Luật sư Nguyễn Văn Đài trong phiên toà ngày 5/4/2018, Hà Nội
Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam có hai sự kiện được giới quan sát chính trị trong nước nhận định là nổi bật và gây bất ngờ lớn. Thứ nhất là chính quyền Hà Nội trục xuất gia đình luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thị Thu Hà. Thứ hai là phiên toà xử công dân Mỹ gốc Việt, William Nguyễn.
Hai sự việc này có phải là tín hiệu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía và nhân quyền Việt Nam đang có hy vọng được cải thiện?
‘Mặc cả’, đàm phán
Nhận xét chung về bản chất của hai sự việc, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho rằng cả 2 vụ việc đều là chiến thuật hay 1 cách thức mà phía những người Cộng sản vẫn sử dụng thường xuyên. Đó là cách mà ông và các nhà hoạt động khác gọi là "mặc cả".
“Cái thủ thuật đó là dùng các nhà hoạt động, các tù nhân chính trị để mặc cả về những lợi ích cho họ. Họ coi đó là 1 nửa trong những đánh giá về tiến bộ hay cải thiện về tình hình nhân quyền trong cả nước. Đối với tôi và nhiều người khác nữa nếu biết về chuyện của những người Cộng sản thì đó là những chuyện rất bình thường, không có gì khác lạ cả.”
Đề cập đến hành động trục xuất, Linh mục Phan Văn Lợi nhắc đến những trường hợp nhà cầm quyền Việt Nam từng thực hiện trong quá khứ với các nhân sĩ tri thức, các nhà hoạt động khác như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông cũng gọi đó là sự “mặc cả” để “nhổ cái gai trước mắt”
“Tức là những nhà tranh đấu đó không thể cho sống trong nước để gây rối cho nhà cầm quyền. Đồng thời đó cũng là 1 trò mặc cả của nhà cầm quyền, họ coi các tù nhân lương tâm như những con bài để trao đổi với quốc tế. Đó là vụ của luật sư Nguyễn Văn Đài. Còn với vụ Will Nguyễn, đó là một hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà nước Việt Nam. Nhưng bắt rồi thì họ phải xử thôi.”
Hình thức quen thuộc này cũng là một nhận định được đưa ra từ Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Phạm Chí Dũng, là người theo dõi sát sao và lên tiếng rất mạnh mẽ cho nhân quyền của Việt Nam.
“Với Việt Nam, cách thoả hiệp, trả treo, mặc cả của họ từ trước đến giờ chỉ có 1 bài, đó là đổi nhân quyền lấy thương mại, đổi nhân quyền lấy an toàn cá nhân, hay trước mắt là họ đổi luôn tù nhân lương tâm cho thương mại hay an toàn cá nhân cho họ.
Muốn tù nhân lương tâm thì quá dễ vì trong kho của họ đầy ăm ắp.”
Anh William Nguyễn trong cuộc biểu tình ngày 10/6/2018.Anh William Nguyễn trong cuộc biểu tình ngày 10/6/2018. AFP
Nói về sự trao đổi, “mặc cả” để đổi tù nhân lương tâm lấy thương mại, theo cách phân tích của nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, các hiệp định kinh tế thương mại Việt Nam đã và chuẩn bị ký kết chứng minh rất rõ điều này. Theo ông, Việt Nam đang trong 1 nền kinh tế rất khó khăn với tình trạng luôn luôn bội chi ngân sách. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam không được thừa nhận bởi những định chế về tài chính, hoặc các nguồn vay ODA.
Tuy không có sự khẳng định nào từ cơ quan ngôn luận của cả hai phía là Đức và Việt Nam, nhưng những nhà quan sát tình hình trong nước đều có cùng nhận định rằng việc trục xuất gia đình luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thị Thu Hà chính là một cuộc trao đổi cho Hiệp định Tự do thương mại với Liên minh Châu Âu EVFTA.
Không hy vọng cải thiện nhân quyền
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề về có hay không một tia sáng cho nhân quyền Việt Nam thông qua 2 sự việc trên, thì chỉ riêng Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng có 1 góc nhìn tích cực hơn các ý kiến khác. Ông đánh giá rằng tình hình nhân quyền Việt Nam đang bước sang 1 trang mới.
“Điều đó cho thấy sức mệt mỏi của Việt Nam đã rơi vào vùng giới hạn dưới rồi, không còn sức để có thể kéo dài hơn, căng hơn nữa. Nó phải chấp nhận thoả hiệp, thương lượng. Tôi cho là khi chấp nhận thả Nguyễn Văn Đài, mà đối với tôi, Nguyễn Văn Đài là nhân vật hiệu quả nhất trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, thì có nghĩa là cái cơ của chính quyền Việt Nam đã yếu lắm rồi. Điều đó cho thấy 1 bước ngoặt lớn đối với nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện như thế nào.”
Ngược lại, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho rằng 2 sự việc trên lại là “một thoả thuận ngầm giữa đôi bên”
“Tôi nghĩ thế thôi chứ nói về cải thiện tình hình nhân quyền thì không có đâu.”
Linh mục Phan Văn Lợi cũng không có hy vọng đó là tín hiệu về cải thiện nhân quyền ở Việt Nam:
“Điều này không nói lên thiện chí chi của nhà cầm quyền Cộng sản cả. Họ không bao giờ có thiện chí về nhân quyền cả.”
Với vụ của luật sư Nguyễn Văn Đài, báo chí trong nước hoàn toàn không đưa tin tức về những lần lên tiếng của các tổ chức nhân quyền thế giới, đặc biệt của Liên minh Châu Âu EU.
Với trường hợp của Will Nguyễn, dư luận từng hy vọng ông Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trở về Mỹ cùng với công dân Will Nguyễn. Tuy nhiên, ngay cả khi ông đã về Mỹ, chính ông và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không đưa ra phát ngôn nào để cho người Việt Nam một hy vọng về tự do cho Will. Chỉ đến khi có sự can thiệp của hàng chục dân biểu Hoa Kỳ vận động cho chiến dịch trả tự do cho William Nguyễn, thì lúc đó sự can thiệp của Hoa Kỳ mới thật sự thể hiện rõ.
Nhất là câu trả lời của ông dân biểu Alan Lowenthal trước khi phiên toà diễn ra: “Quốc hội Mỹ đang nghiêm túc xem xét những hậu quả có thể xảy ra nếu VN bỏ tù Will.”
Chính quyền Việt Nam đã không để xảy ra hậu quả nào đáng tiếc.
Kết hợp những chi tiết này cùng với sự việc CH Sec từ chối cấp visa cho lao động Việt Nam, nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định “Việt Nam đang rất cô độc và đang đối diện trước sức ép phải cải thiện từ các quốc gia khác.”
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.
“Việt Nam đang hoàn toàn đơn độc trong mọi khía cạnh từ kinh tế đến ngoại giao.”
Tuy nhiên, ông không cho rằng vì sự đơn độc ấy mà Việt Nam đang có sự tiến bộ, cải thiện về nhân quyền. Ông nhìn thấy một quá trình rất dài nhà cầm quyền đã nắm giữ quyền lực 1 cách tuyệt đối và họ chỉ nhượng bộ khi họ chịu 1 sức ép đủ mạnh.
Và điều đó, ông khẳng định, nó phải đến từ chính người dân Việt Nam.
“Khi người dân đủ hiểu biết, đủ can đảm, đủ sự trưởng thành về chính trị và ý thức về pháp luật thì người ta sẵn sàng thách thức quyền lực độc tôn đó. Khi số lượng ngày càng đông, nhận thức ngày càng sâu về các quyền của họ thì họ đòi hỏi những cái đó, tạo thành các áp lực với nhà cầm quyền Việt Nam.
Cộng thêm những áp lực về mặt ngoại giao, dần dần buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải trao lại quyền cho người dân, từ nhân quyền cho đến quyền về chính trị và dân sự khác.”
Một cách nói khác, nhưng cũng cùng ý kiến trên, Linh mục Phan Văn Lợi cho rằng người Việt Nam có quyền hy vọng về tự do nhân quyền qua các sự việc xảy ra từ đầu năm 2018 đến nay. Nhưng theo ông, phải có 1 áp lực thứ hai từ các người dân trong nước. Đó chính là các tổ chức xã hội dân sự lớn, như các tôn giáo và tổ chức XHDS nhỏ như các tổ chức XHDS độc lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét