Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1897, Vương quốc Anh đồng ý với phán quyết của tòa trọng tài Mỹ trong một cuộc tranh chấp biên giới giữa Venezuela và Guiana thuộc Anh, nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ – Anh.
Năm 1841, việc vàng được phát hiện ở miền đông Guiana thuộc Anh đã làm gia tăng tranh chấp biên giới vốn đã kéo dài giữa Anh và Venezuela. Năm 1887, Venezuela cáo buộc Anh đưa các khu định cư lấn sâu vào khu vực tranh chấp và đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh. Năm 1895, Anh từ chối đưa vụ tranh chấp lên tòa trọng tài Mỹ, điều này đã tạo ra phản ứng thù hằn từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Grover Cleveland.
Tháng 07/1895, Ngoại trưởng Mỹ Richard Olney đã đưa ra một giải thích mới và rộng hơn về Học thuyết Monroe, đòi hỏi quyền được làm trọng tài của Mỹ, trên cơ sở rằng bất kỳ cuộc tranh chấp nào ở Tây bán cầu cũng trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và do đó nước này có quyền can thiệp. Hầu tước Salisbury, Thủ tướng Anh, đã bác bỏ lập luận của Olney, khiến Tổng thống Cleveland kháng nghị lên Quốc Hội Mỹ vào tháng 12/1895, bác bỏ thẩm quyền của người Anh đối với vấn đề đang tranh chấp. Nhằm ủng hộ Tổng thống, Quốc Hội tạo ra một ủy ban để giải quyết vấn đề biên giới, và đã có những thảo luận về khả năng chiến tranh ở cả Đồi Capitol và Nghị viện Anh.
Tuy nhiên, người Anh đang phải đối mặt với rắc rối ở châu Âu và những khó khăn ngày một gia tăng ở Nam Phi. Ngày 27/02/1897, Thủ tướng Salisbury đã gửi một lá thư hòa giải đến Mỹ, công nhận giải thích của Cleveland về Học thuyết Monroe và đồng ý với quyền trọng tài của Mỹ. Một ủy ban Mỹ đã được bổ nhiệm, và vào năm 1899, đường biên giới đã được quyết định mà phần lớn ủng hộ các yêu sách ban đầu của Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét