Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

1070 - Một hoàng đế Cộng sản?

Nguyễn Xuân Nghĩa RFA


Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông


Tuần này, Hội nghị Kỳ Ba của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc có phiên họp bất thường từ ngày 26 tới 28 để lập tức thông báo từ hôm Chủ Nhật 25 việc tu chỉnh Điều lệ Đảng và Hiến pháp nhằm mở rộng hạn kỳ lãnh đạo của Chủ tịch và Phó Chủ tịch quá hai nhiệm kỳ 10 năm. lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc. Sau Đại hội đảng của Khóa 19 vào Tháng 10 năm ngoái, người ta không ngạc nhiên về việc Tổng Bí Thư Tập Cận Bình ra sức thâu tóm quyền lực, nhưng sự kiện mới công bố về kỳ hạn lãnh đạo kéo dài có thể gây quan ngại cho nhiều quốc gia khác. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về biến cố này.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế. Thưa ông, quý thính giả của chúng ta cùng Nguyên Lam mong là ông đã bình phục sau nhiều tuần chuẩn bị Hội Xuân Mậu Tuất cho Quận Cam tại miền Nam California và kỳ này xin đề nghị ông phân tích cho biến cố vừa xảy ra tại Bắc Kinh khi ông Tập Cận Bình có thể làm Chủ tịch Trung Quốc sau hai nhiệm kỳ 10 năm như các vị tiền nhiệm trước đây. Thưa ông, chuyện ấy là gì vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta khởi sự từ bối cảnh trước. Thông thường, đảng Cộng Sản Trung Quốc có khóa họp năm năm tổ chức một lần vào mùa Thu và mất cả năm chuẩn bị để hơn hai ngàn đại biểu thay mặt gần 90 triệu đảng viên trên toàn quốc bầu lên một Ban Chấp Hành Trung Ương có hơn 200 Ủy viên chính thức và chừng 170 ủy viên dự khuyết. Tới cuối khóa họp thì Ban Chấp Hành Trung Ương có kỳ họp đầu tiên để thông báo kết quả họp hành thật ra được Bộ Chính Trị gồm mấy chục Ủy viên soạn trước theo nguyên tắc gọi là “dân chủ tập trung”. Nôm na là một đảng độc quyền có thể bầu lên một Ban Chấp Hành Trung Ương vài trăm người và Ban Chấp Hành đề cử 25 Uỷ viên Bộ Chính Trị và bảy hay chín người trong cơ chế tối cao là Thường vụ Bộ Chính Trị để quyết định thay cho gần một tỷ 400 triệu người dân. Trên cùng là Tổng Bí Thư đảng sẽ lãnh đạo Nhà nước, Quân đội và các cơ chế kỷ luật nhuốm mùi pháp luật.
- Thứ nữa, đầu năm sau Đại hội đảng Khóa 19, Ban Chấp Hành Trung Ương họp kỳ hai vào hai ngày 18-19 Tháng Giêng vừa qua để khai triển quyết định của đảng cho bộ máy nhà nước thi hành qua hai hội nghị hay “lưỡng hội” là Đại hội Nhân dân Toàn quốc, là Quốc hội, và một cơ chế tư vấn là Hội nghị Hiệp thương Chính trị hay Chính Hiệp sẽ họp vào đầu Tháng Ba này. Điều bất thường là sau đó một tháng, Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 19 lại họp kỳ thứ ba để thông báo việc nới rộng thời hạn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình qua hai nhiệm kỳ năm năm.

Văn hóa chính trị Trung Quốc có thật sự bí hiểm?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Văn hóa chính trị Trung Quốc là sự bí hiểm gói kín trong bí mật nhưng thật ra vẫn chỉ là chuyện tranh đoạt quyền lực thôi. Thông thường thì Ban Chấp Hành Trung Ương của một khóa có nhiều kỳ họp nhưng hai kỳ họp cách nhau một tháng là triệu chứng bất tường.Nguyên Lam: Thưa ông, đấy là một bối cảnh mà ông gọi là bất thường. Theo ông nghĩ thì chuyện gì đã xảy ra trong nội tình lãnh đạo của Trung Quốc?
- Giới quan sát quốc tế cho là sau Hội nghị Kỳ Hai vào tháng trước thì từ hôm 26 Tháng Giêng đã có việc tu chỉnh Hiến pháp để nới rộng nhiệm kỳ cho họ Tập. Nhưng khi Hội nghị Kỳ Ba lại được đột ngột triệu tập trong ba ngày 26 tới 28 tháng này, với quyết định tu chỉnh Hiến pháp được công bố hôm Chủ Nhật 25 mà Tân Hoa Xã lại cho ghi ngày là 26 Tháng Giêng thì nhiều người tin là Tập Cận Bình dùng Ban Chấp Hành Trung Ương thay vì Bộ Chính Trị hay Thường Vụ Bộ Chính Trị để nới rộng quyền lực của mình. Lý do là trong hai cơ chế tập trung nói trên, ông ta không được đa số Ủy viên ủng hộ nên mới dùng Ban Chấp Hành Trung Ương là nơi ông có hậu thuẫn cao hơn. Nếu đúng như vậy thì ta nên kết luận ngược, rằng lãnh đạo Trung Quốc đang thiếu ổn định và thống nhấy ý kiến.
Nguyên Lam: Thưa ông, ngay sau Đại hội Khóa 19 vào Tháng 10 vừa qua, người ta đã thấy hai sự lạ. Thứ nhất là Điều lệ đảng và Hiến pháp chính thức công nhận “Tư tưởng Tập Cận Bình về Xã hội Chủ nghĩa với Màu sắc Trung Hoa”. Thứ hai là Đảng không đề cử một người làm Phó Chủ tịch nước, là nhân vật sẽ kế tục ông Tập Cận Bình sau khi nhiệm kỳ hai chấm dứt vào năm 2023. Phải chăng hai sự kiện ấy đã báo trước việc Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực ngang tầm Chủ tịch Mao Trạch Đông và còn hơn cả lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi còn thấy sự lạ thứ ba là trong báo cáo chính trị dài hơn ba tiếng của Đại hội 19, Tập Cận Bình nhiều lần nói đến “các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới”. Ông ta thấy ra nhiều vấn đề khá nguy ngập và muốn tập trung quyền lực để giải quyết sau năm năm lãnh đạo từ Đại hội Khóa 18 vào cuối năm 2012 mà không xong. Điều ấy cũng có nghĩa là cùng với việc chuyển hướng cải cách chưa thành và chiến dịch diệt trừ tham nhũng lên tới cấp cao nhất, các phe phái bên trong đã đồng ý với việc tập quyền thay vì duy trì tinh thần thỏa hiệp theo nguyên tắc đồng thuận do Đặng Tiểu Bình đề ra. Bây giờ, sau khi củng cố quyền hành trong không gian và mở rộng hơn nữa vào thời gian, Tập Cận Bình đang lấy rất nhiều rủi ro cho bản thân nếu ông ta thất bại. Nhưng trái ngược, đấy lại là cơ hội cho các nước cảnh tỉnh, vì vậy, tôi cho rằng đây là một tin vui!
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta đã quen với cách nhìn trái ngược của ông, nhưng thưa ông, tại sao ông lại coi đây là một tin vui?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin có hai phần giải thích, về đối ngoại và nội chính. Thế giới và truyền thông cứ ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc mà không thấy sự thật là lãnh đạo Bắc Kinh coi dư luận và luật lệ quốc tế tựa cái dép rách. Năm ngoái, tại thượng đỉnh kinh tế Davos và Đại hội đồng Liên hiệp Quốc, Tập Cận Bình thủ vai vô địch về hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa dù vẫn trực tiếp can thiệp vào kinh tế quốc dân và coi thường các xứ khác. Thí dụ là cấm vận kinh tế Nam Hàn vì tội dám trang bị hệ thống võ khí phòng thủ, hoặc xen lấn vào nội tình chính trị của Úc. Trước đó thì phủ nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực trong vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo với xứ Philippines. Mới Tháng Bảy năm ngoái thì xóa bỏ các cam kết từ năm 1985 với Vương quốc Anh về quyền tự trị của Hong Kong trong khi quân sự hóa nhiều cụm đá nổi đã cưỡng chiếm của các lân bang như Việt Nam hay Philippines. Người ta lầm tưởng Bắc Kinh tận dụng “quyền lực mềm” là lợi ích kinh tế để tranh thủ thiên hạ chứ cứng mềm, âm thầm hay ngang ngược là động thái họ vẫn làm từ nhiều năm qua, để nhắm vào mục tiêu bá quyền tại Đông Á trong vài chục năm tới.

Nguyên Lam: Theo ông, sau vụ tăng cường quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình thì liệu rằng các quốc gia khác có nhìn ra sự thể ấy hay chưa?Củng cố quyền lực và loại bỏ đối thủ

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các nước ở xa có thể than vãn nạn chà đạp tự do và dân quyền do Tập Cận Bình tiến hành từ nhiều năm qua nhưng cho rằng thà như vậy mà còn có ổn định để làm ăn. Các quốc gia ở gần thì không quên yếu tố an ninh lồng trong nhiều sáng kiến kinh tế của Bắc Kinh, như Con Đường Tơ Lụa hay các ngân hàng đầu tư và phát triển. Việc Tập Cận Bình mở rộng quyền hạn để thực hiện mục tiêu chiến lược trong vài thập niên tới là điều trở thành rõ rệt hơn.
- Vì vậy, tôi cho rằng các nước sẽ thận trọng hơn với Hiệp ước Đối tác Toàn diện Khu vực hay RCEP mà Bắc Kinh đang vận động nhằm thay thế Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương RCTPP của 11 quốc gia không có Hoa Kỳ. Thời điểm lật ngửa lá bài quyền lực của Tập Cận Bình càng khiến nhiều quốc gia quan ngại, như qua phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và Úc cùng một số nước khác trên cái trục Ấn Độ Thái Bình Dương. Cũng vậy, người ta hiều ra vỉ sao Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ mậu dịch với Bắc Kinh sau khi khẳng định trong chiến lược quốc phòng mới mối nguy xuất phát từ Trung Quốc.
Nguyên Lam: Hồi nãy, ông nói đến hai phần giải thích, về đối ngoại thì như vậy, về nội chính thì ông nhận định thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ sau Đại hội Khóa 18, họ Tập đã củng cố quyền lực và sau năm năm lãnh đạo đã loại bỏ mọi đối thủ của mình cho tới Đại hội Khóa 19 vừa qua. Bây giờ, ông hoàn tất kế hoạch tập quyền cho tới sau năm 2023. Điều ấy có nghĩa là ông tìm ra hậu thuẫn trong đảng để giải quyết nhiều bài toán quá lớn của Trung Quốc mà ông ta gọi là “mâu thuẫn cơ bản”.
- Nhưng, như các lãnh tụ tập quyền là Tần Thủy Hoàng Đế, Hán Vũ Đế, Khang Hy hay Càn Long, Tập Cận Bình không thể lãnh đạo một mình. Ông ta phải có vây cánh, nhất là trong một thế giới đã có quá nhiều đổi thay khiến lãnh tụ phải ứng phó bén nhạy và hữu hiệu hơn. Nếu không, chính quyền lực tuyệt đối ấy sẽ trở thành gánh nặng và là trách nhiệm của lãnh tụ. Nạn lão hóa dân số và trai thiếu gái thừa, tình trạng ô nhiễm môi sinh, gánh nợ chất núi với đà tăng trưởng tất yếu giảm sút sau ba chục năm cải cách, v.v… là loại bài toán mới mà các thế hệ lãnh đạo trước không gặp.
Nguyên Lam: Như vậy thì quyền lực tuyệt đối cũng có mặt trái của nó, thưa ông, có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đã thế, quyền lực tuyệt đối lại dễ đưa tới tệ sùng bái cá nhân, là đặc sản chính trị Châu Á, khiến lãnh tụ chỉ tin vào hệ thống báo cáo tuyên truyền của mình mà che kín tầm nhìn. Trên một lãnh thổ bát ngát có quá nhiều dị biệt và mâu thuẫn chằng chịt, trường hợp sai lầm rất dễ xảy ra mà cơ hội sửa sai lại thu hẹp vì quần chúng vô quyền không có tiếng nói. Nếu thất bại, và nhiều phần là như vậy, Tập Cận Bình không thể đổ lỗi cho ai khác mà cũng chẳng có điều kiện giảm khinh. Đấy là lúc mà các thế lực kia mai phục và chờ đợi….


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét