Ảnh tư liệu - Các học sinh trung học biểu tình nằm trước Tòa
Bạch Ốc ngày 19/02/2018
Chỉ vài ngày sau vụ xả súng kinh hoàng tại một trường trung
học ở thành phố Parkland, tiểu bang Florida, có một thông tin mà không phải ai
cũng chú ý. Đó là Sở Cảnh Sát Quận hạt Los Angeles, California, đã ngăn chặn được
một vụ xả súng khác có thể diễn ra tại trường Trung học El Camino ở Whittier
sau khi nhân viên bảo vệ ở đây nghe được rằng một “học sinh bất mãn” đe dọa xả
súng ở trường.
Phát ngôn viên của cảnh sát, bà Nicole Nishida, nói với hãng
tin AP rằng nhân viên cảnh sát đã phát hiện ra "nhiều khẩu súng và đạn dược"
sau khi lục soát nhà của học sinh này. Nếu vụ việc này không được ngăn chặn kịp
thời, không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo vụ thảm sát tại Florida.
Việc kiểm soát quyền sở hữu súng đạn tại Mỹ là một đề tài
tranh cãi lâu nay. Trong những ngày vừa qua, không chỉ học sinh tại Florida, mà
học sinh trung học tại nhiều tiểu bang khác đã bỏ học, xuống đường biểu tình để
kêu gọi Tổng thống Donald Trump, cơ quan lập pháp của tiểu bang, liên bang phải
có những biện pháp chặt chẽ hơn nữa trong việc sở hữu súng đạn hiện nay của các
cá nhân.
Tại Washington DC, hôm 19/2, đúng vào Ngày Lễ Tổng thống,
nhiều học sinh đã tiến hành cuộc biểu tình “nằm lì” trước Tòa Bạch Ốc trong ba
phút để đòi hỏi chính quyền có biện pháp kiểm soát súng, theo NBC News. Một số
người nằm nhắm mắt, còn một số khác để tay chéo lên ngực, trong tư thế của người
chết nằm trong quan tài. Ba phút chính là thời gian mà hung thủ Nicolas Cruz hạ
sát 17 người và làm bị thương 14 người khác tại trường trung học Marjory
Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, hôm 14/2.
Trong khi đó, theo AP, khoảng 100 học sinh của trường
Marjory Stoneman Douglas sáng thứ ba đổ về thủ phủ Tallahassee của Florida,
cách đó 400 dặm, để yêu cầu các nhà lập pháp tiểu bang hành động, tránh để tái
diễn một vụ thảm sát tương tự trong tương lai.
Hôm 21/2, học sinh tại hàng chục trường trung học ở Mỹ đã
nghỉ học để tham gia biểu tình phản đối tình trạng bạo lực liên quan đến súng đạn
và để tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng tại bang Florida.
Những hoạt động phản kháng ôn hòa sẽ tiếp tục diễn ra trong
tháng 3 tới đây. Theo dự kiến, đúng 10 giờ sáng ngày 14/3 tới đây, học sinh
toàn quốc dự trù bước ra khỏi lớp trong 17 phút (tương đương với con số 17 người
thiệt mạng ở học đường Florida) để phản đối luật súng hiện hành mà họ cho là
còn nhiều lỗ hổng.
Tiếp theo đó, ngày 24/3, các học sinh, bao gồm cả học sinh
trường Marjory Stoneman Douglas, dự trù sẽ tổ chức một cuộc tuần hành ở thủ đô
Washington, DC, kêu gọi siết chặt an ninh học đường và kiểm soát súng.
Những hoạt động của học sinh các trường trung học tại nhiều
tiểu bang của nước Mỹ đã nhận được phản hồi tích cực từ các bậc phụ huynh và
các nhà lãnh đạo chính trị tại Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump trong tuần này
đã có cuộc nói chuyện với thân nhân của những nạn nhân và những người sống sót
trong vụ xả súng tại Florida ở Tòa Bạch Ốc. Thống đốc tiểu bang Texas, Greg
Abbott, ngày 21/2 đã lên tiếng kêu gọi ngành giáo dục cần có biện pháp đảm bảo
an toàn cho học sinh tại các trường học của bang.
Thầy Bạch Xuân Phẻ, người đã có 16 năm giảng dạy tại các trường
trung học ở California, chia sẻ: “Phong trào tuần hành yêu cầu kiểm soát việc sở
hữu súng chặt chẽ hơn của các em là rất tốt. Chính các hoạt động của các em tạo
thành một phong trào cuốn những người lớn đi theo. Trong trường hợp này các em
là những người tiên phong và cả xã hội cùng đi theo các em. Các em là tương lai
của đất nước này nên có quyền đòi hỏi những điều chính đáng và phải nhận được sự
quan tâm cần thiết.”
Chiêu Quân Huỳnh, một học sinh trung học gốc Việt tại
California, nói em hoàn toàn hưởng ứng khi thấy các bạn đồng trang lứa mạnh mẽ
biểu thị chính kiến và hành động vì cộng đồng, vì an toàn học đường:
“Trong những ngày không phải đến trường hay nếu có những hoạt
động như vậy tại trường em sẵn sàng tham gia. Hy vọng những hoạt động và nguyện
vọng của chúng em về một ngôi trường an toàn sẽ tạo thành một phong trào, một sức
mạnh tác động trực tiếp đến những nhà lập pháp, các chính trị gia để có những
thay đổi trong tương lai về vấn đề này.”
Trước khi những thay đổi trong luật quản lý súng đạn có thể
dẫn tới những cải thiện trong tương lai, theo thầy giáo Bạch Xuân Phẻ, an ninh
trường học tại các tiểu bang cần được cải thiện ngay từ lúc này để hạn chế rủi
ro đến mức thấp nhất:
“Các trường học ở Mỹ là mô hình trường học đóng, tức là những
người lạ không được phép vào trường. Nhưng trên thực tế thì việc ra vào rất dễ
dàng, lỏng lẻo. Bên cạnh đó, các trường cũng thiếu những nhân viên an ninh và cả
các chuyên gia tâm lý để tìm hiểu, trò chuyện với các em. Từ đó có thể ngăn chặn
được những vụ việc trước khi xảy ra.”
Từ California, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, phó Chủ Tịch Hội Đồng
Giáo Dục Học khu Garden Grove, nơi có đông học sinh gốc Việt, cho biết: “Mặc dù
California là tiểu bang có luật kiểm soát việc sở hữu súng khá nghiêm ngặt,
nhưng vụ việc tại Florida đã gây không ít hoang mang trong các bậc phụ huynh và
trong chính các em học sinh. Chúng tôi đã thông báo tới các gia đình rằng hiện
tại các trường trung học địa phương đã có những phương án để phòng ngừa những vụ
việc tương tự. Ví dụ như chúng tôi có những nhân viên an ninh trong mỗi ngôi
trường. Đây là những người có quyền bấm nút để khóa tất cả các cửa phòng học
trong các trường hợp khẩn cấp. Còn việc các em tuần hành yêu cầu kiểm soát súng
chặt chẽ hơn là rất cần thiết. Bởi theo tôi thì bất kỳ môt hành động nào như vậy
cũng nhận được những kết quả tích cực.”
Những người ủng hộ chiến dịch vận động và những cuộc tuần
hành hiện nay của học sinh trung học trên khắp nước Mỹ hy vọng sớm đạt được những
kết quả nhất định trong việc tăng cường luật lệ đối với quyền sở hữu súng cá
nhân tại Mỹ, bởi khác với những lời kêu gọi trước đây, lần này, tiếng nói của
giới trẻ là trọng tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét