Tư Thẳng Blog: Một "đề xuất" cải cách chữ viết Tiếng Việt thật khủng khiếp của Phó giáo sư-Tiến sĩ Bùi Hiển. Nói cách khác chỉ là phá nát tiếng Việt.
*
Mỹ Quyên
(Theo Thanh Niên)
Một ví dụ về chữ viết hiện tại và
chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền /// M.Q
Chúng ta nghĩ sao nếu chữ 'luật
giáo dục' phải viết là 'luật záo zụk', 'nhà nước' là 'n’à nướk'… Nhưng đó là
cách viết cải tiến mà PGS-TS Bùi Hiền đề xuất trong một cuốn sách mới xuất bản
gần đây. Điều này gây ra nhiều tranh luận không chỉ trong giới chuyên môn mà cả
những người đang sử dụng tiếng Việt.
Đó là cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt
Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do nhà xuất bản Dân trí
phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn
hồi tháng 9. Trong rất nhiều bài viết của các nhà ngôn ngữ học, có bài “Chữ quốc
ngữ và hội nhập quốc tế” của tác giả Bùi Hiền với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng
Việt gây nhiều tranh cãi.
PGS-TS Bùi Hiền
PGS-TS Bùi Hiền (Nguyên Hiệu phó
trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương
pháp dạy - học phổ thông) cho biết: “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký
nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một
thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến
để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”.
Những bất hợp lý mà PGS Bùi Hiền
đưa ra, đó là hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ
âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X
(sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ
âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
“Đó là những hiện tượng không thống
nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người
viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin.
Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp
này mang lại”, tác giả Bùi Hiền chia sẻ.
Từ đó, PGS Hiền kiến nghị một
phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc
ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội
cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một
âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi
bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin
như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có
trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q =
Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí
tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
PGS-TS Bùi Hiền cho biết: “Đề xuất
của tôi có nhiều nhà ngôn ngữ họ thấy hợp lý vì chữ viết mới có một nguyên tắc
thống nhất. Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho rằng nếu cải tiến vậy sẽ
phức tạp, có nhiều hệ lụy. Ví dụ kho tư liệu đồ sộ cũ chuyển sang chữ viết mới
thì sẽ xử lý như thế nào. Và để thay đổi sẽ phải mất rất nhiều thời gian: thay
đổi nhận thức, thay đổi cách học, cách dạy, sách giáo khoa cũng phải thay đổi,
các văn bản, sách, báo, rồi lập trình chữ viết trên máy tính… Phải thay đổi từng
bước một. Nhưng chỉ cần mất 1-2 năm là quen dần”.
Bù lại, theo PGS Hiền, cải tiến
theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các
thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng (dẫn mắc
lỗi chính tả), giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm
được quy tắc, dễ nhớ. Ngoài ra, còn tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư
trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.
Sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của tiếng Việt
Chia sẻ về vấn đề cải tiến chữ quốc
ngữ, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết,
vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều trong những
năm qua chứ không riêng gì đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền.
“Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ
viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả tiếng
Anh, một ngôn ngữ phổ biến có nhiều chữ đọc và viết bất hợp lý mà cũng không ai
nghĩ đến việc cải tiến. Đến nay, trải qua nhiều thế kỷ, tiếng Việt đã định hình
và chữ quốc ngữ đã tồn tại cả thế kỷ với kho tư liệu đồ sộ từ lúc hình thành đến
bây giờ”, PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành nhìn nhận.
GS-TS Bùi Khánh Thế (chuyên ngành
ngôn ngữ học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin
học TP.HCM ), cũng cho rằng, từ năm 1997, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn
TP.HCM đã tổ chức hội thảo Chữ quốc ngữ và sự phát triển chức năng xã hội của
tiếng Việt, với 32 bài viết từ các chuyên gia ngôn ngữ. Từ đó đến nay cũng có rất
nhiều hội thảo, chuyên đề đề cập tới việc nên giữ hay cải tiến.
Nói về đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền, giáo sư Bùi Khánh Thế cho biết: “Có
một số bất hợp lý, chẳng hạn ký tự q lại thay thế cho chữ ng, z thay gi, c thay
tr, ch… Chưa kể làm vậy sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của
tiếng Việt. Từ lúc hình thành cho đến nay, tiếng Việt có nhiều âm thay đổi
nhưng chữ viết vẫn giữ nguyên. Đó chính là sự bền vững cần có, chỉ những gì bất
hợp lý mới mất đi”.
Theo GS-TS Bùi Khánh Thế, càng đổi mới thì càng bị rối. Đó là chưa kể,
sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí để thay đổi. Vì thế, đối
với chữ quốc ngữ, nên tìm cách chú ý khắc phục những cái khó, hơn là cải tiến.
Một ví dụ PGS-TS Bùi Hiền đưa ra
được viết bằng 2 kiểu chữ hiện thời và cải tiến
LUẬT GIÁO DỤC
Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học
tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ.
1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở
giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo
dục, Thủ tướng chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong
nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
2. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói,
chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc,
giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập
trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của
dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng
phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường
và cơ sở giáo dục khác cần đảm bảo để người học được học liên tục và có hiệu quả.
LUẬT ZÁO ZỤK
Diều 7. Qôn qữ zùq coq n’à cườq
và kơ sở záo zụk xák; zạy và họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số; zạy qoại
qữ.
1. Tiếq Việt là qôn qữ cín’ wứk
zùq coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Kăn kứ vào mụk tiêu záo zụk và yêu kầu kụ
wể về nội zuq záo zụk, Wủ tướq cín’ fủ kuy dịn’ việk zạy và họk bằq tiếq nướk
qoài coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák.
2. N’à nướk tạo diều kiện dể qười
zân tộk wiểu số dượk họk tiếq nói, cữ viết kủa zân tộk mìn’ n’ằm zữ zìn và fát
huy bản sắk văn hoá zân tộk, zúp co họk sin’ qười zân tộk wiểu số zễ zàq tiếp
wu kiến wứk xi họk tập coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák. Việk zạy và họk tiếq
nói, cữ viết kủa zân tộk wiểu số dượk wựk hiện weo kuy dịn’ kủa Cín’ fủ.
3. Qoại qữ kuy dịn’ coq cươq cìn’
záo zụk là qôn qữ dượk sử zụq fổ biến coq zao zịk kuốk tế . Việk tổ cứk zạy qoại
qữ coq n’à cườq và kơ sở záo zụk xák kần dảm bảo dể qười họk liên tụk và kó hiệu
kuả.
Chữ viết hiện tại phong phú và
không cần thiết thay đổi
Ông Trương Minh Đức, giáo viên ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM
cho rằng, tiếng Việt được hình thành từ lâu, đó là cả một quá trình tất nhiên bản
thân nó cũng đã có những quy tắc. Dùng đúng hay chưa phù hợp thì bản thân nó
cũng đã mang tính quy ước và có tính ổn định, thống nhất. Việc Chữ quốc ngữ cải
tiến dựa trên tiếng nói văn hoá của thủ đô Hà Nội liệu có đảm bảo độ chính xác
cao khi bản thân phương ngữ và cả ngữ âm Hà Nội không ai dám chắc là chính xác.
Vả lại sự phát triển ngôn ngữ trong tiếng Việt nó còn do yếu tố từ yêu cầu của
ngôn ngữ địa phương, vùng miền. Mặc dù điều này khó mang đến sự thống nhất
nhưng nó lại làm phong phú vốn từ và thể hiện được bản sắc riêng từng địa
phương.
Về phương án thay đổi âm vị của 11 chữ cái như PGS-TS Bùi Hiền đưa ra,
theo thầy Đức, là không cần thiết và không hợp lý, chỉ gây nên sự xáo trộn
không cần thiết, làm ảnh hưởng đến nhiều hệ thống bảng biểu, luật định, văn bản...
Và ngay cả tên gọi cá nhân trong các hồ sơ pháp lý.
“Việc dạy và học văn sẽ gặp rất nhiều sự trở ngại. Đó là phải đào tạo lại
giáo viên (không kể giáo viên dạy các môn khác môn ngữ văn), điều chỉnh lại tất
cả các văn bản văn học, kể cả văn bản văn học chữ quốc ngữ (phải xin phép cả những
tác giả đã khuất) hoặc nếu không phải có hàng loạt các chú thích cuối trang để
những học sinh đối chiếu với văn bản gốc. Cần nhiều thời gian để giáo viên và cả
xã hội làm quen những điều vốn dĩ không cần thiết song hành với bao phức tạp của
xã hội”, ông Đức nhìn nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét