Từ ngày 05 đến 09/03/2018, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam, cập cảng Đà Nẵng. Ngày 22/02 vừa qua, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Úc trả lời các câu hỏi của báo giới về sự kiện này.
Câu hỏi 1 : Một số truyền thông Việt Nam đưa tin rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tại Đà Nẵng sẽ là một sự hiện diện lớn nhất của Mỹ về quân sự tại Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh 1975. Một số truyền thông khác thì miêu tả chuyến thăm này như là một dấu hiệu đáng kể về việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Giáo sư đánh giá thế nào về những phát biểu này ?
Carlyle Thayer : Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thủy thủ đoàn bao gồm 6000 người. Tàu sẽ được hộ tống bởi khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường với thủy thủ đoàn khoảng 370 người. Không phải tất cả số người nói trên đều đặt chân lên cảng Đà Nẵng, nhưng với số lượng thủy thủ và phi công làm việc trên hai tàu đến thăm Việt Nam, thì đây là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ sau cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam hoặc có thể nói từ sau chiến tranh Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson thể hiện sự tiến triển trong hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Các quan chức Việt Nam đã được đưa lên tàu USS John C. Stennis vào năm 2009 và tàu USS George Washington năm 2010, để quan sát các hoạt động trên tàu khi hai chiến hạm này ghé qua Biển Đông. Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ cập cảng Tiên Sa Đà Nẵng. Đây là hàng không mẫu hạm lớn nhất và hùng mạnh nhất của Hoa Kỳ, cập một cảng của Việt Nam. Điều này tương phản với chuyến thăm Philippines vừa qua của tàu USS Carl Vinson vì lúc đó, tàu này thả neo ở ngoài khơi, cách bờ biển 10 km.
Câu hỏi 2 : Ý nghĩa của chuyến thăm này đối với quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ và quan trọng hơn là sự kiện này tác động ra sao đến an ninh khu vực và quan hệ quốc phòng ? Nói một cách khác, theo giáo sư, Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào hay Bắc Kinh không có phản ứng gì ?
Carlyle Thayer : Khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam là nghị định thư năm 2011, đề ra 5 lĩnh vực hợp tác. Văn bản này được bổ sung vào năm 2015 với Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong hợp tác quốc phòng và kế hoạch hợp tác 3 năm hiện nay 2018-2020. Về cơ bản, Việt Nam hài lòng với nhịp độ đạt được các tiến bộ trên 5 lĩnh vực.
Chuyến viếng thăm của tàu USS Carl Vinson có tầm quan trọng trên hai phương diện. Thứ nhất, Hoa Kỳ phô trương sự hiện diện hải quân để trấn an các nước Đông Nam Á rằng nước Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump không từ bỏ khu vực này. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự có mặt của hải quân Mỹ tại Biển Đông trong chừng mực sự hiện diện này góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói một cách khác, có một sự đồng thuận về các lợi ích chiến lược trong việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không đối với tàu chiến và máy bay. Cho dù Bắc Kinh sẽ có phản ứng nhanh, tố cáo Hoa Kỳ đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, nhưng chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson sẽ góp phần ổn định sự cân bằng quân sự tại Biển Đông.
Câu hỏi 3 : Theo giáo sư, mục đích của Hoa Kỳ là gì khi điều tàu USS Carl Vinson tới thăm Việt Nam ? Sự kiện này có thể làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh hay không trong lúc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ ?
Carlyle Thayer : Hoa Kỳ là một cường quốc quân sự thế giới. Mỹ sử dụng sức mạnh hải quân để thể hiện các lợi ích của mình qua việc duy trì an ninh các tuyến đường biển cho cả tàu thương mại và tàu chiến. Các chuyến thăm hữu nghị của tàu chiến là một phần trong chiến lược ngoại giao hải quân. Khi tàu USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng, thủy thủ đoàn sẽ tham gia một số hoạt động xã hội, thể thao. Điều này sẽ tạo ra bầu không khí thiện chí ở cả hai phía. USS Carl Vinson, hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Các sĩ quan hải quân Việt Nam sẽ được biết thêm về các khả năng của tàu này.
Trung Quốc cũng đón các tàu chiến Mỹ tới thăm tại Hồng Kông. Trung Quốc cũng có các hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích sống còn trong việc bảo đảm cho các tuyến đường thông thương hàng hải (SLOC) được an toàn và an ninh. Bất kỳ xung đột nào cũng sẽ làm rối loạn thương mại và gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai nước. Để hiểu được phản ứng của Trung Quốc, chúng ta cần tách biệt giữa việc tuyên truyền cuồng tín của Trung Quốc và thực tế là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không thể để cho căng thẳng gia tăng.
Câu hỏi 4 : Giáo sư có những bình luận gì thêm hoặc lưu ý những việc cần theo dõi nhân chuyến thăm sắp tới của tàu USS Carl Vinson ?
Carlyle Thayer : Vào tháng 06/2017, tàu USS John McCain, một khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường, đã tới thăm Đà Nẵng và sau đó là tàu chiến Mỹ đầu tiên tới thăm Cảng Quốc Tế Cam Ranh. Hai tuần sau, tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc cũng tới thăm Cảng Quốc Tế Cam Ranh. Cũng trong năm 2017, Việt Nam liên tiếp đón bộ trưởng Quốc Phòng Nga và Hoa Kỳ tới thăm. Cảng Quốc Tế Cam Ranh mở cửa cho tất cả các nước. Tàu chiến của Singapore, Pháp, Nhật Bản, v.v. đã tới thăm cảng này.
Tôi nghĩ rằng vào một lúc nào đó trong tương lai, Việt Nam sẽ đón tiếp các tàu chiến của Trung Quốc. Vấn đề cơ bản là Việt Nam tiếp tục chính sách duy trì cân bằng đa cực giữa các cường quốc lớn. Để có được độc lập và tự chủ về chiến lược, Việt Nam quan hệ cân bằng với các cường quốc lớn. Nói một cách khác, nếu các cường quốc duy trì sự cân bằng thì Việt Nam không bị rơi vào quỹ đạo của nước nào. Như vậy, Việt Nam có thể tiếp tục giữ vai trò độc lập và đóng góp tích cực vào an ninh khu vực.
Trong bối cảnh đó, tất cả các cường quốc lớn đều hưởng lợi. Chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson không phải là dấu hiệu của việc Việt Nam rơi vào quỹ đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc. Chuyến thăm cho thấy sự tin giữa lẫn nhau, giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đã gia tăng. Các lãnh đạo ở Hà Nội cảm thấy hài lòng về bước phát triển mới trong hợp tác về hàng hải với Hoa Kỳ. còn Trung Quốc thì đang lạc quan về việc tàu USS Carl Vinson thăm hữu nghị Việt Nam.
Câu hỏi 5 : Giáo sư bình luận gì về việc Anh Quốc cho khu trục hạm săn tàu ngầm HMS Sutherland, trên đường từ Úc trở về, lại đi qua Biển Đông ? Phải chăng là để khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ? Liệu Bắc Kinh có phản đối hay không ?
Carlyle Thayer : Anh Quốc là cường quốc hàng hải và có những cam kết bảo đảm an ninh trong khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng 5 quốc gia (FPDA), tức là với Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia. Anh Quốc là một đồng minh của Mỹ trong khối NATO và dưới thời tổng thống Donald Trump thì tầm quan trọng của tự do hàng hải được nâng cao hơn. Anh Quốc cũng tìm kiếm các quan hệ mới sau khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit), ví dụ như tìm kiếm thỏa thuận tự do thương mại với Úc. Anh Quốc cũng ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Việc triển khai tàu HMS Sutherland giúp đạt được nhiều mục tiêu, như thể hiện sức mạnh hàng hải của Anh, trấn an các đối tác trong FPDA, thể hiện tình đoàn kết với Hoa Kỳ trong việc bảo đảm tự do hàng hải, tăng thêm chiều kích trong quan hệ giữa Anh và Úc và ủng hộ một trật tự hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Câu hỏi 6 : Hành động này của Anh có ý nghĩa gì đối với Việt Nam và các nước ASEAN, nhất là vào lúc Singapore vừa thông báo sẽ cố đạt được thỏa thuận nào đó với Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Luật Ứng Xử tại Biển Đông (COC) ?
Carlyle Thayer : Các hành động của Anh, cùng với Pháp và Hoa Kỳ giúp thực thi luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế có lợi cho Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Tòa Án quyết định rằng tại Biển Đông, không hề có đảo theo định nghĩa của luật pháp và hai trong số các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng nằm ở dưới mực nước biển và do vậy, không có lãnh hải 12 hải lý. Trung Quốc, về nguyên tắc, đòi các nước phải xin phép khi đi vào Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý. Do không có đảo chiểu theo định nghĩa hợp pháp, tại Biển Đông, thì cũng không có thực thể nào có Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý.
Các hành động của Anh Quốc, cùng với các cường quốc hàng hải khác, trấn an Việt Nam và các nước Đông Nam Á, rằng Trung Quốc không thể áp đặt « luật pháp quốc tế theo các đặc trưng Trung Hoa » đối với các tuyến hàng hải ở Biển Đông. Nếu không một nước nào phản đối đòi hỏi của Trung Quốc, thì Bắc Kinh có thể lập luận rằng, chiểu theo luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc. Qua việc khẳng định quyền tự do lưu thông, Anh Quốc muốn nói rằng cộng đồng quốc tế không thừa nhận đòi hỏi của Trung Quốc. Điều này còn củng cố phán quyết của Tòa Án Trọng Tài.
Năm nay, Singapore làm chủ tịch ASEAN cũng như là điều phối viên của ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc. Singapore có trách nhiệm giám sát các cuộc tham khảo giữa ASEAN và Trung Quốc về COC hiện đang đi vào một giai đoạn mới bổ sung các chỗ trống trong bộ khung về COC. Các hành động của Anh hỗ trợ cho Singapore trong đàm phán với Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc sẽ có những phản đối « theo thông lệ » chống tàu chiến của Anh Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ không cản trở tàu HMS Sutherland đi qua Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét