Trong tương lai không xa Bắc cực quanh năm băng giá sẽ trở thành tuyến
đường hàng hải tấp nập. REUTERS/Alistair Scrutton
Chủ đề liên quan đến thời sự Pháp
chiếm trọn trang bìa các tạp chí lớn ở Paris trong tuần này. Tạp chí L’Obs
không ngoại lệ, nhưng đã dành một hồ sơ
nêu bật một ý đồ bành trướng của Trung
Quốc với tựa đề rất gọn : « Bắc Cực Made in China ». Bài báo phân tích chiến lược
của Bắc Kinh nhằm thâu tóm tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, nhưng chưa được
khai phá tại vùng đất băng giá này, một chiến lược đã bất ngờ được tổng thống Mỹ
Donald Trump hỗ trợ đắc lực.
Theo Pascal Riché, tác giả bài
báo, mọi sự khởi đầu từ việc khí hậu toàn cầu bị hâm nóng, làm tan băng ở vùng
Bắc Cực, cho phép tạo ra những tuyến đường hàng hải mới, và nhất là mở ra triển
vọng khai thác các trữ lượng dầu khí, sắt, kẽm... trước đây còn bị băng phong tỏa.
Đối với phóng viên tuần báo L’Obs, có thể nói là « sự mở cửa » của Bắc Cực, dưới
tác động của việc Trái Đất bị hâm nóng, là thay đổi địa lý quan trọng nhất kể từ
khi kỷ nguyên băng hà kết thúc.
Không giống như Nam Cực, được các
hiệp ước cụ thể « bảo vệ », Bắc Cực ngày nay, giống như miền Viễn Tây Far West
của Mỹ trước đây, vẫn còn hoang dã và đang trở thành một cục nam châm thu hút mọi
tham vọng. Các nước bao quanh Bắc Cực như Nga, Mỹ (nhờ vùng với Alaska),
Canada, Đan Mạch (với Greenland), Iceland và Na Uy đều đã tìm cách khai thác và
mở rộng khu vực kiểm soát, thế nhưng theo tạp chí Pháp, điểm nổi bật của năm
2017 này là họ đã bị một nước ngoài khu vực qua mặt : Đó là Trung Quốc.
Trump đã giúp Trung Quốc làm chủ Bắc Cực
Vấn đề đáng chú ý là Trung Quốc
đã lộ rõ tham vọng khống chế Bắc Cực từ lâu, nhưng cho đến nay đã vấp phải cản
lực từ Mỹ. Thế nhưng, ngày 9 tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm Bắc Kinh, tổng
thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho Trung Quốc đầu tư 43 tỷ đô la Mỹ vào bang
Alaska để khai thác, hóa lỏng và vận chuyển khí đốt tự nhiên. Đây là khoản đầu
tư lớn nhất vào vùng Bắc Cực từ trước đến nay.
Đối với Mikaa Mered, giáo sư
chuyên nghiên cứu Nam Cực và Bắc Cực tại Đại Học Khoa Học Ứng Dụng Lapland ở Phần
Lan, đồng thời là chuyên gia cho Ủy Ban Châu Âu, hệ quả của thỏa thuận Mỹ-Trung
trên đây rất rõ : « Trung Quốc đã trở thành ông chủ của Bắc Cực ».
Chuyên gia này giải thích : «
Trung Quốc đã có phần trong các dự án ở Canada, họ đã đầu tư vào hai dự án khí
đốt lớn ở Nga, họ đã sưởi ấm quan hệ với Na Uy, họ đã có một thỏa thuận thương
mại tự do với Iceland, họ đã nắm trong tay gần như tất cả các dự án khai thác mỏ
lớn ở Greenland. Người ta từng cho rằng họ sẽ khó mà vào được Mỹ do quan điểm
(được tuyên bố trước đây) của Trump đối với họ. Rốt cuộc, họ chỉ cần sáu tháng
để được toại nguyện... »
Theo tạp chí Pháp, tổng thống Mỹ
đã bị thống đốc Bill Walker cùng với các nghị sĩ thuộc tiểu bang Alaska, tất cả
đều cùng trong đảng Cộng Hòa, thuyết phục. Từ khi giá dầu sụt giảm, bang này bị
lâm vào khó khăn kinh tế và tài chính, và dự án Alaska LNG ký với Trung Quốc được
coi là mang tính chất sống còn. Các đối tác ban đầu là Exxon Mobile,
TransCanada, ConocoPhillips, BP, đã không hứng khởi lắm với dự án do lợi nhuận
không chắc chắn, và đã rút lui vào năm ngoái.
Khống chế Bắc Cực để nắm nguồn tài nguyên
Đối với Trung Quốc thì khác,
không có lợi nhuận ngay lập tức không phải là vấn đề, ưu tiên của họ là đảm bảo
nguồn năng lượng để duy trì sự tăng trưởng trong nhiều thập niên.
Theo Mark Rosen, chuyên gia về Bắc
Cực ở CNA, một cơ quan nghiên cứu thân cận với bộ Quốc Phòng Mỹ thì đối với Bắc
Kinh, « Bắc Cực trước tiên hết là nguồn cung cấp các nguyên liệu mà ngành công
nghiệp Trung Quốc rất cần. Thay vì đi mua, Bắc Kinh đã quyết định làm chủ các mỏ
để nắm quyền kiểm soát sản lượng và giá cả ».
Thế là Trung Quốc đã lợi dụng thời
cơ lao vào thương lượng về việc tham gia dự án Alaska LNG. Theo thỏa thuận, thì
một đại tập đoàn (consortium) bao gồm 3 tập đoàn Trung Quốc sẽ tiếp quản dự án
này (mặc dù Alaska sẽ vẫn nắm đa số) : Đó là tập đoàn hóa dầu Sinopec, quỹ đầu
tư nhà nước CIC, và Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc. Bắc Kinh dự định nhập khẩu
75% khí đốt sẽ được khai thác.
Đối với Hoa Kỳ thì mối lợi sẽ là
12.000 việc làm và giảm được 10 tỷ đô la thiếu hụt thương mại với Trung Quốc
(lên đến 350 tỷ đô la vào năm ngoái). Món lợi đó, theo tạp chí L’Obs, đã đập
tan luận điệu chống Trung Quốc hùng hồn của ứng cử viên Trump. Thời kỳ mà Trung
Quốc « cưỡng bức Hoa Kỳ » giờ đây chỉ còn là ký ức.
Khi giới lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ ăn nói linh tinh
Tại Ấn Độ, giới khoa học đang động
viên nhau để chống lại nguy cơ những môn khoa học giả hiệu, như bói toán chẳng
hạn, được đưa vào chương trình giảng dạy, nhờ được một số thực thể trong chính
quyền dân tộc chủ nghĩa đương quyền ủng hộ. Tạp chí Courrier International đã
trích dẫn truyền thông Ấn Độ điểm qua một số tuyên bố cực kỳ linh tinh của nhiều
giới chức chính quyền hiện nay để kích động tinh thần dân tộc Ấn.
Trong số người phát biểu quá đà,
có cả thủ tướng Narendra Modi. Theo tờ báo Ấn Độ The Financial Express, ông
Modi đã từng công khai tuyên bố rằng Ganesh, vị thần đầu voi của Ấn Độ, là sản
phẩm của nền « phẫu thuật thẩm mỹ » mà người Ấn đã thành thạo từ thời xa xưa.
Những tuyên bố kiểu trên đây
không hiếm. Theo Courrier International, từ khi lên cầm quyền cách đây 3 năm, Đảng
BJP của thủ tướng Modi đã không ngần ngại thao túng khoa học, tôn giáo và lịch
sử vì mục đích ý thức hệ.
Vào tháng 1 năm 2015, tại Hội Nghị
Khoa học Ấn Độ, một cựu phi công đã khẳng định rằng chính tại Ấn Độ mà phi cơ
đã được phát minh « cách nay 7000 năm ». Theo nhật báo Times of India đã loan
tin trên vào lúc đó, thì nhân vật này cho biết là ông đã đọc được điều đó trong
kinh cổ Vedas, viết bằng tiếng Phạn. Theo ông, những văn bản cổ xưa đó còn nói
rằng những chiếc máy bay « có thể bay từ nước này sang nước khác, từ một châu lục
này sang châu lục khác, và từ một hành tinh này qua một hành tinh khác ».
Còn ông Vijay Bhatkar, lúc đó là
chủ tịch Học Viện Công Nghệ Ấn Độ ở New Delhi, ngay hôm đó cũng lên án cái ông
gọi là « tư tưởng nô lệ », đã thúc đẩy người Ấn chỉ công nhận các phát minh tại
nước ngoài. Kể từ đó, trang web tin tức The Wire đã tiết lộ rằng ông Vijay
Bhatkar là thành viên tổ chức RSS, một phong trào bán quân sự cực hữu, mà đảng
BJP đương quyền là tủ kính chính trị.
Sau đó, nhiều nhân vật đã thản
nhiên có những tuyên bố hết sức phi lý nhằm đề cao dân tộc Ấn. Bộ trưởng Nội Vụ
hiện nay chẳng hạn, đã khẳng định rằng bất kỳ một tu sĩ Ấn Độ Giáo nào cũng có
thể dự đoán nhật thực của mặt trời "hàng trăm năm trước". Bộ trưởng
Nông Nghiệp cũng không thua kém khi tuyên bố rằng nếu tập yoga, người nông dân
có thể « tự bảo vệ mình chống lại những tác động có hại của hiện tượng khí hậu
bị hâm nóng » !
Có nên hạ bệ các nhân vật lịch sử bị « tỳ vết » ?
Như nói ở trên, các tuần báo Pháp
đều đã dành trang bìa cho thời sự Pháp. L’Obs chẳng hạn, đã đặt một câu hỏi
thành tựa trang nhất : « Có nên hạ bệ những vĩ nhân của chúng ta hay không ? »
bên dưới là ảnh vẽ một số nhân vật lịch sử Pháp, với câu hỏi nhỏ ở mỗi ảnh vẽ
nêu bật điều bị coi là tội trạng của những nhân vật đó.
Dưới hình vẽ tướng De Gaulle, người
hùng trong cuộc chiến chống Phát Xít Đức, sáng lập ra nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp,
là câu hỏi về tính chất độc tài (autocrate) của cố tổng thống, ngày nay bị tố
là có thiên hướng chuyên chế và tại chức quá lâu.
Ngược về thế kỷ 19, Jules Ferry,
nhà sáng lập hệ thống giáo dục công lập, phi tôn giáo, không còn lệ thuộc vào
các trường dòng như trước đó, thì lại bị tố là một tên « thực dân », chủ trương
chế độ thuộc địa (colonialiste). Hoàng đế Napoléon, thì bị cho là « một kẻ buôn
nô lệ (esclavagiste), trong lúc lãnh tụ cách mạng Robespierre thời Cách Mạng
Pháp 1789, bị cáo buộc là « một tên khủng bố (terroriste) ». Ngay cả vua Louis
thứ 9 thời Trung Cổ (thế kỷ thứ 13), từng được phong làm Thánh Louis
(Saint-Louis), cũng bị đặt vấn đề là một kẻ bài Do Thái.
Câu hỏi mà tuần báo Pháp đặt ra
xuất phát từ việc một số hiệp hội chống kỳ thị chủng tộc tại Pháp, mới đây đã
bày tỏ thái độ phẫn nộ trước sự kiện nhiều nhân vật lịch sử như kể trên vẫn được
tôn vinh.
Đối với L’Obs, vấn đề đã xâu xé
nước Mỹ vào mùa hè vừa qua liên quan đến ký ức về cuộc nội chiến Mỹ, cũng đang
được đặt ra tại Pháp, với câu hỏi là liệu có nên đổi tên đường phố và dẹp bỏ những
tượng đài tôn vinh những nhân vật mà di sản ngày nay đang gây tranh cãi hay
không ?
Trong một hồ sơ 12 trang, L’Obs
nhắc lại rằng hoàng đế Napoléon chẳng hạn, đã phục hồi chế độ nô lệ ở các thuộc
địa vào năm 1802, trong lúc Jules Ferry, người khai mở nền giáo dục thế tục thì
lại là một kẻ « kiên quyết bảo vệ chế độ thực dân, thuộc địa ».
Tuần báo Pháp đăng một số ý kiến
trái chiều của cả bên bênh lẫn bên chống việc đặt lại vấn đề lịch sử này. Chẳng
hạn như liên quan đến cố tổng thống De Gaulle, Daniel Cohn-Bendit, một gương mặt
tiêu biểu trong phong trào sinh viên đấu tranh thời Mai 68, tháng Năm 1968, đã
làm rung chuyển chế độ De Gaulle lúc bấy giờ, thì « Tướng De Gaulle đã là cản lực
trên con đường dân chủ hóa nước Pháp ». Ngược lại, theo Jean-Louis Debré, chủ tịch
Hội Đồng Bảo Hiến Pháp, từng là chủ tịch Quốc Hội Pháp, thì cố tổng thống Pháp
là người đã « khôi phục nền Cộng Hòa Pháp vào năm 1958 ».
Có dính líu ít nhiều đến Việt Nam
là trường hợp của Jules Ferry. Nhà biên khảo kiêm ký giả Natacha Polony đã ghi
nhận mong muốn của Jules Ferry là giúp con người nói chung « thoát ra khỏi chủ
nghĩa u muội », còn Lilian Thuram, cầu thủ bóng đá vô địch thế giới năm 1998,
người sáng lập một hiệp hội chống kỳ thị chủng tộc, thì cho rằng cựu bộ trưởng
giáo dục Pháp đã bật đèn xanh cho việc « cướp của, giết người và bắt các dân tộc
khác làm nô lệ ».
Đối với l’Obs, vấn đề cần được
xem xét thấu đáo, bằng không thì chỉ còn có nước là biến Điện Panthéon ở Paris,
nơi tôn vinh các vĩ nhân Pháp, thành một công viên !
Đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM : Tử huyệt của Macron ?
Tuần báo L’Express cũng dành
trang bìa và hồ sơ chính 13 trang cho thời sự Pháp, nhưng để ghi nhận rằng Đảng
Cộng Hòa Tiến Bước LREM mà tổng thống Macron lập ra có thể trở thành ‘tử huyệt’
của chính ông.
Chính vì vậy mà đương kim tổng thống
đã cử một người thân cận cứng cỏi là ông Castener, nguyên là phát ngôn viên
chính phủ, qua nắm đảng, không cần thủ tục bầu bán phức tạp.
Đối với một đảng vừa được thành lập
từ một phong trào kể như là mới toanh, vấn đề đặt ra là đi sâu được vào quần
chúng để quảng bá cho chủ trương đường lối của chính phủ Macron. L’Express đã cử
phái viên xuống thành phố Dijon, và ghi nhận các nhà hoạt động ráo riết của những
người trong đảng Cộng Hòa Tiến Bước.
Một người xác định « Một nhiệm vụ
nặng nề đang đè nặng trên vai chúng tôi. Đó là giáo dục quần chúng » : 6000 tờ
rơi về chủ đề này đã được gửi đến nơi đây. Các đảng viên đảng Xã Hội tại chỗ
không tránh khỏi ghen tị. Antoine Hoareau, thư ký đảng Xã Hội khu vực Dijon ngậm
ngùi : « Người của đảng Cộng Hòa Tiến Bước quả là không ngu như chúng tôi.
Trong 5 năm qua, chúng tôi chưa hề nhận được tài liệu nào từ đảng để vận động ủng
hộ chính sách của François Hollande ». "
Theo Fadila Khattabi, một trong bốn
dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa Tiến Bước vùng Côte-d'Or, đã đến lúc tiếp tục trở
lại các hoạt động thực địa : « Sau thời kỳ phấn chấn nhờ thắng lợi tại cuộc bầu
cử tổng thống và quốc hội, chúng tôi quả là đã sao lãng một chút trong mùa
hè... Để giữ lời hứa "Làm chính trị một cách khác đi", các đảng viên
tại cơ sở sẽ nhân rộng các sáng kiến. »
Báo giới châu Âu chưa hết ngạc nhiên trước Emmanuel Macron
Courrier International tuần này
cũng dành trang nhất cho nước Pháp, nói về « Một nghìn lẻ một trò biến hóa của
Macron », tựa lớn trang bìa với ảnh ghép tổng thống Pháp đóng vai một nhà ảo
thuật.
Tuần báo Pháp ghi nhận những cái
nhìn đầy ngạc nhiên của báo giới ngoại quốc, thấy rằng cho dù bị lận đận trong
các cuộc thăm dò dư luận trong nước, tổng thống Pháp đã bắt đầu cải tổ được đất
nước. Bằng chứng là ông đã thành công trong việc cho thông qua một loạt các kế
hoạch cải tổ quan trọng mà không làm dấy lên bất kỳ phong trào phản đối rầm rộ
nào.
Theo Courrier International, sở
dĩ các tờ báo The Irish Times ở Ireland, Der Standard ở Áo, Le Temps ở Thụy Sĩ
và Politico ở Bruxelles, cảm thấy ngạc nhiên, đó là vì nước Pháp nổi tiếng là
thủ cựu, không tài nào cải cách được. Nhưng dẫu sao thì dù cho các thay đổi cụ
thể vẫn còn chưa rõ nét, báo giới tại các láng giềng của Pháp đều ghi nhận một
thay đổi thực thụ trong cách suy nghĩ của người Pháp.
Trong loạt bài phân tích rất khô
khan về tổng thống Pháp, có một bài rất tình cảm của nữ ký giả Lara Marlowe
trên tờ The Irish Time xuất bản tại Dublin khi nói về tài chinh phục nhân tâm của
tổng thống Pháp :
« Tôi nghe nói là ông Macron có
tài quyến rũ đến mức có thể dụ dỗ cả một chiếc ghế ! Tôi thấy ông cương quyết,
năng động, thậm chí tài ba, nhưng không đặc biệt quyến rũ. Sức quyến rũ thực sự
của ông ấy mang tính chất rất tự nhiên. Ông Macron sẽ không bỏ cuộc trước khi
thuyết phục được đối tượng. Sáu tháng sau cuộc bầu cử, rõ ràng là ông Macron đã
thay đổi được nước Pháp theo chiều hướng tốt hơn. Đa số những lời chỉ trích nhắm
vào ông đều bất công. Có thể là người Pháp rất khó thỏa mãn ».
Vụ tai tiếng về bác sĩ Pháp tốt nghiệp tại Rumani
Hồ sơ đáng chú ý nhất trên
L’Express tuần này là « Vụ scandale về bằng bác sĩ tại Rumani », nêu bật tình
trạng sinh viên Pháp ngày càng chạy qua Rumani để theo học ngành y khoa, tốt
nghiệp ở đấy, rồi trở về Pháp hành nghề một cách hoàn toàn hợp pháp, nhưng
trình độ và năng lực thực thụ lại là một vấn đề lớn.
Theo đặc phái viên L’Express tại
Rumani, nước này đã mở rộng vòng tay đón nhận 2.135 sinh viên Pháp, đa số là những
người đã bị rớt tại Pháp khi thi tuyển vào năm thứ nhất y khoa, một cuộc sàng lọc
gắt gao vì có đến 90% thí sinh bị rớt. Tại Rumani thì không có thi tuyển như ở
Pháp, thậm chí không có cả thi vấn đáp sơ bộ, thí sinh chỉ cần điền vào mẫu hồ
sơ đăng ký học, đánh dấu vào chuyên ngành mình muốn theo như y học tổng quát,
nha khoa, dược khoa hoặc bác sĩ thú y là xong.
Cách tuyển chọn của nhà trường
cũng không gắt gao lắm. Viorel Scripcariu, hiệu trưởng Trường Y khoa Grigore T.
Popa cho biết : « Chúng tôi đã nhận được 170 đơn xin học trong năm nay, và đã
nhận 150 người, mức tối đa mà Nhà Nước cho phép. Một khi được nhận vào, sinh
viên sẽ phải đóng 5000 euro một năm, tức là 30.000 euro để hoàn thành hai cấp học
đầu tiên. »
Vấn đề mà L’Express đặt ra là
trình độ chuyên môn của các bác sĩ tương lai đó khi về làm việc tại Pháp. Do chế
độ được châu Âu quy định, công nhận sự tương đương văn bằng giữa các nước châu
Âu, các sinh viên Pháp học y khoa ở Rumani, sau khi tốt nghiệp, đều có thể về
hành nghề tại Pháp, bất kể là trình độ của họ ra sao vì không thể kiểm tra được.
Tình hình kể trên, theo
L’Express, quả là đáng ngại , đồng thời gây phẫn nộ trong giới y học Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét