Bạo động đốt trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, 10/6/2018.
Vụ bạo động tại Bình Thuận trong hai ngày 10 và 11 tháng sáu 2018 là một trong những vụ bạo động lớn nhất của dân chúng chống nhà cầm quyền trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một tháng sau sự kiện đó, người dân và chính quyền nói gì?
Sau đêm bạo động 10/6/2018, một người dân Phan Thiết là anh Thái Bình (tên đã được thay đổi) làm nghề buôn bán tại thành phố Phan Thiết cho chúng tôi biết rằng trong đám đông tham gia bạo động đốt trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và sở Kế hoạch và đầu tư, có đa số là những người dân miền biển. Những người dân biển này, theo ông Phan Hữu Trọng Hiền, cũng là một người dân Phan Thiết hiện sống tại Úc, đã không còn kế sinh nhai khi môi trường biển của họ bị ô nhiễm và cạn nguồn hải sản, và đây theo ông là nguyên nhân chính làm bùng lên cuộc bạo động.
Một tháng sau vụ bạo động, chúng tôi gặp lại anh Thái Bình, anh cho chúng tôi nhận xét về phiên tòa xử những người đã tham gia bạo động tại Phan Thiết và Phan Rí Cửa trong hai ngày 10 và 11/6/2018:
“Nói chung những người bị kết án toàn là những người nghèo, ít học. Mình nghĩ thương cho những người đó. Không nên để những người nghèo, những người học thức ít bị như vậy. Người ta dính vô, rồi tù đày, người ta chịu hết. Những nhà chính trị không bị gì cả. Qua cái chuyện này mình thấy rõ, đâu có ai bị gì đâu.”
Ngay trước khi bùng nổ cuộc bạo động, trên trang báo điện tử của tỉnh Bình Thuận có đăng bài tệ nạn ma túy tại huyện Tuy Phong, nơi mà những người dân đã giận dữ đốt cháy đồn cảnh sát vào ngày 11/6. Bài báo này nói rằng tội phạm và tệ nạn ma túy ở huyện diễn biến phức tạp, gia tăng, lây lan cả về số người nghiện và số địa bàn có ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Lượng ma túy nhập lậu vào địa phương gia tăng về số lượng, chủng loại.
Một người dân làm nghề buôn bán hải sản tại Phan Rí Cửa nói với chúng tôi:
“Ngày xưa ở đây biển giả Ok thì người ta đi làm. Bây giờ không còn cá nữa, người ta lại ở không. Mà ở không thì ăn uống kham khổ không nói rồi, nhưng chuyện không có công ăn việc làm thì thanh niên sinh ra những vấn đề đó. Việc buôn bán (ma túy) đó xảy ra thường xuyên, mà chẳng ai dòm ngó.”
Anh cũng nói rằng chính quyền đã thất bại trong chuyện ngăn chận các loại phương tiện đánh bắt hải sản lớn đã tận diệt nguồn cá gần bờ, vốn là truyền thống nghề biển của người dân Bình Thuận.
Ngoài việc nguồn sống bị cạn kiệt, người dân Bình Thuận nói chung và Tuy Phong nói riêng phải chịu đựng nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, với việc khai thác sa khoáng vô tổ chức ở khu vực bờ biển, đặc biệt là cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân chạy bằng than, hàng ngày thải ra không khí và đất đai ở đây một lượng vô cùng lớn khói bụi và xỉ than.
Người dân ở Tuy Phong nói tiếp:
“Có những lúc họ làm vệ sinh, bụi bặm mù đường, những người dân xung quanh đó phải chịu trận. Chuyện đó xảy ra hàng ngày rồi. Tới kỳ họ xả thải là họ xả, người dân vẫn tiếp tục phải cam chịu.”
Ngay lúc người dân này nói về việc ô nhiễm với chúng tôi thì báo chí Việt Nam loan tin rằng chính quyền trung ương đã phải tổ chức một đoàn kiểm tra khẩn cấp để kiểm tra việc một cột khói đen mù mịt xả lên từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân trước đó vài ngày.
Nhà văn Nguyễn Viện nói với chúng tôi về nguyên nhân, mà theo ông là chính yếu đã làm nên những cuộc bạo động tại Bình Thuận:
“Riêng chuyện ở Phan Thiết thì việc thúc đẩy người ta hành động là sự dồn nén bởi cái tình trạng là cuộc sống của họ bị thúc ép bởi những chuyện như là nhà máy nhiệt điện ô nhiễm môi trường, rồi ngư dân đi biển bị tàu Trung Quốc tấn công, … Tất cả những khó khăn của đời sống nó dồn nén, làm người ta bức xúc. Chứ còn riêng bản thân chuyện luật đặc khu hay an ninh mạng đối với họ thì nếu như họ biết họ cũng phản đối nhưng việc đó bị thúc đẩy bởi những bức xúc như tôi vừa nói.”
Để tránh những xung đột như vậy, cũng như hàng trăm cuộc xung đột vì lý do sinh kế của người dân và nhà cầm quyền, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội, trong một lần trao đổi với chúng tôi nói rằng phải có một thể chế gọi là bao hàm, dung nạp, coi trọng người dân, làm cái gì cũng kéo người dân vào, và phục vụ cho người dân. Nói chung đó là thể chế của những nền dân chủ hiện đại, có một nền pháp trị nghiêm minh.
Những người dân Bình Thuận mà chúng tôi tiếp xúc cho biết rằng chính cuộc sống bức bối đó đã tạo nên một tâm lý ghét chính quyền, dẫn đến bạo động, chứ thực ra lý do phản đối luật đặc khu và an ninh mạng chỉ là cái khởi đầu, khó dẫn tới bạo động.
Nhưng chính quyền Bình Thuận không đồng ý như vậy. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận nói với chúng tôi:
“Cái việc này tôi nghĩ là hoàn toàn không có đâu, hoàn toàn sai đấy. Đấy chỉ là một cái cớ để lấy lý do thôi, chứ tôi không nghĩ là như thế. Trong sự việc này thì không phải như thế. Đối với kết quả khi mà làm việc với những người có hành vi quá khích như thế, những hành vi vi phạm, tụ tập đông người gây ách tắt giao thông,… qua kết quả làm việc thì không phải như vậy.”
Ngay sau khi cuộc biểu tình bạo động bùng nổ, anh Thái Bình có nói với chúng tôi rằng chính quyền nên gặp gỡ người dân thay vì đàn áp họ, và theo thông tin của anh thì lúc đó chính quyền đã quyết định không đàn áp. Diễn biến những ngày hôm sau cho thấy là không có sự đàn áp mạnh tay. Nhưng hơn một tuần lễ sau thì việc bắt bớ lại bắt đầu.
Nhà văn Nguyễn Viện nói tiếp:
“Nếu tôi ở cương vị những người cầm quyền thì tôi cho rằng xử những người đó thiếu sự chính đáng, mặc dù rằng người ta dựa vào chuyện đập phá, gây rối tật tự trị an, hay là phá hoại tài sản công,… Nhưng phải truy xét vấn đề là tại sao nó lại xảy ra như thế. Phải thấu hiểu lòng dân để xử cho hợp tình hợp lý.”
Cho đến nay đã có 17 người dân Bình Thuận bị xử tổng cộng gần 30 năm tù giam, và theo như lời anh Thái Bình, không có quan chức nào bị kỷ luật cả. Nhà Văn Nguyễn Viện cho rằng trong những thể chế chính trị như Việt Nam, tất cả mọi lỗi lầm là do dân chúng gây ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét