Tại Vùng Ấn Độ Dương hiện nay,
ngoài La Réunion, với dân số 850 ngàn, Pháp còn có tỉnh hải ngoại Mayotte với
215 ngàn dân. Getty Images/hemis/Jean-Pierre
Degas
Là một quốc gia đang kiểm soát
nhiều lãnh thổ ở cả Ấn Độ Dương lẫn Nam Thái Bình Dương, Pháp đang muốn tăng cường
hiện diện ở cả hai vùng biển này trong bối cảnh những hoạt động của Trung Quốc,
đặc biệt tại Biển Đông, đang gây lo ngại cho cả thế giới.
Vùng Ấn Độ Dương là một khu vực rất
rộng lớn, có thể được chia thành 5 tiểu vùng : Trung Đông và vùng Vịnh, Hồng Hải
và Đông Bắc Phi, Tây Phi và châu Phi hạ Sahara, Nam Á, Đông Nam Á- châu Đại
Dương.
Tại Vùng Ấn Độ Dương hiện nay,
Pháp kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn bất cứ quốc gia nào khác. Từ các đảo đang quản
lý, Pháp hiện có một vùng đặc quyền kinh tế rộng tới hơn 2.600 km2. Ngoài La
Réunion, với dân số 850 ngàn, Pháp còn có một tỉnh hải ngoại khác là Mayotte với
215 ngàn dân.
Bên cạnh hai đảo có người sinh sống
nói trên, Pháp còn kiểm soát quần đảo Kerguelen, bán đảo Crozet, các đảo St
Paul và Amsterdam và nhiều đảo nhỏ khác nằm gần Madagascar. Những đảo này không
có người sống thường xuyên, nhưng các nhà khoa học và nhà nghiên cứu của Pháp
thay phiên nhau đến đây làm việc. Tại vùng Nam Thái Bình Dương, Pháp cũng có nhiều
lãnh thổ hải ngoại (Nouvelle-Calédonie, Polynésie française, Wallis-et-Futuna…)
Trên đảo La Réunion, Pháp có một
trung đội thủy quân lục chiến, cùng với chiến đấu cơ và những thiết bị quân sự
khác. Bên cạnh căn cứ của Mỹ trên Diego Garcia nằm ở phía bắc La Réunion, đây
chính là sự hiện diện quân sự duy nhất của phương Tây trong vùng này.
Ngoài đơn vị quân đội đóng trên đảo
La Réunion, ở khu vực nam Ấn Độ Dương, Paris còn có một căn cứ quân sự ở
Djibouti, thuộc địa cũ của Pháp và một đội lính lê dương trên đảo Mayotte. Pháp
cũng duy trì một căn cứ hải quân ở Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập, với 700
quân, cùng với các chiến hạm và phi cơ.
Cho tới gần đây, sự hiện diện
quân sự của Pháp ở Ấn Độ Dương chủ yếu được sử dụng cho những hoạt động chống
cướp biển, trợ giúp nhân đạo, cứu hộ thiên tai, nghiên cứu khí hậu và hỗ trợ
Hoa Kỳ trong các chiến dịch quân sự ở vùng Trung Đông. Nhưng trong bối cảnh
căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây ở Vùng Ấn Độ Dương gia tăng, đặc biệt
là do tranh chấp Biển Đông, nước Pháp càng muốn khẳng định vai trò của mình ở
vùng này.
Theo trang mạng Asia Times, trong
chiều hướng đó, gần đây Paris đề nghị mở các cuộc tuần tra thường xuyên của
Liên Hiệp Châu Âu để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Vào tháng 12/2016,
chính phủ Pháp cũng đã ra một tuyên bố cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo
ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này đã làm thay đổi nguyên trạng và làm gia
tăng căng thẳng trong vùng. Paris còn khẳng định rằng những hành động « đơn
phương » của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể đe dọa an ninh hàng hải và hàng không
trong vùng này. Hiện giờ, vì sợ đụng chạm đến Trung Quốc, ngoài Anh Quốc, chưa
có thành viên nào khác của Liên Hiệp Châu Âu tỏ ý định tham gia tuần tra chung ở
Biển Đông theo đề nghị của Pháp.
Asia Times cũng nhắc lại rằng,
tuy không xem Trung Quốc là một đối thủ, bộ Quốc Phòng Pháp, trong một báo cáo
được công bố vào năm 2016, đã nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược « quan trọng
» với Ấn Độ và Úc, cũng như quan hệ đối tác « đặc biệt » với Nhật Bản, tức là
những quốc gia có chung mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc ở vùng
Ấn Độ-Thái Bình Dương. Báo cáo nói trên dĩ nhiên cũng nhắc lại mối quan hệ đồng
minh truyền thống rất vững chắc giữa Pháp với Hoa Kỳ, siêu cường quốc đang
tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét