Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

4104 - Những cây nạng bằng vàng $12 tỷ

Ngô Nhân Dụng
Ngày Thứ Tư, 25 Tháng Bảy, Tổng Thống Donald Trump tiếp ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy Hội Châu Âu. Chắc chắn hai ông sẽ bàn chuyện thuế quan đánh trên hàng xuất nhập cảng giữa hai khối mậu dịch lớn nhất thế giới.
Ông Trump đã đánh thuế trên thép, nhôm nhập cảng từ Châu Âu, và dọa sẽ tăng thuế trên xe hơi. Chính phủ các nước bên đó đã phản đối và sẵn sàng trả đũa trong cuộc chiến quan thuế mà hai bên đều thiệt hại. Nhưng ông Trump không chùn bước. Hôm Thứ Ba, ông mới “tuýt” rằng “Quan thuế vĩ đại nhất” (Tariffs are the greatest!). Ông đã tuýt trước đây: “Chiến tranh mậu dịch rất tốt!” Bây giờ trước khi gặp ông Juncker, ông còn nói mạnh hơn! Ông đã gây sóng gió khi phát động chiến tranh mậu dịch với hầu hết các nước từ Âu sang Á.
Hôm qua chính phủ Trump đưa một tín hiệu cho ông Juncker thấy dù Châu Âu đánh thuế trả đũa thì nước Mỹ có cách đối đầu, không có gì đáng lo mà phải ngưng chiến. Bộ Trưởng Nông Nghiệp Sonny Perdue đưa ra một chương trình trị giá $12 tỷ trợ giúp các nhà nông ở Mỹ đang lo bị ảnh hưởng vì Cộng Sản Trung Quốc trả đũa các đòn quan thuế của ông Trump. Mỹ đã có cách đối đầu với các đòn trả đũa của nước Tàu, cũng sẽ không sợ gì Châu Âu! Jean-Claude Juncker chớ đòi hỏi quá đáng!
Số tiền $12 tỷ được tung ra đỡ đòn vì Trung Cộng đang nhắm tấn công vào các nhà nông Mỹ, tại những tiểu bang mà Tổng Thống Trump đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2016. Bắc Kinh đánh thuế nhập cảng trên các món đậu nành, thịt heo, đường, bắp, vân vân. Nghị Sĩ Cộng Hòa Ben Sasse gọi số tiền này là những “cây nạng bằng vàng” giúp những người bị chặt chân.
Bộ Nông Nghiệp Mỹ sẽ bồi thường tiền cho các nhà nông bị thiệt hại, theo một chương trình đã có từ thời khủng hoảng kinh tế năm 1929-30. Bộ cũng sẽ giúp mua nhiều nông sản để phân phối cho các trung tâm thực phẩm cứu trợ. Chương trình thứ ba là sẽ giúp các nông gia phát triển những thị trường xuất cảng mới, bù vào số bán sút giảm qua Trung Quốc, Canada, Mexico hoặc Châu Âu.
Sau khi ông Sonny Perdue mở gói quà $12 tỷ, nhiều nhà nông Mỹ đã thấy bớt lo lắng vụ Trung Cộng trả đũa. Giá cổ phần Deer, một công ty sản xuất nông cụ ở Illinois, đã tăng giá 3% ngay trong buổi chiều hôm qua.
Kể từ Tháng Năm, khi Tổng Thống Trump kêu gọi chiến tranh mậu dịch, người Trung Quốc đã chuyển qua mua đậu nành của Brazil, vì không biết hàng mua từ Mỹ có về tới trước ngày “chiến tranh xảy ra” hay không. Hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Bảy, một chiếc tàu thủy chở đậu nành từ Mỹ tiến về hải cảng Đại Liên đã được cả nước Tàu theo dõi xem có tới bến kịp trước giờ khai hỏa hay không. Nó đến trễ mấy tiếng, bị đánh thuế; nhà nhập cảng, theo đúng hợp đồng, không nhận hàng nữa. Công ty xuất cảng Mỹ đã cho đổ hết số đậu nành đó xuống biển.
Số đậu nành chất trong kho ở Mỹ đã lên cao mức kỷ lục, 580 triệu thùng. Giá mua đậu nành theo hợp đồng có hạn kỳ đã xuống mức thấp nhất, giảm 16% kể từ Tháng Năm. Giá bắp, lúa mì cũng xuống. Giá hợp đồng thịt heo giảm 13%. Mexico và Trung Quốc là hai nước mua nhiều thịt heo của Mỹ nhất. Kể từ Tháng Bảy, Trung Cộng thuế 62% và Mexico đánh 20% thuế quan.
Tổng Thống Trump trấn an các nông gia rằng những khó khăn của họ chỉ có tính nhất thời. Ngày hôm qua, ông nói trước một cuộc họp cựu quân nhân rằng: “Hãy ủng hộ chính phủ!” Vì tính về lâu về dài thì các nước khác sẽ phải chịu thua trong cuộc chiến tranh mậu dịch với Mỹ! Lúc đó tất cả mọi người Mỹ sẽ được lợi.
Món quà $12 tỷ của ông Sonny Perdue được đưa ra để trấn an các nông gia Mỹ trong cơn hoạn nạn ngắn hạn này. Nhưng, các nhà lập pháp Mỹ tỏ vẻ nghi ngại, theo nhật báo Wall Street Journal, một tiếng nói kinh tế thận trọng trong đảng Cộng Hòa. Họ ghi nhận: Các nhà nông cần tránh tình trạng bất trắc trong tương lai, chứ không cần tiền trợ cấp. Báo Wall Street Journal nói nhiều nghị sĩ Cộng Hòa lo chính phủ sẽ còn phải chi trợ cấp cho những ngành công nghiệp bị trả đũa khác, sau khi phát tiền cho các nhà nông. Vẫn theo nhật báo Wall Street Journal, Nghị Sĩ Heidi Heitkamp (Dân Chủ, North Dakota) tiên đoán chính phủ Trump sẽ phải trợ cấp nhiều hơn nếu tiếp tục tăng thuế quan trên hàng mua từ các nước khác.
Vấn đề của các nhà nông không phải chỉ là số xuất cảng năm nay sẽ giảm bớt. Mối lo lớn nhất là không biết sang năm sẽ trồng thứ gì để bán. Chính phủ chưa trả lời được câu hỏi đó. Nghị Sĩ Thom Tillis (Cộng Hòa, North Carolina) nói với báo Wall Street Journal rằng ông vẫn chống chính sách trợ cấp, nhưng vấn đề là các nông gia đang không biết chắc tương lai ra sao…” Nghị Sĩ Mike Rounds (Cộng Hòa, South Dakota) đặt câu hỏi cho chính phủ: “Chiến lược ra thế nào? Tính kết thúc trận đấu như thế nào? Bao giờ thì chúng ta nhìn rõ mọi chuyện sau tình trạng hỗn loạn hiện nay, và sẽ có những thỏa hiệp mậu dịch mới ra sao?”
Nhật báo New York Times thuật lời Nghị Sĩ Ben Sasse, (Cộng Hòa, Nebraska), nhận xét về chương trình trợ cấp nông sản lớn không kém gì thời khủng hoảng kinh tế, “Cuộc chiến tranh mậu dịch này đang chặt chân của các nhà nông, và chương trình của chính phủ Trump là chi $12 tỷ để tặng họ các cây nạng bằng vàng.” Ông lên án: “Kế hoạch tăng thuế quan rồi trợ cấp của chính phủ này sẽ không ‘Làm nước Mỹ vĩ đại’ (một khẩu hiệu của Tổng Thống Trump) mà lại đưa nước Mỹ trở về thời khủng hoảng 1929.”
Khi công bố chương trình trợ cấp các nhà nông, chính phủ Trump báo hiệu rằng họ sẵn sàng giúp dân Mỹ chịu đựng để tiếp tục “chiến đấu trường kỳ” trong cuộc chiến quan thuế với Trung Cộng, cũng như với các nước khác. Nhưng nhiều nhà nông không nhìn xa như thế.
Ông Casey Guernsey, trong một gia đình nhà nông từ nhiều đời ở Missouri từ thời 1840s, là phát ngôn viên của một hội nông nghiệp, đã phản ứng ngay trong ngày Thứ Ba, ông nói với nhật báo Wall Street Journal rằng chương trình trợ cấp của chính phủ chỉ làm tăng mối lo không biết tương lai sẽ như thế nào. Ông Guernsey nói: “Chúng tôi không muốn đặt tất cả hy vọng trên những tấm ngân phiếu hàng tháng của chính phủ.” Hội Đậu Nành Mỹ (American Soybean Association) đưa ra bản tuyên bố, nói rằng họ hoan nghênh chính phủ đã thừa nhận những thiệt hại của nhà nông, nhưng chương trình trợ cấp chỉ có tính chất nhất thời; “ASA kêu gọi phải có chiến lược lâu dài để giảm bớt số đậu nành thặng dư lên cao và giá tiếp tục sụt giảm, trong đó phải có kế hoạch xóa bỏ những thuế quan tai hại.”
Ông Brian Kuehl, giám đốc điều hành hội “Nhà Nông Ủng Hộ Mậu Dịch Tự Do” (Farmers for Free Trade), nhận xét rằng “Những hành động mới đưa ra chỉ là nỗ lực ngắn hạn để che giấu những tai hại do việc tăng thuế quan gây ra.” Ông đề nghị: “Cách tốt nhất là tổng thống chấm dứt cuộc chiến tranh mậu dịch.”
Khi Tổng Thống Trump tuýt câu “Tariffs are the greatest!” Nghị Sĩ Pat Toomey (Cộng Hòa, Pennsylvania) đã đáp lại, “Quan thuế không vĩ đại” (Tariffs are not great). Chiều Thứ Ba, ông giải thích với đài CNBC “Quan thuế là thuế, dân Mỹ sẽ phải trả, người tiêu thụ, các công nhân, các xí nghiệp sẽ bị thiệt hại.”
Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc, bênh vực chủ trương “gây chiến” của Tổng Thống Trump. Ông nói rằng những thiệt hại do quan thuế gây ra  chỉ là rất nhỏ, không đáng kể (rounding error) so với tất cả nền kinh tế của nước Mỹ hay của Trung Quốc. Nghị Sĩ Joni Ernst (Cộng Hòa, Iowa) trả lời rằng trong tiểu bang Iowa có 456,000 công việc tùy thuộc vào xuất nhập cảng. “Những món thuế quan mới đe dọa $977 triệu hàng xuất cảng của Iowa. Những người dân Iowans là những con người có thật, không phải chỉ là những ‘con số rounding error,’” được xóa bớt đi khi muốn tính tròn lấy số chẵn.
Một tin mừng cho Tổng Thống Trump là số nhà nông ủng hộ ông vẫn không suy giảm mặc dù Trung Cộng bắt đầu trả đũa bằng thuế quan trên nông sản Mỹ. Chỉ còn hơn ba tháng nữa dân Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu Quốc Hội. Nếu số tiền trợ cấp $12 tỷ tới tay các nông gia kịp thời, ít nhất họ có thể yên tâm rằng chính phủ Trump không bỏ quên họ. Còn chuyện “về lâu về dài” như các vị nghị sĩ Cộng Hòa trên đây lo lắng, có lẽ sau ngày dân bỏ phiếu sẽ có kế sách mới! 
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét