Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

6404 - Đường vào Harvard



Tượng người sáng lập đại học Harvard, John Harvard, trong khuôn viên trường. (Hình: Jessica Williams)


Harvard được thành lập năm 1636, là trường đại học cổ nhất Hoa Kỳ. Harvard là tên của vị giáo sĩ có công thành lập trường. Danh tiếng Harvard lừng lẫy khắp nơi. Giới khoa bảng Harvard thống lãnh nhiều lãnh vực trong xã hội Hoa Kỳ và thế giới. Do vậy, con cháu mình được học Harvard là niềm mơ ước của nhiều phụ huynh.
"Xin cho con cháu tôi được học trường của ông nhé," ông Tâm Nguyễn, cư dân California, thầm xin khi đứng trước bức tượng đồng John Harvard trong sân trường tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts.
"Muốn vào trường Harvard, bạn phải chứng minh mình là người đặc biệt," Bác sĩ Mai Khanh Trần, cựu sinh viên khoá 83-87, kể lại kinh nghiệm khi phỏng vấn vào trường.
"Bất chấp trời mưa, tôi dậy từ 5 giờ sáng, đi nhiều chuyến xe bus để đến buổi phỏng vấn này, " Bác sĩ Mai Khanh tự tin khi trả lời câu hỏi tại sao Harvard lại nhận bạn vào trường. "Và bất chấp khó khăn của người tị nạn, tôi vẫn đi làm, học, và là lãnh đạo của nhiều hội trong trường trung học."



Bác sĩ Mai Khanh Trần và con gái. Ảnh Mai Khanh Tran
Bác sĩ Mai Khanh Trần và con gái. Ảnh Mai Khanh Tran
Trường hợp của Nguyễn còn đặc biệt hơn. Vượt biên qua Mỹ năm 1980. Sau ba năm, xin nhập học vào Harvard. Lúc phỏng vấn, xin nói tiếng Pháp vì… chưa rành tiếng Mỹ.

"Trường nên nhận tôi vì mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng theo Hiến Pháp", bà Nguyễn trả lời trong lúc phỏng vấn. Bà nhấn mạnh dù khó khăn về ngôn ngữ, bà vẫn chứng minh được mình là học sinh xuất sắc toàn diện.
Vượt qua ải phỏng vấn, sinh viên Harvard phải nỗ lực hết mình để đáp ứng đòi hỏi cao của các giáo sư uyên thâm về kiến thức.
"Trường Harvard đòi hỏi sinh viên phải làm nghiên cứu về đề tài nào đó trước khi tốt nghiệp đại học hệ 4 năm," Bác sĩ Mai Khanh nói về điểm đặt biệt của Harvard.
Muốn làm tốt việc nghiên cứu, ngay từ năm đầu đại học, sinh viên phải đọc nhiều sách, các tài liệu nghiên cứu, và tham gia các hội thảo khoa học. Chính vì vậy, hàng năm, Harvard tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, các buổi trình chiếu phim, ca, nhạc, kịch nhằm giúp sinh viên có cơ hội lãnh hội kiến thức sâu rộng.
"Chúng ta hãy cùng khảo luận về Đông Y," Bác sĩ David Eisenberd, người từng du học về Đông Y tại Trung Hoa, nói trong giảng đường Y Khoa Harvard. Giảng đường hình bán nguyệt, kiến trúc nội thất theo kiểu nhà hát Opera. Đứng ở vị trí trung tâm, dưới ánh đèn trần, Eisenberd, sáng rực như minh tinh Hollywood trong giải Oscar, say sưa thuyết giảng. Sinh viên chăm chú lắng nghe từng lời của vị giáo sư.
Sau phần thuyết giảng, sinh viên nghĩ giải lao tại sảnh lớn, được trang trí đẹp như vườn ngự uyển.
"Tôi phải đọc hơn 100 trang tài liệu nghiên cứu Y khoa dịp nghỉ cuối tuần," một sinh viên Y khoa năm thứ nhất tâm sự.
"Trời, sao nhiều thế," Wendy Chế, sinh viên trường Massachusetts College of Pharmacy, ngạc nhiên nói. Đọc hiểu nghiên cứu khoa học khó vô cùng. Phải đọc nhiều lần trong cả tuần, cô Wendy mới hiểu nổi một bài nghiên cứu dài 20 trang.
"Mỗi mùa, tôi phải mua cả xe sách," ông Nam Phạm, Thứ Trưởng Bộ Thương Mại Tiểu Bang Massachusetts, kể lại thời đi học." Mỗi lớp phải đọc trung bình 6 cuốn sách cùng giáo khoa và các tài liệu của giáo sư". Đọc sách nhiều để có kiến thức vun đầy cũng là đòi hỏi của nhà trường.

Ông Nam Phạm, Thứ Trưởng Bộ Thương Mại Tiểu Bang Massachusetts, cựu sinh viên Harvard.
Ông Nam Phạm, Thứ Trưởng Bộ Thương Mại Tiểu Bang Massachusetts, cựu sinh viên Harvard.
"Học từ Harvard, tôi có thói quen đặt vấn đề, chất vấn, suy nghĩ thấu đáo cho công việc cần làm," ông Nam Phạm nói. Nhà trường luôn khuyến khích sinh viên chất vấn giáo sư.

"Hình ảnh cánh diều cuối phim có ẩn ý gì?", một sinh viên hỏi Đạo Diễn Hàm Trần trong buổi chiếu phim Vượt Sóng tại Harvard. Trong phòng chiếu hiện đại, không khí sôi động, sinh viên liên tục hỏi về cuộc chiến Việt Nam, trại cải tạo, thuyền nhân...
Sau buổi chiếu phim, sinh viên ra sảnh lớn, lộng lẫy như khách sạn 5 sao, ngồi thành từng nhóm đàm luận về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
"Chúng tôi học hỏi được rất nhiều lẫn nhau qua họp nhóm," Bác Sĩ Mai Khanh kể. Harvard luôn khuyến khích sinh viên họp nhóm và gửi người đến để hướng dẫn sinh viên bàn luận nhóm ngay năm thứ nhất.
"Khi thảo luận, chúng tôi ít nhất cũng tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề," ông Nam Phạm nhấn mạnh."Trong nhiều lớp, đề tài của nhóm sẽ chiếm một phần ba tổng số điểm.
"Qua các buổi đàm luận, chúng tôi gắn bó thân tình với nhau hơn," Bác sĩ Mai Khanh nhận định. Tình cảm gắn bó giữa các môn sinh là điểm đặc biệt của Harvard.
"Đi bất kỳ nơi đâu, chỉ cần tìm cựu sinh viên Harvard là bạn được sự giúp đỡ tận tình," ông Nam Phạm kể. Thành truyền thống, các cựu sinh viên Harvard luôn nâng đỡ nhau cùng tiến.
Các thế hệ Harvard đã gặt hái được nhiều thành công. Tính đến nay, có bảy Tổng thống Mỹ, 62 tỷ phú, 157 người đoạt giải Nobel xuất thân từ Harvard. Cố Tổng Thống John Kennedy, tỷ phú Bill Gates, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đều từng ngồi ở Harvard (nhưng cũng phải nhắc là Mark và Bill đều … bỏ học ngang để theo đuổi con đường sáng tạo và kinh doanh riêng của mình). Giáo sư Đinh Việt, cựu Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, tốt nghiệp Harvard năm 1993.
Khi đến Boston, du khách thường đến thăm Harvard. Trong khuôn viên trường gạch đỏ cổ kính, du khách thường đặt tay lên giày của bức tượng John Harvard. Có lẽ, nhiều người trong hàng triệu du khách thắc mắc đâu là bí quyết thành công của trường.
Bí quyết nằm ngay trong biểu tượng của Harvard,"Veritas" hay "Sự thật". Theo Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo,"Sự thật giải phóng anh em". Đi tìm sự thật chính là cách mở ra chân trời mới cho xã hội loài người. Con đường đi tìm sự thật luôn luôn nhiều thử thách, lắm gian nguy.
"Không sợ thất bại, sẵn sàng chấp nhập hiểm nguy, kiên trì tìm điều mới là tinh thần Harvard," ông Nam Phạm đúc kết.
"Khi phỏng vấn, tôi thường xoáy vào điểm yếu của thí sinh," Bác sĩ Mai Khanh, giám khảo tuyển sinh Harvard, tâm sự." Điều tôi tìm là các em làm gì sau thất bại". Nếu thí sinh nào chứng minh được mình vực dậy sau thật bại là Bác sĩ Mai Khanh sẽ chấm đậu ngay.
Với ngân quỹ hàng trăm tỷ dollar, Harvard có thể xây những giảng đường tân kỳ, phòng thí nghiệm tối tân, hay mời các giáo sư thượng hạng để giúp sinh viên trải nghiệm những tư tưởng và lãnh hội kiến thức mới. Nhưng để thành đạt, vấn đề cốt yếu là nỗ lực bền bỉ học hỏi của bản thân mỗi sinh viên với tinh thần không sợ thất bại bởi "Thất bại là mẹ thành công".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét