Ánh Liên (VNTB)
Vào ngày 19.11, một cựu TNLT, một cộng sự của LS Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà đã tự ý trở về Việt Nam, sau hơn 5 tháng được chính phủ Đức nhận sang Đức.
Tại Đức, cô mặc dù được chính phủ Đức cấp giấy thông hành, giấy phép cư trú và giấy phép lao động nhưng Hà... không nhận. Sự kiện này được đánh giá là lần đầu tiên một cựu TNLT quay trở lại Việt Nam sau khi bị trục xuất. Nhiều ý kiến, quan điểm phê phán cô Lê Thu Hà là ‘cạn nghĩ’, thể hiện tính yếu đuối và có những hành vi không lường trước hậu quả,… Tuy nhiên, một số quan điểm khác cho rằng, sự kiện nêu trên là hệ quả của một thời kỳ bị ‘hỏi cung’ đến mức trầm cảm.
Trở lại vấn đề, sự đường đột tìm về quê hương của cô Lê Thu Hà cũng chỉ là cảm xúc của một người con gái, khi quê nhà của cô có bè bạn, cha mẹ và người thân. Thực ra, không ai muốn rời quê hương để định cư xứ người, và đối với những người TNLT, họ càng không hề mong muốn ra đi, bởi ra đi, là sự lựa chọn bắt buộc, đồng nghĩa với việc sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở lại Việt Nam – một khi chế độ CHXHCN còn tồn tại. Nói một cách khác, sự kiện cô Lê Thu Hà đã gián tiếp bẻ gãy luận điểm bấy lâu nay của những người ‘yêu đảng, yêu chế độ’: bọn phản động đấu tranh chỉ vì cái thẻ xanh.
Ảnh minh họa. |
Cái ý nghĩ đớn hèn, ti tiện nêu trên là một trong nhiều luận điểm vừa thiếu tình, vừa thiếu lý nhằm hạ nhục danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ hình ảnh của những người đấu tranh dân chủ - nhân quyền, những người mà họ cho rằng, đó là ‘tay sai thế lực ngoại bang để bán rẻ quốc gia’.
Một người TNLT có thể đứng trước tòa để thể hiện ý chí không đồng thuận với ý chí của chế độ, nhưng tuyệt đối, trong suốt chiều dài xử hàng trăm người bất đồng chính kiến của Tòa án nhân dân tại Việt Nam, không ai trong số đó phản bội quê hương. Họ không phản bội quê hương, không phản bội đất nước, họ chỉ không thích cái chế độ được đặt trên đất nước của chính mình.
Nếu xét về ý chí muốn bám trụ quê hương, thì cô Lê Thu Hà không phải là người đầu tiên, gần nhất đây là GS Phạm Minh Hoàng – người đã bị ‘cưỡng bức’ để buộc trở về Pháp (ông là người có 2 quốc tịch). Và khi đáp xuống sân bay Charles de Gaulle (Pháp), GS Phạm Minh Hoàng nói rằng ông ‘buồn nhưng chấp nhận sự thật vì không còn chọn lựa nào khác.’
Sự ra đi của dòng người bất đồng chính kiến đơn giản vì không còn lựa chọn nào khác, quê hương vẫn là mảnh đất số 1 trong con người họ. Bị buộc ly hương là một quyết định không hề dễ dàng, như cách đây hơn 4 thập niên về trước, hàng triệu người lênh đênh trên biển để ly hương vậy.
Việt Nam dưới thời CHXHCN, có số lượng người ly hương kỷ lục, trong đó có ba dòng chảy chính: ly hương vì kết thúc cuộc chiến; ly hương vì bất đồng chính kiến; và ly hương vì tìm kiếm một mảnh đất tốt hơn để học và lao động. Cả ba nhóm ly hương này, theo cách hiểu nào đó đều là sự chảy máu dân tộc, chảy máu về mặt nhân tài lẫn tâm huyết con người, của những người thực sự mong muốn quốc gia giàu mạnh, bình đẳng, dân chủ và tự do hơn.
Khi một quan điểm chỉ trích cô Lê Thu Hà, hay hàng triệu những người bỏ ra đi nước ngoài hoặc bị áp dụng biện pháp trục xuất ra nước ngoài, có bao giờ quan điểm đó dừng lại 1 phút và tự vấn rằng: tại sao một quốc gia lại để tình trạng đó xảy ra?
Người Do Thái lưu lạc hàng ngàn năm trên địa cầu vì bị truy sát và kỳ thị, cuối cùng họ tụ họp lại trên mảnh đất cố quốc xưa và xây dựng nên quốc gia Isarel hùng mạnh như ngày hôm nay. Nhìn về Việt Nam, bạo lực – chiến tranh và chế độ làm ly tán hàng triệu lòng người, và hàng triệu người ở nước ngoài cũng mong muốn trở về xây dựng quê hương; hàng triệu người trong nước cũng bị ly tán vì không thuận tình với chế độ cũng mong muốn một ngày xây dựng quê hương giàu mạnh. Cả hai yếu tố này đều chờ đợi một phép màu, cái phép màu mà một ngày, một Nhà nước sẽ thừa nhận các giá trị nhân quyền, kinh tế, chính trị theo chuẩn của sự phát triển trên thế giới.
Quay lại với cô Lê Thu Hà, cô vẫn là một người con gái của dân tộc Việt, và dòng máu của cô cũng dành cho mảnh đất Quảng Trị đầy nắng và gió. Cái mảnh đất mà nó không được đẹp như ở Đức, nhưng mảnh đất đó nó chảy trong huyết quản của cô. Ý chí của cô là ý chí của hàng triệu người, nhưng cô và một bộ phận nhỏ mới đủ sự can đảm để biến ý chí đó thành hành động. Một quốc gia sẽ suy tàn nếu như bộ phận ‘nịnh bợ, và im lặng’ chiếm số đông, nói cách khác, cô Lê Thu Hà là một mầm sống của chính quốc gia dân tộc này.
Hãy tôn trọng cảm xúc của cô ấy, và hãy chia sẻ niềm đau ly hương của những người bị chế độ đẩy rời xa đất nước. Còn những quan điểm 'cợt nhã, cười cợt, châm trích', hãy để những con người ấy đối diện với tham nhũng, bạo lực, và sự bất an - để một ngày họ cũng sẽ hiểu được vì sao lại có Lê Thu Hà, và vì sao Lê Thu Hà lại trở về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét