Vào ngày này năm 1959, trong buổi lễ khai mạc Triển lãm Hoa Kỳ (American National Exhibition) tại Moskva, Phó Tổng thống Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản ngay trong căn bếp được dựng tại triển lãm. Cái gọi là “tranh luận nhà bếp” (kitchen debate) này đã trở thành một trong những sự kiện nổi tiếng nhất của Chiến tranh Lạnh.
Cuối năm 1958, Liên Xô và Mỹ đã đồng ý tổ chức triển lãm quốc gia của nước còn lại, thể hiện sự nhấn mạnh mới về trao đổi văn hóa. Triển lãm về Liên Xô mở cửa tại Thành phố New York vào tháng 06/1959; trong khi đó triển lãm về Mỹ được tổ chức tại Công viên Sokolniki ở Moskva vào tháng 07.
Ngày 24/07, trước khi triển lãm chính thức mở cửa cho công chúng Moskva, Phó Tổng thống Nixon đã đảm nhiệm vai trò hướng dẫn viên cho chuyến thăm của Khrushchev. Khi Nixon dẫn Khrushchev đi tham quan triển lãm, tính khí nóng nảy nổi tiếng của nhà lãnh đạo Liên Xô bắt đầu bùng phát. Trong khi Nixon nói về những chiếc ti vi màu mới của Mỹ, Khrushchev lại tấn công vào Nghị quyết về Các Dân tộc bị Giam cầm (Captive Nations Resolution) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua vài ngày trước đó. Nghị quyết này lên án sự kiểm soát của Liên Xô đối với các dân tộc “bị giam giữ” ở Đông Âu, và yêu cầu tất cả người Mỹ cầu nguyện để họ sớm được giải thoát.
Sau khi bác bỏ nghị quyết, Khrushchev lên tiếng chế giễu các công nghệ của Mỹ đang được trưng bày, tuyên bố rằng Liên Xô cũng sẽ có cùng một loại tiện ích và thiết bị chỉ trong vòng vài năm tới. Chưa từng là người sợ hãi hay né tránh việc tranh luận, Nixon khiêu khích Khrushchev bằng cách nói rằng nhà lãnh đạo Liên Xô “đừng sợ các ý tưởng. [Bởi] Rốt cuộc thì, ông chẳng biết hết được mọi thứ đâu.” Khrushchev phản pháo: “Ông cũng chẳng biết gì về chủ nghĩa cộng sản – chỉ trừ nỗi sợ cộng sản mà thôi.”
Với một nhóm nhỏ phóng viên và nhiếp ảnh gia đi cùng, Nixon và Khrushchev tiếp tục tranh luận trong căn bếp của một ngôi nhà mẫu được dựng tại triển lãm. Hai người bắt đầu lớn tiếng và chỉ tay vào nhau. Nixon cho rằng việc Khrushchev liên tục đe dọa sử dụng tên lửa hạt nhân có thể dẫn đến chiến tranh, và thậm chí còn mắng nhà lãnh đạo Liên Xô vì liên tục ngắt lời khi ông đang nói. Cho rằng những lời đó là những lời đe dọa, Khrushchev liền cảnh báo về “những hậu quả rất xấu.” Nhưng có lẽ ông cũng cảm thấy rằng cả hai đã đi quá xa, nhà lãnh đạo Liên Xô sau đó lưu ý rằng ông chỉ đơn giản mong muốn “hòa bình với tất cả các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.” Còn Nixon khá ngượng ngùng nói rằng mình đã không “là một hướng dẫn viên tốt.”
“Tranh luận nhà bếp” trở thành tin tức sốt dẻo trên trang nhất của các tờ báo Mỹ ngay ngày hôm sau. Vậy là trong một căn bếp “hiện đại”, lớp áo ngoại giao đã bị lột bỏ khi Mỹ và Liên Xô thực sự tranh cãi về việc hệ thống nào vượt trội hơn – chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, cũng như những lần đối đầu khác trong Chiến tranh Lạnh, không có người chiến thắng rõ ràng – ngoại trừ, có lẽ là giới truyền thông Mỹ, những người đã gặp may khi chứng kiến cuộc đối đầu đầy kịch tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét