BBC Culture
Cảnh vật ảm đạm trải dài khắp nơi, rồi bị chặn lại bởi các khối đá sa thạch. Kẻ lữ khách cô đơn lang thang nơi miền đất khô cằn, tìm chốn trú chân. Và rồi từ xa phía chân trời, những bức tường đổ nát xuất hiện.
Trong ảo ảnh do làn hơi khô nóng gây ra, những bức tường dường như bay là là trên mặt đất. Khi kẻ lữ khách đến gần hơn, ký ức về nơi này ùa về.
Những căn lều, cột lều hư hại, những bếp lửa bỏ hoang, những dấu hiệu cho thấy nơi đây từng là một điểm cắm trại nhưng đã bị bỏ không từ lâu: đây là nơi mà người đó đã gặp tình yêu đời mình, nhưng nay mất đi mãi mãi.
Lang thang trong đống đổ nát, kẻ lữ khách như thấy hươu, dê chạy ngang nơi mình từng cùng người yêu cất bước.
Ông nhìn thấy những thân cây trong sa mạc mọc xuyên qua căn lều nơi họ từng nằm bên nhau.
Và khi những ký ức đang tràn về thì ở nơi đường chân trời, sấm chớp đùng đoàng, rồi cơn mưa cuối cùng cũng trút hạt xuống đất.
Đây là một cảnh nổi tiếng. Trong hàng thế kỷ, nó xuất hiện rồi tái xuất hiện trong thơ ca Ả-rập, trở thành một trong những dòng thơ nguyên sơ của thời tiền Hồi giáo và trong những ngày đầu Hồi giáo mới ra đời.
Vị vua lãng du
Nó được gọi là wuquf 'ala al-atlal, có nghĩa là 'dừng chân nơi chốn điêu tàn', và ngày nay, nó đã tìm thấy đời sống mới trong tác phẩm của một thế hệ các nghệ sĩ muốn viết về những mất mát do chiến tranh và bạo lực khắp nơi ở Trung Đông.
Motif atlal ("điêu tàn") có nguồn gốc từ thời tiền Hồi giáo, từ trong số những người được gọi là các nhà thơ Jahō ('thuyết bất khả tri' hoặc tiền Hồi giáo).
Người ta cho rằng người khởi đầu ra nó là nhà vua, nhà thơ sống hồi Thế kỷ thứ 6, vua Imru 'al-Qais.
Al-Qais là vị vua cuối cùng của vương quốc Kindah và thường được tụng là cha đẻ của nền thi ca Ả-rập.
Ông đã dành phần lớn cuộc đời sống ở ngoài vương quốc của mình do quá đam mê thi ca. Ông đã lang thang trên khắp các vùng đất Ả-rập và làm thơ.
Truyền thuyết kể rằng một trong những bài thơ của ông sau này được viết bằng vàng và được đưa vào Mu'allaqat (Những bài thơ treo), tức là bảy bài thơ dài được cho treo lên tại Kaaba ở Mecca, ngôi đền thiêng liêng nhất của Hồi giáo.
Trong bài thơ được đưa vào Mu'allaqat, al-Qais mô tả một nhân vật dừng lại một thời gian tại những phế tích của một khu cắm trại và nhớ tới người yêu trong đống đổ nát. Ông mở đầu với việc mô tả nơi điêu tàn, đổ nát và bị thiên nhiên chiếm đoạt, diễn giải nội dung như sau:
Những dấu vết nơi nàng hạ trại đến tận bây giờ vẫn chưa hoàn toàn bị xóa hết.
…
Những mảnh sân trước và các gian của ngôi nhà cũ đã trở nên điêu tàn;
Lũ hươu hoang xả phân dày khắp như những lớp hạt tiêu.
(Bài Mu'allaqah của Imru al-Qais)
Từ wuquf có ý nghĩa kép, vừa là 'đứng', vừa là 'dừng lại', vì vậy phần này của bài thơ thường tạo thành một khoảnh khắc của sự tĩnh lặng và tịnh tâm, vượt ra bên ngoài thời gian.
Quang cảnh thể hiện sự mất mát và nỗi khao khát, tràn ngập ký ức. Sau khi hồi tưởng về người thương, nhân vật trong thơ al-Qais được một tia chớp đưa trở về với thực tại:
Nhưng bạn của tôi ơi, khi ta đứng nơi đây để than khóc, bạn có thấy tia chớp đó không?
Ánh sáng lấp lánh của nó, giống như tia sáng loá lên từ hai bàn tay vung ra, giữa những đám mây dày đặc.
Một bậc thầy thi ca khác là Tarafa cũng có tác phẩm được đưa vào bộ sưu tập Mu'allaqat.
Bắt chước al-Qais, bài thơ của Tarafa mở đầu với hình ảnh điêu tàn ẩn hiện nơi chân trời:
Các tàn tích mà Khawla đã bỏ đi
trên vùng đất Thimhad loang lổ
xuất hiện và mờ dần, giống như dấu vết của hình xăm
trên mu bàn tay.
(Bài Mu'allaqah của Tarafa)
'Sự xuất hiện' của những khu phế tích mang ý nghĩa giống như một sự ẩn hiện mơ hồ: mơ mộng và kỳ lạ, vương tít nơi chân trời.
Khi ông tới được đống đổ nát của nơi nền trại cũ, nhà thơ nhớ lại một tình yêu đã mất. Ông thấy dấu ấn của nàng ở khắp mọi nơi trong đống hoang tàn, ngay cả trong bụi đất:
Khi tôi quất cây roi cũ sờn
nàng lao về phía trước,
âm thầm phẫn hận
trên nền đất đá ảm đạm.
Những dấu vết còn lại nhắc nhở Tarafa về sự tàn nhẫn của số phận và thời gian. Chúng cho ta thấy sự bất công trong cuộc đời, và sự mất mát không tránh khỏi:
Bạn thấy hai nấm đất
với những phiến đá lặng câm
cứng, điếc
cắm trên.
Tôi thấy tử thần chọn
người hào phóng và người cao thượng,
lấy đi phần tốt đẹp nhất
từ chiến lợi phẩm của kẻ keo kiệt, nhẫn tâm.
Sang đến Kỷ nguyên Vàng Hồi giáo, thời kỳ Abbasid, thì dòng thơ với cảm xúc dâng trào về những khu phế tích vốn được thể hiện qua các tác phẩm của Tarafa, al-Qais và các nhà thơ tiền Hồi giáo khác, bắt đầu bị chế giễu.
Nhà thơ Abu Nuwas (762 - 813 CE), nổi tiếng vì thói rượu chè và những mối quan hệ tình ái với cả đàn ông và phụ nữ, người được mệnh danh là "gã trai tồi của thơ ca thời Abbasid", trong một bài thơ của mình đã công khai chế giễu motif atlal, với nội dung được diễn giải như sau:
Kẻ bất hạnh tạm dừng để suy tư về bãi cắm trại bỏ hoang,
Còn tôi thì dừng chân hỏi tìm lữ quán trong phố.
Xin Thượng Đế đừng bao giờ làm khô lệ của những người gục đầu than van trên đá,
Đừng làm dịu đi nỗi nhớ điên dại của những kẻ khóc trên những cọc dựng lều.
(Abu Nuwas, Kẻ bất hạnh tạm dừng)
Bất chấp sự nhạo báng này, dòng thơ atlal vẫn tồn tại vượt thời gian, và ngày nay ở Trung Đông, một thế hệ nghệ sĩ mới đang trở lại với phong cách thơ cổ này.
Họ dùng nó để phản ánh những mất mát, hủy diệt ở những nơi phải trải qua chiến tranh trong những năm gần đây, nhất là Iraq và Palestine.
Làm sống lại thơ cũ
Nhà thơ nổi tiếng Palestine Mahmoud Darwish là một trong những người kế thừa quan trọng nhất của dòng thơ atlal.
Bài thơ "Đứng trước khu phế tích Al-Birweh" là một ví dụ: nó kể việc ông trở về nơi mình đã chào đời, ngôi làng đổ nát al-Birweh.
Năm 1948, khi Darwish lên 7, các lực lượng Israel đã tới chiếm đóng làng và đuổi dân Palestine đi, khiến nơi này chỉ còn lại là những đống đổ nát.
Những dòng thơ của Darwish bắt chước các bài Mu'allaqat của Tarafa và al-Qais, và thậm chí nó nhắc cả đến những nhà thơ cổ Jahili:
Hãy dừng lại để tôi nghĩ tới nơi này
và sự trống rỗng của nó với những vần thơ ca tụng Jahili
những chú ngựa khởi hành
Với mỗi vần thơ, ta sẽ dựng một căn lều
Với mỗi ngôi nhà bị gió bão,
có một vần điệu.
Trong đống đổ nát, những kỷ niệm về thời thơ ấu của Darwish trỗi dậy, giống như những nhà thơ thời xưa đã nhìn thấy những kỷ niệm về những mối tình đã mất.
Dòng thơ cổ ở đây trở thành một cách trung gian kết nối giữa sự mất mát một gia đình với sự phi lý của chiến tranh.
Chốn phế tích của thời tiền văn minh trên khắp Trung Đông được thể hiện nổi bật không chỉ trong thơ ca Ả-rập mà còn cả trong phim ảnh vùng này, chẳng hạn như phim Con trai Babylon (Credit: Alamy)
Tiểu thuyết gia người Iraq Sinan Antoon, người đã dịch bài thơ Al-Birweh của mình, nói say sưa về việc Darwish sử dụng các motif đổ nát trong thơ.
Darwish là "một người nhớ về một quá khứ không bao giờ có cơ hội sống, nhưng lại tồn tại dưới dạng vết tích. Đó là vết tích trong thi ca Ả-rập cổ điển, atlal", Antoon nói.
"Những tàn tích này, hoặc atlal," Antoon nói, "đại diện cho sự hiện diện trước kia... và là những lời nhắc nhở về sự hủy diệt và đời sống lưu vong kéo dài."
Những đống đổ nát thời hiện đại
Trong tiểu thuyết riêng của Antoon, ngữ nghĩa atlal được dùng trở đi trở lại để nói về tình trạng bạo lực nổ ra ở Iraq và ở thành phố Baghdad quê hương ông.
Chẳng hạn như trong cuốn tiểu thuyết Người tắm rửa cho thi hài (The Corpse Washer), nhân vật của Antoon lang thang qua đống đổ nát của Thư viện Quốc gia Baghdad, nơi bị phá hủy trong cuộc xâm lược năm 2003, và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, nơi cất giữ cả một thế kỷ các sản phẩm phim Ả-rập nhưng bị một trái bom Mỹ hủy hoại.
Trong tiểu thuyết của Antoon, những đống đổ nát của Baghdad là những con người và những mảnh cơ thể: đó là người "bị moi ruột", là "bộ xương", hay "giống như xác chết".
Cơ thể và linh hồn của người dân thì cũng giống như những đống đổ nát: "Tôi cảm thấy đống đổ nát mà tôi đang mang trong lòng còn chất cao hơn thế".
Ngay cả ngôn ngữ cũng trở thành một sự hoang tàn trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Antoon, I'Jaam, với các chữ cái tiếng Ả-rập bắt đầu tan rã và ý nghĩa của lời văn trở nên không rõ, mơ hồ.
Có một điều dễ nhận thấy là trường phái này đã tiến vào các rạp phim.
Hồi năm 2010, bộ phim Iraq được trao giải thưởng, Đứa con Babylon (Son of Babylon) của đạo diễn Mohamed al-Daradji, đã sử dụng di sản văn hóa độc đáo của Iraq, và thể hiện cảnh các nhân vật đi lang thang bên trong và bên ngoài khu đổ nát của cả thời hiện đại và thời cổ đại.
Bộ phim kể về câu chuyện của một cậu bé người Kurd tên là Ahmed, người đã cùng bà ngoại đi tìm kiếm người cha bị cầm tù sau cuộc xâm lược 2003 của Hoa Kỳ.
Họ vượt qua những đống đổ nát ở các thành phố cổ của Iraq như Ur, Nimrud và Bablyon, là một số nơi có con người tới định cư sớm nhất trong lịch sử nhân loại, và đi qua một số các khu đổ nát mới có trong thời hiện đại của Baghdad và Nasiriyah, nơi các đồn cảnh sát bị cướp phá và các nhà tù giam giữ tù chính trị đã bị phá hủy.
Thay vì nhìn thấy những kỷ niệm được lưu giữ trong đống đổ nát, nhân vật của al-Daradji chỉ tìm thấy sự trống không, trống rỗng, qua đó cho thấy sự vô nghĩa và những mất mát do chiến tranh.
Al-Daradji sử dụng những đống đổ nát do hậu quả chiến tranh và xung đột dân sự để đưa phong cách atlal vào trong một bối cảnh mới. Tuy nhiên, thay vì biểu thị một nỗi nhớ cụ thể thì các khu hoang tàn được đặt ra để tưởng nhớ tới sự mất mát của cả một thế hệ, và để nói về sự mất mát không được cứu chuộc.
Từ những ngày đầu tiên của các nhà thơ Bedouin đến các chiến trường nơi đô thị của các cuộc chiến tranh hiện đại, phong cách mô tả về khu đổ nát - kẻ lang thang đã tiến hoá, phát triển.
Trong các thế hệ bạo lực đã tàn phá môi trường đô thị của những nơi như Palestine, Iraq và Liban, thì phong cách atlal đã lại trở nên liên quan, và một thế hệ nghệ sĩ mới đã tìm ra một cách mới để khiến những tàn tích của quá khứ lên tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét