Chiến dịch Danube trong hai ngày 20 và 21/08/1968 đã đưa trên 600 nghìn quân Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức, Hungary và Bulgaria tiến chiếm Tiệp Khắc.
Một tuần trước đó, vào ngày 13/08/1968, TBT Đảng Cộng sản Liên Xô, Leonid Brezhnev gọi điện thoại nói chuyện với Alexander Dubcek bằng tiếng Nga. Là người Slovakia, ông Dubcek được cha mẹ đưa sang Liên Xô sinh sống khi mới ba tuổi. Năm 1938 ông mới về Tiệp Khắc, gia nhập Đảng Cộng sản và phong trào kháng chiến chống phát-xít.
Đầu năm 1968, ông lên làm Bí thư thứ nhất Đảng CS Tiệp Khắc khi mới 47 tuổi.
Nói tiếng Nga như người Nga và luôn tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, Dubcek chỉ muốn chọn con đường cải cách riêng, phù hợp với văn hóa Tiệp Khắc.
Nhưng vài tháng thử nghiệm 'Chủ nghĩa Xã hội có bộ mặt người' (tự do báo chí, hội họp), của ông tại Tiệp Khắc gây lo ngại lớn cho Moscow.
Brezhnev yêu cầu Dubcek sa thải ngay các nhân vật cải cách trong Đảng Cộng sản và phục hồi kiểm duyệt báo chí.
Dubcek đề nghị có thêm thời gian để thực hiện một thỏa thuận đã hứa với Moscow và nói đến tháng 10 sẽ chấn chỉnh xong các vấn đề nội bộ.
Một đoạn trích cuộc điện đàm mà kênh Radio Praha hồi 2003 phát lại có ghi:
Dubcek: "Leonid Ilyich, vấn đề này không thể giải quyết bằng chỉ thị từ trên xuống...Chúng ta cần đợi để cả người Slovak và Czech đồng ý về một giải pháp khả thi. Vì thế điều mà Bộ Chính trị có thể làm được là chỉ thị cho chính phủ và các bộ trưởng chuẩn bị lập luận cho giải pháp cuối cùng và sau đó, muộn hơn mới thực hiện."
Brezhnev: "Muộn hơn là bao giờ?"
Dubcek: "Tháng 10, vào cuối tháng 10."
Brezhnev: "Sasha, tôi biết nói gì đây? Tôi thấy chẳng có gì khác ngoài sự lừa dối.Đây chỉ là thêm một bằng chứng anh đang lừa chúng tôi. Tôi không thể dùng từ khác được. Tôi nói thẳng cho anh biết nhé: nếu anh không giải quyết được vấn đề thì với tôi, Đảng của các anh không còn kiểm soát được tình hình nữa."
Lúc đó, 100 nghìn quân Khối Warsaw đã tập kết ở biên giới chờ lệnh Kremlin mà ông Dubcek không biết gì hết.
Ông phàn nàn và nói với Brezhnev mà ông coi như người anh cả, rằng nếu cần thì ông từ chức, "quay về nghề cũ".
Một tuần sau, Chiến dịch Danube bắt đầu.
Những gì diễn ra sau đó cho thấy một bức tranh rất đặc biệt.
Cuộc chiến không rõ kẻ thù
Chủ tịch CHXHCN Liên bang Tiệp Khắc Ludvik Svoboda ra lệnh cho toàn quân không chống cự và ở lại trong doanh trại.
Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Tiệp Khắc ra một thông cáo quan trọng trên đài phát thanh.
Họ lên án cuộc xâm lăng của Liên Xô và đồng minh, gọi đó là hành động "trái hoàn toàn với nguyên tắc quan hệ giữa các nước XHCN, và xâm phạm những yếu tố cơ bản nhất của quan hệ quốc tế".
Đảng Cộng sản Tiệp Khắc cũng kêu gọi mọi công dân "giữ bình tĩnh, không kháng cự quân đội nước ngoài, vì việc bảo vệ biên giới lãnh thổ đã không còn khả thi".
Trong khi đó, đài báo của Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức nói họ vào "trợ giúp ban lãnh đạo Đảng Cộng sản anh em Tiệp Khắc chống lại các phần tử phản động".
Báo Liên Xô có đăng một "giấy mời" không có chữ ký nói là của lãnh đạo Tiệp Khắc đề nghị Moscow vào cứu giúp.
Trong cả cuộc xâm lăng, chừng 135 người Czech và Slovak bị bắn chết, vài trăm người bị thương do đụng độ đường phố hoặc bị xe tăng, xe tải Liên Xô cán chết.
Quân Liên Xô và đồng minh không bắt được nhóm chống đối nào trong dân chúng cả vì thực tế không có tổ chức đối lập, phản loạn nào cả.
Những người bị bắt chính là Alexander Dubcek, thủ tướng Oldrich Cernik, chủ tịch Quốc hội Josef Smyrkovsky.
Họ bị đưa ngay về Moscow bằng máy bay và sự kiện đó không được thông báo cho người dân.
Nhưng các hành động phản kháng bất bạo động diễn ra trên cả nước.
Người dân các nơi xoay biển đường hoặc xóa tên phố để quân đội chiếm đóng lạc lối.
Tường nhà nơi quân Liên Xô đóng xuất hiện các câu như 'Lenin ơi dậy mà xem Brezhnev nó điên rồi này'.
Trong vùng rộng 28 nghìn km2 mà quân Ba Lan làm chủ, buổi đêm có các dòng chữ bằng tiếng Ba Lan trên bạt phủ pháo, trên xe tăng: "Các bạn Ba Lan đang chiếm đóng một nước XHCN".
Vài ngày sau, các hội đồng địa phương và chi bộ Đảng Cộng sản ở các cấp đồng loạt họp và ra các tuyên bố phản đối Khối Warsaw chiếm đóng.
Ngày 22/08, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc họp Đại hội lần thứ 14, phiên bất thường, không tại trụ sở chính mà ở một nhà máy thuộc Praha.
Dù lãnh tụ Alexander Dubcek đã bị Liên Xô bắt đưa đi, các đại biểu vẫn thông qua nghị quyết nói:
"Cộng hòa XHCN Liên bang Tiệp Khắc sẽ không chấp nhận bất cứ một chính quyền, một bộ máy hành chính chiếm đóng nào của quân đội nước ngoài."
Nghị quyết cũng đòi Liên Xô thả những người bị bắt, và yêu cầu để mọi cơ quan nhà nước hoạt động bình thường.
Đại hội Đảng nhấn mạnh:
"Tình trạng đất nước như xảy ra ngày 20/08 sẽ không thể tồn tại lâu dài."
Sang ngày 23/08, Tiệp Khắc tổng đình công.
Trong giới quân sự Khối Warsaw bắt đầu thấy sự bất tiện của chiến dịch quân sự không rõ ai là địch.
Ngày 24/08, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Tướng Wojciech Jaruzelski cảm ơn các chiến sỹ, sỹ quan Ba Lan "hoàn thành tốt nhiệm vụ trợ giúp quốc tế".
Đó là dấu hiệu Ba Lan muốn rút quân về, vì ngay trong nước, các cán bộ Đảng, giới trí thức và dư luận thấy xấu hổ vì đã giúp Liên Xô đánh một láng giềng nhỏ hơn.
Nhưng sang tháng 9 Ba Lan vẫn còn quân đóng ở Tiệp Khắc.
Ngày 7/09 một lính Ba Lan say rượu bắn bị thương hay đồng đội và làm chết hai thường dân Czech.
Quân đội Liên Xô cũng có chừng 100 lính thiệt mạng trong suốt thời gian ở Tiệp Khắc mà đa số vì tai nạn xe cộ, trực thăng rơi và bệnh tật.
Quân Hungary có ghi nhận trường hợp bộ đội tự tử.
Tuy thế, Liên Xô vẫn không rút quân về mà tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Đe dọa giải tán Tiệp Khắc
Vài ngày sau cuộc xâm lăng, Brezhnev mời Chủ tịch Svoboda sang Moscow thương nghị.
Phái đoàn Tiệp Khắc, nay gồm cả Alexander Dubcek bị Brezhnev ép phải ký một văn bản chấp nhận để nước họ hoàn toàn phục tùng Liên Xô.
Còn gọi là Moscow Protocol, văn bản này ghi bản chất của chế độ XHCN tại Tiệp Khắc phải là chủ nghĩa cộng sản.
Nhưng các sử liệu nay cho biết người Tiệp Khắc bị Brezhnev đe dọa sẽ xóa sổ nước họ, tách Slovakia (quê hương ông Dubcek) để nhập vào Liên Xô.
Hai vùng còn lại, Bohemia và Moravia sẽ chỉ còn quy chế tự trị do Liên Xô quản lý.
Để bảo toàn lãnh thổ, ban lãnh đạo Tiệp Khắc đã chấp nhận hoàn toàn.
Ngày 27/08/1968, Alexander Dubcek được cho về Praha để áp dụng các thỏa thuận với Moscow.
Đến tháng 4/1969, ông bị hạ bệ và thay bằng Gustav Husak, một người được Kremlin tin tưởng hơn.
Sau khi rời chức vụ cao nhất trong Đảng, ông vẫn làm chủ tịch nghị viện Liên bang, rồi bị giáng xuống làm đại sứ Tiệp Khắc ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1970, Dubcek bị khai trừ khỏi Đảng, và làm việc trong ngành lâm nghiệp tại Slovakia.
Khi xảy ra Cách mạng Nhung, ông ủng hộ Waclaw Havel và ra tranh cử, được bầu trở lại làm chủ tịch Quốc hội liên bang cuối cùng của Tiệp Khắc.
Ông qua đời năm 1992 và cho đến lúc chết vẫn ủng hộ sự thống nhất của Tiệp Khắc nhưng không thành.
Bước ngoặt 1968
Dư âm của vụ dập tắt Mùa Xuân Praha bằng xe tăng lan rộng ra bên ngoài nước Trung Âu nhỏ bé.
Ở Romania, Nicolae Ceaușescu không chỉ lên đài phê phán mạnh Liên Xô mà còn kêu gọi người dân Tiệp Khắc đấu tranh vũ trang để kháng cự Moscow.
Thủ tướng Trung Quốc, Chu Ân Lai phê phán Kremlin gay gắt và gợi ý người Tiệp mở cuộc chiến du kích chống lại quân đội chiếm đóng.
Albania rút luôn khỏi Khối Hiệp ước Warsaw vì coi nó chỉ là công cụ của Kremlin.
Sau năm 1968, quân Liên Xô vẫn ở lại vùng Đông của Tiệp Khắc cho đến hết Chiến tranh Lạnh và chiến dịch Danube khẳng định sự thắng lợi của đường lối Brezhnev.
Học thuyết 'Brezhnev Doctrine' nói Liên Xô có quyền can thiệp quân sự ở nước ngoài nếu cần để bảo vệ chế độ XHCN.
Về cơ bản, chiến dịch Danube giữ được các quốc gia vệ tinh của Liên Xô cùng một khối nhưng cũng nhưng phá tan phong trào cộng sản châu Âu.
Hừng hực không khí chống Mỹ và cuộc chiến của Tổng thống Johnson ở Việt Nam, trí thức Pháp, Đức, Anh sững người thấy Liên Xô vung roi sắt đánh Tiệp Khắc.
Tiêu biểu nhất là Jean-Paul Sartre, trí thức thiên tả hàng đầu của Pháp, người đã thất vọng với Liên Xô năm 1956 sau vụ đàn áp khởi nghĩa Budapest.
Nhưng Mùa Xuân Praha khiến Sartre hoàn toàn đoạn tuyệt với đường lối Leninist-Marxist của Moscow và dành trí tuệ của mình cho "giới trẻ cách mạng ở Pháp".
Các đảng cộng sản Pháp, Ý, Phần Lan, Tây Ban Nha, Hy Lạp hoặc phản đối Liên Xô hoặc bị chia rẽ nghiêm trọng.
Những nhân vật trẻ xoay sang ủng hộ mô hình 'Cộng sản châu Âu' (Eurocommunism), nói rằng cần đi lên CNXH 'trong hòa bình, đa nguyên'.
Đây là sự bác bỏ chủ thuyết của Lenin để trở về gần với gốc châu Âu ban đầu của phong trào XHCN theo Quốc tế II là đấu tranh nghị trường.
Chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Moscow ở châu Âu như thế đã bị chính Brezhnev phá tan, nhiều thập niên trước khi Liên Xô tan rã.
Tác động sang cả châu Á
Nhưng tác động của chiến dịch Danube ở châu Á cũng sâu rộng không kém.
Hà Nội giữ quan điểm ủng hộ chiến dịch của Liên Xô chống "bọn phản cách mạng".
Nhưng Trung Quốc thực sự lo sợ Liên Xô dùng Học thuyết Brezhnev để xâm lăng nước họ.
Hàng trăm nghìn quân Liên Xô đã sẵn sàng ở biên giới với Trung Quốc và đài báo Liên Xô công khai nói Trung Quốc phản bội 'chủ nghĩa xã hội thực thụ'.
Mùa Xuân Praha xảy ra vào lúc Trung Quốc bước vào Cách mạng Văn hóa Vô sản được hơn 2 năm và mâu thuẫn Trung - Xô lên cao.
Một số sử gia nay cho rằng nỗi lo sợ bị Moscow đánh đã tạo khiến Mao tăng cường quân bị và thanh trừng nhiều nhân vật cao cấp trong Trung ương Đảng.
Trung ương Đảng khóa 9 của Trung Quốc chỉ bầu chọn lại 1/3 ủy viên trung ương khoá cũ.
Hơn 2/3 ủy viên trung ương mới năm 1969 là tướng tá.
Cuộc thanh trừng Lâm Bưu và Lưu Thiếu Kỳ cũng được cho là để đảm bảo an toàn nội bộ, không ai có thể "mời Liên Xô" vào can thiệp.
Có ý kiến nói vụ Praha 1968 đã khiến Đặng Tiểu Bình dám đem quân đánh Việt Nam, trên lý thuyết để trừng phạt Hà Nội đi theo đường lối "sai trái" về CHXH.
Leonid Brezhnev qua đời năm 1982 nhưng phải đến năm 1988, Mikhail Gorbachev mới tuyên bố từ bỏ học thuyết ngoại giao - quân sự này.
Vào lúc đó, cuộc chiến Afghanistan đã gây thiệt hại lớn cho Liên Xô.
Việc hỗ trợ Cuba can thiệp vào châu Phi, và cuộc chiến của Việt Nam ở Campuchia cũng góp phần làm ngân sách Kremlin kiệt quệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét