Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

1064 - Lễ hội đầu năm: tín ngưỡng hay mê tín

Tường trình từ Việt Nam


Ngày càng nhiều lễ hội mang tính ốp đồng tại Việt Nam
Ngày càng nhiều lễ hội mang tính ốp đồng tại Việt Nam-RFA



Chừng chưa đầy mười năm trở lại đây, tình hình lễ hội đầu năm ngày càng trở nên nóng hổi và có dấu hiệu mất khả năng kiềm chế. Dường như tính mê tín dị đoan đã hoàn toàn thay thế cho nhu cầu tâm linh. Và dịp lễ hội đầu năm là dịp để người ta thỏa sức vay lộc, xin lộc, cúng trả lộc rồi lại vay lộc. Cái vòng lẩn quẩn đầy tính dị đoan này nhanh chóng đẩy các lễ hội đến chỗ chụp giật, hung hăng và sẵn sàng đạp lên nhau, thậm chí đấm nhau, chém nhau cũng vì một biểu tượng lộc trời, lộc bề trên nào đó.

Tranh nhau cướp lộc

Ông Đàm Ngọc Hoàng, một cư dân Lạng Sơn, nơi có lễ hội đầu pháo, một lễ hội lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: “Hiện tại thì người ta treo không cái đầu pháo lên để thanh niên trai tráng, người ta cướp. Nó giá trị về cả tinh thần lẫn hiện vật, vì người ta tặng nhau một số tiền, lợn quay, lễ vật…. rồi họ cướp được cái đó thì may mắn, làm ăn cả năm ấy, gia đình thuộc diện may mắn. Nhiều người người ta bán lại cái đầu pháo ấy cả mấy trăm triệu đồng ấy, người khác họ mua lại mà.”
Và ý nghĩa của lễ hội này chỉ thực sự có giá trị vào thời kỳ thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng và chợ Kỳ Lừa còn là trung tâm phân phát pháo cho miền Bắc và cả nước. Lễ hội cúng tưởng nhớ công ơn của người được cho là tổ phụ của nghề làm pháo tỉnh Lạng Sơn. Trong thời kỳ Việt Nam chưa cấm đốt pháo, mỗi dịp 27 tháng Giêng, người dân làm nghề pháo tổ chức cúng tổ để tạ ơn tổ đã giúp đỡ một mùa Tết bán được nhiều pháo, mọi sự an lành, hanh thông.
Trong lễ hội này có đốt một dây pháo, khi trái pháo cuối cùng nổ, người ta sẽ vào tranh nhau những trái pháo chưa nổ hoặc cái đầu dây pháo còn treo lủng lẳng trên sào, mang về nhà thờ tổ, xem đó như một chút lộc của tổ ban cho và lấy đó làm khí lành cho cả năm. Ý nghĩa chính của lễ hội cướp đầu pháo vẫn mang tính chất cầu toàn chứ không cầu tài. Nghĩa là người làm pháo rất sợ những tai nạn trong quá trình sản xuất pháo, họ mang đầu pháo về như một sự bảo chứng, che chở của tổ nghề cho gia đình họ và xóm làng.
Thường những ai cướp được đầu pháo thì được làng nghề thưởng cho tiền, lợn quay và hoa. Người giữ đầu pháo phải biết chay tịnh, ăn kiêng một số thứ như không được ăn thịt chó, không được ăn các cá gáy, cá lóc và lươn... để cầu nguyện cho cả làng nghề được bình an, phát đạt.
Nhưng sau này, khi nghề pháo chấm dứt, nhà nước cấm đốt pháo, sau một thời gian lễ cúng tổ diễn ra như một sự tưởng nhớ tổ phụ thì công nghiệp du lịch phát triển, lễ hội cướp đầu pháo bị hiểu nhầm là một lễ hội cướp lộc. Mặc dù không có đốt pháo nhưng người ta vẫn treo một cái đầu pháo lên sào sau khi rước kiệu và sau một động lệnh, người ta xúm vào giành giật không còn gì để tả, có người từng bị đấm đến rách mặt, trọng thương trong quá trình cướp đầu pháo. Và đầu pháo có thể được bán với giá từ một trăm triệu đồng đến nửa tỉ đồng nếu như người cướp được muốn bán đi.
Ngoài lễ hội cướp đầu pháo ở Lạng Sơn, các tỉnh phía Bắc còn có lễ hội đền Gióng, lễ hội đền Trần, lễ vay bà chúa Kho ở Bắc Ninh, lễ hội Khai Ấn đền Trần... Ông Trần Văn Huy, một lão niên gắn với lễ Khai Ấn đền Trần lâu năm, chia sẻ:“Phải hiểu cái từ Khai ấn là nhà vua bắt đầu điều quan văn võ trong triều đi làm. Từ lâu giờ là đêm 14, rạng sáng 15 mới được xuất hành ra quân đi làm, vào công việc của một năm mới. Đây là lễ hội đặc biệt của Việt Nam, lớn toàn quốc, chính vì thế không những toàn quốc đều đến mà khách nước ngoài cũng đến thăm.”
Theo ông Huy, lễ khai ấn đền Trần ở thành phố Nam Định là một lễ lớn, có sự tham gia, tham dự của chính quyền thành phố, chính quyền tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Lễ hội khai ấn đền Trần mang ý nghĩa cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. Chính vì ý nghĩa quan trọng và hấp dẫn này mà hằng năm, bắt đầu từ Mồng Một Tết, người đến viếng đền Trần, xin lộc đầu năm đã rất nhiều.
Số lượng người đến viếng, cầu tài cầu lộc tăng dần cho đến lúc lễ khai ấn diễn ra vào khuya 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Nếu thống kê số lượng người đến viếng đền Trần để xin lộc trong suốt mùa Tết, con số có thể lên đến vài triệu người. Riêng ngày 13 tháng Giêng cho đến ngày Rằm tháng Giêng, hầu hết các khách sạn, nhà trọ ở thành phố Nam Định đều nâng giá gấp đôi, gấp ba lần ngày thường và không còn phòng để cho thuê.

Lễ hội hay đồng bóng?

Một nhà nghiên cứu văn hóa, không muốn nêu tên, chia sẻ:“Bây giờ nở rộ nhiều, giống như phát triển từ sai lầm của những lễ hội khác, nó làm như kiểu thương hiệu để kinh doanh du lịch, đất đai, nói chung là nó làm có kết quả về truyền thông nhưng thực chất ra là nó làm kiểu ăn xổi ở thì. Những lễ hội ngày xưa như lễ hội phát ấn ở đền Trần hoặc lễ hội chùa Hương... nó phát triển to lên, nó làm lên trở thành một lễ hội đồng bóng, nó làm cho người ta cuồng tín, hư hỏng, chứ tâm linh ở đây là đức tin chứ không phải cuồng tín.”
Theo nhà nghiên cứu này thì tình trạng đánh tráo khái niệm lễ hội văn hóa với hoạt động cầu tài, cầu lộc, vay lộc, mượn lộc của người khuất mặt dường như diễn ra ngày càng nặng nề. Thay vì trước đây là một hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, người ta đi lễ đầu năm để dọn rửa tâm hồn cho thanh sạch, thuần khiết, để giữ thân tâm an lạc mà làm việc cho cả năm... Thì hiện tại, người ta đến nơi được xem là linh thiêng để cúng bái, sau đó xin lộc, xin chức quyền, xin cái ghế quyền lực. Thậm chí người ta dẫm đạp, cấu xé nhau, đánh đập nhau vì cái gọi là tài, lộc ấy. Dường như sự tôn nghiêm trước thánh thần không còn nữa, dường như cũng không có niềm tin nào ở đây mà là sự cầu cạnh đầy tính mê tín, dị đoan và mù quáng.
Và tính mê tín dị đoan ngày càng có nguy cơ trương nở, phình to trong các hoạt động lễ hội đầu năm, ngày càng lan dần vào miền Nam, nơi mà trước đây các lễ hội chỉ đơn thuần là niềm tin, sự tín ngưỡng và dọn rửa tâm linh cho một năm làm việc.
Vị này nhấn mạnh rằng đáng sợ hơn là mức độ mê tín, cuồng tín và tính tham lam, bất chấp đã thành sức mạnh của các lễ hội. Người ta không còn tự trọng hay liêm sĩ. Các gia đình quan chức sẵn sàng bỏ ra hàng tuần, thậm chí hằng tháng để đi các đền, chùa, miếu, lăng, phủ để cầu tài, cầu lộc, cầu quyền lực. Nhưng có một lễ hội khác, đậm chất tâm linh và văn hóa mà giới chức chẳng bao giờ dám bén mảng tới, đó là lễ hội thề liêm khiết ở Hải Phòng.
Đây là lễ hội dành cho giới quan chức, lễ hội này đã có truyền thống lâu đời, các quan chức thường đến đây để thề giữ thanh sạch, giữ liêm khiết, dùng trí tuệ và năng lực để phụng sự quốc gia, dân tộc... Nhưng dường như nhiều năm nay, đây là lễ hội quạnh quẽ và vắng vẻ nhất trong các lễ hội. Thường thì không có quan chức nào đến cái lễ hội thề liêm khiết dành cho quan chức này. Mà hầu hết người đến đây dự lễ hội thề toàn là dân đen, họ tới để thề liêm khiết, thề vì dân tộc, quốc gia...
Nhưng thử nghĩ những người dân đến đây thề sẽ làm được gì với sự liêm khiết hay tinh thần vì dân tộc, quốc gia của họ một khi họ không nắm quyền, không làm việc liên quan đến sự nghiệp hành chính quốc gia, không nắm tài chính quốc gia, không có khả năng tham nhũng?
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét