Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

1041 - Những kẻ hành khất

Khi mà chúng ta cảm thấy tự ti và bé nhỏ trước người khác, chúng ta sẽ thường trang hoàng cho mình những chiếc áo choàng sặc sỡ và quá khổ để trưng ra cho những con mắt nhìn vào sẽ bị đánh lừa về thực chất của bản thân họ.
Đó là câu chuyện của việc làm những chiếc bánh chưng, bánh dày, bát hủ tiếu to nhất, dài nhất hay nặng nhất để dâng lên làm lễ vật cho những vị thần, thánh hay các cố cao nhân mà họ tôn thờ.
Hơn nữa là, tại sao người dân lại thường ganh đua nhau mang lễ vật, sính đồ càng to càng thấy hãnh diện và coi đó là tấm lòng thành lớn hơn? Mà cũng lạ lùng, người ta đến đình, đền, chùa chiền người ta lại lấy tiền nhét thẳng vào tay, chân hay miệng những bức tượng thờ?
Thực ra tâm lý này rất dễ hiểu. Bởi lẽ, người ta nghĩ, việc sắm những sính lễ với kích thước, hình dạng, khối cỡ hay giá trị lớn về tính năng sử dụng hoặc thụ hưởng thì sẽ được thần thánh chứng nhận và xác tín độ lòng tôn kính và tôn nghiêm hơn những người ít hơn hoặc không có gì ngoài cái tâm thanh tịnh lui tới tu tập hoặc học hỏi giáo lý, phật pháp, đạo chân như. Và người ta tin rằng phải đưa tiền tận tay Phật, thánh mới mong các vị ấy nhận được và cũng biết được người dâng lên (hối lộ, mua chuộc) là ai để mà phù trợ hoặc giải hạn trực tiếp cho họ. Họ chẳng tin ai, ngay cả thánh, phật, nếu không phải họ đưa tận tay cho những đức được phong thờ này.
Nhưng như vậy là sai lầm về mặt giáo lý và đạo đời đã được truyền dạy. Họ làm như vậy là họ đang làm ô uế, vấy bẩn và làm mất đi giá trị tôn nghiêm của thánh, phật. Họ làm vậy là làm nhục tới sự linh thiêng và tính tôn cẩn của những đấng được thờ phụng.
Thánh, phật giáo huấn và răn con người ta sống tốt và từ bi trong đời sống hàng ngày. Làm điều tốt và lương thiện, trau dồi tri thức, biết san sẻ, trợ giúp người khác, những gì còn thiếu sót hoặc sai lầm sẽ được bồi đắp bởi sự học hỏi, tích luỹ tri thức mỗi ngày, tu dưỡng phẩm chất một cách thường nhật và phúc đức cho đi trong suốt quãng đời mà họ sống. Thánh, Phật sẽ ghi nhận và xác tín điều đó ở mỗi người, chứ không thể tìm đến đình, đền hay chùa chiền để thỉnh giám những bức tượng đúc và nhối nhét cho họ những phẩm vật, tiền bạc hòng đổi trao và cầu mưu những thứ tâm tính tư lợi và đầy dục vọng của mình.
Thử hỏi rằng, những người lên chùa, đình, đền, miếu mạo cầu vái, xin lơn xong về họ sống ra sao? Họ có thôi chửi bới, đánh đập vợ, con hay người thân; có thôi làm ăn gian dối, có bỏ những thói sinh hoạt, tập quán, hủ tục lạc hậu; những mánh lới khôn vặt và xấu xa trong đối đãi với người khác hay không? Lên chùa, đình, đền về họ có thôi thói sẵn sàng buôn gian, bán lận; thôi chửi đánh học trò, thôi hành hung bác sỹ, nhà báo,; thôi trò nói láo không chớp mắt trước dân chúng, thôi tham nhũng, đục khoét ngân khố hay nhũng nhiễu những người yếu thế trong xã hội; có thôi xô xát tranh giành lĩnh vực làm ăn hay hạ bệ nhau bằng những thủ đoạn hèn hạ, ác độc hay không? Họ có thôi nhậu nhẹt bê tha, ép nhau uống rượu, bia đến gây hại cho nhau không? Họ có thôi trò đánh đập người trộm cắp; bỏ thói dùng bạo lực trong hành xử giữa nguòi với người hay không? Họ đo đền, chùa về họ có thôi những mưu tính tư lợi bất chấp để đạt được hay không? Họ có thôi trò phạm pháp để kiếm chác với đồng bọn hay không?
Vậy phải chăng, thánh phật chỉ là bình phong để họ trả giá và mua chuộc bằng những cách thô bỉ và vô nhân nhất? Họ biến thánh, phật thành những kẻ ham mê vật chất và sẵn sàng bị mua bán bằng những cái giá rẻ mạt và tầm thường nhất.
Những người theo Phật, thờ thần, phụng thánh mà hiểu đạo, thụ đắc giáo lý đầy đủ và minh triết đâu cả mà để cho những đám người lưu manh, vô luân, vô đạo tìm đến để nhục mạ thánh, phật đến mức trơ trẽn và đau xót đến thế?
Những kẻ chỉ còn quá khứ để phô bày và tự hào, là những kẻ thực sự đang vô cùng bạc nhược và nghèo đói ở hiện tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét