Chiến tranh không phải là một lựa chọn tốt nhất và đó có thể là một bài học mà chính phủ Trung Quốc ngày nay có thể học được từ cuộc chiến 39 năm trước trên biên giới Việt - Trung, theo một nhà báo người Trung Quốc từ BBC World Service.
Trao đổi với Bàn tròn của BBC Tiếng Việt hôm 22/2/2018, nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu), biên tập viên về thời sự thuộc vùng châu Á của Thế giới vụ đài BBC trước hết nói về truyền thông chính thống của Trung Quốc trong dịp này có đánh dấu sự kiện hay không và lý do vì sao. Bà nói:
Trao đổi với Bàn tròn của BBC Tiếng Việt hôm 22/2/2018, nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu), biên tập viên về thời sự thuộc vùng châu Á của Thế giới vụ đài BBC trước hết nói về truyền thông chính thống của Trung Quốc trong dịp này có đánh dấu sự kiện hay không và lý do vì sao. Bà nói:
"Từ góc độ của truyền thông Trung Quốc, bạn khó có thể thấy các bài vở, báo chí đưa tin về cuộc chiến này, đây cũng giống như tình hình của vài năm về trước hay cũng có thể như hai thập niên qua.
"Tôi nghĩ là sau cuộc chiến tranh 1979, Trung Quốc tuyên bố thắng lợi và họ theo đuổi cách tuyên truyền của họ. Họ tuyên bố chiến thắng và đề cao điều mà họ thực sự đạt được, do đó vào thời điểm đó đã có rất nhiều tuyên truyền.
"Các cựu binh tham gia cuộc chiến đã được chào mừng như những anh hùng, họ đi khắp đất nước để nói về chiến công, hành động anh hùng của họ. Tôi còn nhớ năm 1984, tôi là giảng viên ở Đại học Bắc Kinh, có một phim mới ra mắt về cuộc chiến tranh biên giới Trung - Việt và cả đoàn làm phim và dàn sao, diễn viên đến trường của chúng tôi.
"Đó là một sự kiện rất lớn! Nhiều giáo viên được khuyến khích đi dự buổi công diễn đầu tiên của cuốn phim, rồi tất cả chúng tôi tới một phòng hội trường ở Đại học Bắc Kinh, khi đó các ngôi sao, diễn viên chính đứng lên và phát biểu, tất cả chúng tôi đều xem phim, tất nhiên phim đó khắc họa những hình ảnh anh hùng, chiến công của phía Trung Quốc, có rất nhiều cảnh máu đổ, đấy là tình hình của năm 1984.
"Tất nhiên sau đó, bắt đầu từ những năm 1990, Việt Nam và Trung Quốc cố gắng bình thường hóa quan hệ và tình trạng chiến tranh này bắt đầu thay đổi. Và tất nhiên ngày nay, Trung Quốc và Việt Nam đã quyết định trở thành các đối tác chiến lược, họ đã có mối quan hệ khác so với gần 40 năm về trước.
'Giới trẻ không hề biết'"Do đó hai nước phải theo đuổi những lợi ích chung ở Đông Nam Trung Quốc và vì chính sự phát triển của Trung Quốc, nước này thực sự cần một biên giới ổn định, quan hệ láng giềng ổn định và không có chiến tranh. Do đó tôi nghĩ nói chuyện về một cuộc chiến tranh xảy ra quá lâu về trước không phù hợp với bối cảnh của Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và phát triển mà ông Tập Cận Bình [Chủ tịch Trung Quốc] đã tập trung rất nhiều vào đó. Đó là lí do vì sao bạn không nghe thấy nhiều về cuộc chiến."
Theo nhà báo Ngô Ngọc Văn, nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc hiện nay không hề biết hay biết nhiều về cuộc chiến này. Bà đưa dẫn chứng là gần đây tại Trung Quốc có một bộ phim được làm liên quan cuộc chiến 2/1979 có tên gọi là "Phương Hoa", nhưng nhiều bạn trẻ đã hỏi là bối cảnh của bộ phim ấy là thế nào, có cuộc chiến ấy ư, đó là cuộc chiến gì.
Nhà báo có nhiều năm tham gia biên tập tại BBC Tiếng Trung trong dịp này cũng nhắc tới các cựu chiến binh Trung Quốc tham gia cuộc chiến, bà cho hay nhiều người hiện nay sống trong cảnh khó khăn, nghèo khổ vì không có một nghề thứ hai. Nhiều người đã phải tụ họp lại đông người để gây sự chú ý của chính quyền khi đòi các quyền lợi, chính sách.
"Bạn có lúc được người ta tung hô là anh hùng, nhưng rồi một lúc nào đó bạn sẽ trở thành chẳng là ai cả và sẽ bị lãng quên," nhà báo Ngô Ngọc Văn nói thêm về tình cảnh của các cựu binh Trung Quốc.
Khi được hỏi về kinh nghiệm cá nhân rằng bà đang ở đâu, làm gì và cảm nghĩ ra sao khi cuộc chiến nổ ra ngày 17/02/1979, nhà báo từ World Service nói:
"Khi cuộc chiến 2/1979 nổ ra, chúng tôi, những lưu học sinh được chính phủ Trung Quốc cử đi học, đã liên hệ với Đại Sứ quán ở London để hỏi xem chúng tôi nên hành xử ra sao với các bạn học Việt Nam."Vào thời điểm đó, tôi đang du học tại chính London. Ở trường học của chúng tôi có nhiều sinh viên quốc tế, trong đó có các sinh viên Việt Nam. Hàng ngày, chúng tôi vẫn gặp gỡ, chào hỏi nhau và mời nhau ăn uống.
"Rất may, khi đó chúng tôi có được lời khuyên tốt từ phía cán bộ sứ quán, họ nói rằng chiến tranh là việc của hai chính phủ, hai nhà nước, các bạn là sinh viên, cứ duy trì quan hệ bình thường."
"Câu trả lời và lời khuyên này của sứ quán đã làm cho chúng tôi thở phào vì từ đó chúng tôi không phải tránh chào hỏi các bạn sinh viên Việt Nam và tránh mời họ tới các buổi tiệc tùng," nhà báo nói.
Lý do của chiến tranh?
Khi được hỏi liệu lãnh đạo Trung Quốc thời điểm đó có thể có một lựa chọn nào khác hơn hay không, ngoài giải pháp và hành động chiến tranh, vì nhiều nước bất đồng, thậm chí 'thù địch' nhau có thể dùng các biện pháp khác như trừng phạt, cấm vận kinh tế, hay chẳng hạn cắt đứt quan hệ ngoại giao, nhà báo Ngô Ngọc Văn đáp:
"Trong một thời gian rất lâu dài, Trung Quốc luôn nghĩ tới mối đe dọa từ phía Liên Xô, bây giờ họ nghĩ rằng Liên Xô liên minh với Việt Nam, do đó Trung Quốc phải đối diện với mối nguy hiểm từ cả phía Bắc lẫn phía Nam, do đó có thể vì vậy, họ quyết định là họ muốn làm một điều gì đó."Vấn đề là rất phức tạp, chúng ta có thể mất cả giờ đồng hồ để bàn về câu hỏi vì sao cuộc chiến nổ ra, vì sao Trung Quốc quyết định đưa ra hành động quân sự, nhưng có một nhân tố là khi đó Liên Xô thực sự tăng cường quan hệ với Hà Nội, Việt Nam, và đặt Trung Quốc vào một tình huống, Trung Quốc nhận thức thấy có mối nguy hiểm từ mặt trận đó.
"Tình huống ở Campuchia cũng rất phức tạp, Việt Nam đã quyết định có hành động ở đó, tất nhiên chính quyền Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn, tư tưởng của họ khá giống với Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, do đó có khá nhiều nhân tố.
"Và tất nhiên quân đội Trung Quốc theo một cách thức nào đó cũng cần có sự luyện tập trong chiến tranh, bởi vì họ không chiến đấu kể từ cuộc chiến ở Triều Tiên, tôi cũng đã đọc rất nhiều tài liệu tham khảo nói về ông Đặng Tiểu Bình đã phải cân nhắc về khả năng này.
"Ông ấy đã mất rất nhiều thời gian để nghĩ về tất cả những nhân tố này trước khi quyết định mở ra cuộc chiến, có thể vì nhiều Hoa Kiều ở Việt Nam lúc đó đã đang phải chịu nhiều đau khổ vì quan hệ hai nước xấu đi, do đó tôi nghĩ ông ấy cũng muốn chấm dứt chuyện đó và ngoài ra, ông ấy muốn dạy cho nước cựu đồng minh này một bài học."
'Bị sốc vì cuộc chiến'
Nhà báo Ngô Ngọc Văn, người có trên hai thập niên làm việc tại BBC, chia sẻ cảm tưởng riêng về 39 năm trước, khi còn là sinh viên tại Anh vào lúc cuộc chiến nổ ra, bà nói:
"Có rất nhiều phim ảnh của Việt Nam mà chúng tôi xem ở Trung Quốc, rồi đột nhiên hai người bạn cũ đi tới một điểm là chỉ có chiến tranh mới giải quyết được vấn đề giữa họ."Tôi phải nói là tôi khá là sốc về việc hai đất nước rơi vào tình huống này, bởi vì trong suốt một thời gian dài của cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc đã hậu thuẫn Việt Nam, cung cấp cho họ những viện trợ, giúp đỡ và cả những hỗ trợ tinh thần.
"Đó là một điều khá là sốc đối với một đầu óc của người trẻ tuổi là tôi khi đó mà tôi phải nói.
"Bây giờ tôi hạnh phúc vì không còn chiến tranh giữa hai nước nữa, hai nước đã tốt hơn trước với nhau rất nhiều, họ đang nói chuyện với nhau, giúp đỡ nhau về mặt kinh tế.
"Và có thể cả hai nước, đặc biệt là chính phủ Trung Quốc đã học được một bài học rằng chiến tranh không phải luôn luôn lúc nào cũng là một lựa chọn tốt nhất," nhà báo Ngô Ngọc Văn nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 22/02/2018 từ London.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét