Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN.
Cái chết đầy bất thường của ông cố Chủ tịch Quang đã để lại một khoảng trống quyền lực đáng kể nơi chính trường Việt Nam. Mọi việc có vẻ như “quá nhanh, quá nguy hiểm” khi những âm mưu thoán đoạt, thủ tiêu ngày càng lộ liễu khiến cho “nghề” làm chính trị ở Việt Nam có lẽ đã trở thành nghề nguy hiểm không kém phần các vai cascadeur đóng thế trong những bộ phim hành động, xã hội đen nghẹt thở với những âm mưu tàn độc.
Chỉ mới cách vài ngày trước đó, ông Quang dù phong độ đã sa sút hơn nhiều so với cuối năm 2017 khi ông còn đóng vai trò nguyên thủ nước chủ nhà của APEC 2017, dù vậy vẫn rất minh mẫn điều hành các phiên họp, tiếp khách và đi lại với lịch trình dày đặc. Đột nhiên, hai hôm sau báo chí loan tin là “đã từ trần” vì “mắc bệnh hiểm nghèo, vi rút lạ, ung thư máu… sau một thời gian hết lòng cứu chữa nhưng không qua khỏi”.
Chuyện cứ như cá tháng 4. Vậy mà, ông Quang chết thật. Đám ma to linh đình, quốc tang mấy ngày, lăng tẩm hoành tráng. Người ta cứ bàn tán về chuyện ông Quang thật, ông Quang giả. Nhưng đến hôm nay thì rõ là cả thật hay giả cũng đều chết cả rồi. Bàn làm chi cho mệt?
Có mệt là mệt chuyện sau khi ông Quang chết, cuộc chiến ở Ba Đình bây giờ bất cân xứng, nó làm cho cuộc chiến ngôi vị dễ trở thành cuộc tàn sát phe cánh của ông Quang còn lại, cuộc thâu tóm quyền lực vào tay “người đốt lò vĩ đại” trở lên dễ dàng hơn. Tứ trụ giờ còn lại ba. Thế và lực ở vị trí Chủ tịch nước sau cái chết của ông Quang thực sự là điều đáng ngại. Không mấy người còn mong muốn cái ghế nguy hiểm ấy nữa, mà nếu có ngồi vào, ắt cũng chỉ còn là “bù nhìn canh dưa”.
Một sự chuyển đổi về mô hình quyền lực lớn nhất kể từ trước đến nay của nhà nước cộng sản Việt Nam theo mô hình… Trung Quốc, có lẽ sớm xảy ra vào tháng 10 tới đây: Mô hình quyền lực Tam đầu chế.
Một luồng “dư luận” theo kiểu “ý Đảng” được khởi xướng mới đây, cho rằng mô hình nhất thể hóa vị trí Tổng bí thư đảng CSVN và chủ tịch nước, với quyền lực tập trung, nắm quân đội và ngoại giao, đóng vai trò nguyên thủ là hợp lý. Thủ tướng sẽ mang vai trò thiết lập các nền tảng quản trị quốc gia theo luật pháp và Chủ tịch quốc hội vẫn giữ vai trò lập pháp. Sự phân công này giảm bớt đi bộ máy tổ chức và phân chia rõ ràng trách nhiệm hơn.
Nghe thì có vẻ hợp lý. Thậm chí còn có tính “khách quan, khoa học” nhưng cái bản chất của nó thì là tập quyền cao hơn cho vị trí Tổng bí thư vốn đã quá tập quyền bởi “Đảng lãnh đạo toàn diện” và nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” cực kỳ phản động. Nguyên tắc này xóa bỏ mọi nỗ lực phân quyền dù bất cứ ở mô hình và mô thức quyền lực nào. Cho nên, việc hình thành mô hình Tam đầu chế, với bản chất thể chế cũ, chỉ tăng tính tập quyền và độc quyền cao hơn.
Ông Trọng, sẽ trở thành “bán Tổng thống” với vai trò quyền lực bao trùm. Và với chiều hướng lãnh đạo rất “kiên định và nhất quán” của ông ta, việc “hội nhập toàn diện với Trung Quốc” sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây khi còn ông Quang giữ vai trò chủ tịch nước.
Trước nay, tứ trụ triều đình là Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội. Song vai trò của chủ tịch nước vốn bị coi nhẹ mang tính hình thức, khánh tiết, nghi lễ quốc gia. Quyền lực của 4 vị trí tứ trụ này thực ra không cố định mà luôn luôn thay đổi, dịch chuyển qua các thời kỳ tùy theo “năng lực và ảnh hưởng” của các cá nhân trong 4 vị trí tứ trụ. Nhưng những vấn đề trọng yếu thì vẫn phải thông qua Bộ chính trị và đặc biệt là Tứ trụ có vai trò nổi trội hơn các vị trí khác trong Bộ chính trị.
Thời ông Quang nắm chiếc ghế chủ tịch nước, tuy là vị trí thứ yếu so với ghế tổng bí thư và thủ tướng nhưng với xuất thân là bộ trưởng bộ công an và khả năng quyền biến của mình, quyền lực của vị trí chủ tịch nước tăng lên đáng kể. So với ba người còn lại trong vị trí tứ trụ, xét về phong thái, tướng tá và phát ngôn, ông Quang gây nhiều thiện cảm và ấn tượng tốt hơn cả.
Mặc dù, “di sản” về đàn áp nhân quyền, bắt bớ, đàn áp người dân và cướp bóc đất đai, tài nguyên của Bộ công an trong thời ông làm bộ trưởng và chủ tịch nước thực sự không thể tồi tệ hơn, nhưng với vai trò nguyên thủ, khi đi ngoại giao ông cũng không đến nỗi làm cho dân Việt thấy nhục. Nhưng đó là lúc trước, bây giờ, cuộc phân tranh đã hạ hồi. Quyền lực của Bộ công an thời gian qua đã tơi tả như cái mền rách bởi quá nhiều scandal, từ tham nhũng, lạm quyền, đánh bạc, gái gú…
Hẳn nhiên có liên quan mật thiết đến việc ông Trọng đã ngồi vào chiếc ghế Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương từ hơn năm trước để nắm lấy “sân nhà” của ông Quang. Việc ông Quang chết hay sống, thực ra, cũng không còn quan trọng kể từ khi Bộ công an đã bị ông Trọng nắm quyền kiểm soát và dễ dàng “bóc phốt” ông Quang.
Mấy hôm quốc tang, người ta bỗng thấy xuất hiện vai trò của bà Quyền Chủ tịch nước mới toe Đặng Thị Ngọc Thịnh. Một bài ai điếu lâm ly kiểu cải lương “anh đã đi thật rồi sao?” với những lời văn ngô nghê, lộn xộn làm cho nhiều người có tri thức và tự trọng thấy xây xẩm mặt mày. Có lẽ chưa bao giờ, đất nước này lại có một đội ngũ lãnh đạo quốc gia phẩm cấp tồi tệ đến như thế.
Với sự thể hiện yếu kém này và cái chân ủy viên trung ương yếu ớt không thể đảm bảo cho bà Thịnh có thể đi xa hơn cuộc họp quốc hội vào tháng 10 tới đây. Và cũng chắc chắn một điều không ai có đủ can đảm ngồi vào cái ghế đầy tang tóc Chủ tịch nước ngoại trừ “người đốt lò vĩ đại”. Mô hình quyền lực Tam đầu chế với vị trí trung tâm và tối cao Tổng bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước như ở Trung Quốc sẽ do ông Trọng nắm giữ. Nhưng điều đó không hứa hẹn tương lai gì tốt đẹp mà ngược lại sẽ làm cho “con thuyền không bến Việt Nam” lao nhanh hơn về nơi vực thẳm vì sự lựa chọn phụ thuộc và gắn kết với người bạn vàng 4 tốt.
Một bầu không khí đen tối, hôn ám đang phủ bóng trên đất nước này.
30/9/2018
Tân Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét