Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

1073 - Việt Nam Cộng Hòa trước và sau Tết Mậu Thân 1968

Nguyễn Kỳ Phong

Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu dự hội nghị Mỹ - Nam Việt Nam tại Honolulu ngày 20/7/1968Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionTổng thống Mỹ Lyndon Johnson và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu dự hội nghị Mỹ - Nam Việt Nam tại Honolulu ngày 20/7/1968

Năm Mậu Thân 1968, ở Việt Nam, một sự kiện xảy ra làm thay đổi hoàn toàn tình hình chiến tranh Việt Nam: Trận tổng công kích - tổng nổi dậy của Bắc Việt ở miền Nam vào tháng 1-1968. Một sự kiện đã thay đổi hoàn toàn ý định và đường hướng của các quốc gia liên hệ trong cuộc chiến.
Sơ lược về tình hình quân sự và chính trị của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa vào cuối năm 1967.

Phía Hoa Kỳ:
Từ ngày Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tháng 3-1965, đến cuối năm 1967, quân lực Mỹ có hơn 485.600 quân ở trên nội địa Nam Việt Nam. Trong đó lính tác chiến của Lục Quân là 319.500, còn lại là các quân binh chủng khác.
Đến cuối năm 1967, tình hình quân sự tổng quát cho thấy quân lực VNCH và Hoa Kỳ gây tổn thất nặng cho quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Mặc dù bên phía đồng minh cũng bị thiệt hại nặng, nhưng với hỏa lực mạnh, họ gây thiệt hại nhiều hơn cho đối phương.
Sau những trận càn quét vào mật khu và hậu cứ của Bắc Việt ở chiến trường B-2 (Tây Ninh, Bình Dương, Phước Long, Hậu Nghĩa …) với những cuộc hành quân như Atterboro, Junction City, Cedar Falls, các lực lượng Quân Đội Nhân Dân hay Quân Giải Phóng phải sơ tán về nội địa Lào và Cam Bốt.
Trong khi đó, ở B-3 Tây Nguyên (Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột), sau những trận đánh đẫm máu ở Dakto và A Shau, Ben Het, những đơn vị chủ lực Bắc Việt lần lượt rút về bên kia vùng ba biên giới.
Tuy không còn được thế thượng phong như những năm 1965-1966, Quân Đội Bắc Việt vẫn tiếp tục gây trở ngại cho các lực lượng Hoa Kỳ và VNCH, nhất là ở Vùng I và Vùng II: Bắc Việt chỉ rút quân đi sau khi tiêu diệt tất cả các trại lực lượng đặc biệt (trừ trại lực lượng đặc biệt ở Khâm Đức/ Bến Giằng ở Kontum) ở Vùng I của VNCH.
Trong khi đó, ở tuyến đầu Vùng I - sát vùng Phi Quân Sự (vĩ tuyến 17) áp lực của quân đội Bắc Việt vẫn mạnh — nếu không nói là mạnh hơn: TQLC Hoa Kỳ chạm trán với các đơn vị của Quân Đội Nhân Dân thường xuyên trong các cuộc hành quân tảo thanh phía nam sông Rào Quảng và bắc đường Số 9.
Qua những trận đụng độ thường xuyên này, giới quan sát chiến lược quân sự suy luận là quân đội Bắc Việt cố ý khiêu khích quân đội Mỹ ở Khe Sanh và phía tây Quảng Trị, gây một sự chú ý và quan tâm, hầu chuẩn bị cuộc tổng công kích Mậu Thân sắp đến.






Huế 1968: Cuộc chiến tàn phá Thành Nội

Thực tế cho thấy sự suy luận của giới quan sát không sai lắm: Từ mùa Hè 1967, ba sư đoàn quân chính qui của Bắc Việt đè nặng áp lực vào căn cứ Khe Sanh, gây nhiều quan tâm cho cấp chỉ huy Hoa Kỳ ở mặt trận đó.
Hơn một tuần trước Tết Mậu Thân, một đơn vị cấp trung đoàn của Bắc Việt tràn ngập một tiền đồn lực lượng đặc biệt Mỹ ở Lang Vei, nằm phía tay nam Khe Sanh chừng 15km.
Giới quân sự Mỹ phải quan tâm vì quân đội Bắc Việt đã sử dụng xe tăng — lần đầu tiên — hỗ trợ quân tác chiến. Ý định kềm chân TQLC Hoa Kỳ ở tuyến đầu rõ hơn vào những tháng sau cùng của năm 1967, khi quân đội Bắc Việt gia tăng sự hiện diện cả bốn sư đoàn ở sát vùng Phi Quân Sự.
Quân báo Mỹ thấy được sự gia tăng quân số của Bắc Việt, nhưng không liên kết được sự kiện đó và sự chuẫn bị trận Mậu Thân của Miền Bắc.

Về phương diện tâm lý và tinh thần của quân đội Mỹ đến cuối năm 1967:

Giới quân sự Mỹ tương đối thỏa mãn về những thiệt hại họ gây cho đối phương. Nhưng đồng thời họ cũng thấy được sự thiệt hại về nhân mạng quá cao ở phía họ.
Vị tư lệnh phó quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam than vãn trong một buổi họp vào cuối năm 1967, là lính Nhẩy Dù Mỹ chết quá nhiều trong các trận đánh ở Dakto, A Shau, Ben Het … và nhiều đơn vị không còn người để bổ sung.
Đến tháng 12 năm 1967, Hoa Kỳ có 16.250 tử trận. Chỉ trong năm 1967, Mỹ có 9.378 tử trận - con số cao gần gấp đôi năm 1966 (5.008).
Tuy nhiên, trong bản báo cáo cuối năm về cho Bộ quốc phòng, đại tướng Westmoreland và đô đốc Sharp tư lệnh Hoa Kỳ Thái Bình Dương, cho biết cuộc chiến đang có kết quả — với số lượng quân và hỏa lực đang có trong tay.
Nói một cách khác, họ thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm cuộc chiến.
Đại tướng Westmoreland, trong lần trở về Mỹ cuối năm 1967 để tường trình trước quốc hội về diễn tiến cuộc chiến ở Việt Nam, tuyên bố quân đội đồng minh và VNCH đang trên đà thắng.
Khả quan hơn, là VNCH đang ổn định được tình hình chính trị nội bộ; đang đôn quân để gia tăng sức mạnh quân đội. Nói chung, tất cả đều khả quan.


Một nghĩa trang tại HuếBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột nghĩa trang tại Huế

Và giới lãnh đạo Hoa Kỳ tin những gì Westmoreland báo cáo. Một chi tiết quan trọng trong những ngày cuối năm: cho đến cuối năm 1967, chưa ai biết được nhân vật chủ trương cuộc chiến là Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara đang đệ đơn từ chức. McNamara từ chức vì quá mệt mỏi với một cuộc chiến không đi đến đâu.
Sự bỏ cuộc của McNamara gây ra nhiều ảnh hưởng cho những những quyêt định của tổng thống Johnson vào tuần lễ kế tiếp sau khi trận Mậu Thân xảy ra.

Nội bộ Việt Nam Cộng Hòa

Khi tướng Westmoreland nói tình hình chính trị nội bộ của VNCH đã được ổn định vào cuối năm 1967, thì ông ta quá khen về nội bộ của VNCH.
Nền Đệ Nhị VNCH bắt đầu vào ngày 31 tháng 10-1967, với liên danh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đắc cử. Sau cuộc bầu cử và sau khi xác định nhiệm vụ và vai trò trên hiến pháp, hai ông Thiệu và Kỳ cố gắng làm thân với nhau trước công chúng để cùng nhau lãnh đạo.
Trước đó chỉ hai tháng, hai ông Thiệu Kỳ tranh giành ghế tổng thống mãnh liệt đến độ các tướng lãnh trong Hội đồng quân Luật phải đứng ra can thiệp.
Tuy nhiên, sau bầu cử năm 1967,những hiềm khích cá nhân, và lòng nghi ngờ nhau vẫn tiếp tục.
Từ sự bất đồng ý kiến của hai vị lãnh đạo quân sự, chính trong giới quân sự ở cấp dưới cũng có những xung đột của các vị chỉ huy quân binh chủng. Chính trong trận Mậu Thân, một sự kiện xảy ra làm cho liên hệ giữa hai ông Thiệu và Kỳ hoàn toàn chấm dứt.


William WestmorelandBản quyền hình ảnhKEYSTONE
Image captionTướng Westmoreland tại chiến trường Nam Việt Nam

Cuối năm 1967, quân lực VNCH có hơn 340.000 quân chủ lực, và 300.000 lính Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Hải quân và Không Quân có được khoảng 17.000 người cho mỗi quân chủng. Quân lực VNCH được huấn luyện tốt, nhưng vũ khí trang bị thì quá lỗi thời, quá lạc hậu.
Nhiều tài liệu cho thấy chính những sĩ quan cao cấp của bộ tư lệnh quân viện (MACV) Hoa Kỳ đều phàn nàn là vũ khí của VNCH thua xa vũ khí hiện đại của Quân Đội Nhân Dân.
Với vũ khí hiện đại như AK-47 và B-40, quân đội Bắc Việt áp đảo tinh thần quân VNCH ở chiến trường -- nhận xét này đến từ tướng Westmoreland. Đến năm 1967 thì quân lực VNCH phục hồi lại tinh thần chiến đấu từ sau năm 1965 với những thất bại ở các trận Bình Giả, Đồng Xoài, Bồng Sơn, Ba Gia. Năm 1967, VNCH có 12.716 tử thương, so với năm 1966 là 11.953.
Tựu trung, tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH rất hăng say và lớn dần trong cuộc chiến -- chỉ trừ về phương diện vũ khí chiến thuật của họ, quá lỗi thời so với đối phương.
Đại sứ Bunker, trong báo cáo một tuần trước tết, 24-1-68, gởi về cho tổng thống Johnson: "Năm 1968 chúng ta có thể khá hơn năm 1967, cũng như năm tình hình 1967 kh ả quan hơn năm 1966. ... Có thể nói [tình hình VNCH] từ giai đoạn bò chuyển sang giai đoạn đứng. Năm nay sẽ là giai đoạn tập đi."
Trước Tết 1968, khi được loan báo sẽ có hưu chiến để ăn tết, các bộ tư lệnh cho phép 50% quân số được đi phép ăn tết. Lúc Bắc Việt tấn công, không hơn phân nửa số quân nhân có mặt tại đơn vị.

Tình hình quân sự chính trị của VNCH trong năm 1967-68

Từ đầu năm 1968, ngay trước ngày Bắc Việt tấn công vào đô thị VNCH, thẩm quyền ở bộ ngoại giao và quốc phòng quan tâm đến "con rùa của những phát triển" ở Việt Nam và cố gắng đốc thúc VNCH phải cấp bách thực hiện tất cả những kế hoạch quan trọng của họ.
Từ sau cuộc đảo chánh năm 1963 cho đến cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của nền Đệ Nhị Cộng Hòa vào ngày 3 tháng 9-1967, tình hình nội bộ chính trị bị hết xáo trộn này đến xáo trộn khác.
Tất cả mọi kế hoạch đều cần thời gian và sự ổn định để thực hiện, nhưng trong ba năm 1964-1966, phải thành thật phán đoán, VNCH không có một giai đoạn nào được gọi là yên tịnh, ổn định về phương diện chính trị.
Từ đầu năm 1967, nhiều hình ảnh khả quan về quân sự và chính trị dần dần xảy đến trong năm: VNCH có được một hiến pháp mới; bầu cử ở cấp xã, ấp thành công như dự định với 77 phần trăm người dân hưởng ứng; giới hội đồng tướng lãnh thỏa thuận với nhau về hai người đại diện cho họ để ra ứng cử; và hơn hết, người dân đã bắt đầu có lòng tin với chính nghĩa VNCH. Đầu năm 1967 chính phủ chỉ kiểm soát được 62 phần trăm dân chúng nông thôn; cuối năm số đó tăng lên 67 phần trăm.
Năm 1966 có hơn 16 ngàn cán binh cộng sản ra hồi chánh, con số đó tăng lên gần 27 ngàn cho năm 1967. Với những khả quan đó, người Mỹ chỉ mong sau cuộc bầu cử là họ sẽ đề nghị một số kế hoạch cần phải cấp bách hóa để VNCH có ít nhiều phương tiện để tự lực cánh sinh trong tương lai tới.
Năm 1967 quân lực VNCH có tất cả 343 ngàn người ở các đơn vị chủ lực và khoảng 300 ngàn Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Ba trăm bốn mươi ngàn quân chủ lực gồm một sư đoàn Nhảy Dù; hai chiến đoàn TQLC, Hải Quân, Không Quân, 10 sư đoàn Bộ Binh, và một số đơn vị khác.
Sau khi sắc luật động viên từng phần được ban hành, MACV và bộ tổng tham mưu VNCH dự định gia tăng quân số lên 685 ngàn giữa năm 1968; rồi 777 ngàn 12 hai tháng sau.
Nhưng sau khi trận Mậu Thân xảy ra, MACV và VNCH đồng ý phải cấp bách hóa vấn đề động viên để bổ sung vào những thương vong đang xảy ra tại chiến trường.
Năm 1968 quân đội VNCH đã trả một giá cao để đẩy lui cuộc tấn công bất thần của Bắc Việt: gần 28 ngàn tử thương và 70 ngàn bị thương so với trung bình chỉ hơn 12 ngàn tử thương và 21 ngàn bị thương cho hai năm 1966 và 1967.
Hoa Thịnh Đốn, sau buổi họp quan trọng ngày 4 tháng 3 của các thẩm quyền tối cao tại tòa Bạch Ốc, ra lệnh cho mọi cơ quan liên hệ đến Việt Nam phải đốc thúc VNCH thực hiện nhanh chóng tiến trình đảm nhận cuộc chiến hay ít ra thay thế số thương vong của quân đội Hoa Kỳ.


18/4/1968: Thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe SanhBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image caption18/4/1968: Thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh

Mùa xuân năm 1968, với tình hình chiến sự nguy ngập bùng nổ trên bốn vùng chiến thuật, chính quyền VNCH ra một số biện pháp gọi tái ngũ tất cả các cựu quân nhân cho đến hạng tuổi 33, với dưới 5 năm quân vụ. Ngày 19 tháng 6 quốc hội đưa ra bộ luật về quân dịch, hạ tuổi quân dịch từ 20 xuống 18. Song song với chuyện hạ tuổi quân dịch, VNCH khởi họa chương trình Nhân Dân Tự Vệ cho tất cả nam công dân tuổi từ 16 đến 50.
Đầu tháng 3-1968 MACV hoàn tất kế hoạch hai năm cho quân lực VNCH: 800 ngàn quân vào năm 1970 (phân nửa là Địa Phương Quân và Nghĩa Quân), với lối cấu trúc tương tự như quân đội Hoa Kỳ một lối cấu trúc mà sau này mọi người mới biết đó là một gánh nặng cho VNCH khi Hoa Kỳ cắt đi nhiều phương tiện. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội và gia tăng quân số được tham mưu trưởng liên quân Wheeler và bộ trưởng quốc phòng Clifford chấp nhận ngay.
Như vậy, chỉ đến cuối năm 1968, VNCH có quân số mà họ dự định đến năm 1970 mới có. Đến năm 1968 VNCH mới tổng động viên để dồn nỗ lực vào việc chống cộng thì hơi trễ vì Bắc Việt đã động viên nhân lực, vũ khí và tài chánh trong kế hoạch đánh chiếm miền Nam từ mấy năm trước.






Trận Mậu Thân ở Sài Gòn qua lời đại tá dù VNCH

Đến cuối tháng 6-68, tình hình trên chiến trường được coi là yên tĩnh trở lại, cuộc tấn công của cộng sản bị bẻ gãy hoàn toàn. Nhưng một biến cố xảy ra vào những ngày cuối cùng của trận Mậu Thân làm cho sự phân chia và hiểu lầm trong giới tướng lãnh lại trở nên trầm trọng.
Chiều ngày 2 tháng 6-68, trong cuộc tổng công kích đợt 2 của cộng quân vào Sài Gòn, một trực thăng võ trang trong lúc yểm trợ, bắn lầm vào bộ tư lệnh dã chiến đang quan sát chiến trường ở Chợ Lớn, làm sáu sĩ quan cao cấp chết, và hai bị thương.
Tin đồn loan truyền ra đây là một vụ mưu sát đến từ tổng thống Thiệu hay người Mỹ, vì tất cả các nạn nhân là người thân cận của phó tổng thống Kỳ.
Sự nghi ngờ tăng thêm, khi ngày hôm sau, trung tướng Lê Nguyên Khang, tư lệnh TQLC, kiêm tư lệnh Quân Đoàn III, kiêm tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô, từ chức như là một phản đối.
Những ngày sau đó, từ tháng 6 đến tháng 10, nhiều tin tức về đảo chánh sẽ xảy ra, và một lần nữa tình hình chính trị nội bộ của VNCH đem lại nhiều quan tâm cho người bạn Hoa Kỳ.
Năm 1968, với 27.915 tử thương và 70.968 bị thương, bằng một giá thật đắt quân đội VNCH đã thật sự trưởng thành trong khói lửa. Cuộc chiến chống cộng bây giờ nằm trên vai của người lính VNCH.
Định cư ở Mỹ từ 1975 và hiện sống ở Washington DC, tác giả đã viết nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam như Vũng lầy Tòa Bạch Ốc: Người Mỹ và Chiến tranh Việt Nam. Ông hiện đang soạn tác phẩm Những tài liệu tối mật về Chiến tranh Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét