Murray Hiebert
Huỳnh Hoa dịch
Trong
suốt chuyến công du châu Á gần đây của Tổng thống Donald Trump, một vấn
đề an ninh chủ yếu của khu vực – vấn đề Biển Đông – chỉ nhận được một
sự chú ý hạn chế, làm dấy lên những câu hỏi, Chính phủ Hoa Kỳ đã tập
trung đến mức nào vào vùng biển tranh chấp này, và gợi ý điều gì cho
Trung Quốc trong việc xử lý các rạn san hô, các bãi cát ngầm mà các nước
láng giềng của Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền.
Trong
khi tham dự các hội nghị cấp cao của khu vực tại Việt Nam và
Philippines, ông Trump đã đề cập tới tầm quan trọng của tự do hàng hải
và các tuyến hàng hải mở đối với thương mại. Nhưng ông chờ đến cuối
chuyến công du mới đề cập tới Trung Quốc. Bắc Kinh có tranh chấp lãnh
thổ và hàng hải với 5 quốc gia láng giềng ở vùng biển này, đã chi tiêu
một nguồn lực đáng kể để xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường
Sa và trang bị cho chúng các sân bay, đài radar và nhà chứa hỏa tiễn.
Tổng
thống Mỹ có thể coi hành động của Trung Quốc là không nghiêm trọng với
hy vọng sẽ được Bắc Kinh giúp đỡ trong vấn đề chương trình hạt nhân của
Bắc Hàn. Nhưng bằng cách né tránh sự hung hăng của Trung Quốc trong
tranh chấp hàng hải, ông Trump đã đi theo quan điểm của Tổng thống
Philippines Rodrigo Duterte. Năm nay, dưới quyền chủ tịch của ông này
[Philippines hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN], Hiệp hội các quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dịu giọng trong các cuộc thảo luận về Biển
Đông nhằm phối hợp với chính sách của ông Duterte phớt lờ phán quyết của
Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 chống lại các đòi hỏi về lãnh thổ của
Trung Quốc. Duterte hy vọng làm như vậy sẽ giúp sửa chữa mối quan hệ với
Bắc Kinh và Manila sẽ nhận được nhiều tỷ đô la vốn đầu tư của Trung
Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Lần
duy nhất ông Trump nhắc tới vai trò của Trung Quốc trong cuộc tranh
chấp là trong bài diễn văn cuối cùng của ông ở khu vực, và ông chỉ nói
đơn giản: “Tôi vẫn quan tâm tới những nỗ lực của Trung Quốc xây dựng và
quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]”.
Chuyến
viếng thăm châu Á của ông Trup diễn ra ngay sau khi đại hội Đảng Cộng
sản Trung Quốc tiếp tục bầu ông Tập Cận Bình làm lãnh tụ đảng, thôi thúc
các nhà phân tích ở các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
phải cố gắng xác định những ý đồ chính sách của Bắc Kinh trong tương
lai.
Một
số nhà phân tích Đông Nam Á chú ý tới sự nhấn mạnh của ông Tập vào
những vấn đề đối nội trong bài diễn văn khai mạc đại hội của ông để đi
tới kết luận rằng, Trung Quốc có vẻ hài lòng với hiện trạng ở Biển Đông
bởi vì mức độ kiểm soát của họ đã được cải thiện rất đáng kể trong những
năm gần đây, trong khi sự phản đối của các nước láng giềng, đặc biệt là
của Việt Nam, đã gần như chìm xuống trong năm qua.
Thêm
vào đó, Hoa Kỳ mới chỉ bắt đầu phác thảo chính sách đối với Biển Đông
và Đông Nam Á. Phần lớn các chính sách của Chính phủ Trump đối với vùng
biển tranh chấp này chỉ tập trung vào các hoạt động tự do hàng hải nhằm
thách thức những đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh. Năm nay, hải quân Hoa Kỳ
đã tiến hành bốn cuộc tuần tra tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp
này và đã lập ra thời khóa biểu tuần tra đều đặn vài tháng một lần.
Sự thay thế cho “tái cân bằng”
Trong
bài diễn văn chính sách ở Việt Nam, ông Trump bắt đầu phác họa quan
điểm của ông về một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, rõ
ràng là một sự thay thế cho quan điểm của người tiền nhiệm của ông về
một nước Mỹ “tái cân bằng” sang châu Á. Một bộ phận cấu thành ý tưởng
này, được Nhật Bản chào mời đầu tiên, là một nỗ lực thách thức Trung
Quốc bằng cách khuếch trương các mối quan hệ giữa Nhật Bản, Ấn Độ và
Australia, nhưng ông Trump đề ra rất ít chi tiết về chuyện làm thế nào
để thực hiện ý tưởng đó.
Tuy
vậy, một số nhà quan sát khác không bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ hài lòng
với hiện trạng tại Biển Đông. Họ bám vào việc ông Tập đề cập tới một
“sự tiến bộ đều đặn” trong công cuộc bồi đắp các hòn đảo ngoài Biển Đông
như là một thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ đầu của ông để đi đến
kết luận rằng, Trung Quốc sẽ hung hăng hơn nữa trong nhiệm kỳ 5 năm kế
tiếp của ông này.
Nỗi
lo âu về những động thái kế tiếp của Bắc Kinh càng gay gắt hơn khi Bắc
Kinh hạ thủy một con tàu cuốc khổng lồ, dài 140 mét, “một kẻ xây đảo kỳ
diệu” có khả năng hút từ đáy biển lên 6.000 mét khối cát mỗi giờ để bồi
đắp những hòn đảo mới ngay trước lúc ông Trump chuẩn bị chuyến công du
châu Á.
Hồi
tháng 6, Bắc Kinh đã cho Việt Nam biết những điều kiện hết sức rõ ràng
rằng Trung Quốc có kế hoạch theo đuổi những đòi hỏi chủ quyền của mình.
Bắc Kinh đã gây áp lực đủ mạnh lên Hà Nội để thuyết phục các quan chức
Việt Nam chấm dứt hoạt động thăm dò của công ty Repsol, một công ty dầu
khí Tây Ban Nha, tại một khu vực nằm cả trong thềm lục địa của Việt Nam
lẫn trong đường lưỡi bò 9 đoạn mà Bắc Kinh đòi hỏi, bao gồm hầu hết diện
tích Biển Đông.
Trong
một dấu hiệu khác cho thấy Bắc Kinh có kế hoạch tiếp tục gây áp lực cho
các đòi hỏi của mình, hồi tháng 8, Chính phủ Philippines đã hủy bỏ kế
hoạch xây dựng một số nhà chòi trên một doi cát nằm cách đảo Thị Tứ do
Philippines kiểm soát [ở Trường Sa] chỉ 4 ki lô mét sau khi các tàu tuần
tiễu của Trung Quốc ra lệnh ngừng xây dựng. Những nhà chòi này chỉ có ý
định dùng cho các ngư dân Philippines trú bão.
Tại
một diễn đàn an ninh khu vực Đông Nam Á hồi tháng 8, Bộ trưởng Ngoại
giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) tuyên bố Trung Quốc đã hoàn thành
công tác bồi đắp và cải tạo ở Biển Đông từ năm 2015. Nhưng tuyên bố của
ông ta dường như chỉ đề cập chủ yếu tới quần đảo Trường Sa. Hoạt động
bồi đắp đảo vẫn đang tiếp tục ở hai đảo trong quần đảo Hoàng Sa, theo
ảnh chụp từ vệ tinh do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) công bố.
Trong
sự thiếu vắng một cuộc phản kháng mạnh từ Hoa Kỳ và các quốc gia láng
giềng Đông Nam Á, một số nhà phân tích nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục
lấn tới mạnh mẽ ở Biển Đông. Việc bồi đắp bãi cạn Bãi Cỏ Rong (Scarborough Shoal) ngoài
khơi Philippines rõ ràng là một mục tiêu tiềm tàng, nhưng việc này sẽ
gióng hồi chuông báo động ở Manila và có khả năng làm tan rã cuộc hòa
giải mà Bắc Kinh đang tiến hành với ông Duterte.
Trung Quốc cũng có thể tuyên bố đường cơ sở (baseline) quanh cái gọi là “Tứ Sa” – một sự thay thế khả dĩ cho đường 9 đoạn, bao gồm quần đảo Đông Sa [Pratas,
hiện do Đài Loan làm chủ], quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và một
bãi ngầm được đặt tên là quần đảo Trung Sa [tiếng Anh là Macclesfield Bank, cách
đảo Hoàng Sa 75 hải lý về phía đông] – và trao cho các quần đảo quy chế
một đơn vị hành chính riêng. Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc
được biết đã miêu tả “Tứ Sa” này cho các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
hồi tháng 8, có thể cho thấy Bắc Kinh đang định hình lại yêu sách đường 9
đoạn của mình, nhưng không rút lại hoặc thu hẹp các đòi hỏi tổng quát
của Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở của
Tứ Sa, thì ngay sau đó không lâu, họ có thể cũng sẽ tuyên bố vùng nhận
diện phòng không (ADIZ – Air Defense Identification Zone).
Ely
Ratner, nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc của Hội đồng Quan hệ Đối
ngoại (CFR) – một cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ – lập luận rằng, để
đương đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông, cần phải tăng cường rất lớn sự hỗ
trợ của Hoa Kỳ nhằm nâng cấp quân đội các nước láng giềng của Trung
Quốc. Nhưng Chính phủ của ông Trump không tỏ dấu hiệu quan tâm tới việc
đó, Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng không tỏ dấu hiệu ủng hộ
Washington khởi động một phản ứng quân sự mạnh mẽ hơn đối với những bước
đi quyết đoán của Trung Quốc trong tương lai.
Nhưng
trừ phi Chính phủ thiếu quan tâm của ông Trump và các đồng minh châu Á
tìm ra được những con đường để thách thức sự hung hăng của Bắc Kinh ở
Biển Đông, thật khó hình dung rằng, quân đội đang gia tăng năng lực của
Trung Quốc sẽ không biến vùng biển này thành cái ao nhà của Trung Quốc
trong vòng một vài thập kỷ tới.
(*) Murray Hiebert là trợ lý cao cấp Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington.
(Nikkei Asian Review, 24/11/2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét