sofia, trong
khi mà tại đất nước Đông Âu này đã có 11 cơ sở, tổ chức của Trung Quốc.
Le Figaro dẫn số liệu của Viện
Mercator nghiên cứu Trung Quốc cho biết: Đầu tư Trung Quốc năm ngoái đổ vào
Liên Hiệp Châu Âu đạt 35 tỷ euro. Hơn 2/3 số này là từ các doanh nghiệp Nhà nước
nhằm phục vụ tham vọng lớn của Bắc Kinh.
Chuyến tông du nhạy cảm đến Miến Điện của giáo hoàng
Về thời sự liên quan đến châu Á,
nhiều báo Pháp hôm nay vẫn dành chú ý cho chuyến tông du của giáo hoàng
Phanxicô tới Miến Điện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya
đang trong lúc trầm trọng nhất.
Le Monde bình luận bằng hàng tựa
: « Những cái bẫy trong chuyến đi của giáo hoàng đến Miến Điện ». Một trong những
cái bẫy là khủng hoảng người Rohingya. Từ đầu cuộc khủng hoảng nổ ra hồi tháng
10 năm 2016, giáo hoàng Phanxicô đã ba lần lưu ý đến số phận của những người
thiểu số theo đạo Hồi này.
Lần này ở tại chỗ, giáo hoàng
không thể bỏ qua được vấn đề người Rohingya, khi mà cuộc khủng hoảng đã ở cao
trào như hiện nay. Có điều những con chiên Miến Điện của giáo hoàng, trong đó
có cả những giám mục, chức sắc Công giáo mà ngài đã phong chức, đều không muốn
giáo hoàng dùng từ Rohingya, vì sợ sẽ làm người dân khó chịu.
Một yếu tố khác khiến giáo hoàng
phải thận trọng là cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi. Lãnh đạo thực sự này của
Miến Điện đang bị cộng đồng quốc tế, chỉ trích mạnh mẽ về cách xử lý khủng hoảng
Rohingya. Trong khi đó Tòa Thánh cho rằng chỉ tập trung vào chỉ trích lên án bà
Aung San Suu Kyi là không công bằng, vì dù có thực sự lãnh đạo chính phủ, quyền
hạn của bà vẫn bị hạn chế bởi thế lực quân đội.
Các cuộc tiếp xúc với những nhân
vật chủ chốt của chính quyền Miến Điện, trong đó có chỉ huy quân đội Miến Điện
tướng Min Aung Hlaing, là phần quan trọng nhất của chuyến đi và cũng sẽ được dư
luận báo chí để ý nhiều hơn là các cuộc đón rước, thăm viếng giáo dân ở xứ sở
mà đạo Phật chiếm đa số. Một chuyến đi mang nặng màu sắc chính trị nhiều hơn
tôn giáo.
Khi hoàng tử Anh tìm được ý trung nhân
Một thông tin đều được các báo nhất
loạt nhắc đến là thông báo hoàng tử Anh Harry, chàng độc thân số 1 thế giới, đã
tìm được ý trung nhân để thành hôn.
Libération có bài viết ngắn cho
thấy chuyện dựng vợ gả chồng cho các ông hoàng bà chúa của cung đình Anh hệ trọng
thế nào ở xứ sở sương mù. Theo Libération, « sáng thứ Hai, cả vương quốc như ngừng
thở trong giây lát nghe thông báo hoàng tử Hary chính thức đính hôn với diễn
viên điện ảnh Mỹ Meghan Markle.
Bà thủ tướng Anh Theresa May,
đang chuẩn bị giới thiệu kế hoạch chiến lược công nghiệp của đất nước sau
Brexit, đã thở phào với hy vọng truyền thông sẽ tập trung vào sự kiện này mà phần
nào quên đi soi mói kế hoạch của bà và
hơn nữa bầu không khí nặng nề giữa Ireland và Vương Quốc Anh do Brexit cũng sẽ
bị chìm xuống trong niềm hân hoan của dân chúng ».
Các chương trình truyền hình bị đảo
lộn để theo dõi trực tiếp những tin tức, những lời chúc mừng của hoàng gia, của
chính khách trong và ngoài nước xung quanh cái thông báo đã được mong chờ từ
nhiều tháng nay.
Llibération cũng nhắc lại, trong
lịch sử hoàng cung Anh, vua Edouard VIII, chú của nữ hoàng Elisabeth II hiện
nay, từng buộc phải thoái vị năm 1936 vì kết hôn Wallis Simpson, một phụ nữ Mỹ
bình dân đã 2 lần ly dị. Lần này Meghan Markl, 36 tuổi và cũng là người xuất
thân từ tầng lớp bình dân, là con lai, mới chỉ ly dị có 1 lần. Cô có mẹ là giáo
viên dạy yoga ở Los angeles và cha là kỹ sư ánh sáng cho đoàn làm phim.
Libération kết luận : « Meghan
Markle là người đã quen với nhiều vai diễn, tới đây cô sẽ phải hóa thân hoàn hảo
trong cuốn phim nhiều tập của hoàng gia. Mong sao vương quốc Anh được sống
trong hân hoan vui vẻ, điều đang rất cần cho đất nước này. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét