Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

6366 - 'Nhất thể hóa' quyền lực: cần tỉnh táo!!!

Ánh Liên (VNTB) 

'Nhất thế hóa' giữa chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, một trong 5 phương án nhân sự do ông Phạm Minh Chính trình ra trước các nhân sự chủ chốt trong Đảng (Bộ Chính trị) đã được lựa chọn. 

Theo Facebooker Việt Thắng và nhiều người khác nhận định, thì kết quả này sẽ được trình T.Ư trong thời gian tới (bởi hơn 200 ủy viên trung ương biểu quyết), và nếu được thông qua, thì Việt Nam sẽ chính thức theo mô hình của Trung Quốc và Lào. Những ưu điểm của nhất thể hóa được nhiều người chỉ ra, trong đó lớn nhất là tinh gọn biên chế, tập trung quyền lực, chấm dứt thời kỳ 'một nước hai vua'.

Nhưng còn cả một quãng đường dài phía trước!

Đầu tiên là sửa Hiến pháp, Hiến pháp là mẹ của luật lệ, nhưng tần suất sửa Hiến pháp của Việt Nam so với các nước tư bản là dày đặc, tính dày đặc này cho thấy tầm nhìn ngắn hạn của chính những người soạn thảo luật mẹ này. Việc sửa đổi lần này lại đặt ra câu hỏi: có đúng hay không khi Hiến pháp của một quốc gia bị sửa đổi bởi lợi ích của một nhóm người thuộc một đảng phái. Việc sửa đổi này không nhằm thiết chế tốt lại cho các lợi ích quốc gia mà chỉ làm cải thiện hóa mối quan hệ trong đảng, liệu nó có đáng để làm ngay? Lúc này lại cần thiết phải đặt ra nhu cầu Luật về ĐCSVN thay vì cứ mãi dựa vào Hiến pháp như thế này, khiến giá trị Hiến Pháp bị giảm sút tới mức không còn tính chất mẹ của nó.

Thứ hai, giả như rằng việc tiến hành kiêm luôn diễn ra thành công ở cấp TW Đảng, vậy thì sẽ diễn ra hợp nhất ở cấp cơ sở (đặc biệt là tỉnh, huyện, xã), mất bao lâu để tiến hành công tác này, và số lượng dư ra của 11.162 con người (tương ứng 11.162 đơn vị hành chính cấp xã) sẽ được điều chuyển vào đâu? Tinh giảm biên chế sẽ như thế nào nếu số người này được điều chuyển sang các ban ngành khác?

Thực thể hóa ý chí của TBT Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng đang có trong tay thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhìn lại quá trình từ lúc ông lên làm Tổng Bí thư cho đến khi mở đầu chiến dịch đốt lò đến nay, nhiều người nhận ra, những ai đủ khả năng thay thế ông nhưng lại không tương đồng với ý chí chính trị của ông từng bước loại ra ngoài. 

Mặc dù ông nhấn mạnh sẽ làm nửa nhiệm kỳ, tuy nhiên, cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thúc đẩy sự ra đời của lựa chọn Nhất thể hóa và chính yếu tố này tạo điều kiện cho ông làm nốt nhiệm kỳ còn lại.

Cụ thể hơn, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá XII dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2-6.10.2018 và giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước, và nhân sự này được dự kiến là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch đốt lò, một người Thái Bình và làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cùng là 'đầu bạc', ông Trần Quốc Vượng được đánh giá là 'thân tín' với TBT đương nhiệm. 

TBT Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: New Mandala
Trong cuộc họp báo gần đây cho biết, 'sự phân công này là trên cơ sở Hiến pháp và các quy định của Đảng', cụ thể về mặt Đảng, Chủ tịch nước phải tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Trung ương quyết định). Ông Trần Quốc Vượng tham gia Bộ Chính trị chỉ ở mức 2 năm và gần 300 ngày, tức chưa trọn một nhiệm kỳ trở lên, trong khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đều đã kinh qua từ hai nhiệm kỳ trở lên.

Đặt giả thuyết rằng, ông Vượng là 'nhân sự đặc biệt' và trong 'uy tín cao' của TBT ông được bảo lãnh tín nhiệm thì ông Vượng có thể nắm chức vụ Chủ tịch nước trong kỳ họp tới, và đến năm 2021, đề án hợp nhất hóa sẽ được tiến hành với người gánh trách nhiệm là ông Trần Quốc Vượng, trong bối cảnh ông Nguyễn Phú Trọng về hưu. Sự gánh vác hay chuyển đổi vai trò - nhiệm vụ này thực chất là sự duy trì quan điểm chính trị, và tiếp nối tinh thần 'đốt lò' của ông Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ mới. Điều này đồng nghĩa, cái chết của ông Trần Đại Quang đã thực thể hóa ý chí của TBT Nguyễn Phú Trọng.

Tốt hay xấu

Điều tốt nhất mà nhất thể hóa mang lại chính là xóa bỏ sự hình thức trong vị trí chủ chốt, gia tăng giá trị quyền lực trong chống tham nhũng, và đảm bảo tinh gọn bộ máy của đảng (vốn ngốn nhiều ngân sách). Tuy nhiên, để đạt được những yếu tố nêu trên, thì người đứng đầu đảng và nhà nước phải là một 'minh quân', xét trên đúng các yếu tố gần như 'đạo đức và tài giỏi tuyệt đối' của Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tuy nhiên, khó có thể nói một trong các vị ủy viên Bộ Chính trị nào hiện tại đạt được trọn vẹn yếu tố 'không tham nhũng, cơ hội', chưa kể các yếu tố 'cầu toàn' còn lại. Ngay cả đối với những người như TBT Nguyễn Phú Trọng, dù chưa có gì chứng minh ông tham nhũng, nhưng tính cơ hội về quyền lực trong vun vén quyền lực cho đảng cũng là một điều đáng lên án. Đặc biệt, ông từng sử dụng quyền lực để trừng phạt nhà báo Nguyễn Đắc Kiên vì dám phê phán mình; hay đặt Hiến pháp nằm sau cương lĩnh cũng cho thấy tính bất chấp luật pháp và pháp quyền của ông.

Tính chất minh quân vì thế là trò may rủi, việc hợp thức hóa hay nhất hóa quyền lực cũng gây lo ngại về quyền lực tuyệt đối trong một thể chế mà người đứng đầu đảng và nhà nước không được bàn về xã hội dân sự hay tam quyền phân lập. Tính kiếm soát không có, tính đa dạng quyền lực không có thì sự suy thoái dễ dàng sẽ xuất hiện trở lại như cách mà Trung Quốc đang trải qua. Điều khó khăn nhất là nhà nước Việt Nam phải sẽ đối phó với các rào cản rất lớn về hội nhập kinh tế, đặc biệt trong thiết lập các giá trị thị trường của nền kinh tế, về đảm bảo quyền con người khi mà ngay cả người đứng đầu cũng bị cấm bàn về các yếu tố dân sự hay giám sát quyền lực nêu trên.

Hợp nhất hóa chỉ đem lại những lợi ích trước mắt về tinh gọn đảng, nhưng có vẻ tính di hại với dân tộc lớn hơn nhiều.

Cần tỉnh táo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét