Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

1017 - Sự bất định trong lời nói của Donald Trump đã ảnh hưởng đến Mỹ như thế nào


Mỹ không phải có được uy tín của mình từ những lời nói của riêng người đứng đầu chính quyền, nhưng cách hành xử của Trump mang lại những hậu quả: giá trị răn đe, cưỡng ép, và trấn an của Mỹ đã không còn như trước.
“Hãy tin tôi”. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng cụm từ đó không biết bao nhiêu lần, cho dù là khi ông đang nói về việc chống khủng bố (“Tôi biết nhiều về Nhà nước Hồi giáo (IS) hơn các tướng lĩnh. Hãy tin tôi”), xây dựng một bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico (“Hãy tin tôi, dù thế nào chúng ta cũng sẽ xây bức tường đó”), hay thỏa thuận hạt nhân Iran (“Hãy tin tôi. Ôi, hãy tin tôi... Đây là một thỏa thuận tồi tệ”). 
Trump muốn lời nói của ông được tin tưởng. Nhưng các cuộc thăm dò ý kiến công chúng nhất quán cho thấy rằng từ 2/3 đến 3/4 người Mỹ không thấy ông đáng tin cậy. Tình hình trên toàn cầu không tốt đẹp hơn. Hầu hết công dân của các đồng minh truyền thống của Mỹ như Úc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Jordan, Mexico, Hàn Quốc và Anh đều nói rằng họ không có niềm tin vào tổng thống Mỹ.
Nói cách khác, Trump phải chịu một lỗ hổng uy tín. Điều này có lẽ không đáng ngạc nhiên. Theo tờ The New York Times, Trump đã nói điều gì đó không đúng sự thật mỗi ngày trong 40 ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình. Những hành động của ông thậm chí còn cho thấy rõ ràng hơn. Trump đã gieo rắc sự nghi ngờ về một số cam kết lâu đời và quan trọng nhất của Mỹ, như sự ủng hộ của nước này đối với Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một liên minh mà Trump đã mô tả là “lỗi thời” hồi tháng 1/2017, trước khi tuyên bố nó “không còn lỗi thời” vào tháng 4/2017. Ông đã thay đổi các lập trường chính sách, công khai làm xói mòn những nỗ lực của các thành viên trong chính quyền của chính mình, và rút lại các thỏa thuận ngoại giao, bao gồm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. 
Mỹ không phải có được uy tín của mình từ những lời nói của riêng người đứng đầu chính quyền, nhưng cách hành xử của Trump mang lại những hậu quả. Khi tổng thống làm xói mòn uy tín của quốc gia ở trong và ngoài nước, các đồng minh sẽ do dự trong việc tin tưởng vào các lời hứa của Mỹ, và những lời đe dọa của Mỹ sẽ mất đi một số ảnh hưởng của nó. Các nguy cơ của việc tính toán sai lầm chết người sẽ tăng lên. Và để chứng tỏ quyết tâm của mình, Mỹ có thể cần phải thực hiện những hành động tốn kém và mang tính cực đoan. Các nguồn khác tạo ra uy tín, như là sức mạnh quân sự của Mỹ và một niềm tin chung vào các thể chế của Mỹ, có thể giảm bớt một số thiệt hại do Trump gây ra. Nhưng không có sự thay thế cho một tổng thống mà những lời nói của ông vẫn còn có vai trò quan trọng. 
Tiếng tăm đi trước 
Chiến lược gia hạt nhân đoạt giải thưởng Nobel Thomas Schelling đã từng viết rằng “thể diện là một trong số ít những thứ đáng để đấu tranh”. Trong phần lớn thế kỷ XX, các nhà hoạch định chính sách đã tin rằng uy tín của riêng họ là thiết yếu để làm cho những lời đe dọa trở nên đáng tin cậy và để trấn an các đồng minh cũng như đối thủ rằng họ có thể tin tưởng các cam kết của Mỹ. Chẳng hạn, vào những năm 1950, Mỹ đã bước vào Chiến tranh Triều Tiên một phần để chứng tỏ quyết tâm của nước này tích cực chống lại Liên Xô. Một mối quan ngại tương tự về tiếng tăm đã giữ chân binh lính Mỹ ở Việt Nam rất lâu sau khi các nhà hoạch định chính sách kết luận rằng Mỹ đã thua trận. Trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh, hầu hết các nhà lãnh đạo Mỹ đều xem uy tín là điều thiết yếu đối với nhiệm vụ duy trì hệ thống liên minh của Mỹ và trật tự tự do thời hậu chiến. Tư duy như vậy đã đóng một vai trò trong các cuộc can thiệp của Mỹ ở Haiti, Kosovo và Iraq. Lý do dẫn đến các cuộc can thiệp này khác nhau, kết quả của chúng cũng vậy, nhưng trong mỗi trường hợp, các nhà lãnh đạo đều đã hỗ trợ lời nói của họ bằng hành động. 
Trong nền chính trị quốc tế, uy tín của một bên tham gia gắn liền với tiếng tăm của họ, một đặc điểm mà các nhà khoa học chính trị thường chia thành hai loại. Điều mà Robert Jervis gọi là “tiếng tăm báo hiệu” ám chỉ một hồ sơ thành tích của một bên tham gia về việc thực hiện những lời đe dọa hoặc hoàn thành các lời hứa. Mặt khác, “tiếng tăm chung” ám chỉ một loạt thuộc tính rộng rãi hơn, như liệu một bên tham gia có hợp tác và chân thành hay không. Hai dạng tiếng tăm này có thể ảnh hưởng lẫn nhau: chẳng hạn, thiệt hại liên tục đối với tiếng tăm báo hiệu của một nhà nước có thể làm xói mòn tiếng tăm chung của họ về độ đáng tin cậy. Tuy nhiên, tiếng tăm chung của một đất nước cũng có thể dễ nhận thấy. Chẳng hạn, trước Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã không đưa ra cam kết cụ thể nào với Hàn Quốc. Do đó, việc lựa chọn can thiệp không ảnh hưởng đến tiếng tăm báo hiệu của Mỹ nhưng có thể đã góp phần tạo ra tiếng tăm chung cho thấy sự quyết tâm. 
Bối cảnh cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín. Chẳng hạn, một tổng thống có thể không được nhìn nhận là đáng tin cậy khi ông đưa ra những sự đảm bảo cho các đồng minh nhưng vẫn có thể được coi là đáng tin cậy khi ông đe dọa hành động quân sự. Hoặc ông có thể được coi là đáng tin cậy về các vấn đề xã hội hoặc kinh tế nhưng không phải về chính sách đối ngoại. Đôi khi, uy tín của một tổng thống ở trong nước có thể ảnh hưởng đến uy tín của ông ở nước ngoài. Vào năm 1981, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã theo đuổi hành động đe dọa sa thải hơn 11.000 kiểm soát viên không lưu sau khi họ vi phạm luật liên bang bằng cách đình công. Một số nhà hoạch định chính sách và nhà quan sát - bao gồm George Shultz, người đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ vào năm 1982, và Tip O'Neill, khi đó là Chủ tịch Hạ viện - báo cáo rằng động thái này đã mang đến những hậu quả đáng kể, dù không cố ý, đối với chính sách đối ngoại của Mỹ: Liên Xô học được rằng Reagan không nói dối. 
Một số học giả hoài nghi về việc tiếng tăm có vai trò quan trọng. Nhà khoa học chính trị Daryl Press lập luận rằng uy tín không liên quan gì đến thành tích theo đuổi những lời đe dọa của một nhà lãnh đạo. Thay vào đó, các đối thủ đánh giá sự cân bằng giữa các khả năng quân sự và các lợi ích đang bị đe dọa. Chẳng hạn, báo chí lập luận rằng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, các thành viên trong Chính quyền Kennedy đã nhìn nhận những lời đe dọa của Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev là cực kỳ đáng tin cậy, mặc dù Khrushchev đã nhiều lần rút lại tối hậu thư của mình yêu cầu các lực lượng phương Tây phải rút khỏi Tây Berlin. Theo quan điểm của báo chí, uy tín của Khrushchev không phải bắt nguồn từ tiếng tăm báo hiệu của ông mà từ quan điểm của Washington về sự cân bằng sức mạnh hạt nhân và các lợi ích của Liên Xô. Tương tự, nhà khoa học chính trị Jonathan Mercer lập luận rằng về mặt lịch sử, việc rút lại một lời đe dọa không khiến các nước phát triển tiếng tăm về sự yếu kém trong số các đối thủ, và việc giữ vững lập trường không dẫn đến danh tiếng về sự quyết tâm trong số các đồng minh. 
Bằng chứng từ kinh nghiệm mà các học giả này đã thu thập được là quan trọng. Nhưng quan điểm của họ hoàn toàn không đại diện cho sự đồng thuận của giới học giả. Chẳng hạn, theo các nhà khoa học chính trị Frank Harvey và John Mitton, tiếng tăm về việc theo đuổi những lời đe dọa làm gia tăng đáng kể sức mạnh cưỡng ép của một nhà nước. Tập trung vào các cuộc can thiệp của Mỹ ở Bosnia, Kosovo và Iraq, họ cho thấy rằng các đối thủ đã nghiên cứu những gì Mỹ đã nói và cách nước này hành xử trong những tình huống tương tự để suy ra quyết tâm và dự đoán những hành động có khả năng của nước này. Nghiên cứu của tác giả với nhà khoa học chính trị Alex Weisiger chỉ ra rằng các quốc gia đã lùi bước trong các cuộc khủng hoảng trước đây có nhiều khả năng lại bị thách thức hơn, trong khi các nước có danh tiếng về sự quyết tâm thì ít có khả năng phải đối mặt với các cuộc đối đầu quân sự hơn. Các nghiên cứu khác đã dẫn chứng cho thấy cách thức các nhà nước phá vỡ các cam kết liên minh của mình phát triển tai tiếng về sự không đáng tin cậy và ít có khả năng giành được sự tin tưởng trong tương lai. Phần nghiên cứu này chứng tỏ rằng danh tiếng vẫn mang tính then chốt đối với ngoại giao thành công. 

Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, tháng 5/2017/Reuters

Tai tiếng 
Điều đáng tiếc là tiếng tăm của tổng thống Mỹ đã bị suy giảm trong những năm gần đây. Trump xứng đáng nhận phần lớn sự khiển trách - nhưng không phải tất cả. Tiếng tăm báo hiệu của Mỹ bắt đầu suy giảm vào mùa Hè năm 2013, sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phá vỡ “giới hạn đỏ” của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với vũ khí hóa học. Vào tháng 8/2012, Obama đã tuyên bố rằng việc huy động hoặc sử dụng các vũ khí này sẽ “thay đổi những tính toán của ông” đối với Syria, một lời phát biểu mà nhiều người đã hiểu như là một lời đe dọa hành động quân sự. Vào tháng 8/2013, Assad đã phát động một loạt cuộc tấn công bằng khí độc sarin nhằm vào các thành trì của quân nổi dậy, khiến 1.400 người Syria thiệt mạng. Tuy nhiên, thay vì phản ứng bằng các cuộc tấn công quân sự, Obama lại nhất trí với một thỏa thuận do Nga làm trung gian, trong đó Assad cam kết dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của mình. 
Trong một cuộc phỏng vấn với Jeffrey Goldberg của tờ The Atlantic, Obama đã bảo vệ quyết định của mình bằng cách nói rằng “việc ném bom vào ai đó để chứng tỏ rằng anh sẵn sàng ném bom vào ai đó chỉ là lý do tồi tệ nhất giải thích cho việc sử dụng vũ lực”. Nhưng đây là một lập luận yếu ớt. Hầu như không có nhà phân tích nào cho rằng Obama nên theo đuổi một chính sách tồi tệ chỉ vì những lý do liên quan đến tiếng tăm; tuy nhiên, có những phí tổn chính trị và chiến lược khi tổng thống đưa ra một lời hứa và sau đó không hành động. Nếu Obama không có ý định theo đuổi lời đe dọa của mình, từ đầu ông đã không nên đưa ra. Và sau cùng, giải pháp ngoại giao đã không có tác dụng: Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. 
Bất kể họ ủng hộ hay phản đối quyết định của Obama không can thiệp mạnh mẽ hơn ở Syria, đảng viên Cộng hòa và nhiều đảng viên Dân chủ tin rằng tình tiết giới hạn đỏ này đã làm tổn hại uy tín của đất nước. Những người theo đường lối hiếu chiến lập luận rằng để khôi phục tiếng tăm về sự quyết tâm của Mỹ, Washington nên sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự hơn. Tuy nhiên, đây là một đánh giá sai lầm và có khả năng gây nguy hiểm về những gì cần sửa chữa trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau khi Obama mãn nhiệm. Uy tín đòi hỏi sự nhất quán chứ không phải sự hiếu chiến. Tổng thống kế tiếp có thể sửa chữa thiệt hại bằng cách chứng tỏ tính toàn vẹn của những sự đảm bảo và lời đe dọa của Mỹ. 
Thay vào đó, Trump đã làm phức tạp tình hình bằng cách trưng bày cả sự cứng rắn, vốn có thể có một số lợi thế chiến lược, lẫn sự bốc đồng, mà làm xói mòn uy tín của ông. Bằng việc ném bom Syria, tái can dự ở Afghanistan, và sử dụng nhiều áp lực hơn đối với Triều Tiên, Trump có thể đã đạt được một tiếng tăm chung về sự quyết tâm và cho thấy rằng ông thoải mái sử dụng sức mạnh quân sự hơn so với người tiền nhiệm của mình. Tuy nhiên, thành tích trong quá khứ của tổng thống về sự đổi ý đối với các cam kết chủ chốt trong chiến dịch vận động tranh cử, những cơn bột phát kỳ lạ và không chính xác trên Twitter, những lời đe doạ được phóng đại và những sự đảm bảo “buột miệng” của ông đều đã khiến các nhà quan sát thật sự nghi ngờ lời nói của ông. 

Trump và thủ tướng Anh Theresa May tại Brussels, tháng 5/2017/Reuters

Trump có danh sách dài những sự không nhất quán. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua tranh cử tổng thống năm 2016, trước khi nhậm chức, Trump đã điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Điều này là một sự vi phạm lớn về nghi thức ngoại giao; nhằm tránh làm cho Trung Quốc tức giận, không một tổng thống hoặc tổng thống đắc cử nào của Mỹ nói chuyện với nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979, khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo này. Sau cuộc điện đàm, Trump tuyên bố rằng ông đang xem xét từ bỏ chính sách “một Trung Quốc”, nền tảng của mối quan hệ Mỹ-Trung trong bốn thập kỷ qua. Nhưng vào tháng 2/2017, ông đã xem xét lại và rốt cuộc quyết định duy trì chính sách này. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Trump đã đe dọa sẽ phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và cam kết gán cho Bắc Kinh cái mác một nước thao túng tiền tệ. Ông cũng ám chỉ rằng Mỹ nên từ bỏ cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của mình, đề xuất rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên phát triển những vũ khí hạt nhân của riêng họ. Sau đó ông đã rút lại tất cả các lập trường này. 
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra với Triều Tiên là biểu hiện mới nhất của cùng một mẫu hình. Khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, Trump đã mô tả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un như là một “loại người thông minh” và nói rằng ông sẽ “vinh hạnh được gặp ông ta”. Sau đó ông ám chỉ Kim Jong-un là “người tên lửa nhỏ bé”, và vào tháng 9/2017, ông đã đe dọa “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên. 
Trong các trường hợp khác, Trump có thể đã duy trì tiếng tăm báo hiệu của chính mình gây tổn hại cho đất nước. Chẳng hạn, Trump đã theo đuổi một lời hứa trong chiến dịch vận động tranh cử khi ông quyết định không xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 10/2017. Vì ông đã chứng tỏ sự nhất quán, quyết định này có thể đã củng cố tiếng tăm báo hiệu của cá nhân ông. Nhưng bằng việc nuốt lời một cam kết chính thức của Mỹ mà không đưa ra bằng chứng cho thấy Iran không tuân thủ thỏa thuận này, Trump cũng đã gây tổn hại cho tiếng tăm chung của Mỹ. Một động thái như vậy có thể làm xói mòn ảnh hưởng ngoại giao của Washington trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Nếu các nước khác tin rằng các cam kết chính trị của Mỹ không thể vượt qua được một sự chuyển giao quyền lực, thì ít có khả năng hơn họ sẽ đưa ra những sự nhượng bộ đáng kể hoặc đau đớn. Quyết định ban đầu của Trump là rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho thấy một vấn đề tương tự. Dĩ nhiên, bất kỳ tổng thống Mỹ nào muốn thay đổi nguyên trạng cũng phải đánh vật với tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc bằng cách nào giữ được những lời hứa của riêng mình mà không gây nguy hiểm cho uy tín của đất nước họ. Nhưng không rõ là Trump có bất kỳ mối quan tâm nào đối với những hậu quả lớn hơn liên quan đến danh tiếng từ các quyết định của ông hay không. 
Điều phi lý hợp lý 
Một số người trong giới quan chức của Trump tuyên bố rằng có một chiến lược dễ nhận thấy làm nền tảng cho cách hành xử thất thường của ông và rằng tổng thống hiểu được những tác động của thái độ công khai không ổn định của mình. Theo quan điểm này, những lời tuyên bố dường như không hợp lý của Trump là một phần trong một chiến lược đã được tính toán nhằm làm cho các đối thủ nghĩ rằng ông điên rồ. Chẳng hạn, vào tháng 9/2017, Trump yêu cầu đại diện thương mại của mình đe dọa các nhà đàm phán Hàn Quốc. Theo tờ Axios, Trump nói rằng: “Anh hãy nói với họ nếu bây giờ họ không nhượng bộ, kẻ điên rồ này sẽ rút khỏi thỏa thuận”, ám chỉ thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn. Khi đề cập đến Triều Tiên, lôgích đơn giản là: Nếu Trump có thể thuyết phục Kim Jong-un rằng ông ta vô lý, và do đó sẵn sàng chấp nhận những phí tổn rất cao của một cuộc đối đầu quân sự, thì ông có thể đe dọa buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu hàng. 
Trump sẽ không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên nỗ lực thực hiện chiến lược này, vốn được các học giả gọi là “học thuyết người điên” hay “sự hợp lý của điều vô lý”. Trong Chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Richard Nixon nghe nói đã yêu cầu cố vấn an ninh quốc gia của ông, Henry Kissinger, nói với Nga và miền Bắc Việt Nam rằng ông là người không thể đoán trước và thậm chí có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Việt Nam. Nhưng họ đã hiểu rõ lời bịp bợm của Nixon, và nước cờ thí quân đã thất bại. Quy tắc đầu tiên để chơi trò chơi “người điên” là không bao giờ công khai tuyên bố rằng anh đang chơi trò “người điên”. Trump đã làm đúng như thế. Theo đuổi cách tiếp cận này sẽ chỉ khiến cho ông dường như là người đơn giản và chưa trưởng thành. 
Một lời giải thích khác mà những người bảo vệ Trump đã đưa ra là tổng thống cố tình tạo ra sự mơ hồ nhằm làm cho các đối thủ mất cân bằng. Trong chiến dịch vận động tranh cử, Trump đã nói rằng ông sẽ không “nói cho kẻ thù chính xác kế hoạch của tôi là gì”. Điều chắc chắn đúng là khi được tạo dựng một cách cẩn thận và thực hiện một cách nhất quán, các tuyên bố mơ hồ có thể mang lại những lợi ích chiến lược, như cho phép các nhà lãnh đạo nói chuyện với nhiều đối tượng khác nhau, những người có thể có các lợi ích đối lập, mà không làm mất lòng ai trong số họ. Nhưng các tuyên bố của Trump không mơ hồ về mặt chiến lược; trên thực tế, nhìn chung chúng khá rõ ràng. Vấn đề là chúng không nhất quán. Giọng điệu bốc đồng và thực tế là một số tuyên bố của ông được truyền đạt qua mạng Twitter vào lúc nửa đêm làm giảm bớt uy tín của chúng hơn nữa. 
Khi được yêu cầu giải thích cách hành xử của Trump, một số người ủng hộ ông thậm chí đã đề nghị rằng không nên hiểu những lời nói của tổng thống theo nghĩa đen. Cố vấn của Trump, Kellyanne Conway, nói với nhà báo Chris Cuomo của CNN rằng nên đánh giá tổng thống dựa trên “những gì trong trái tim ông” chứ không phải “những gì thốt ra từ miệng ông”. Các đồng minh của Mỹ, phải đối mặt với nhiệm vụ làm nản chí là phải hiểu được những gì trong trái tim của Trump, không có khả năng sẽ thấy lời khuyên này có tính trấn an. 
Uy tín có giá trị 
Có khả năng là dân chúng Mỹ và phần còn lại của thế giới đã quen với những tuyên bố không thể đoán trước và những dòng Tweet mâu thuẫn của Trump. Trong một số trường hợp, tiếng tăm của ông về việc không làm theo lời nói của mình thậm chí có thể khiến người ta yên lòng: Thế giới biết rằng ông không có khả năng sẽ theo đuổi một số tuyên bố gây lo ngại hơn của mình, như lời đe dọa “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên. Nhưng đây là lời an ủi bé nhỏ. Điều gì sẽ xảy ra khi lời nói của ông thực sự cần được tính đến? Bằng cách nào Mỹ có thể ngăn cản các đối thủ và trấn an các đồng minh trong cuộc khủng hoảng tiếp theo khi không thể tin tưởng vào tổng thống trong việc truyền đạt một cách đáng tin cậy các ý định của Mỹ? 
Những người lạc quan lập luận rằng sau cùng Trump sẽ học được tầm quan trọng của việc giữ lời. Theo quan điểm này, sự không nhất quán của Trump bắt nguồn từ việc ông thiếu kinh nghiệm, đặc biệt là khi nói đến chính sách đối ngoại. Đôi khi, chính Trump đã thừa nhận điều này. Trump đã chỉ trích Trung Quốc không kiềm chế được Triều Tiên nhưng sau đó đã tự quay ngoắt lại sau khi nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trump nói với tờ The Wall Street Journal: “Sau khi lắng nghe trong vòng 10 phút, tôi nhận ra việc này thật không dễ dàng”. Tương tự, tổng thống đã thay đổi các lập trường đã được tuyên bố của ông về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan, sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 và chính sách của Mỹ ở Syria sau khi ông đắc cử, có lẽ vì ông đã học hỏi được nhiều hơn về các vấn đề đó. 
Không phải là điều bất thường khi các quan điểm của một tổng thống về chính sách đối ngoại phát triển khi ông nắm quyền. Nhưng điều gây lo lắng về quá trình học hỏi của Trump là những quan điểm mới của ông vẫn dễ thay đổi như các quan điểm cũ, và dường như chúng không bắt nguồn từ việc đánh giá và suy ngẫm lại cẩn thận. Thay vào đó, dường như chúng được xác định bởi tâm trạng của ông, hoặc bởi quan điểm của người ông đã nói chuyện cùng gần nhất hoặc xem trên các mạng tin tức truyền hình cáp.

Tillerson và Mattis tại một cuộc họp báo tại Washington, tháng 6/2017/Reuters

Các nguồn khác có khả năng đem đến sự an ủi là các cố vấn của Trump, mà nhiều nhà quan sát coi là “những người trưởng thành” trong chính quyền. Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster, Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều đã cố gắng bổ sung thêm sự cố kết và ổn định vào chính sách của Mỹ bằng cách làm rõ các tuyên bố của tổng thống – hoặc bằng việc dường như hoàn toàn phớt lờ chúng. Những người này hiện đang là bộ mặt của ngoại giao công chúng Mỹ: Các nhà quan sát dựa vào họ để hiểu được chính sách của Mỹ. Điều này sẽ làm yên lòng nếu tổng thống cũng làm như vậy. Tuy nhiên, Trump đã làm xói mòn những nỗ lực của các cố vấn của ông nhằm cứu vãn tiếng tăm của Washington bằng cách công khai bác bỏ chúng. Chỉ một ngày sau khi Tillerson xác nhận rằng Mỹ đang nói chuyện trực tiếp với Triều Tiên, Trump đã viết trên Twitter rằng ngoại trưởng của ông “đang lãng phí thời gian”. Ông viết: “Hãy tiết kiệm năng lượng của mình, Rex”. Những tuyên bố như vậy – ngay dù nhằm thúc đẩy Kim Jong-un có những sự nhượng bộ - thì cũng có khả năng gieo rắc sự bối rối ở Bình Nhưỡng. Giọng điệu của Trump về Triều Tiên đã làm xói mòn tiếng tăm báo hiệu của Mỹ và có khả năng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thảm khốc và có thể tránh khỏi. 
Nếu có bất kỳ lý do gì cho sự lạc quan thận trọng, thì đó là tiếng tăm của tổng thống không phải là nhân tố duy nhất mà các đối thủ và đồng minh xem xét khi nhận biết ý định của Mỹ. Như những người hoài nghi về tầm quan trọng của tiếng tăm có thể chỉ ra, sức mạnh quân sự của Mỹ, sự hiểu biết rộng rãi về các lợi ích mang tính sống còn của Mỹ, và một thành tích lâu đời về việc thực hiện hành động quân sự để bảo vệ nguyên trạng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới tiếp tục cho phép Mỹ ngăn cản các đối thủ vượt qua những giới hạn đỏ đã tồn tại trong thời gian dài. Uy tín của một đất nước không chỉ phụ thuộc vào uy tín của tổng thống của họ. Các nhà quan sát nước ngoài có thể không tin tưởng Trump, nhưng họ vẫn có thể duy trì mức độ tin tưởng nào đó vào các thể chế chính trị và công luận Mỹ như là những sự kiềm chế đối với các hành động của tổng thống. 
Tuy nhiên, đồng thời, tiếng tăm báo hiệu bị tổn hại của tổng thống làm gia tăng khả năng rằng các đối thủ sẽ nhìn nhận sai về các giới hạn đỏ của Mỹ và đánh giá sai các phản ứng của Mỹ, đặc biệt là trong các khu vực hay xảy ra bất đồng như Đông Âu và Trung Đông. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng có thể cảm thấy rằng hiện nay việc bác bỏ hoặc phớt lờ tổng thống Mỹ là có thể chấp nhận được khi làm vậy là thuận tiện cho họ; họ có thể được tha thứ khi đi đến kết luận này khi họ biết rằng Tillerson đã nhắc đến Trump như là một “đứa con nít” (người phát ngôn của Tillerson đã phủ nhận điều này - nhưng bản thân Tillerson lại không phủ nhận). 
Một tiếng tăm bị tổn hại cũng có thể khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc đạt được các mục tiêu thông qua ngoại giao cưỡng ép - những lời đe dọa và lời hứa mà theo truyền thống đã có tác dụng vì chúng được hiểu là đặt uy tín của Mỹ vào nguy hiểm. Dưới thời Trump, Mỹ có thể phải dùng đến các chiến thuật liều lĩnh hơn để chứng tỏ quyết tâm, như là chính sách “bên miệng hố chiến tranh” hoặc thậm chí là sức mạnh quân sự. Các chiến thuật như vậy mang theo những rủi ro nghiêm trọng của sự leo thang không cần thiết. 
Với tiếng tăm báo hiệu của tổng thống đã bị suy giảm, Mỹ cũng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thuyết phục các đồng minh của mình rằng họ sẽ bảo vệ các cam kết của mình. Các đối tác của Washington có khả năng sẽ yêu cầu nhiều minh chứng cụ thể hơn thể hiện rằng các đảm bảo an ninh của Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Niềm tin giảm sút vào sự bảo vệ của Mỹ có thể khiến các đồng minh của Mỹ trở nên độc lập hơn (như Trump mong muốn), nhưng nó cũng có thể khích lệ các đối thủ của Mỹ thử thách các ranh giới một cách hung hăng hơn. Chẳng hạn, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định thăm dò mức độ ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine. 
Để lời nói lại có vai trò quan trọng 
Các tác động trong dài hạn của cuộc khủng hoảng uy tín của Trump vẫn còn chưa rõ ràng. Mỹ không thể kiểm soát những kết luận mà những người khác rút ra từ cách hành xử của tổng thống. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế sẽ nhìn vào cách thức hệ thống chính trị của Mỹ phản ứng với các tuyên bố của Trump, và thời gian và cách thức nó chống lại chúng. Ngay cả khi chính sách đối ngoại của Mỹ trong Chính quyền Trump vẫn nhất quán và cố kết trong hành động, dù không trong lời nói, thì Mỹ cũng đã trả một cái giá đáng kể cho cách hành xử của Trump: Tổng thống không còn được xem là tiếng nói cuối cùng đối với chính sách đối ngoại. Các nhà lãnh đạo nước ngoài đang dựa vào những nơi khác để đánh giá các ý định của Mỹ. Với hệ thống trong nước của Mỹ rất phân cực và đảng cai trị của họ rất mong manh, việc truyền đạt ý định đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tín hiệu của Mỹ càng thống nhất và được hai đảng chấp thuận, thì càng ít có khả năng việc Trump làm tổn hại uy tín của Mỹ sẽ kéo dài sau nhiệm kỳ của ông. 
Tuy nhiên, hiện nay, với tiếng tăm của Trump đã bị tổn hại, cái giá của sự răn đe, cưỡng ép, và trấn an của Mỹ đã tăng lên, cùng với khả năng tính toán sai và leo thang không cố ý. Trump có thể nghĩ rằng một chính sách đối ngoại có thể dự đoán và đáng tin cậy là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém. Ông đã sai. Đối với một cường quốc nhỏ theo chủ nghĩa xét lại như Triều Tiên, thì việc trở nên dường như không thể đoán trước, có thể tạm thời cho phép một nhà lãnh đạo có nhiều tầm ảnh hưởng hơn người ta kỳ vọng. Nhưng cho dù Trump có thích điều này hay không, thì Mỹ là một siêu cường toàn cầu mà đối với họ khả năng dự đoán và uy tín là tài sản, chứ không phải là món nợ.
Keren Yarhi-Milo là phó giáo sư Chính trị và Quốc tế Trường Princeton, là tác giả cuốn sách sắp xuất bản: “Who Fights for Reputation? The Psychology of Leaders in International Conflict”. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét