Khoảng tháng Ba me bắt đầu trổ bông, bông me điểm vàng lấm tấm đầy cây, từng cánh bông me nhỏ như móng tay út lả tả rơi vàng hết mặt đường. Đầu mùa Hè, lá me vàng thi nhau bay bay trong gió, trên cây me cao vút đậu từng chùm, từng chùm trái sai oằn.
Me là loài cây không lạ với người miền Nam. Ở Sài Gòn có đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng đẹp với câu hát “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về.” Ðường Nguyễn Bỉnh Khiêm một đầu đi ra cầu Phan Thanh Giản (sau 1975 đổi lại là cầu Ðiện Biên Phủ), một đầu dẫn tới xưởng đóng tàu Ba Son. Ðây là con đường vắng vẻ với rất nhiều cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp. Những buổi trưa hè oi bức, ánh nắng gay gắt cũng chỉ đổ loáng thoáng trên mặt đường nhựa, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ trốn nóng tuyệt vời cho khách bộ hành.
Me là loài cây không lạ với người miền Nam. Ở Sài Gòn có đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng đẹp với câu hát “Con đường có lá me bay/ Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về.” Ðường Nguyễn Bỉnh Khiêm một đầu đi ra cầu Phan Thanh Giản (sau 1975 đổi lại là cầu Ðiện Biên Phủ), một đầu dẫn tới xưởng đóng tàu Ba Son. Ðây là con đường vắng vẻ với rất nhiều cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp. Những buổi trưa hè oi bức, ánh nắng gay gắt cũng chỉ đổ loáng thoáng trên mặt đường nhựa, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là chỗ trốn nóng tuyệt vời cho khách bộ hành.
Ở miền Tây, me càng phổ biến hơn. Bất cứ chỗ nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy cây me: Trong sân trước, sân sau, bên hông nhà, ngoài bờ ruộng, dọc theo bờ kênh, bờ sông, me được trồng hai hàng trên tất cả lối đi làng trên xóm dưới để lấy bóng mát. Cây me trước nhà ai thì nó của nhà đó. Có gia đình đất vườn rộng, họ trồng cả chục cây me ở trong vườn, trước nhà, sau nhà, đến mùa thu hoạch trái me cũng là dịp để họ bán được khá nhiều tiền. Trái me già người ta hái nguyên chùm đem ra chợ bán tươi. Nấu canh chua, luộc ăn rất ngon. Khi nấu canh chua bằng trái me già còn tươi, nước canh chua có màu trắng đục giống như ta nấu canh chua cơm mẻ, nhưng có mùi vị thơm ngon đặc trưng của me. Khi tôi còn nhỏ, nếu ngoại tôi mua me tươi nấu canh, thế nào tôi cũng được cho một trái me luộc, tuốt vỏ ra cầm ăn chơi, nó bột bột, bùi bùi, chua chua, ngọt ngọt. Hột me luộc và hột me sau khi giằm nồi canh xong bỏ ra, tôi ngồi tẩn mẩn lột hết lớp vỏ chát bao quanh hột me, lấy cái ruột hột me dẻo dẻo, dai dai ăn luôn. Trái me già chín hơn một chút, kêu là me dốt bột. Mẹ tôi lại thích mua loại này xẻ ra bỏ hột, khảy bỏ hết vỏ, quẹt với mắm ruốc có trộn ớt hiểm bằm nhỏ ăn ngon lành.
Me chín hơn nữa, thịt bên trong chuyển qua màu nâu đỏ. Chủ cây me mướn người móc hết xuống, tuốt vỏ, tuốt xơ, rồi cho tất cả vô cái cần xé tre lớn (trong cần xé đã lót sẵn trước một lớp nilon dày). Họ cho người leo vô cần xé đạp cho thịt me quến cục với nhau, một người đạp, một người đứng ngoài thỉnh thoảng rắc vô cần xé một ít muối bọt, để giữ cho me lâu hư. Tất nhiên là người đạp phải rửa chưn sạch, lau khô, mang ủng cao su sạch mới được vô cần xé đạp me. Sau đó, họ đóng me vô bao nilon dày, mỗi bao chừng 20 kg, rồi chở ra chợ bỏ mối cho các vựa rau củ quả. Các chủ vựa bán lại từng bao cho bạn hàng. Người bán lẻ mới phân ra cho vô bịch nilon, mỗi bịch nửa ký lô me, bán cho người tiêu thụ. Sản phẩm này người ta kêu là me chín nấu canh chua, giá bán rất rẻ. Mỗi bịch nhỏ như vậy nấu được ít nhứt bốn nồi canh chua lớn.
Xứ tôi bước chưn ra đường là thấy me, làng trên xóm dưới chỗ nào cũng me. Me thì năm nào cũng ra trái đặc nghẹt cây, nếu gom trái me chín lại thì nó nhiều như cái núi. Nhưng từ sau năm 1975 thì me chính xứ tôi cũng trở thành quý hiếm. Tôi không hiểu trái me đã “biến” đi đâu hết. Ðến me mà tôi thèm chảy nước miếng cũng không có mà ăn như trước nữa. Nhà tôi ở gần trường tiểu học. Bà Tám già chuyên bán đồ ăn vặt cho học trò thời đó tự “chế biến” ra đủ thứ rồi bưng qua ngồi cạnh cổng trường bán. Hai món bà Tám thường làm bán cho học trò nhứt là cơm khô ngào đường và me ngào đường.
Me ngào đường tức là me cục màu nâu đỏ dùng nấu canh chua tôi đã kể ở trên. Lâu lâu, bà Tám làm một ít đựng trong cái dĩa sâu, lòng đường kính cỡ một gang tay. Me ngâm nước cho tan ra, khuấy chín với một ít bột gạo, một ít bột năng cho bột dai dai và trong trong, đặc như hồ dán, thêm một ít đường mía vừa đủ độ ngọt. Me khuấy chín mới cho ra cái dĩa, trên rắc lấm tấm mè rang vàng để có mùi thơm. Me ngào bột với đường có màu nâu đỏ lợt hơn màu me cục. Bà Tám cắt sẵn một mớ lá chuối, mỗi miếng nhỏ cỡ hai ngón tay người lớn, và một mớ tăm xỉa răng. Tăm xỉa răng này chỉ những người tầm tuổi tôi trở lên và đã từng sống ở miền Nam mới biết. Nó được làm bằng gỗ mềm, dễ gãy, gần giống gỗ làm diêm quẹt, nhưng được gọt bằng máy cho ra từng cây nhỏ dài khoảng bốn phân, dẹp cỡ một ly, đầu lớn đầu nhỏ. Ðầu nhỏ dùng để xỉa răng, đầu lớn gọt tròn để cầm khi xỉa răng; hình dạng nó giống y như một cái mái chèo (chèo xuồng) nhỏ xíu. Bà Tám dùng cái muỗng cà phê nhỏ múc me ngào bán cho đám con nít tụi tôi. Mỗi lần ra chơi, đám học trò lớp Một, lớp Hai vây quanh bà Tám mua bán loi nhoi. Năm xu thì được bà múc cho một muỗng bột ngào vô miếng lá chuối, cắm vô đó một cái tăm. Cứ lấy đầu lớn cây tăm đó xúc từng tí bột ngào đường chua chua ngọt ngọt đó, cho vô miệng mà mút. Mười xu thì được múc cho hai muỗng bột, trong có một hay hai cái hột me. Hột me vẫn còn lớp vỏ bọc dai dai xung quanh nên nó thấm đường và bột, dùng cái tăm vét vét mút hết bột rồi thì ngậm cái hột me trong miệng có vị chua chua ngọt ngọt mút được lâu hơn. Có khi mút cả buổi mới chịu nhả hột me ra bỏ. Than ôi! Ðáng thương cho tụi con nít thời đó, chỉ bấy nhiêu thôi mà đâu phải lúc nào cũng có 5 xu, 10 xu để mua một chút xíu me ngào đường. Có nhiều hôm tôi chỉ có thể “dòm miệng” bạn bè mà thôi. Thỉnh thoảng cũng có đứa tử tế, nó vít cho tôi mút vài cái tăm là quý lắm rồi.
Sau này tôi mới biết, chút xíu me mà bà Tám ngào đường với bột bán cho bọn tôi lúc đó, chỉ bằng số me tôi nấu một nồi canh chua bốn người ăn mà thôi. Còn bột gạo, bột năng, mè trắng thì phải nói là “rẻ thúi” luôn. “Rẻ thúi” là cách nói của dân xứ tôi, tức là không thể rẻ hơn nữa. Ngay tại Little Sài Gòn Nam Cali tôi mua bột mỗi bịch $1/pound. Mè trắng $1/200gram. Me chín đóng gói của Thái Lan loại ngon mềm dẻo không hột $5/pound. Ðường cát trắng thì không phải nói, quá rẻ luôn. Ðây là giá bán ở Mỹ, chớ ở Việt Nam mấy thứ đó giá bằng một phần ba thôi hà. Bao nhiêu đó đủ để tôi làm một nồi me ngào đầy một thau lớn cỡ cái sink rửa chén đó.
Bây giờ, quý độc giả cũng có thể dễ dàng làm me ngào đường để ăn, cho thêm chút vani để có mùi thơm. Nếu ăn liền như kiểu tôi kể ở trên thì cho bột vô nhiều một chút. Nếu ngào để vô hũ cất trong tủ lạnh, lâu lâu đem ra pha với nước đá uống giải nhiệt thì cho một tí bột thôi, tăng đường, tăng me nhiều lên, vì khi uống ta pha thêm nước quậy cho tan rồi cho đá cục vô, đường ít quá không ngon.
Món ăn vặt của con nít, món uống giải nhiệt thông thường rẻ tiền và phổ biến ở miền Nam này, sau khi “được giải phóng” thì nhờ “ơn đảng, ơn bác”, dân miền Tây không có mà ăn. Thiệt là “ơn” lớn dễ sợ luôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét