Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

4090 - Bộ Thông tin và Truyền thông ra sao với ông Nguyễn Mạnh Hùng?

Kính Hòa RFA


 Thiếu tÆ°á»›ng Nguyá»…n Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, rất có thể trở thành Bá»™ trưởng Thông tin & Truyền thông.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, rất có thể trở thành Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông. Courtesy of spdv.mic.gov.vn


Ngày 12/7/2018, ông Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông bị cách chức đứng đầu Đảng ủy tại bộ này, đến ngày 23/7 ông bị cách chức bộ trưởng.

Đồng thời ngày 23/7 Đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng là một người bên quân đội đảm nhiệm chức vụ bí thư ban cán sự đảng tại Bộ thông tin & Truyền thông. Tuy chưa chính thức nắm giữ chức vụ bộ trưởng, nhưng theo thông lệ “đảng lãnh đạo” của tổ chức Đảng Cộng sản thì với chức vụ bí thư ban cán sự đảng của Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng xem như chắc chắn sẽ là người đứng đầu cơ quan có nhiệm vụ quản lý báo chí và tư tưởng này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng là ai?

Ông hiện mang quân hàm thiếu tướng trong quân đội Việt Nam, và là người đứng đầu Tập đoàn kinh doanh viễn thông của quân đội, Viettel.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, hiện sống tại Sài Gòn, là Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, một tổ chức không được Đảng Cộng sản Việt Nam công nhận, nhận xét về ông Nguyễn Mạnh Hùng:

“Tôi có hai ấn tượng về ông Nguyễn Mạnh Hùng. Thứ nhất là cuộc khủng hoảng Đồng Tâm. Thứ hai là thành tích của ông ta sử dụng tập đoàn truyền thông Viettel để ngăn chận những thông tin gọi là “độc xấu độc” hay “phản động. Tôi cho là việc ông Nguyễn Phú Trọng chọn ông Nguyễn Mạnh Hùng thay ông Trương Minh Tuấn chắc có lẽ là để làm cho giới blogger, Facebooker tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.”

Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm bắt đầu bùng nổ vào ngày 15/4/2017 khi dân làng Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội bắt giữ 38 con tin là các binh sĩ cảnh sát cơ động đến Đồng Tâm để giải tán dân làng trong một cuộc tranh chấp đất đai giữa một bên là dân làng, còn bên kia chính là Tập đoàn Viettel, muốn sử dụng một lô đất để xây nhà máy.

Cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều này, với sự tham gia giải quyết của các giới chức cao cấp của Quốc hội và Thành phố Hà Nội. Kết quả là dân làng Đồng Tâm có được lời hứa sẽ được giải quyết việc đất đai và không bị truy tố, đổi lại là toàn bộ các con tin được thả. Nhưng sau đó đã có quyết định khởi tố vụ án.

Khi được hỏi là với ông Nguyễn Mạnh Hùng thì sắp tới đây chính sách về tự do ngôn luận của Việt Nam có thay đổi hay không, ông Phạm Chí Dũng nói tiếp:

“Tôi cho là nó đi theo chính sách chung, không phụ thuộc vào một nhân vật. Trương Minh Tuấn, hay Nguyễn Mạnh Hùng, hay ai nữa thì cũng thế thôi. Nếu có khác thì ít thôi, nó tùy theo tính cách quan điểm của từng người. Có người có thể xiết hơn, có người thả ra một chút, nhưng phải theo chính sách chung của đảng cầm quyền, và chính sách hiện nay là dùng luật an ninh mạng để gò bó giới hoạt động trên mạng xã hội.”

Luật an ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào đầu tháng 6/2018, được cho là sẽ bóp chặt hơn nữa tự do ngôn luận ở Việt Nam, khi luật này dành quyền cho nhà cầm quyền yêu cầu các công ty kỹ thuật cung cấp dịch vụ mạng phải cung cấp thông tin người sử dụng cho nhà nước mà không cần lệnh của tòa án. Luật này bị rất nhiều chỉ trích từ giới bất đồng chính kiến Việt Nam, giới trí thức Việt Nam, các nhà kinh tế cho đến các nhà lập pháp Hoa Kỳ.

Bộ luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

Quan điểm của ông Phạm Chí Dũng cũng khá gần với một số ý kiến mà nhà báo tự do Phan Lợi tổng kết những cuộc thảo luận trên mạng xã hội trong những ngày giữa tháng 7/2018:

“Đối với báo chí thì cũng chưa rõ lắm vì đối với cá nhân được cho là sẽ lãnh đạo bộ thì về mặt tư duy báo chí thì không thấy bộc lộ nhiều, lâu nay báo chí ít tiếp cận. Tư duy về mặt mạng xã hội có thể là sẽ chặt chẽ hơn, do ông ấy sử dụng lợi thế về mặt kỹ thuật.”

Bên cạnh đó, ông Phan Lợi cũng cho rằng có thể với ông Nguyễn Mạnh Hùng, từng đứng đầu một tập đoàn kinh doanh lớn, thì Bộ Thông tin & Truyền thông có thể sẽ nới lõng những qui định về kinh doanh viễn thông, chẳng hạn như việc yêu cầu khách hàng thuê bao di động phải chụp ảnh để lại trong hồ sơ.

Tuy nhiên cũng có ý kiến tích cực hơn về vai trò của ông Nguyễn Mạnh Hùng sắp tới đây trong việc quản lý nhà nước ở Bộ Thông tin & Truyền thông. Nhà báo tự do Võ Văn Tạo nói với chúng tôi từ Nha Trang:

“Trước ông Trương Minh Tuấn là ông Nguyễn Bắc Son là một đại tá, còn ông Trương Minh Tuấn cũng từ quân đội chuyển qua. Cả hai ông này đều có gốc tích là văn hóa thấp, rồi đi học lằng nhằng gì đó, học sĩ quan chính trị. Trong khi đó ông Hùng học kỹ thuật, ông ấy không phải là sĩ quan chính trị. Tôi nghĩ tình hình chưa chắc đã tồi tệ hơn hai ông kia, là hai sát thủ đối với tự do báo chí, tự do ngôn luận.”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng từng đi du học ở Liên Xô cũ về ngành điện tử viễn thông, sau đó có bằng thạc sĩ về viễn thông tại Úc. Dưới sự quản lý của ông Hùng, Tập đoàn Viettel hiện nay là một trong những tập đoàn kinh tế Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất, và theo báo chí trong nước thì hoạt động đầu tư này khá thành công, trừ những dự án ở châu Phi được cho là vẫn còn nằm trong giai đoạn bị lỗ.

Chúng tôi có gọi đến số điện thoại của ông Nguyễn Mạnh Hùng để hỏi về khả năng làm bộ trưởng của ông, cũng như những chính sách sắp tới đây về truyền thông, về mạng xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng bắt máy, lắng nghe chăm chú câu hỏi của chúng tôi rồi từ chối trả lời vì cho rằng nhầm số.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét