Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn - Photo Thanh tra Chính phủ
Sáng 23/7, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông với ông Trương Minh Tuấn, theo hãng tin Reuters.
Truyền thông trong nước cho biết, quyết định nêu lý do ông Tuấn "có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng" hôm 16/7. Tuy nhiên, theo VnExpress, ông Tuấn vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Các nhà báo độc lập và các blogger cho VOA biết họ rất “phấn khởi” trước việc người đứng đầu ngành truyền thông - báo chí “lề phải” mất chức, dù rằng đến nay mới “hạ bệ” ông Tuấn là “hơi muộn.”
Nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng nói với VOA rằng ông đã dự báo được việc ông Tuấn bị mất chức bộ trưởng:
“Đây là điều không nằm ngoài dự báo của giới thạo tin ở Việt Nam, nhưng khi có quyết định như thế thì mọi người rất vui mừng. Ông có thể được gọi là thủ lĩnh trên mặt trận thông tin – truyền thông.
. Ông từng đưa ra các chủ trương và các phát ngôn làm tiền đề cho cả một hệ thống chính trị để rồi họ trù dập, bắt bớ, bỏ tù, …bị ông và cả hệ thống đàn áp.”
Trước đó ngày 12/7, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” đối với ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông.
Việc kỷ luật này được báo chí trong nước nói là có liên quan đến dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.
Theo nhà báo và blogger Nguyễn Tường Thụy thì ông Tuấn “cần phải ra tòa” vì đã “vi phạm hình sự”, chứ không nên “dừng lại việc bị mất chức hay kỷ luật”.
“Với tội của ông này thì tôi muốn ông ra tòa. Đã vi phạm hình sự thì phải ra tòa chứ. Cần phải tiếp tục truy tố hình sự ông ấy, chứ kỷ luật, cho nghỉ như vậy thì quá đơn giản.”
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Tuấn để hỏi phản ứng của ông liên quan tới quyết định của Chủ tịch Quang cũng như các bình luận của ông Thắng và ông Thụy.
Cũng hôm 23/7, Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa nhận được quyết định của Ban bí thư về việc chỉ định ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương đảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, thay cho ông Trương Minh Tuấn vừa phải thôi chức vụ này, theo VTC.
Báo Dân Việt dẫn lời các chuyên gia trong nước nói ông Hùng, "linh hồn" của Viettel, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu tiên được nhận quyết định của Bộ Chính trị chỉ định trở thành Ủy viên Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015- 2020, là "hiện tượng" nổi bật của lịch sử.
Theo ông Nguyễn Lân Thắng, việc ra đi của ông Tuấn không phải do ông làm đúng hay sai, mà do "hệ thống đã định đoạt."
“Việc ông Tuấn một thời một tay che mặt trời trên bầu trời truyền thông Việt Nam mà nay ông mất chức thì đó cũng là một điều rất hay để những người khác trong hệ thống công quyền Việt Nam nhìn vào và nhận biết rằng thật ra họ cũng chỉ là một công cụ trong tay ai đó thôi. Một khi họ không còn nằm trong hệ thống được bảo kê thì chắc chắn là số phận của họ cũng sẽ bị định đoạt không phải do họ làm đúng hay làm sai,” Facebooker này nói thêm.
“Chắc chắn một điều rằng khi ông Trương Minh Tuấn bị đem ra xử thì chắn rằng sẽ có mâu thuẫn nội bộ ở tầm cao hơn rất nhiều trong Bộ Chính trị.”
Theo truyền thông trong nước, Bộ Chính trị đánh giá những vi phạm của ông Trương Minh Tuấn là “rất nghiêm trọng,” và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” đối với ông Tuấn.
Ông Trương Minh Tuấn, 58 tuổi, được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông vào năm 2016. Trước đó, ông từng đảm nhận chức Thứ trưởng của bộ này từ năm 2014 dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét